Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các khóa I, II và III (từ 1946 đến khi tạ thế 1969). Tại các lần tiếp xúc cử tri và trong các kỳ họp Quốc hội (QH), theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Bác đã có gần 40 lần phát biểu. Cũng trong thời gian lãnh đạo đất nước, Bác đã trực tiếp chỉ đạo soạn thảo Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và 16 đạo luật cùng 613 sắc lệnh, trong đó có 243 sắc lệnh quy định về tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật. Đây là di sản lớn, là kho tư liệu vô cùng quý báu cho đất nước nói chung và cho QH nói riêng.
Đại biểu Quốc hội phải một lòng phục vụ nhân dân
Nghiên cứu những bài nói, bài viết của Bác khi Bác làm nhiệm vụ ĐBQH chúng ta cảm thấy xúc động, bồi hồi bởi những lời lẽ khiêm tốn, giản dị, ý tứ sâu sắc, rõ ràng, mạch lạc và đầy tính thực tiễn thu phục lòng người; cho đến tận bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, với ý nghĩa lớn lao, sống động thời cuộc. Bác đã để lại cho chúng ta hàng trăm, hàng ngàn bài học bổ ích và lý thú mà mỗi ĐBQH ngày nay đáng phải thuộc lòng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận phiếu bầu cử QH Khóa II, Hà Nội ngày 8.5.1960
Ngày 24.4.1960, tại Đại hội Nhân dân Thủ đô chào mừng các vị ứng cử ĐBQH Khóa II, Bác đã nói:
“Thưa đồng bào thân mến,
Sáng nay, một đồng chí cán bộ mời tôi đi “ra mắt cử tri”.
Tôi trả lời: Đã bao nhiêu năm lòng tôi luôn luôn ở cạnh đồng bào và tôi tin rằng lòng đồng bào cũng luôn luôn ở cạnh tôi. Xa lạ gì mà phải ra mắt?
Nói thế này mới đúng: Tôi đến đây để cảm ơn đồng bào đã nhất trí yêu cầu tôi và các vị khác ra ứng cử vào QH Khóa II ở Thủ đô yêu quý của chúng ta”(1). Tiếp đó, Bác đã tóm tắt hết sức cô đọng nhưng vô cùng sinh động kết quả hoạt động của QH Khóa I. Bác kết luận, “QH Khóa I là QH chiến đấu. QH đã đoàn kết nhân dân và giúp đỡ Chính phủ đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi vẻ vang.
QH Khóa II phải là QH xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Vì vậy, QH phải có những đại biểu thật xứng đáng, những đại biểu một lòng một dạ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phục vụ chủ nghĩa xã hội”(2).
Năm tháng qua đi nhưng lời dạy của Bác hoàn toàn có ý nghĩa với bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, cả trong quá khứ, cả hiện tại và tương lai. Nếu QH Khóa II cho đến QH Khóa V là QH xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thì từ QH Khóa VI đến nay và đặc biệt là QH các khóa XI, XII và XIII là những khóa QH của thời kỳ đầu thế kỷ XXI phải là QH xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Bởi vậy, lời dạy của Bác chính là lời chuyển giao nhiệm vụ nặng nề nhưng đầy vinh quang cho mỗi ĐBQH chúng ta. Hiện nay, khi mà các thế lực thù địch đang tấn công phá hoại sự nghiệp cách mạng của chúng ta trên mọi phương diện, đặc biệt thâm hiểm là chúng rắp tâm phá hoại nền tảng tư tưởng, lý tưởng, thì tính kiên định, trung thành, một lòng một dạ với Tổ quốc, với nhân dân lại trở thành tiêu chuẩn hàng đầu của ĐBQH. Nhân dân ta thấm nhuần tư tưởng của Bác nên cũng chỉ bầu những ứng cử viên nào xét thấy trước hết có được tiêu chuẩn đó và đủ các tiêu chuẩn khác làm người đại biểu cho mình. Cũng phải nói thêm rằng, phấn đấu để thực hiện cho được ý nguyện của Bác và đạt được tiêu chuẩn đã là một quá trình lâu dài, gian khổ, nhưng nếu bị lung lạc một giờ, tự buông xuôi một khắc trước kẻ địch hữu hình cũng như vô hình đều sẽ dẫn đến tổn thất to lớn, nặng nề. Do đó, son sắt, “một lòng một dạ” là lập trường kiên định như lời Bác dạy phải luôn luôn được khắc ghi trong tâm trí của mỗi người làm đại biểu nhân dân.
“Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”
Suốt 24 năm (1945 - 1969), là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, bao giờ Bác cũng chỉ đạo, sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.
Tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa I, trong phiên họp ngày 31.10.1946, sau khi được QH nhất trí giao trách nhiệm thành lập Chính phủ mới, Bác đã phát biểu, “Lần này là lần thứ hai QH giao phó cho tôi phụ trách Chính phủ một lần nữa... Bất kỳ QH ủy cho tôi hay cho ai cũng phải gắng mà làm. Tôi xin nhận”(3). Bác tuyên bố, “Tuy trong quyết nghị không nói đến, không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước QH, trước quốc dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ liêm khiết”(4). Trước đó, ngày 27.11.1945, Bác đã ký Sắc lệnh ấn định hình phạt tội đưa và nhận hối lộ sẽ bị phạt từ 5 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt số tiền gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 16.1.1946, Bác ký tiếp “Quốc lệnh” khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Bác dạy rằng, pháp luật của ta “phải thẳng tay trừng trị kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(5). Bác giải thích, phải nghiêm trị như thế vì: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm. Vì nó không mang gươm, mang súng, nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta”(6). Và như chúng ta đã biết, từ khi tuyên bố đến lúc đi xa, Bác đã lãnh đạo Đảng ta, nhân dân ta và quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện hết sức nghiêm túc, có hiệu quả cao công cuộc chống tham nhũng, quan liêu.
Hiện nay, tham nhũng, quan liêu như một căn bệnh tái phát nặng nề hơn, nghiêm trọng hơn và đã thành quốc nạn. Kẻ tham nhũng vừa trắng trợn, vừa ranh ma, vừa tinh quái hơn. Cuộc chiến chống tham nhũng cũng phức tạp hơn, khó khăn hơn bội phần. Đảng ta đã coi tham nhũng là một trong bốn nguy cơ lớn liên quan đến vận mệnh đất nước vì thế phải loại trừ, tận diệt. Trong đại bộ phận các cuộc tiếp xúc với ĐBQH, cử tri cả nước đều rất bức xúc và nêu yêu cầu rất cao với QH là phải chống quyết liệt, triệt để; phải thu hồi cho được tài sản; phải đưa ra ánh sáng công luận và xử lý thích đáng những kẻ tham nhũng, bất kể đó là ông to, bà lớn nào. ĐBQH các khóa trước với mức độ nhất định đã có đóng góp vào kết quả bước đầu của cuộc chiến đầy gian truân, nóng bỏng và quyết liệt này. QH hiện nay và các khóa tới chắc chắn với lòng nhiệt huyết, mưu trí, dũng cảm phải tiếp tục chiến đấu đạt kết quả cao hơn để tiến đến thực hiện trọn vẹn lời Bác dạy, “Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết”(7).
Chấn chỉnh lề lối làm việc
Lề lối làm việc khoa học, giấy tờ gọn nhẹ và hợp lý là yêu cầu được Bác đặt ra ngay từ khi Nhà nước ta còn non trẻ. Bác đã phê bình rất thẳng thắn nạn giấy tờ, tình trạng làm việc luộm thuộm, thiếu tính khoa học ở nhiều cơ quan nhà nước. Bác nói, “Từ các Bộ ở trung ương đến cơ quan các xã, nạn giấy tờ rất nặng, làm hại rất nhiều. Như: Bộ Nội vụ: Một bản thông tư (biên chế) dài 26 trang; một biên bản (hội nghị củng cố xã) dài hơn 100 trang; v.v...
Bộ Tài chính: Riêng Vụ ngân sách, một tháng đòi hỏi hơn 10 báo cáo, có báo cáo hơn 10 trang; bản thống kê dài 53 cột; ...
Bộ Canh nông: Là một Bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên chúng tôi có nhiều thí dụ hơn:
- Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công văn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó có nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm năm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột.
- Quá chậm trễ: Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký lâu rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ...
- Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi QH xem không được, phải gửi trả lại...”(8).
Qua một vài sự kiện lịch sử, có lẽ tất cả chúng ta đều có chung cảm nhận sự việc như đang diễn ra ngay lúc này. Hầu như Bác biết chi tiết, tường tận, thấu đáo cung cách điều hành, xử lý công việc ở từng cơ quan trong bộ máy Chính phủ; trong khi lãnh đạo các cơ quan đó không chắc có biết tình trạng công việc của cơ quan mình.
Bây giờ sửa đổi lề lối làm việc, chống nạn giấy tờ thuộc lĩnh vực cải cách hành chính đang được toàn xã hội quan tâm. Mặc dù Chính phủ đã quyết định loại bỏ hàng trăm loại giấy tờ không cần thiết nhưng ở nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, bà con, cô bác vẫn phản ánh khá nhiều tình trạng giấy tờ rườm rà và phiền toái như, thủ tục đăng ký thi cử; thủ tục vay các loại vốn sản xuất - kinh doanh; thủ tục sang nhượng, mua bán quyền sử dụng đất; thủ tục để được cấp “bìa đỏ”; thủ tục chuyển, nhập hộ khẩu... Điều đáng quan tâm là, nhiều giấy tờ nhưng lại không mấy chặt chẽ. Từ năm 1998, Chính phủ đã coi cải cách hành chính là khâu đột phá và cải cách thủ tục là khâu đột phá đầu tiên, song tới nay kết quả mới chỉ là bước khởi đầu. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả của cải cách hành chính nói chung, giảm bớt giấy tờ nói riêng, các ĐBQH, đặc biệt đại biểu là lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải triệt để thực hiện biện pháp Bác đã chỉ đạo, “... phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế”(9). Người lãnh đạo nói riêng, cán bộ trong bộ máy công quyền nói chung phải sống cuộc sống của dân, phải bức xúc những điều bức xúc của dân, phải trăn trở những điều mà nhân dân trăn trở để rồi xử lý công việc đúng với tính chất là công bộc của dân./.
____________
* Nguyên Ủy viên UBTVQH, nguyên Chủ nhiệm VPQH.
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T. 10, tr, 129,130.
(3), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T4, tr. 427.
(5) Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Bộ Tư pháp, 1993, tr, 214.
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T4, tr, 104.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T4, tr. 213.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T. 7, tr. 263.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, T. 7, tr. 264.
TS. BÙI NGỌC THANH*
Đặng Tuyết (st)