Bác Hồ làm việc tại lán Nà Lừa
Hồi ký “Lớn lên trong sự chăm sóc giáo dục của Bác Hồ”
(Đồng chí Trường Minh kể)
… Lần đầu tiên tôi được biết Bác Hồ, vào khoảng tháng 5 - 1945.
Hồi ấy, đồng chí Quang Trung giới thiệu tôi, anh Giáp người cùng xã và nhiều anh em khác đến học tại Trường Quân chính kháng Nhật khóa thứ nhất ở Tân Trào (Tuyên Quang). Trong khóa này, có nhiều thanh niên như tôi. Họ từ các tỉnh miền núi, đồng bằng, trong đó có cả học sinh và sinh viên ở Hà Nội bỏ trường, về đây học. Anh em được giác ngộ cách mạng sớm nên rất sôi nổi, hăng hái. Trong khi chờ đợi phiên chế vào trường lớp, chúng tôi ở nhà đồng bào, sáng nào cũng gọi nhau dậy thật sớm để ra bãi tập. Người súng kíp, người súng khai hậu được phát hoặc mang đi, nhưng ai nấy đều say mê luyện tập, lòng chỉ mong chóng đến ngày mãn khóa để được Nam tiến đánh Nhật, giải phóng đất nước.
Vào những buổi sáng như thế, thường thường chúng tôi thấy một Ông Cụ đứng cạnh bãi, chăm chú xem chúng tôi luyện tập. Ông Cụ chừng ngoài năm mươi tuổi, mặc bộ quần áo chàm kiểu người Nùng, khuy vải cài ngang áo. Ông Cụ có cặp mắt sáng và chòm râu đen hiền từ, tay cầm cái gậy trúc vàng óng.
Thấy có người xem, anh em chúng tôi tập tành càng hăng. Tuổi trẻ anh nào cũng muốn tỏ rõ tài sức.
Một buổi sáng, tôi tập ngay cạnh chỗ Ông Cụ đứng. Nhân lúc nghỉ, lòng đầy tự hào, tôi quay sang nhìn Cụ. Tôi hỏi:
- Cụ ơi! Cụ thấy chúng cháu tập có giỏi không?
Nghe tôi hỏi, Ông Cụ mỉm cười:
- Các chú tập khá đấy. Nhưng đánh Nhật, đánh Tây còn phải tập luyện gian khổ. Các chú đã cố gắng, còn phải cố gắng nhiều hơn nữa thì mới được.
Tôi giật mình, nghĩ bụng: Không hiểu Ông Cụ là người thế nào mà nói đúng thế?
Nỗi thắc mắc ấy phảng phất trong trí óc tôi. Ít lâu sau, chúng tôi được phiên chế vào Trường Quân chính. Tôi được phân công học khoa vô tuyến điện. Khoa tôi học ở gần một căn nhà nhỏ. Ở đây hàng ngày tôi cũng thấy một Ông Cụ giản dị, làm việc cần cù nhưng vẫn chưa rõ mặt. Tôi hỏi đồng chí Quang Trung:
- Ông Cụ nào đấy đồng chí?
Đồng chí Quang Trung không trả lời vào câu hỏi của tôi, chỉ cười và nói: “Rồi đồng chí sẽ biết!”.
Bỗng nhiên, một buổi chiều đồng chí Quang Trung gọi tôi ra nương rỉ tai:
- Tôi nói điều này, cậu phải bí mật nhé. Ông Cụ ở căn nhà nhỏ cậu hỏi hôm nọ cũng chính là Ông Cụ đã xem các cậu tập ở bãi hôm nào, là đồng chí Nguyễn Ái Quốc đấy.
Tôi bàng hoàng cả người. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc à? Vị Lãnh tụ vĩ đại của Đảng, của dân tộc ta lại chính là Ông Cụ đã dạy tôi một bài học đạo đức cách mạng ở bãi tập hôm nào. Tôi chưa được gặp Người, nhưng tên tuổi Người từ lâu tôi đã biết, tôi đã được nghe nhiều đồng chí cấp trên ca ngợi. Tôi đã được đọc lời kêu gọi của Người năm 1941.
Lần đầu tiên được biết Bác cũng là lần tôi không bao giờ quên. Từ đó trở đi, lời dạy của Bác luôn in sâu vào tâm trí tôi…
Hồi ký “Ở Tân trào với Bác”
(Đồng chí Đàm Quang Trung kể)
Ở Tân Trào, Bác cũng ở trong cái lán dựng trước cửa một cái hang. Với chiếc máy chữ nhỏ đặt trên cái bàn nứa trong lán. Bác làm việc ở đó, và ăn ngủ cũng ở đó.
Bác bận rộn suốt ngày. Các đồng chí trong Trung ương thường xuyên đến họp bàn, xin ý kiến, nhận chỉ thị của Bác. Các đoàn thể, đồng bào địa phương cũng thường lui tới thăm hỏi Bác.
Bác đi tới đâu cũng chiếm được tình cảm của đồng bào. Chỉ một thời gian ngắn ở Tân Trào mà từ cụ già đến em nhỏ ai cũng hết sức kính trọng, thương yêu Bác như chính người ruột thịt của mình. Đồng bào gọi Bác là Ông Ké Nùng, Ông Ké Tày. Có chút thịt rừng săn bắn được, hay ngọn măng, con cá, mớ rau đồng bào cũng đem đến biếu Bác. Thường thì Bác chỉ cảm ơn chứ không nhận. Bác không bao giờ làm phiền đồng bào. Đôi khi quá nể phải nhận thì Bác bảo nhà bếp nấu lên. Bác cháu cùng chia ngọt sẻ bùi.
Sinh hoạt quá kham khổ, Bác lại có tuổi mà còn phải làm việc quá nhiều, sức khỏe sút kém lên thỉnh thoảng Bác bị sốt. Lần ấy Bác sốt cao, kéo dài. Chúng tôi rất lo lắng. Thuốc men cũng không đủ. Bác sốt vậy mà vẫn cứ làm việc không chịu ngủ.
Tôi ở cái lán bên cạnh lán của Bác. Đêm ấy, thấy Bác vẫn thức làm việc đến tận khuya mà cơn sốt vẫn chưa dứt, tôi đánh liều bước vào thưa:
- Thưa Bác đã khuya rồi Bác lại đang sốt, xin Bác đi nghỉ.
Bác nhìn tôi âu yếm:
- Đến phiên chú gác à? Bác sợ sốt mà nằm là nó lấn tới. Phải hoạt động, làm việc, vã được mồ hôi ra sẽ nhẹ người, rất tốt.
Thế là Bác lại tiếp tục làm việc. Tôi nghĩ mà thương quá. Người Bác gầy đi nhiều. Chòm râu, mái tóc đã thêm nhiều sợi bạc. Bác cặm cụi bên ngọn đèn, lúc quá mệt, Người bước ra vươn vai, hít thở khí trời, đi lại xem anh em chúng tôi ngủ có ngon, canh gác có nghiêm, chặt không. Bác giắt lại màn, vén lại chăn cho từng người, rồi lại tiếp tục làm việc.
Bao giờ cũng vậy, chỉ đến khi con chim từ quy đã kêu quá nửa vòng núi, tức đã gần sáng, Bác mới đi ngủ.
Người dân miền núi cứ nghe khoảng cách của hai tiếng chim kêu để đoán biết thời gian trong đêm.
Lúc Bác đi nghỉ thì thường thường khoảng cách giữa hai tiếng chim đã gần quá rồi.
Hôm sau, tôi báo cáo với các đồng chí cấp trên, bàn phải tìm thầy lang. Ở bản bên cạnh, có một bà lang có tiếng, chúng tôi mời bà đến thăm bệnh cho Bác. Bác không phản đối nhưng Bác cũng không nói gì.
Sau khi thăm bệnh nhân, bà lang đã bảo tôi đi tìm mấy thứ lá cây theo chỉ dẫn của bà đem về. Các loại lá được đun sôi để Bác xông. Nhưng trước khi xông bà lang dùng cành lá quay chung quanh như phù phép. Bác vẫn ngồi điềm nhiên. Tôi không dám cười. Tôi cứ nghĩ một người cộng sản như Bác làm sao lại có thể tin vào cái trò phù phép ấy. Nhưng sao Bác lại cứ để yên cho bà lang làm như thế, mà không thấy trên nét mặt Bác tỏ ra một thái độ gì.
Cuối cùng bà lang đã bảo Bác vào xông và sau đó uống thuốc nam.
Đúng là xông xong, Bác thấy người nhẹ nhõm, thoải mái hơn. Bác lại tiếp tục công việc. Mãi đến giờ nghỉ chiều, hai Bác cháu ra bờ suối tưới rau, tôi mới dám hỏi Bác chuyện ấy:
- Thưa Bác, bà lang làm phép như vậy có thể tin không ạ?
Bác cười:
- Bác biết bà lang là người biết cách chữa bệnh bằng cả phương pháp tâm lý nữa. Mình không lên làm phật ý người ta. Vận động, tuyên truyền đồng bào trừ mê tín là việc lâu dài, phải kiên trì, không được nôn nóng.
Nghe lời Bác dạy, tôi mới hiểu thêm bài học về cách cư xử của Bác với đồng bào địa phương, cách thức tuyên truyền vận động quần chúng của Bác. Tôi tự rút ra cho mình một bài học trong quan hệ với nhân dân.
Sau khi Nhật - Pháp bắn nhau, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa ở chiến khu rất khẩn trương, sôi nổi.
Một hôm anh bảo vệ và đồng bào phát hiện có một đoàn đông tới 50 người, có vũ khí đang đi về hướng Tân Trào. Cảnh vệ chặn lại thì họ nói rằng họ xin vào căn cứ gặp Lãnh tụ của ta để xin hợp tác chống Nhật.
Anh em thưa với Bác. Bác biết ngay đám người đó chỉ là bọn thổ phỉ, tay chân của Nhật. Chúng giả danh chống Nhật, kiếm cớ nói hợp tác với ta, xong thực chất họ đi tìm căn cứ của ta, mưu toan lọt vào làm nội ứng để phối hợp với kẻ thù tiêu diệt cơ quan đầu não của ta.
Bác chỉ thị cho anh Văn phải tiêu diệt gọn bọn này không cho một tên nào thoát.
Bác dặn anh Văn không để cho họ biết ý định của ta. Bề ngoài tỏ ra hoan nghênh sự hợp tác của họ và muốn đánh Nhật thì yêu cầu họ hành quân gấp sang Thái Nguyên, ta đang đánh bọn hiến binh Nhật, ở đó rất cần sự phối hợp chi viện của họ.
Không thể từ chối vì sợ lộ bộ mặt phản động lên bọn chúng phải nhận.
Cách của Bác là: Ngay lập tức cho họ qua đèo Lục Giã sang Thái Nguyên, ta phục kích sẵn để tiêu diệt gọn.
Anh Văn định giao nhiệm vụ cho tôi chỉ huy đánh trận này, nhưng rất rủi là tôi bị cơn sốt kéo đến nằm run bần bật. Thế là đích thân anh Văn trực tiếp chỉ huy đưa một bộ phận đi phục kích. Tuy bị sốt nằm nhà nhưng tôi sốt ruột vô cùng, chỉ muốn được phối hợp. Lúc sau nghe tiếng súng nổ, biết là quân ta đã đánh rồi tôi hồi hộp lắng nghe tiếng súng từ đèo vọng về, đến nửa tiếng đồng hồ rồi mà chưa dứt. Sao lại thế? Chả nhẽ trận đánh lại không thuận lợi. Anh Văn trực tiếp chỉ huy thì còn gì phải lo gì nữa. Từ ngày thành lập “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”, đây là trận đánh thứ tư sau Nà Ngần, Phay Khắt, Đồng Mu.
Ruột gan tôi cứ như lửa cháy. Tôi định xin phép Bác đi chi viện, thì vừa lúc ấy được tin báo có 5 tên đang chạy về phía căn cứ. Tôi cùng với hai đồng chí nữa chạy ra đón đường. Chúng vẫn không biết là chính chúng đã bị ta trừng trị.
Tôi và hai chiến sĩ giả vờ như đón hỏi. Khi cả 5 tên chìa tay định bắt tay chúng tôi liền chĩa súng vào ngực chúng và ra lệnh:
- Giơ tay lên!
Đồng bào cũng đã xông lại. Thế là ta tạm tóm gọn 5 tên này, thu vũ khí.
Cùng lúc đó, liên lạc về báo tin ta diệt tại trận 43 tên.
Năm tên chạy ngược trở lại đây đã bị bắt sống, còn hai tên chạy sang Thái Nguyên cũng bị diệt nốt. Vậy là không đứa nào thoát, chúng tôi đã thực hiện tốt mệnh lệnh của Bác.
Qua việc này chúng tôi càng khâm phục sự phán đoán nhanh nhạy, cách xử sự tài tình, tinh tế, kiên quyết của Bác, làm cho kẻ thù thâm độc, xảo quyệt sa vào cái bẫy của chính chúng giăng ra.
Những ngày sau đó chúng tôi được lệnh Bác giao chuẩn bị đón 5 nhân viên tình báo Mỹ nhảy dù xuống căn cứ. Tôi lại được Bác giao nhiệm vụ đón 5 người này. Chúng tôi đốt lửa lấy khói làm hiệu cho máy bay biết mục tiêu. Khi họ nhảy dù xuống, chúng tôi tập họp bộ đội hoan hô họ. Họ rất cảm động trước việc làm đó của ta.
Sau khi tiếp nhận 5 nhân viên tình báo quân sự Mỹ này, họ đều được Bác giao nhiệm vụ.
Bác đã chỉ thị thành lập Đại đội Việt - Mỹ và chỉ định tôi làm Đại đội trưởng. Một nhân viên tình báo quân sự Mỹ mang hàm Thiếu tá tên là Tômát làm Tham mưu trưởng Đại đội.
Lúc ấy tôi còn nhớ là tôi rất tự hào. Tôi thưa với Bác là nếu Thiếu tá làm Tham mưu trưởng, thì Đại đội trưởng gọi là cấp gì. Nào ngờ nét mặt Bác nghiêm lại, Bác bảo:
Bác Hồ và Biệt đội Con Nai.
- Chú phải lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, dù tá hay tướng đã là một chiến sĩ cách mạng cũng đều phải lo phục vụ nhân dân cho thật tốt đã.
Từ bấy đến nay tôi luôn đinh ninh lời dạy ấy.
Một hôm, Bác gọi tôi đến, sau khi chỉ thị công việc, Người hỏi:
- Chú đã có chăn màn chưa?
- Thưa Bác cháu đã có cái chăn chiên, còn màn thì chưa có.
Bác đứng dậy lấy chiếc màn cá nhân màu xanh và chiếc đồng hồ quả quýt đưa cho tôi.
Bác tặng để chú dùng. Phải giữ gìn cho tốt. Có màn chống muỗi bảo vệ sức khỏe mới chỉ huy Đại đội được. Còn cái đồng hồ để chú biết giờ giấc. Trong quân sự, kỷ luật phải nghiêm, hiệp đồng phải chặt chẽ đến từng giây mới có thể đánh thắng được. Bây giờ chú là Đại đội trưởng sau này các chú trở thành những chỉ huy cao hơn, vì vậy phải rèn luyện từ bây giờ.
Tôi rưng rưng cảm động. Người đã lo lắng đến những việc nhỏ như lo cho đứa con của mình.
Tôi ôm chiếc màn về nhà, gìn giữ như một báu vật. Tôi khâu một chiếc túi nhỏ bỏ đồng hồ vào và luôn giữ ở túi ngực.
Để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa, lực lượng của ta phát triển rất nhanh chóng. Đại đội Việt - Mỹ của tôi đã có bốn trung đội.
Đơn vị đang huấn luyện sử dụng các loại vũ khí của Mỹ mới đưa về cho Tômát chỉ dẫn.
Không có phiên dịch, nên việc huấn luyện của Thiếu tá Tômát rất khó khăn, tôi liền trực tiếp hướng dẫn cho bộ đội cách sử dụng, tháo lắp. Tôi vừa giảng vừa thực hành hết loại súng này đến loại súng khác.
Tômát ngạc nhiên không hiểu vì sao vũ khí Mỹ mới thả xuống mà Đại đội trưởng đã sử dụng thành thạo, am hiểu tường tận như vậy.
Tôi không giải thích cho Tômát điều đó. Đến lúc này tôi càng thấm thía sâu sắc trước cách nhìn xa, nghĩ sâu về mọi vấn đề của Bác. Chính Bác đã chỉ thị cho tôi ở lại học thêm các loại vũ khí ấy sau khi học xong khóa quân sự ở Hoàng Phố…
Người tiêm thuốc cứu Bác Hồ trong cơn nguy kịch - Nguyễn Việt Cường kể
Ông Nguyễn Việt Cường tên thật là Nguyễn Đức Kính, sinh năm 1925, ở làng Khau Chủ, xã Đông Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Còn cái tên Nguyễn Việt Cường là của anh Khang tức Đại tướng Hoàng Văn Thái đặt cho đấy. Tôi được anh Thái đặt cho là Việt Cường ý nói đất Việt lớn mạnh.Tôi được ở bên cạnh anh Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) tại nhà ông Hoàng Trung Dân bản Tân Trào. Trước đấy, là một trí thức người Tày, tôi từng được đưa về Hải Dương học trường trung cấp y tá, sau Nhật đảo chính thì về quê và theo cách mạng. Trước khi về Tân Trào, tôi gặp một người lính làm việc cho sở Đoan của Pháp nhưng có tư tưởng yêu nước muốn theo Việt Minh và là người quen, xin được cái máy chữ và ít bơm tiêm mang theo. Hành trang về Tân Trào có hai thứ quan trọng. Điều đáng nói nhất là sau này tôi đã dùng hai thứ ấy để làm hai việc lớn nhất - hai “sự kiện” khó khăn nhất, ấn tượng nhất trong đời hoạt động của tôi là hai việc làm mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn... run.
Tôi nhớ như in đang buổi chiều ngày 15-7-1945, anh Văn từ lán Nà Lừa về bảo tôi: “Cường mang theo thuốc men và theo mình lên chỗ “Ông Cụ” để kịp cứu Cụ. Là một thanh niên theo các anh đi làm cách mạng, tôi chưa biết “Ông Cụ” là ai, chỉ biết đó là một Cụ già gầy yếu đang trong cơn nguy kịch. Mạch đuối lắm, mắt Cụ trông rất mệt mỏi... Tình thế ấy khiến anh Văn bối rối vô cùng. Tôi không còn cách nào khác là muốn cứu người mà theo linh cảm đây là một người quan trọng, có lẽ là cấp... phó của anh Văn.
Theo nguyên tắc, y tá không được tự tiện chữa bệnh, nhưng lúc này tôi phải tuân thủ mệnh lệnh của anh Văn, tôi lấy ống kim tiêm, chích cho “Ông Cụ” một mũi thuốc long não trợ lực. Vài phút sau thấy “Ông Cụ” cử động được. Hai anh em mừng quá, nhưng vẫn chưa hết lo. Rồi mươi phút sau thấy Ông Cụ mở mắt nhìn anh Văn. Vừa thấy anh Văn, Ông Cụ hình như sợ lỡ mất việc gì quan trọng nên dặn luôn ba ý. Theo tôi, đó là một chỉ đạo có tính chiến lược. Giữa rừng xanh núi thẳm như vậy, sau trận sốt thập tử nhất sinh mà Ông Cụ vẫn vô cùng sáng suốt. Trong những điều Ông Cụ dặn anh Văn, tôi thấy có câu nói mà sau này đã thành bất hủ: “Dù có đốt hết dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được tự do độc lập”... Thấy lời dặn dò của Ông Cụ quan trọng quá, tôi tự giác ra ngoài để hai người tiếp tục câu chuyện hệ trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Đến lúc ấy tôi vẫn chưa biết Ông Cụ là ai chỉ biết chắc chắn là người ấy phải “to“ hơn anh Văn rất nhiều, mới có việc dặn dò quan trọng thế.
Sáng hôm sau lên lán Nà Lừa tôi đã thấy Ông Cụ dậy ngồi đánh máy chữ rất sớm. Dáng cụ tiều tụy vì sốt rét, da cụ xanh xao... Tôi lễ phép:
- “Thưa Cụ, anh Văn bảo tôi lên tiêm thuốc cho Cụ...”.
Ông Cụ quay lại nhìn tôi rất nghiêm:
- Hôm qua chú tiêm thuốc gì cho tôi mà “độc” thế? Tôi hốt hoảng: “Thưa Cụ chỉ là thuốc cảm thôi ạ”!
- Tiêm vào đâu? “Dạ tiêm vào đùi ạ!” - Sao tôi thấy đau trên đầu. “Dạ chỉ là tinh dầu thôi ạ. Chắc cụ thiếu máu nên mới đau đầu...”.
- Thế thì chú tiêm tiếp đi.
Lúc tôi đang ngồi luộc kim tiêm dưới lán thì Ông Cụ xuống ngồi cạnh: Chú con ai mà biết tiêm?
- Dạ cháu học Trường Y tá thực hành Bắc Kỳ rồi ạ. Khi về quê thì đồng chí Khang gọi đi Việt Minh đấy ạ!
Cụ dặn tôi:
“Làm cách mạng phải gian khổ. Phải học tập mới làm được”.
Ngày thứ hai tôi tiêm cho Ông Cụ một ống ký ninh chống sốt rét. Đến ngày thứ ba lên tiêm thì Cụ bảo: “Thôi tôi khỏi rồi đừng tiêm nữa”. Tôi chạy về báo cáo anh Văn, lát sau anh bảo: “Đi với tôi” rồi dẫn tôi lên lại lán. Tôi thấy anh Văn bước lại ngồi cạnh Ông Cụ, nói: “Thưa anh! Tình hình rất khẩn trương. Anh lại bị sốt như thế, nên tiêm thêm mấy mũi nữa mới khỏi...” - “Thế thì chú tiêm đi” - Ông Cụ nói./.
Đức Hiếu (Tổng hợp)