Thứ hai, 16/12/2024

Trong kháng chiến và khi đã giành độc lập, Hồ Chủ tịch luôn tâm niệm, cách mạng phải mang đến hạnh phúc cho người dân. Để dân đói, dân dốt, dân bệnh là Đảng và Chính phủ có lỗi - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - PGS Nguyễn Trọng Phúc chia sẻ với VnExpress.

- Trong tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh nhìn nhận vai trò của người dân như thế nào?

- Ngay khi tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm được con đường đấu tranh cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu rằng "Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi, đó là tất cả". Như vậy, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là vì nước, vì dân.

Năm 1927, chuẩn bị thành lập Đảng, trong cuốn Đường Kách mệnh, Bác xác định kách mệnh là sự nghiệp chung của dân chúng chứ không phải của một, hai người nên phải tập hợp mọi lực lượng. "Kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người, thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc". Đến lúc này, tư tưởng của Bác là cách mạng phải mang đến hạnh phúc cho nhân dân.

pgs-nguyen-trong-phuc
PGS Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: H.T.

Khi thành lập Đảng năm 1930, trong cương lĩnh đầu tiên Bác đã nói rõ vai trò của quần chúng là "công nhân, nông dân, nhà buôn… tất cả đều đứng trong hàng ngũ cách mạng". Bác đã lôi kéo cả tư sản vừa, tư sản nhỏ đi theo cách mạng. Như vậy cách mạng là sự nghiệp chung của tất cả giai cấp, của bất kỳ ai có lòng yêu nước.

Năm 1941 về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Cao Bằng, câu đầu tiên Bác trả lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi hỏi "sự nghiệp này bắt đầu từ đâu", là "bắt đầu từ dân, có dân thì sẽ có súng, có dân thì sẽ có tất cả". Từ tư tưởng này, Mặt trận Việt Minh được thành lập thực hiện đường lối cứu nước của Đảng và của Bác...

Sau này, trong lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến và sự nghiệp xây dựng kiến quốc, Bác cũng khẳng định độc lập của Tổ quốc phải gắn bó mật thiết với ấm no của đồng bào. "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì".

Như vậy có thể thấy rằng xuyên suốt cuộc đời, cả trong kháng chiến và khi đã giành được độc lập, Người đều hướng tới con người, hướng tới nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tổng kết rằng "Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ con người và kết thúc cũng là vì con người".

- Theo ông, quan điểm do dân, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các thế hệ lãnh đạo sau kế tục ra sao?

- Cương lĩnh Đại hội XI nêu 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó hai đặc trưng đầu hướng tới dân, đó là xã hội chủ nghĩa hướng tới dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh… Đặc trưng thứ hai là xã hội do nhân dân làm chủ. Bên cạnh những mục tiêu rõ ràng phải phấn đấu thì so với trước đổi mới, đời sống của nhân dân đã thay đổi rất nhiều.

Đảng cũng vận dụng tư tưởng của Bác là đẩy mạnh công tác dân vận, vận động quần chúng. Dân vận khéo thì mọi việc thành công, dân vận kém thì việc gì cũng không thành công. Một nguyên tắc trong xây dựng Đảng và được ghi vào điều 4 Hiến pháp là: Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Nếu để dân đói, dân dốt, dân bệnh là Đảng và Chính phủ có lỗi.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng nhiều bộ phận dân cư còn khó khăn, tình trạng đói nghèo khoảng 7%. Sự phân hoá giàu nghèo còn khá nặng. Nhà nước phải thu hẹp được khoảng cách này, thúc đẩy dân cư thoát nghèo bền vững.

Lãnh đạo và quản lý phát triển đất nước còn tình trạng quan liêu, tham nhũng của một bộ phận gây mất niềm tin của nhân dân. Nghị quyết Trung ương 4 đã thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm thì Đảng phải thẳng thắn khắc phục để lấy lại niềm tin.

- Có thể học tập được gì ở Hồ Chí Minh trong công tác đối ngoại, nhất là giữa bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay?

Bác luôn nêu cao ý chí độc lập thống nhất quốc gia. Ý chí ấy được đảm bảo bằng thực lực cách mạng. Bác khẳng định "Ta phải mạnh thực sự, ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Nếu ta yếu thì chỉ là khí cụ trong tay kẻ khác dù kẻ ấy là đồng minh của ta".

Ngoài ra, muốn ngoại giao thành công thì phải nêu cao ngọn cờ hoà bình hữu nghị, thân thiện với các nước. Trước đây Bác chủ trương Hoa - Việt thân thiện khi Tưởng Giới Thạch kéo quân vào Việt Nam. Năm 1946, khi gửi thư cho Mỹ, Bác cũng viết "chúng tôi hợp tác toàn diện với Mỹ". Năm 1949, Người trả lời phỏng vấn "Việt Nam là bạn của tất cả các nước, không gây thù oán với ai".

Suốt cuộc đời Bác luôn tranh thủ, chỉ khi không còn chịu được thì mới đấu tranh, như năm 1946 Bác nói “chúng ta muốn hoà bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới”. Với Mỹ sau này, khi chính quyền Sài Gòn cự tuyệt tổng tuyển cử thì mới phải đấu tranh.

- Các địa phương, ban ngành đang tổ chức Đại hội Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng họp đưa ra tiêu chí lựa chọn nhân sự khóa XII. Theo ông, tư tưởng nào của Hồ Chí Minh có thể áp dụng vào công tác cán bộ?

- Công tác cán bộ được Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng. Bác đưa ra những chuẩn mực và kết luận cán bộ là gốc của mọi việc, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng. Và cán bộ không phải để làm quan phát tài, không phải làm quan cách mạng, mà làm cán bộ để phụng sự tổ quốc, nhân dân, phụng sự nhân loại. Đạo đức cách mạng phải được coi là nội dung trong xây dựng Đảng, vì đạo đức là gốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nói mà còn trực tiếp làm công tác cán bộ. Đầu tiên, Người huấn luyện 75 cán bộ ở Quảng Châu, sau này đều trở thành cán bộ chủ chốt. Người cũng đào tạo cán bộ từ nhỏ, đó là 7 thiếu niên trong đó có Lý Tự Trọng... Bằng công tác đào tạo, Bác đã có những học trò, cộng sự tin cậy bên cạnh, hoàn toàn yên tâm khi chuyển giao công việc.

Bác không chỉ đào tạo cán bộ trong Đảng mà còn chú ý sử dụng cán bộ ở ngoài Đảng, đặc biệt là sử dụng tri thức, nhân tài. Rất nhiều tri thức ở chính quyền cũ đã làm việc cho nhà nước. Năm 1946, khi đi Pháp, Người mời được nhiều trí thức về giúp đất nước như Trần Đại Nghĩa, Võ Duy Huân. Cụ Lương Định Của cũng từ Nhật về giúp Bác. Đó là bài học lớn về sử dụng con người.

Năm 1927, Đường Kách mệnh đã có 23 điều về tư cách của người cách mạng, đó là cần kiệm, giữ chủ nghĩa cho vững, dũng cảm, nói thì phải làm, ít lòng tham muốn vật chất. Năm 1947, khi Đảng cầm quyền thì Bác nói 12 điều tư cách của một Đảng kách mệnh, đưa ra khỏi hàng ngũ của mình những người hủ hoá, tha hoá về đạo đức.

Bác rất chú ý nâng cao trình độ trí tuệ cán bộ, hiểu biết lý luận, phương pháp luận khoa học, nhưng đồng thời đòi hỏi cán bộ lãnh đạo tầm tri thức lớn, phải học suốt đời. Theo Bác, cán bộ lãnh đạo mà trí tuệ thấp thì không thể lãnh đạo, vì vậy phải khắc phục bệnh lười học tập, lười suy nghĩ, tự thoả mãn, bằng lòng với bằng cấp. Tuy nhiên, nếu chỉ có trí tuệ cao thôi thì không được, cán bộ nói phải đi đôi với làm. Các thế hệ học trò của Bác rất giỏi, dù sách vở chưa đọc được nhiều, nhưng khi đi đến quyết định tạo nên thành quả, thắng lợi rõ rệt./.

Hoàng Thùy thực hiện

Theo Vnexpress

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: