Thứ bảy, 21/12/2024

phan cuoi anh

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình.
 Ảnh tư liệu ngày 02/9/1945

Những lần gặp Bác - Nguyễn Lương Bằng kể

... Sáng 16-8-1945, Quốc dân Đại hội khai mạc ở Đình Tân Trào. Bác được bầu vào trong Đoàn Chủ tịch. Từ khi trở về nước, đây là lần đầu tiên Bác được tiếp xúc với một đại hội đại biểu nhân dân. Hôm ấy, Ban Tổ chức giới thiệu Bác là Cụ Hồ Chí Minh, một lão thành cách mạng. Nhiều đại biểu không khỏi ngạc nhiên vì chưa nghe thấy tên Hồ Chí Minh bao giờ. Nhưng một số người cũng đã thì thầm bàn tán về Bác mà người ta gọi là Ông Ké Tân Trào. Mấy đại biểu kháo nhau: Cụ Nguyễn Ái Quốc đấy. Hồi ấy, chưa có tục vỗ tay. Nhưng khi nghe giới thiệu Bác, các đại biểu đều rất hân hoan. Bác hỏi thăm sức khỏe mọi người, niềm nở mời các đại biểu vào làm việc. Các đại biểu vừa phấn khởi, vừa bồi hồi.

Đại hội họp ở một gian bên. Gian chính giữa triển lãm những vũ khí lấy được của Nhật. Gian bên kia là chỗ ăn uống của đại biểu. Suốt ngày hôm ấy, Bác điều khiển Hội nghị. Đại biểu nào cũng chú ý lắng nghe những ý kiến của Bác. Anh Trường Chinh đọc báo cáo trước Đại hội, nêu ra hai vấn đề lớn để Đại hội thảo luận: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban giải phóng dân tộc. Ngoài ra, còn có các bản báo cáo về phong trào công nhân của anh Hoàng Quốc Việt, về tình hình nông hội của anh Trần Đức Thịnh, về văn hóa của anh Nguyễn Đình Thi. Đoàn đại biểu nhân dân Tân Trào đem gạo, đem bò, đem gà đến mừng Đại hội. Một ông già người Tày dắt một con bò đến tặng. Đồng bào ta đã bị chiến tranh bòn mót đến xương tủy, ai nấy đều tiều tụy, rách rưới. Đáng thương nhất là các em bé thiểu số gầy gò, vàng vọt. Chúng nó ở truồng tồng ngồng, theo người lớn đến chào Quốc dân Đại hội. Bác đến gần các cháu, chỉ vào chúng và nói với các đại biểu:

- Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sao cho các em bé có cơm no, áo ấm, được đi học, không lam lũ mãi thế này.

Chúng tôi đều cảm động. Câu nói ấy, về sau này, Bác thường nhắc nhở luôn luôn.

Quốc dân Đại hội quyết định lệnh Tổng khởi nghĩa và bầu ra Ủy ban Giải phóng Dân tộc mà Bác làm Chủ tịch. Bác tổng kết Đại hội lịch sử này, động viên các đại biểu trở về địa phương nỗ lực phấn đấu giành lấy thời cơ thuận lợi có một không hai để đưa cách mạng đến thành công.

Sáng ngày 17, Ủy ban Giải phóng Dân tộc ra mắt Quốc dân và làm lễ tuyên thệ. Tôi được cử đi đón Bác. Mấy hôm bị trời mưa, đường lội. Bác đi chân đất. Gần tới Đình Tân Trào, Bác xuống suối rửa chân. Suối sâu, đường trơn và dốc. Thấy Bác chưa được khỏe, tôi chạy lại đỡ. Bác gạt và đi và bảo:

- Không sao, chú cứ đi.

Khi Bác từ dưới suối lên, các vị trong Ủy ban đã đứng ở trước Đình chờ sẵn. Bác bước tới và đứng vào giữa. Bác thay mặt Ủy ban, hướng lên lá cờ đỏ sao vàng dựng trước Đình, đọc lời tuyên thệ. Lời thề rất ngắn, nhưng rất súc tích và như mọi câu nói, mọi bài viết của Bác. Tôi không nhớ được lời văn, chỉ nhớ đại ý như sau:

“Chúng tôi là những người được quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề!”.

Giọng Bác nghiêm trang, lời thề dõng dạc, biểu lộ cái khí phách kiên cường, dũng cảm, quật khởi của dân tộc ta. Chúng tôi thấy rạo rực trong người và giơ tay theo kiểu chào bình dân, hô một cách mạnh mẽ: “Xin thề!”.

Du kích bắn mấy loạt súng chào mừng Ủy ban Giải phóng Dân tộc...

 Hạnh phúc đến bất ngờ - Công Ngọc Kha kể

... Vào khoảng 8 giờ tối hôm ấy (23-8-1945), tôi cùng với một số đồng chí trong Ủy ban nhân dân lâm thời của xã đang dự cuộc họp của phụ nữ ở nhà bà Hai Vẽ, cô Sự em gái tôi đến gọi phải về ngay, nhà có khách.

Tôi và anh Lương vội vàng chạy về ngay. Về đến cổng nhà tôi thì chúng tôi bị đồng chí bảo vệ ngăn lại và hỏi một cách hòa nhã:

- Các đồng chí là ai?

Tôi vội vàng trả lời:

- Báo cáo đồng chí tôi là người trong gia đình ạ!

- Hôm nay có các đồng chí ở Chiến khu về, các đồng chí đứng chờ tôi một chút.

Nói rồi đồng chí ấy chạy vào gọi người nhà ra nhận. Chúng tôi được mẹ tôi ra đón. Vừa đặt chân vào trong sân, nhìn thấy trong nhà có người ngồi đông, anh Khánh (tức Hoàng Tùng) cùng Ông Cụ già đang ngồi nói chuyện với nhau ở chiếc bàn nhỏ gian giữa. Còn nhiều đồng chí khác ngồi ở gian bên này. Nhà đã thắp đèn sáng trưng. Với tính háo hức của tuổi trẻ, chúng tôi reo lên:

- Chào các đồng chí, các đồng chí kể chuyện Chiến khu cho bọn em nghe đi!

Anh Khánh thấy vậy liền chạy ra kéo chúng tôi ra góc sân nói nhỏ:

- Các đồng chí ở Chiến khu mới về còn mệt, cần yên tĩnh nghỉ ngơi.

Sau đó anh giao trách nhiệm cho chúng tôi bố trí tự vệ địa phương bảo vệ bên ngoài cho chu đáo. Sau khi anh Lương đi, anh Khánh cho tôi biết thêm có đồng chí cán bộ từ chiến khu về sẽ còn ở lại nhà tôi vài ba ngày nữa. Anh Khánh đề nghị việc bố trí ăn uống gia đình cố gắng làm cho chu đáo. Được anh Khánh giao nhiệm vụ, tôi đi bố trí lực lượng bảo vệ ở đầu làng và cuối làng, khi trở về nhà tôi mới có dịp quan sát kỹ hơn những người ngồi trong nhà. Người đang làm việc trên chiếc bàn nhỏ là một Ông Cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo nâu, tóc hoa râm, râu thưa, chân đi đôi giày vải của người dân tộc, vóc người gầy yếu, nước da ngăm đen hình như vừa trải qua một cơn sốt. Tôi đoán chắc đây là đồng chí cán bộ lãnh đạo. Ông Cụ xem ra bận lắm, đang chăm chú ghi chép điều gì trên cuốn sổ tay nhỏ. Những người ngồi trên chiếc giường gian bên thì trẻ hơn. Mọi hoạt động bên lời nói của họ hết sức nhẹ nhàng, và tỏ ra tôn kính Ông Cụ. Trên chiếc sập đặt giữa nhà, nơi mà Ông Cụ sẽ nghỉ, tôi thấy có chiếc mũ lá, một chiếc túi vải, chiếc gậy để tựa bên cạnh sập, đó chắc là hành lý của Ông Cụ.

Không khí trong gian nhà rất yên tĩnh, trang nghiêm. Tôi rón rén pha nước và rót mời Ông Cụ uống. Mãi đến lúc đó Cụ mới chịu ngừng tay bút, ngẩng đầu nhìn tôi, tôi thấy đôi mắt của Cụ sáng lạ thường. Cụ hỏi tôi:

- Chú là người thế nào với bà chủ nhà đây?

- Dạ là con ạ!

- Gia đình chú có mấy người?

- Thưa Cụ, nhà cháu có bốn người ạ. Mẹ cháu, em gái cháu và hai vợ chồng cháu. Cháu còn ông nội, ông nội cháu ở với anh cả cháu ở nhà bên.

Ông Cụ gật đầu rồi lại mải miết làm việc cho đến khuya mới chịu đi ngủ.

Cụ nghỉ trên chiếc sập gỗ kê gian giữa, anh Khánh cùng các anh em khác ngủ hai bên con tôi ngủ trên chiếc chõng tre ở ngoài hiên cho tiện việc bảo vệ.

Sáng hôm sau, Cụ dậy sớm ra sân đi lại hít thở không khí. Sau đó, Cụ vào trong nhà đem báo ra đọc. Lúc ấy, Cụ vẫn còn đang phải uống thuốc nên tôi còn nhớ anh Khánh nhờ mẹ tôi mua một con gà nhỏ về hầm rồi rắc thuốc vào nước gà hầm để Cụ uống.

Trưa hôm ấy, nhà tôi chuẩn bị cơm nước khá tươm tất. Mẹ tôi dọn hai mâm lên giường, mời Cụ cùng anh anh em đi xơi cơm, nhưng Cụ không bằng lòng. Cụ bảo cứ trải chiếu xuống nền gạch, ngồi vòng tròn theo hai mâm, nồi cơm để ở giữa ai ăn thì tự ra xới lấy. Đây là lần đầu tiên thay đổi tập tục cũ của gia đình tôi.

Chiều và sáng hôm sau, Cụ phải làm việc nhiều với các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng từ Hà Nội đi ô tô lên báo cáo tình hình. Về sau tôi mới được biết trong số cán bộ cao cấp của Đảng đến nhà tôi làm việc với Ông Cụ mấy ngày đó có các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh...

Trong hai ngày của trong nhà tôi, người ra vào đông, nhưng vẫn hết sức bí mật và yên tĩnh.

Vào khoảng 4 giờ chiều Thứ Ba (ngày 25/08/1945), Ông Cụ vẫy tay gọi tôi lại rồi bảo:

- Nhà ta còn có cụ ông phải không?

Tôi vội thưa:

- Dạ, thầy cháu mất rồi còn có ông nội cháu thôi.

Cụ nói:

- Bây giờ chú đi mời cụ và những người trong gia đình vào đây tôi nói chuyện.

Tôi vội đi mời ông tôi, mẹ tôi, anh tôi và em gái tôi cùng vợ tôi. Lúc đó gia đình tôi đang chuẩn bị bữa cơm chiều, thấy nói Ông Cụ mời lên đều lên ngay.

Ông Cụ thấy ông tôi chống gậy liền ra đỡ vào trong nhà và bảo gia đình quây quần xung quanh. Sau mấy câu chuyện, Cụ hỏi về làm ăn sinh sống từ trước tới nay rồi Cụ nói:

- Chúng tôi về đây với gia đình, được gia đình hết lòng giúp đỡ, tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình. Bây giờ chúng tôi phải đi công tác, chúc gia đình mạnh khỏe. Có dịp nào đó, tôi sẽ trở lại thăm cụ và gia đình.

Để tạm biệt, Cụ bắt tay ông nội tôi và cả gia đình từ lớn đến bé. Tôi theo tiễn Cụ ra ô tô.

Cụ vui vẻ chào mọi người như thân thuộc từ lâu. Khi Ông Cụ sắp lên xe, tôi và các đồng chí giải phóng quân ở lại đều được Cụ bắt tay.

Khi xe chạy rồi, nhìn theo xe lòng tôi xao xuyến mãi.

Sáng ngày 02/09/1945, cán bộ và nhân dân các làng Sù, Gạ chúng tôi được về vườn hoa Ba Đình dự lễ ra mắt của Chính phủ lâm thời. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lễ đài đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, tôi chăm chú nhìn thấy khuôn mặt Chủ tịch quen quen. Một số anh em tự vệ cùng làng được dịp bảo vệ Cụ đứng gần tôi cũng chăm chú nhìn rồi nói nhỏ với nhau:

- Thôi đúng rồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là Ông Cụ hôm nọ đã về làng mình! Chỉ khác hôm nay Ông Cụ mặc bộ quần áo ka ki mới, con vẫn vầng trán ấy, cặp mắt và chòm râu ấy…

Đón Bác từ làng Gạ - Hoàng Tùng kể lại

... Chiều 23 tháng 8, tôi trở về chỗ ở, tức là khu an toàn, gặp khoảng hơn 10 người đang ngồi ăn cơm ở đình làng Phú Xá. Tôi thấy một cụ già có râu, ngồi cạnh anh Trần Đăng Ninh. Bữa cơm của Đoàn cán bộ hôm ấy chỉ có cơm gạo hẩm và canh mướp nấu suông. Mọi người ngồi trên chiếc phản ở đình làng Phú Xá. Anh Trần Đăng Ninh trước có ở tù với tôi, tuy đã được bầu vào Trung ương ở Pác Bó nhưng chưa làm được ngày nào đã bị bắt, sau vượt ngục trốn về. Tại Tân Trào anh lại được bầu vào Trung ương. Tôi nghĩ Ông Cụ được anh Trần Đăng Ninh đưa đi; to hơn cả Trung ương. Tôi nghe giọng Nghệ, đoán chắc là Ông Cụ rồi. Đêm hôm trước ngày Ông Cụ về đây, đoàn tự vệ ở Chèm bắt được bốn người từ bên kia sông sang. Bốn người đó hỏi phụ trách khu này là ai, khi biết tôi là phụ trách khu, họ đề nghị gặp. Chẳng phải ai xa lạ mà là các anh Trần Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Trân, Vũ Thọ Khôi và Nguyễn Văn Phương. Bốn người từ Tân Trào về. Họ nói chuyện về Hội nghị Tân Trào và cho tôi xem danh sách Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh đứng đầu. Anh Trần Quốc Hoàn nói với tôi:

- Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc đấy.

Tôi nói với các anh:

- Dân Hà Nội rất sốt ruột, không biết ai là lãnh tụ cách mạng, có lẽ ta nên công bố danh sách này, đăng lên báo cho mọi người được biết.

Ngay ngày hôm sau, bản danh sách các vị trong Chính phủ lâm thời được dán khắp thành phố. Nhân dân biết Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp nhưng chưa biết Hồ Chí Minh. Lại nói về chuyện tôi gặp Bác ở đình làng Phú Xá. Hôm đó, tôi mặc bộ quần áo mùa Thu bình thường. Bác nhìn tôi và hỏi anh Trần Đăng Ninh:

- Quan nào mà diện thế (sau này anh Trần Đăng Ninh nói lại tôi mới biết). Như trong ý thức của Bác cách mạng mới thành công nên khi về Hà Nội cán bộ phải rất chú ý tới cách ăn mặc. Bác muốn người cán bộ cách mạng phải ăn mặc giản dị, không được làm ra dáng là quan cách mạng.

Cơm nước xong, lúc đó cũng đã muộn, tôi đưa Bác và anh em vào làng Phú Xá, đến nhà bà Chánh tổng ở làng Gạ (Phú Gia). Nhà này do chị Sáu, cán bộ của đội công tác giới thiệu. Nhà không to lắm nhưng cũng đủ để chứa độ hơn 10 người. Tôi muốn nói lại một chút. Có ai đó viết về Bác nói Bác mặc áo choàng hay áo gì đó là không phải. Hôm đó, Bác mặc chiếc áo của người thiểu số, trời nóng nên Bác mặc quần soóc, trong túi áo có một chiếc đèn pin khoằm khoằm. Bác mới ốm dậy lên phải chống gậy. Chủ nhà mời Bác nằm nghỉ ở chiếc sập gỗ (gỗ thường thôi, không phải gỗ gụ) trước bàn thờ. Anh Trần Đăng Ninh và một số người khác nằm ở hai gian bên cạnh. Tôi nằm trong buồng. Quen kiểu đùa như khi ở tù, tôi nói với Bác:

- Đồng chí nằm đây cho sướng cái thân già.

Sau anh Ninh nháy tôi ra ngoài nói:

- Ông Cụ không thích đùa đâu.

Tất nhiên lúc đó tôi cũng biết là Ông Cụ là ai rồi khi ấy chưa được gọi là Bác mà gọi là Cụ.

- Thế đồng chí cùng nằm với tôi, chúng ta nói chuyện.

Cụ hỏi tôi:

- Chiều nay chú vào trong thành, có nghe chuyện gì lạ không?

Tôi nói:

- Thưa Cụ, có hai việc. Việc thứ nhất: Dư luận đang bàn tán Hồ Chí Minh có phải là Nguyễn Ái Quốc không?

Cụ hỏi:

- Anh em mình trả lời thế nào?

Tôi nói:

- Anh em ta nói mập mờ. Không nói là phải mà cũng không nói là không phải.

Cụ bảo:

- Như thế là anh em mình nói đúng.

Cụ hỏi tôi việc thứ hai. Tôi nói quân Trung Quốc đã đến, trông nhếch nhác lắm, mặc quần áo bạc màu, chân quấn xà cạp, gánh cả nồi niêu, bát đĩa, lại có chó theo sau.

Cụ nói:

- Ấy! Đệ nhất phương diện quân của người ta đấy.

Tôi hỏi Cụ ý nghĩa của việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản.

Cụ bảo:

- Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản là muốn đánh tín hiệu cho Liên Xô phải ngừng tiến quân....

Bà Trịnh Văn Bô (tức Hoàng Thị Minh Hồ), chủ nhân ngôi nhà 48 Hàng Ngang kể lại trong hồi ký của mình trong cuốn “Những năm tháng bên Bác Hồ kính yêu”

... Bà Bô ngồi hồi nhớ lại: Bác từ Chiến khu về chỉ có một đôi dép cao su nhãn hiệu Con hổ trắng, chiếc quần soóc nâu, chiếc áo sơ mi ngắn tay, một chiếc can và chiếc mũ phớt bạc màu. Đêm đêm, Bác thức rất khuya đánh máy chữ. Chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, đèn bàn của Ông Cụ mới tắt nhưng 5 giờ sáng đã thấy Ông Cụ tập thể dục ngoài ban công. Hàng ngày, lúc 7 giờ, ông Vũ Đình Huỳnh đón Bác ra Bắc Bộ phủ làm việc với ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt... Sau này, bà Bô mới biết rằng khi tiếng máy đánh chữ vang lên trong đêm khuya ấy chính là lúc Bác Hồ đang soạn thảo bản hùng văn vô giá Bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử - khai sinh ra Tổ quốc. Thời gian này, Hà Nội đang chuẩn bị cờ hoa và cả vũ khí cho ngày trọng đại sắp tới. Khoảng những ngày 26, 27 tức là khi đã ấn định Lễ Tuyên ngôn vào ngày 2-9-1945 anh em cán bộ mới sực nhớ ra cần phải trang bị mỗi người một bộ quần áo thật tươm lúc ra mắt trên lễ đài, đặc biệt là Hồ Chủ tịch. Đa số anh em từ Chiến khu trở về và kể cả Bác cũng đều ăn mặc những bộ đồ đã cũ sờn hoặc chắp vá tạm bợ. Lúc bấy giờ trong tủ của nhà chúng tôi rất nhiều vải (vì nhà buôn vải vóc), tôi lấy ra mấy súc kaki để may cho anh em. Ngoài ra, trong tủ cũng có hàng chục bộ quần áo khá sang trọng may sẵn mà ông Bô chưa dùng, nên tôi lấy ra cho anh em mặc tạm trước, anh nào mặc vừa bộ nào thì dùng bộ nấy, Ông Phạm Văn Đồng, rồi ông Võ Nguyên Giáp... nhưng tầm người như Ông Cụ không hợp bộ nào cả. Gần sát ngày Lễ, tôi đã chọn riêng loại vải kaki cốtlê của Anh và ông Vũ Đình Huỳnh - nguyên là thư ký lễ tân mang đến xin ý kiến Bác, Bác nói:

- Tôi mặc xuềnh xoàng thôi. Không len, dạ đắt tiền làm gì, cố tươm tất giản dị, không phải cà vạt cổ cồn là tốt…

Ông Vũ Đình Huỳnh chợt nhớ tới một bức ảnh của Xtalin lên ướm thử với Bác may áo theo kiểu đó, cũng không có cà vạt màu oai vệ. Bác mỉm cười nói:

- Nhưng mình có phải Xtalin đâu.

Bác luôn học hỏi tinh hoa nhưng không chấp nhận bắt chước theo khuôn mẫu sẵn. Cuối cùng, ông Vũ Đình Huỳnh mới mời ông Phú Thịnh chủ hiệu may có tiếng ở phố Hàng Quạt tới và trình bày:

- Tôi có người nhà là Cụ Lý ở quê ra thăm Thủ đô, tôi muốn cắt vài bộ đồ cho Cụ, nhờ anh cắt may kiểu áo bốn túi, mặc kín cổ khi có việc quan trọng, lúc thường nhật thì mở khuy áo thoải mái, đi giày, đi dép đều hợp với Cụ Lý nhà tôi. Ông Phú Thịnh ngẫm nghĩ một lúc, rồi dè dặt nói:

- Tôi mường tượng ra kiểu áo này rồi. Chỉ cần tính toán cái ve áo nhọn hay tù.

Ngắm nghía tấm ảnh Xtalin, ông Phú Thịnh nói:

- Kiểu tướng soái này oách lắm nhưng không hợp với các cụ nhà mình. Thôi được, tôi sẽ lo liệu để có bộ áo hợp ý với Cụ Lý. Hai hôm sau, ông Phú Thịnh đem hai bộ quần áo đến cười ý nhị nói:

- Tôi trộm nghĩ Cụ Lý này không phải là lý trưởng mà có lẽ là một Cụ Lý... khác thường.

Ông Vũ Đình Huỳnh cười đáp lại linh cảm tinh tế của ông thợ may. Hôm sau, lựa lúc Bác tập thể dục, tắm sáng xong, ông Vũ Đình Huỳnh đem bộ quần áo mới vào. Bác ướm thử, ngắm kỹ cổ áo và mỉm cười:

- Được thế này là hợp với mình.

Ông Vũ Đình Huỳnh lúc đó đã rất vui và thầm mỉm cười nghĩ, chỉ trong vài ngày nữa ông Phú Thịnh sẽ vô cùng sung sướng, ngạc nhiên và vinh dự khi Cụ Lý mà mình may quần áo cho lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình để khai sinh ra một quốc gia mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa./.

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: