Thứ bảy, 21/12/2024

Đã có lần tôi đọc trên trang sách nào đó có bài viết: “Nếu có ai hỏi tôi ở đất nước các bạn có gì đặc biệt, tôi sẽ trả lời rằng: Quê hương tôi có rất nhiều điều đặc biệt nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất mà duy chỉ có ở Việt Nam đó là chúng tôi có chung một lãnh tụ cách mạng kính yêu - Người đã hy sinh tất cả cho những đứa con yêu, cho quê hương cho dân tộc. Tuy chưa một lần được gặp Bác nhưng những hình ảnh về Người luôn là những hình ảnh thiêng liêng nhất trong trái tim tôi – “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”… .”

 Mỗi dân tộc đều có vốn ca dao, dân ca trong nền văn hóa dân gian truyền thống của mình mà ca dao dân gian là vốn quý của dân tộc. Ca dao, dân ca là tiếng thơ, là biên niên sử, là lịch sử hiện diện, là tâm sự chân thật và là tự truyện của dân tộc. Vì thế ca dao, dân ca còn là công trình quý giá của nền văn hóa dân tộc. Việt Nam ta cũng có kho tàng ca dao, dân ca trong nền văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng riêng ca dao của người dân tộc thiểu số viết về Bác Hồ đó là hiện tượng đặc biệt của Việt Nam. Cũng đặc biệt như là chúng ta có Bác, lãnh tụ của dân tộc.

 Ca dao của người dân tộc thiểu số viết về Bác mộc mạc, đơn sơ nhưng thật xanh tươi bát ngát như rùng cây và long lanh như từng chuỗi ngọc. Rừng xanh là sức sống của dân tộc và chuỗi ngọc là tình cảm của Nhân dân hướng về Bác Hồ. Đồng bào Cao bằng, Thái Nguyên đã viết về Người, biết ơn Người.

“Em về giã gạo ba giăng

Anh lên múc nước Cao Bằng về ngâm

Đến ngày mười chín tháng năm

Gói thành đôi bánh đem dâng Bác Hồ”

 Cứ thế, tới đâu, chúng ta cũng đều được nghe, được đọc. Từ Cao – Bắc – Lạng đến mũi Cà Mau. Từ Tây Nguyên đến Thừa Thiên Huế, đâu cũng có những câu ca dao về Bác, đâu cũng ca hát nhắc nhở đến công ơn Người.

 Tiếc rằng tôi không được đọc hết và nghe hết những bài báo, những bản tin. Càng không sao mà nghe và ghi hết lại những câu hát, câu hò trên khắp nẻo đường đất nước, suốt hàng chục năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ca dao về Bác Hồ thật vô cùng phong phú, ở đâu cũng nghe. Ai cũng có thể thuộc và ai cũng cảm thấy như chính mình làm ra, ở nhiều mặt của cuộc sống từng bước đi lên của Cách mạng, ca dao về Bác Hồ đều ghi lại nói lên đầy đủ và sâu sắc. Ở mặt trận diệt thù, ở hậu phương sản xuất, ở biển, ở rừng, cơ quan, trường học… Đâu đâu cũng có ca dao về Người. Tác giả là những ai? Là công nhân, nông dân, là chiến sỹ, học sinh, là cả dân tộc.

Ca dao vốn là những mẩu chuyện tâm tình, những cảm nghĩ, những nhận xét, những phán đoán, những triết lý về nhiều mặt của cuộc sống được thể hiện, cô đúc thành từng câu, từng đoạn. Ca dao vốn chứa được ít, gói gọn một khía cạnh nào đó về tâm tình hoặc một nét ghi nhớ về cảnh vật. Nhưng đọc tổng thể thì hầu như cuộc sống được phản ánh trọn vẹn, đầy đủ, vừa khái quát, vừa cụ thể, vừa chung lại vừa riêng. Riêng ca dao của người dân tộc đối với Bác Hồ có thể nói đã đạt đến đỉnh cao của lịch sử về phương tiện ca ngợi anh hùng dân tộc và đã góp vào một bản sắc riêng. Một tiếng nói riêng trong nền văn học nghệ thuật. Với khả năng riêng của mình ca dao của người dân tộc đã biểu hiện rất ngắn gọn, dễ thuộc, đễ nhớ, dễ bắt nhận nhất những nội dung cao đẹp, sâu xa.

 Có thể nói: Ca dao và Bác đã có sự “hóa thân” hài hòa và nồng thắm. Còn gì đẹp hơn, tự hào hơn khi nhân dân ta từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái đã dành những vần ca dao chứa chan tình nghĩa, biết ơn về Bác để dâng lên Người: “Bác Hồ là vị Cha chung/ Là sao Bắc đẩu, là vầng Thái dương/ Chúng con đi giữa đêm ngày/ Nhờ Cha dìu dắt dẫn đường chúng con”. Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết: “Bác sống như trời đất của ta”, Bác như ánh sáng, như khí trời không thể thiếu được trong cuộc đời mỗi con người Việt Nam, và ai cũng cảm thấy: Hình ảnh Bác Hồ trong ca dao của đồng bào các dân tộc thiểu số được thể hiện trước hết là ở chỗ: Bác Hồ là hiện thân của sự đoàn kết dân tộc. Trong “Thư gởi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam” họp tại Pleiku ngày 19-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ có nhau, no đói giúp nhau”. Đồng bào Tây Nguyên đã có bài ca dao về Bác Hồ với những so sánh liên tưởng thật xúc động:

Hồ Chí Minh – Người là con sông lớn

Người là mặt trời, Người là mặt trăng

 Người Hơ-rê chất phác, nói “bụng Bác Hồ” đẹp hơn cả hoa Ê-pan nhất buôn, nhất rừng của họ. Đồng bào dân tộc Êđê, Giarai, Ba-na cũng thường hát:

Người Ê đê chưa gặp mặt Bác Hồ

Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ

Người Gia rai chưa được ra miền Bắc

Mà trong bụng thương hơn cha hơn mẹ

Đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Mông… ở Việt Bắc, Tây Bắc luôn cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ:

Đất nước ta có Cụ Hồ

Cụ Hồ thương dân đất Mường ta, sông bể không bằng

 “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Lời Bác rất thấm thía. Biết nói làm sao hết những câu ca dao, lời ca tiếng hát cất lên từ đáy lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Bác./.

                                                                   ThS. Trần Hồng
Theo http://www.quan6.hochiminhcity.gov.vn

Kim Yến (st)

Bài viết khác: