Ông Vũ Mão kể rằng, ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, danh tiếng của Cụ Nguyễn Văn Tố được xếp vào loại tứ danh kiệt.
Ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để diệt giặc dốt.
Theo ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội: Đó là một mốc son về văn hóa - giáo dục của nước nhà. Trong mốc son ấy, dân tộc ta không bao giờ quên công lao của người thuyền trưởng Truyền bá quốc ngữ - cụ Nguyễn Văn Tố.
Con đường đến với cách mạng của một nhân sĩ yêu nước
Ứng hòe Nguyễn Văn Tố sinh ngày 05/6/1889 trong một gia đình nhà nho ở làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là số 78, phố Bát Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Thuở nhỏ Cụ học chữ Hán, sau sang Pháp học đỗ bằng Thành chung (Trung học). Về nước Cụ làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, Hà Nội, chuyên về văn học cổ Việt Nam.
Trong những năm từ 1932 đến 1936, Cụ viết nhiều bài nghiên cứu bằng tiếng Pháp về lịch sử, văn học… trên tập san của Hội Trí tri và có nhiều bài viết, cung cấp kiến thức lịch sử đăng trên báo Đông Thanh.
Những bài viết của Nguyễn Văn Tố, đặc biệt là những bài viết trên các chuyên mục của tạp chí Tri Tân không chỉ khẳng định tầm uyên bác của tri thức, tinh thần nghiêm túc của một nhà sử học, mà còn thể hiện rõ tấm lòng yêu nước nồng nàn của một nhân sĩ.
Đầu năm 1938, theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Nhiệm vụ này được giao cho đồng chí Trần Huy Liệu, chủ bút báo Tin tức và ông Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp là những giáo sư Trường Tư thục Thăng Long.
Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập là một sự kiện quan trọng và gây tiếng vang, bởi lãnh đạo Hội là các trí thức tiêu biểu như các cụ Bùi Kỷ, Hoàng Xuân Hãn, Quan Xuân Nam, Lê Thước. Cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Hội trưởng.
Cụ Nguyễn Văn Tố là thành viên cũ của Đông Kinh nghĩa thục, một người có chủ trương đặt cấp cơ sở của hệ thống giáo dục chính quy thời ấy thành một cấp học chuyên dạy bằng tiếng Việt, có thi hết cấp, được cấp bằng “Sơ học yếu lược".
Cụ đã soạn thảo được hai bộ sử học đồ sộ “Đại Nam dật sử”, “Sử ta so với sử Tàu” rất công phu, nghiên cứu, đối chiếu nhiều nguồn thư tịch, tranh luận kịch liệt với các nhà sử học Pháp về Đông Dương để làm sáng tỏ chân lý một cách khoa học. Rất tiếc bộ “Sử ta so với sử Tàu” Cụ mới soạn đến cuối đời nhà Lý, sau đó ít lâu thì Cụ hy sinh nên còn dang dở.
Cụ không những uyên thâm Hán học mà tinh thông cả Tây học. Ngay cả với ông Nguyễn Thiện Lâu, Giáo sư trường Khải Định (Huế) có 5 bằng cử nhân Khoa học xã hội, khi nhờ Cụ xem bản thảo, Cụ cũng gạch đỏ, ghi rõ lỗi thuộc loại nào, khiến ông Lâu cũng phải tâm phục khẩu phục. Người Pháp cũng rất kính nể Cụ. Ông Bezacier - chuyên viên khảo cổ học người Pháp cũng phải nhờ cụ Tố sửa chữa bài.
Ở Việt Nam, đầu thế kỷ XX, danh tiếng của Cụ được xếp vào loại tứ danh kiệt “Quỳnh, Vĩnh, Tố, Tốn" (Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn).
Tuy nhiên, sự nghiệp của Cụ còn mãi mãi in sâu, đọng lại trong mỗi trái tim, khối óc của người Việt là việc Cụ cùng đồng nghiệp đã có công lao rất to lớn trong việc truyền bá học chữ quốc ngữ.
Cụ đã cùng lớp trí thức đầu thế kỷ như các ông Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Vũ Đình Hòe... phát động công cuộc cách mạng chữ quốc ngữ.
Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội khóa I (2/3/1946-8/11/1946). Ảnh tư liệu
Tuy buộc lòng phải cho thành lập hội nhưng Pháp không ngớt o ép, gây khó khăn cho người học, người dạy. Nhưng cỗ máy truyền bá quốc ngữ đã khởi động mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn và trở ngại. Bởi vậy chỉ trong một thời gian ngắn, từ năm 1938 đến Cách mạng Tháng Tám thành công, gần 7 vạn người đã thoát nạn mù chữ.
Chỉ 6 ngày độc lập sau Quốc khánh 2 tháng 9, tức ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ để diệt giặc dốt.
Việc truyền bá học chữ quốc ngữ lúc bấy giờ được xem như một nền tảng vững chắc để giúp cho người dân giác ngộ cách mạng vùng lên tranh đấu. Những kinh nghiệm phong phú của Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa đơm hoa kết trái, vang dội cả thế giới.
Cũng chính từ cái đốm lửa ban đầu truyền bá học chữ quốc ngữ, từ nền dân trí còn rất thấp ấy mà sau này dưới sự lãnh đạo sáng suốt tuyệt vời của Đảng và Bác Hồ, nhân dân ta đã lập nên kỳ tích: Ngày 28/12/2000, 94% dân số nước ta đã xóa xong nạn mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học theo chuẩn quốc gia.
Đó là một mốc son về văn hóa - giáo dục của nước nhà. Trong mốc son ấy, dân tộc ta không bao giờ quên công lao của người thuyền trưởng Truyền bá quốc ngữ Nguyễn Văn Tố.
Nói đến nhà trí thức lớn của đất nước, nhà bác học thông kim bác cổ, nói đến vị liệt sĩ Bộ trưởng đầu tiên đã ngã xuống vì nền độc lập còn non trẻ của nước nhà, ai cũng thấy cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố thật đáng khâm phục.
Gánh vác trọng trách của Quốc hội khóa I
Cách mạng Tháng Tám thành công, một nước Việt Nam độc lập, tự do đã trở thành hiện thực. Nói về cảm tưởng của mình trong những ngày thu tháng 8 năm 1945 lịch sử ấy, trong phần Lời tựa cuốn “Chặt xiềng”, xuất bản năm 1946, Ứng hòe Nguyễn Văn Tố viết: Đó là “những thời khắc oanh liệt, những giây phút thiêng liêng nó làm cho ta như trông thấy ánh hào quang rực rỡ của những người đã đem hết nhiệt huyết để tháo xiềng, chặt xích mà lấy lại cơ đồ đất nước”.
Kính trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh, kính trọng những nhà lãnh đạo cách mạng khác, Nguyễn Văn Tố cảm phục tấm lòng yêu nước, thương dân, cách lãnh đạo và tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám.
Với lòng nhiệt thành yêu nước, vị nhân sĩ này hăng hái đón mừng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sau đấy dồn hết tâm huyết phụng sự đất nước.
Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam vào ngày 6/1/1946 bầu đại biểu Quốc hội khóa I đã thành công tốt đẹp. Trong cuộc Tổng tuyển cử tự do, dân chủ và đoàn kết đó, cụ Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu của tỉnh Nam Định.
Tiếp đó, tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội vào ngày 2/3/1946, Cụ đã được bầu làm Trưởng ban Thường trực của Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội ngày nay.
Đó là phần thưởng xứng đáng cho một vị nhân sĩ yêu nước. Cụ là tấm gương sáng về lòng yêu nước, về tinh thần cách mạng, trí tuệ và phẩm chất đạo đức.
Trong bối cảnh đầy khó khăn, thử thách của vận nước, với tư cách là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Cụ đã sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh cổ vũ, động viên nhân dân ta vững bước vượt qua muôn vàn khó khăn. Thực dân Pháp không từ bỏ âm mưu thống trị nước ta một lần nữa, chúng chủ động lấn át, gây sự mở rộng chiến tranh.
Mùa đông năm 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cả nước đồng lòng quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lên Chiến khu Việt Bắc, động viên đồng bào và chiến sĩ tham gia cuộc trường chinh gian khổ.
Cụ Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Biến đau thương thành hành động
Sau gần một năm tiến hành cuộc chiến tranh, tháng 10/1947, thực dân Pháp mở cuộc tiến công quy mô vào căn cứ địa Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chưa kịp chạy thoát, cụ Nguyễn Văn Tố đã bị giặc bắt. Chúng nhìn thấy một ông cụ có bộ râu thưa, trông rất chững chạc, nói tiếng Pháp rất giỏi, lại yêu cầu Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh. Chúng đã nhầm Cụ với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi biết người bị bắt không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, giặc Pháp đã bắn chết Cụ khi Cụ tìm cách chạy thoát. Cụ Nguyễn Văn Tố là người lãnh đạo cao nhất của ta hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là sự mất mát to lớn. Bác đã mất đi một người cộng sự đắc lực, mất đi một người bạn chí cốt. Phiên họp của Hội đồng Chính phủ chuẩn bị đón Tết Mậu Tý năm 1948 Bác đã bật khóc khi nhớ đến cụ Nguyễn Văn Tố.
Trong lễ truy điệu liệt sĩ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho vị nhân sĩ, tài năng, đức độ những lời những lời văn tế ca ngợi sâu sắc và trân trọng:
Nhớ Cụ xưa/ Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hóa, Cụ dốc một lòng/ Phú quý, công danh Cụ nào có thiết/ Cụ dù hy sinh, tinh thần Cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt/ Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa rằng:
Quyết trường kỳ kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn/ Quyết đấu tranh thống nhất độc lập cho nước nhà Nam Việt/ Để anh linh Cụ và những liệt sĩ đã hy sinh đều vui sướng ở chốn suối vàng/ Và nền dân chủ cộng hòa của nước sẽ vững như nhật nguyệt.
Trong nhiều năm, Văn phòng Quốc hội cùng gia đình và bạn bè của Cụ đã gắng sức tìm kiếm, thu thập thông tin từ nhiều nguồn để tìm mộ của Cụ, nhưng không tìm ra manh mối. Có người cho rằng, cụ Tố bị địch bắt và thủ tiêu tại Bắc Kạn. Thông tin khác lại cho rằng Cụ là một nhân sỹ nổi tiếng, giặc Pháp không lý gì lại giết hại Cụ, có thể địch đưa Cụ về Hà Nội...
Để xác minh các tư liệu cho chính xác về vị Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Hội Sử học và Ban Liên lạc Hội Truyền bá Quốc ngữ đã triển khai tìm kiếm ở những nơi mà Cụ đã hoạt động. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng tham gia giúp đỡ.
Sau một thời gian dài, việc tìm kiếm mộ của Cụ đã có kết quả. Công lao lớn nhất thuộc về Hội Sử học Việt Nam. Họ đã kiên trì tìm hiểu và nhiều lần lên Bắc Kạn, đến thực địa để triển khai công việc.
Uống nước nhớ nguồn là nghĩa cử cao đẹp của truyền thống dân tộc Việt mà lớp người hôm nay cần trân trọng và phát huy.
Hơn 60 năm nằm lại nơi rừng sâu núi thẳm, hồn cốt và anh linh cụ Nguyễn Văn Tố – một nhân sĩ yêu nước, một liệt sĩ anh hùng, vị Trưởng ban Thường vụ Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) được trở về trong niềm xúc động của nhân dân./.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã có những tác phẩm để đời như: Nguồn gốc chữ quốc ngữ; Nguồn gốc các mái cong; Một mô hình nhà ở bằng đất nung tìm thấy ở Nghi Vệ, Bắc Ninh; Phong cảnh và công trình nghệ thuật ở Bắc Kỳ; Hà Nội và các vùng phụ cận; Thời tiền sử ở Bắc Kỳ; Quan hệ lịch sử giữa Nhật Bản và Việt Nam; Bắc Kỳ trong thế kỷ XVII; Mỹ thuật nước nhà; Những bài thơ tình trong Kinh Thi và tục trai gái thục ca; Văn hóa Đông Dương; Văn hóa vật chất; Hát đối đáp với nhau; Quốc hiệu nước ta; Lạc Vương chứ không phải Hùng Vương; Thơ Tết và chuyện Tết đời xưa... |
Còn nữa
Ngọc Quang ghi theo lời kể của ông Vũ Mão
Huyền Trang (st)