Vẽ với các ông là cái duyên, cái nghiệp; nhưng vẽ về Bác lại là nghĩa vụ, là niềm say mê, là sự thôi thúc phải làm gì đó để tỏ lòng tôn kính Bác, để thế hệ mai sau hiểu về cuộc đời cách mạng cao quý của Người...
“Vẽ về Bác là nghĩa vụ đối với tôi”
Năm nay vừa tròn 70 tuổi, ông sống “ẩn dật” trong một ngôi nhà nhỏ trên lưng chừng đồi ở xóm vắng thôn Thạch Nham Đông (xã Hòa Nhơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Ngoài những lúc làm vườn, thời gian còn lại ông chỉ chuyên tâm vẽ tranh. Tranh của ông mang nhiều nội dung, thể loại, từ tranh cổ động, tranh về hai cuộc chiến tranh, tranh về cuộc sống... nhưng nhiều nhất và đẹp nhất là tranh về đề tài Bác Hồ. Ông lý giải đơn giản: “Vẽ về Bác là một nghĩa vụ đối với tôi”.
Ông Hạnh giới thiệu tập tranh và ký họa “Uống nước nhớ nguồn” tập hợp hàng trăm bức tranh mà ông đã vẽ trong cuộc đời sáng tác của mình. (Ảnh: Công Bính)
Đó là lão nông - họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, ông dành riêng một phòng để làm “phòng triển lãm” khoảng 200 tác phẩm của mình, trong đó những bức tranh về Bác được ông trân trọng nhất. Những bức tranh ấy ông không bao giờ bán.
Ông từng tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1967, sau đó ông vào Nam vẽ tranh ghi lại các hoạt động, công tác chiến đấu của bộ đội, dân quân du kích... ở chiến trường khu V thuộc đơn vị Đặc khu tuyên huấn Quảng Đà.
Nhìn những bức tranh về Bác bày khắp nơi trong phòng triển lãm, tôi hỏi: “Ông đã gặp Bác mấy lần rồi?”. Ông bảo: “Hồi nhỏ làm gì được gặp Bác, chỉ đọc tài liệu rồi tưởng tượng ra vẽ thôi. Nhưng vẽ rất chuẩn đấy nhé”.
Để vẽ được tranh về cuộc đời cách mạng của Bác, ông nói mình đã phải đọc rất nhiều tài liệu, bài báo và chiêm nghiệm con người Bác rồi từ đó phóng tác ra tranh. Và cuộc đời Bác đã ngấm vào máu của ông, sau ông cứ thế mà vẽ ra.
Trong “không gian tranh” của mình, ông trưng bày nhiều bức về Bác như “Lòng Bác”, “Đêm nay Bác không ngủ”, “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “Bác Hồ với đất Quảng”, “Bác Hồ với Thủ tướng Phạm Văn Đồng”, “Bác Hồ hoạt động cách mạng ở Thái Lan”, “Cho Bác thêm hai quả cà muối”...
Hiện trong “phòng trưng bày” tại gia của ông có 15 bức tranh rất đẹp về của Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến được đưa vào khung và treo trang trọng. Khi có khách đến chơi, điều đầu tiên ông khoe với khách chính là 15 bức tranh đó; đồng thời thuyết minh tường tận ý nghĩa của từng bức.
Một số bức tranh về Bác Hồ trong phòng trưng bày tại gia của ông Hạnh. (Ảnh: Công Bính)
Đối với ông, vẽ là để thư giãn nhưng vẽ về Bác Hồ là nghĩa vụ, là việc phải làm. “Nếu tôi không vẽ có nghĩa là tôi đã chết”, ông khẳng khái. Càng về sau này đề tài về Bác Hồ được ông quan tâm, do đó trí lực của ông dồn hết vào những bức tranh về Bác.
Trong tập tranh và ký họa với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” tập hợp hàng trăm bức tranh của ông sáng tác từ xưa đến nay, ngay trang đầu tiên có ghi lời nói của Bác Hồ về Mỹ thuật trong một cuộc triển lãm tranh năm 1958 mà ông đã chép lại cẩn thận. Và ông lấy đó làm kim chỉ nam cho hoạt động sáng tác nghệ thuật của mình.
Ông tâm sự: “Bây giờ có mạnh thường quân nào tài trợ là tôi mở một cuộc triển lãm hoành tráng về Bác Hồ tại Quảng Nam hoặc Đà Nẵng”. Ông bảo đó là giấc mơ cuối đời của mình và “nếu thực hiện xong ý nguyện này có nhắm mắt tôi cũng yên lòng”.
Hơn 40 năm miệt mài vẽ Bác
Ông là Võ Đức Thuận (SN 1948), quê xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Hơn 40 năm qua ông miệt mài đi đó đây để sưu tập tranh ảnh của Bác Hồ để phác thảo nên chân dung Người theo cách rất riêng của mình. Giờ đây phòng tranh vẽ chân dung Bác Hồ của ông đã trở thành nơi tham quan lý tưởng và miễn phí cho các em học sinh khắp nơi mỗi khi muốn hiểu về Bác Hồ.
Khi chúng tôi đến nhà thăm, ông Thuận đang vẽ dở bức “Bác Hồ với lá cờ quyết thắng”. Ông “hòa hoãn”: “Các chú chờ tôi chút. Tôi đang thổi hồn vào bức tranh này, có gì lát nữa nói chuyện”. Nói đoạn ông như nhập hồn vào bức tranh, quên bẵng có chúng tôi bên cạnh.
Ông Thuận đang phác họa bức chân dung Bác Hồ với lá cờ quyết thắng. (Ảnh: Duy Thái)
Ông bảo: “Việc làm của tôi chỉ là để mai này con cháu biết để tôn thờ vị cha chung của dân tộc thôi. Tôi vẽ chân dung Bác Hồ mấy hơn 40 năm nay rồi. Tôi làm việc này cho các thế hệ học sinh noi gương Bác Hồ kính yêu…”.
Ông Thuận sinh ra ở cố đô Huế, năm lên 4 tuổi ông theo gia đình ra Nghệ An và sinh sống tại Nam Đàn - quê hương của Bác Hồ. Năm 1957, khi mới tròn 9 tuổi, trong một lần Bác Hồ về thăm quê, ông Thuận được mẹ dẫn đi cùng với nhân dân Nam Đàn đón Bác. Vì còn quá nhỏ, ông không chen lên để nhìn Bác được, ông tiếc lắm, quyết tâm sẽ học tập thật tốt, đạt nhiều thành tích để sau này được gặp Bác Hồ.
Một tác phẩm xúc động về phút lâm chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Duy Thái)
“Đề tài về Bác Hồ được rất nhiều văn nghệ sĩ sáng tác nhưng với tôi vẽ chân dung của Bác là một niềm hạnh phúc nhất cuộc đời này. Thứ đến, là tuổi già như tôi phải làm một cái gì đó để truyền dạy cho con cháu sau này hiểu hơn về Bác Hồ”, ông Thuận tâm sự.
Thầy Nguyễn Văn Sơn, phụ trách đoàn đội Trường THCS Quỳnh Lập tâm sự: “Hàng năm, vào các dịp Lễ lớn như Quốc khánh 2/9, hay như Sinh nhật Bác 19/5… nhà trường thường hay tổ chức các em học sinh vào nhà bác Thuận để chiêm ngưỡng những bức chân dung về Bác Hồ. Chính từ phòng tranh về Bác Hồ của bác Thuận đã cho thầy và trò Nhà trường chúng tôi nhiều tư liệu quý báu. Đặc biệt, là để các em học sinh rõ hơn về cuộc đời của Bác”.
Bác Hồ về thăm quê (Ảnh: Duy Thái)
Đến nay, trong phòng trưng bày tranh về đề tài Hồ Chí của ông Thuận đã lên đến hàng trăm bức. Mỗi tác phẩm là một nét chấm phá thể hiện phong cách sống của Hồ Chủ tịch./.
Công Bính - Duy Thái
Theo Báo Dân trí
Thanh Huyền (st)