70 năm cùng chiều dài lịch sử của Quốc hội, hoạt động chất vấn đã để lại nhiều dấu ấn. Thông qua hình thức giám sát trực tiếp này, cử tri cả nước có thể đánh giá được sự tín nhiệm của những người được nhân dân giao phó.
Nhìn nhận lại hoạt động chất vấn của Quốc hội trong 70 năm qua, ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người đã có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với Quốc hội đã chia sẻ về chất vấn tại Quốc hội.
Ông Bùi Ngọc Thanh.
Bác Hồ trả lời chất vấn như thế nào?
Nói về hoạt động chất vấn tại Quốc hội, điều khiến ông Thanh ấn tượng chính là việc trả lời chất vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông chia sẻ, Quốc dân đại hội Tân Trào là một Quốc hội lâm thời, tiền Quốc hội nhưng chính Quốc dân đại hội Tân Trào đã đặt nền móng cho nhiều hoạt động của Quốc hội trong đó có hoạt động chất vấn. Thực tế lúc đó Quốc hội họp có 2 ngày vào chiều 16 và ngày 17/8/1945 trong đó có hoạt động chất vấn.
Có đại biểu tuy không phải chất vấn nhưng thắc mắc mang tính chất vấn khi hỏi rằng: “Thưa Bác, thực dân Pháp đô hộ dân ta 100 năm nay. Nếu họ lại lợi dụng danh nghĩa đồng minh để vào cướp nước ta một lần nữa thì xin Bác cứ cho đánh từ đầu”. Lúc đó, Bác nói ngay: “Chúng ta với tư thế là một nước có chủ quyền, chúng ta đón tiếp quân đồng minh vào với tư thế là người chủ. Chúng ta luôn luôn phải lường trước những cái gì bất lợi, tránh sự khiêu khích”. Sau đó, đại biểu đó hiểu ra và nhất trí hoàn toàn.
Kể lại câu chuyện nghe được từ ông Nguyễn Đình Thi kể về những ngày đầu của Quốc dân đại hội Tân Trào, vào lúc đó “Bác đã trả lời cặn kẽ các câu hỏi của từng người, không sót một ai. Cho đến lúc không còn ai hỏi nữa và đều vui vẻ vì đã thông suốt các công việc Bác chúc các đại biểu về nhanh các địa phương giúp lãnh đạo khởi nghĩa thắng lợi thành công. Những sự kiện rất lớn được chất vấn đã được trả lời rất đầy đủ” - ông Thanh bày tỏ.
Cũng theo ông Thanh, Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946 và kỳ họp thứ nhất ngày 2/3/1946 diễn ra trong 4 tiếng nhưng làm được nhiều việc rất lớn. Trong kỳ họp thứ 2 (từ ngày 28/10 đến 9/11/46) của Quốc hội khóa I có 70 đại biểu, trong đó 50 đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng, và 20 đại biểu của Việt Cách được bổ sung nhưng không qua bầu cử, đó là nhờ chính sách đoàn kết có tính chất rộng rãi của Bác Hồ và Quốc hội lúc bấy giờ. Vì thế, trong kỳ họp đó có nhiều ý kiến khác nhau.
Ông Thanh nói: “Ngay từ lúc đó Trưởng Ban Thường trực của Quốc hội là cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam đã đứng lên trả lời chất vấn, sau đó là các thành viên Chính phủ trả lời như ông Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đăng Khoa, Chu Bá Phượng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Đình Hòe, Lê Văn Hiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời chất vấn. Những ngày đầu họp Quốc hội, Chính phủ nhận được 88 câu hỏi của các đại biểu chỉ trong một phiên họp”.
Theo ông Thanh, ngay lúc bấy giờ, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã trả lời chất vấn. Trong đó, cụ Nguyễn Văn Tố trả lời một vấn đề của đại biểu Lê Trọng Nghĩa đặt ra: “Tại sao Quốc hội lại phải nói đến việc thay đổi lá cờ của nước ta, vì Nghị quyết của kỳ họp thứ nhất có nói giữ lá cờ nền đỏ sao vàng sao giờ đưa ra vấn đề này”? Cụ Nguyễn Văn Tố khi trả lời nói rằng, về nguyên tắc Chính phủ đệ trình thì Ban Thường trực phải trình ra Quốc hội.
Sau khi các Bộ trưởng đã trả lời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ trả lời những vấn đề còn chưa rõ. Về vấn đề quốc kỳ Bác nói: Bên Chính phủ có 1 - 2 người đề nghị trình ra Quốc hội thay đổi một số chi tiết trên lá cờ như sao vàng có nền xanh cho nổi lá cờ lên. Sau đó, Bác kết luận rằng: “Lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu của chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ, ở Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á. Tới đâu cũng được kính cẩn. Bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào yêu cầu còn không có ai có quyền gì được thay đổi lá cờ”.
Theo lời kể của ông Thanh, trước Quốc hội, Bác đã trả lời nhiều vấn đề về ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, nhưng riêng chuyện liêm khiết chống tham nhũng, Bác nói kỹ hơn và nhấn mạnh: “Chính phủ hiện thời đã cố gắng liêm khiết lắm nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở Ủy ban hiện đông và phức tạp lắm. Dù sao Chính phủ cũng hết sức làm gương và nêu gương. Nếu làm gương không xong thì dùng pháp luật để trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và trị cho kỳ hết”.
Chất vấn thời kỳ đổi mới
Từ Quốc hội khóa VII cho đến nay (khóa XIII) trải qua 30 năm đổi mới, nhưng điều khiến ông Thanh ấn tượng nhất chính là thời điểm nền kinh tế chuyển sang nền kinh tế sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, tiến thêm một bước là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ông nhớ lại: Câu hỏi chất vấn ngồn ngộn được các đại biểu gửi đến. Khóa XI có kỳ họp nhận được 180 câu hỏi, khóa XII có kỳ nhận được gần 300 câu hỏi. Vì câu hỏi nhiều nhưng thành viên Chính phủ lại ít, nhiều vấn đề bức xúc nên Quốc hội khóa XII mới cải tiến đưa việc chất vấn theo nhóm vấn đề tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống rồi gộp các vấn đề lại với nhau.
Bình luận về cách chất vấn này, ông Thanh nhìn nhận, cách chất vấn trên đã giải quyết vấn đề bức xúc nhất ở phạm vi vĩ mô nên có tác động tích cực, xử lý từng bước và đi đúng vào nguyện vọng của cử tri và nhân dân.
Trải qua 30 năm đổi mới đất nước, nhận định về kỳ chất vấn vừa rồi của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII ông Thanh nhận định: “Đây tiếp tục là bước đổi mới nữa của hoạt động chất vấn tại Quốc hội”. Và ông nêu nhận xét, lần này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng trả lời chất vấn những vấn đề mà đại biểu nêu ra. Và đó là một sự tiến bộ.
Nhận định về hoạt động chất vấn trong 30 năm đổi mới đất nước, ông Thanh cho rằng khóa XI mới chỉ làm được việc đoàn thư ký tập hợp ý kiến đại biểu trong cả kỳ chất vấn. Theo đó có vấn đề gì lớn nhất thì lược ra rồi gộp lại thành loại vấn đề chuyển cho Chính phủ. Đến khóa XII những vấn đề quan trọng thì Quốc hội mới ra nghị quyết về chất vấn. Nhưng đến khóa XIII thì toàn bộ phiên chất vấn đều có nghị quyết.
Đó là một bước ngoặt lớn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với nhân dân, cử tri. Ngay đại biểu Quốc hội cũng vậy, trước đây khi hỏi chủ yếu để biết thêm thông tin nhưng bây giờ các đại biểu đã tập trung vào vấn đề quan trọng nhất của đất nước, tầm vĩ mô, hỏi có tầm cỡ, xác đáng, sát với yêu cầu thực tiễn, loại bỏ được câu hỏi để biết thông tin.
“Theo tôi, 70 năm qua, hoạt động chất vấn đã được thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của người chất vấn và người trả lời chất vấn đã được nâng cao, thực hiện tốt công việc mà nhân dân giao phó, là hoạt động thiết thực của Quốc hội Việt Nam”-ông Thanh chia sẻ.
Việt Thắng
Theo http://www.baomoi.com
Kim Yến (st)