Ngày 6-1-1946, lần đầu tiên, người dân Việt Nam đi bầu nên Quốc hội của đất nước. Sự kiện lịch sử này là sự tiếp nối, sự khởi đầu để cho nhân dân Việt Nam tiến bước trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ngày 5/1/1946
1. Mang dấu ấn một tầm nhìn cao và xa
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Châu Á.
Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời bàn nhiều công việc, trong đó tập trung vào chống ba loại giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành càng sớm càng tốt một cuộc tổng tuyển cử trên phạm vi toàn quốc với nguyên tắc công khai, dân chủ, trực tiếp, bỏ phiếu kín; tất cả mọi người Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo, giàu nghèo, vùng miền… miễn là có sức khỏe tâm thần bình thường, đều có nghĩa vụ và quyền lợi cầm lá phiếu bầu ra những đại biểu để lập nên Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Điều này là cực kỳ tiến bộ đối với đất nước Việt Nam vừa mới thoát khỏi ách thực dân - phong kiến nếu làm phép so sánh với nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ mãi đến sau này mới cho người da màu và đến đầu những năm 1970 mới cho phép nữ tham gia bầu cử.
Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi đăng trên báo Quốc hội - tờ báo ra đời và hoạt động
trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên
Đó thực sự là việc thực thi dân chủ để thiết lập một cách chính thức một nhà nước mới, là thể hiện về mặt pháp lý và về mặt thực tế lớn lao đầu tiên quyền làm chủ về chính trị của nhân dân Việt Nam; là sự thể hiện tinh thần của công cuộc dựng xây Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Tại sao giữa bộn bề công việc, Hồ Chí Minh lại đề nghị tiến hành bầu cử Quốc hội? Vì:
Một, đây là công việc cần phải làm, nhất thiết phải làm và là sự tiếp nối một cách tự nhiên của Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chí Minh đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt cho việc hình thành một chính thể mới ngay trong cuộc vận động Cách mạng Tháng Tám và cuộc Tổng khởi nghĩa. Cuộc cách mạng xã hội này có nhiệm vụ rất cơ bản là đập tan bộ máy nhà nước cũ, tức là nhà nước thực dân - phong kiến, để thiết lập nên một nhà nước mới - Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Việt Nam - theo đúng Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5-1941 tại Pác Bó (tỉnh Cao Bằng). Đây là kết quả sau bao năm nghiên cứu, tìm tòi của Hồ Chí Minh ở các nước trên thế giới, đặc biệt là khảo cứu cuộc Cách mạng Pháp, Cách mạng Mỹ và cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Chỉ có đập tan bộ máy nhà nước cũ thì mới hoàn thành được sự nghiệp của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Đối tượng cần phải đánh đổ của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự chiếm đóng của quân Nhật Bản và sự cai trị của chính quyền phong kiến.
Sự chuẩn bị cho một bộ máy chính quyền mới là điều tối cần thiết trong thời điểm tháng 8-1945 khi tình thế và thời cơ cách mạng xuất hiện. Hồ Chí Minh đã triệu tập Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) vào ngày 16 và 17-8-1945 để tiến hành nhiều công việc như thông qua chính sách Việt Minh, chuẩn bị một số công việc cho khởi nghĩa, đặc biệt là cử "Ủy ban Giải phóng" đóng vai trò như là Chính phủ lâm thời.
Quốc dân Đại hội Tân Trào đóng vai trò như là tiền thân của Quốc hội sau này, tiêu biểu cho ý chí và sức mạnh của toàn dân, thể hiện tính dân chủ thực sự làm nền cho các hoạt động để về sau hình thành một nhà nước chính thức.
Hai, đây là công việc vừa có giá trị pháp lý, vừa có giá trị trên thực tế trong việc thiết lập một cách chính thức quyền lực tối cao của nhân dân trong hệ thống quyền lực của một nhà nước, phản ánh bản chất nhất của chế độ chính trị mới.
Nhà nước mới ở Việt Nam do kết quả từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là Nhà nước khác về chất so với nhà nước thực dân - phong kiến. Đây là nhà nước thể hiện quyền làm chủ tối cao của nhân dân để phát triển đất nước trên con đường độc lập dân tộc và CNXH. Tính chất này khác hoàn toàn với kiểu cai trị "đè đầu cưỡi cổ nhân dân" của nhà nước thực dân - phong kiến. Nhà nước này là Nhà nước "của số đông người", Nhà nước phục vụ nhân dân chứ không phải "của một bọn ít người" áp bức nhân dân về chính trị, bóc lột nhân dân về kinh tế, nô dịch nhân dân về văn hóa.
Các nhà nghiên cứu và khai sáng về quyền lực trên thế giới đã khẳng định điều đúng đắn rằng, trong một xã hội khi mà sự phân chia quyền lực nhà nước không hợp lý thì xã hội sẽ bị rối loạn. Ở Việt Nam, dù không phân chia quyền lực của nhà nước ra làm ba: lập pháp, hành pháp, tư pháp (tam quyền phân lập), nhưng điều quan trọng bậc nhất, tỏ rõ bản chất nhất tính ưu việt của chế độ chính trị mới, đó là mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, quyền lực tối cao thuộc về nhân dân. Chính đây là thước đo sự tiến bộ rõ rệt nhất của một xã hội. Cuộc tổng tuyển cử Quốc hội ngày 6-1-1946 đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu của cuộc bầu cử dân chủ, tiên tiến ở tất cả các khâu, từ ứng cử, đề cử, hiệp thương lựa chọn đại biểu, cho đến thành phần bầu cử, cách bầu cử, kiểm phiếu, công bố… vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam vừa tuân thủ những quy tắc theo trình độ tiên tiến nhất trên thế giới. Không có ngoại lệ núp dưới bất kỳ hình thức nào trong bầu cử. Ngay bản thân Hồ Chí Minh ứng cử tại địa bàn Hà Nội, rất nhiều người đề nghị Người nghiễm nhiên là đại biểu Quốc hội không phải qua bầu cử, nhưng Người không đồng ý, vẫn coi mình là một ứng cử viên như mọi ứng cử viên khác.
Một Quốc hội được bầu ra trên nền dân chủ như thế, với tư cách là đại biểu của nhân dân như vậy để lập nên một chính phủ chính thức và thể hiện cả về mặt pháp lý và thực tế quyền lực tối cao của nhân dân đã ghi nhận tầm nhìn cao, xa và đúng đắn của Đảng và lãnh tụ của Đảng là Hồ Chí Minh.
Ba, đây là công việc cần thiết để bảo đảm tính chính danh, tạo nên thế đứng chắc chắn trên cơ sở giá trị chuẩn của pháp lý quốc tế để phục vụ cho công tác đối ngoại, trước hết là quan hệ với Đồng minh.
Theo Hiệp định Pốxđam, phe Đồng minh quyết định phái quân Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở lên và quân Anh vào Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở xuống để giải giáp quân đội Nhật Bản.
Việt Nam đã đứng về phe Đồng minh chống chủ nghĩa phátxít. Chính thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự đóng góp có hiệu quả của nhân dân Việt Nam vào cuộc đấu tranh chung của loài người tiến bộ tiến công tiêu diệt chủ nghĩa phát xít thế giới. Không đơn thuần quân Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam chỉ để làm nhiệm vụ quốc tế phân công mà đằng sau quân đội Tưởng Giới Thạch vào Việt Nam là bọn phản động người Việt lưu vong trở về nước (Việt Quốc và Việt Cách) với phương châm "diệt cộng cầm Hồ". Còn núp sau quân Anh từ vĩ tuyến 16 trở xuống là quân Pháp với âm mưu chiếm Việt Nam một lần nữa.
Trong tình thế đó, một chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa phải là một tổ chức có tính chất pháp lý vững chắc. Giá trị của cuộc cách mạng được bảo đảm một cách chắc chắn nhất khi nó được ràng buộc bằng những căn cứ pháp lý quốc tế. Mà căn cứ pháp lý ở đây chỉ có thể là bằng cuộc bầu cử Quốc hội phổ thông đầu phiểu, trực tiếp, bỏ phiếu kín rồi trên cơ sở đó tổ chức ra bộ máy nhà nước gồm các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là Chính phủ với các bộ và đặc biệt là người đứng đầu (tức nguyên thủ quốc gia) đủ tư cách pháp lý chắc chắn làm nhiệm vụ đối nội đối ngoại. Điều này chúng ta thấy rõ khi quân Tưởng Giới Thạch đứng về phía lực lượng đối lập phản động để gây khó cho hoạt động của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đòi Hồ Chí Minh phải từ chức Chủ tịch, thì Hồ Chí Minh với đầy đủ tính chất pháp lý để tuyên bố rằng, chức Chủ tịch này là do nhân dân bầu Quốc hội và ủy quyền cho Quốc hội bầu ra; do vậy chỉ có nhân dân Việt Nam mới đủ quyền bãi chức Hồ Chí Minh!
Điều này càng được bảo đảm chắc chắn hơn nữa khi Quốc hội đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam và cũng là của Đông Nam Châu Á. Quốc hội, do đó, đóng vai trò là Quốc hội lập hiến. Đến đây thì một nhà nước mới ở Việt Nam đã đầy đủ tính chính danh, một nhà nước dựa trên quyền hành và lực lượng của nhân dân, thể hiện nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, một nhà nước hợp hiến, hợp pháp, đúng chuẩn quốc tế.
2. Sự tiếp nối của truyền thống dân chủ
Quốc hội Việt Nam đã đi xuyên qua bao cuộc thử lửa của dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo rồi từ cái mốc Đại hội Quốc dân Tân Trào tiến lên ngày hội Tổng tuyển cử 6-1-1946, lại đi tiếp chặng đường tổ chức bộ máy quyền lực xác lập quyền làm chủ của nhân dân với bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946… từ đó trải qua bao nhiêu chặng đường đầy gian khổ hy sinh qua sự nghiệp vừa kháng chiến vừa kiến quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh thắng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc, ngày nay đang tiến quân vào công cuộc đổi mới được 30 năm.
Phụ nữ háo hức đi bầu cử
Một nền dân chủ tiếp nối đã được thể hiện qua hoạt động của Quốc hội trải qua 13 khóa đang và sẽ còn tiếp tục trong các khóa sau. Sự tiếp nối đó được ghi nhận bởi những nét chủ yếu nhất sau đây:
Một là, thiết lập những bản Hiến pháp, là đạo luật cơ bản của nước nhà và hàng loạt các pháp luật khác để bảo đảm cho hoạt động của một nhà nước pháp quyền.
Tính chất pháp quyền của nó ở Việt Nam là pháp quyền mang tính chất XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Trong tất cả các bản Hiến pháp ở Việt Nam thì điều cốt lõi, cơ bản, bao trùm, xuyên suốt, bất di bất dịch vẫn là xác lập và bảo đảm cho việc thực thi quyền làm chủ tối cao của nhân dân. Mọi sự cải tiến, đổi mới chỗ này, chỗ nọ, điểm này hay điểm khác nhưng đây là điều bất biến, là nguyên tắc không bao giờ thay đổi, và sự thực là nó đã không thay đổi. Chính Quốc hội khóa I, kết quả của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946, là sự khởi đầu, là cái mốc vững chắc cho nguyên tắc đó.
Hai là, trong hoạt động của Quốc hội, tính chất dân chủ ngày càng thể hiện rõ hơn, tiến bộ hơn.
Quốc hội đã thực thi nhiệm vụ bàn bạc và thông qua những kế sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những phiên chất vấn tại Quốc hội được truyền hình trực tiếp, những hoạt động giám sát và những quyết sách khác đã chứng tỏ trên thực tế quyền hành tối cao thuộc về nhân dân. Sự tiếp nối của Quốc hội trong 13 khóa là vô cùng đặc biệt, nhiều thời kỳ diễn ra trong bối cảnh không bình thường, đặc biệt là lúc có chiến tranh và lúc đất nước bị lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Chính hình mẫu của Quốc hội khóa I trong hoàn cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" đã để lại nhiều kinh nghiệm lịch sử quý báu cho các khóa Quốc hội tiếp theo. Sinh hoạt chất vấn của những khóa Quốc hội sau này tưởng là mới nhưng kỳ thực hình thức đó đã diễn ra ngay từ hoạt động của Quốc hội khóa I.
Vấn đề còn lại hiện nay là ở chỗ đổi mới hoạt động bầu cử, hoạt động của Quốc hội trong thời kỳ, hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường định hướng XHCN như thế nào để bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân thực sự hiệu quả hơn; làm thế nào để Nhà nước vận hành một cơ chế bảo đảm thực chất quyền lực của nhân dân rõ hơn; làm sao để công tác giám sát chặt chẽ hơn; lời hứa của các thành viên Chính phủ biến thành thực tế rõ hơn, v.v.
70 năm Quốc hội Việt Nam đã thể hiện được một tinh thần nhất quán từ sự khởi đầu của khóa I năm 1946, đặc biệt là bảo đảm tính chất dân chủ. Chắc chắn tinh thần đó vẫn còn tiếp nối cho khóa XIV và các khóa tiếp sau.
Ba là, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
Hồ Chí Minh đã nêu rõ quyền con người ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945. Quyền đó từ quyền của "tạo hóa" (quyền Trời cho), là giá trị phổ biến toàn nhân loại, đã được ghi vào Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp. Quyền đó được Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong quyền được độc lập, tự do của một cộng đồng dân tộc-quốc gia. Nước đã mất độc lập thì mọi người dân không có quyền tự do. Quyền con người cao nhất là quyền được sống, tiếp sau đó là quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Là người nghiên cứu sâu sắc các cuộc cách mạng trên thế giới, Hồ Chí Minh biết rất rõ giá trị của các quyền đó và ra sức cùng toàn Đảng, toàn dân phấn đấu cho các quyền đó trở thành hiện thực. Hồ Chí Minh đã đi đến tận cùng của mọi ngóc ngách biểu hiện quyền con người. Chẳng hạn, Hồ Chí Minh cho rằng, nếu chúng ta đã tranh được độc lập rồi mà dân cứ đói rét thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì; rằng, dân chỉ được hưởng tự do độc lập thật sự khi dân được ăn no, mặc đủ…
Đất nước Việt Nam đã thoát ra khỏi các cuộc chiến tranh khốc liệt trong thời kỳ cận - hiện đại. Cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc Việt Nam chống ngoại xâm là cuộc đấu tranh vì quyền con người. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới vì những mục tiêu của CNXH cũng là sự nghiệp bảo đảm quyền con người. Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì là hư hỏng, cũ kỹ để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi đúng như Hồ Chí Minh đã nêu trong bản Di chúc. Trong cuộc chiến đấu khổng lồ này, Quốc hội là một tiêu điểm, là tác nhân để chiến thắng. Nó vừa bảo đảm quyền con người lại vừa bảo đảm quyền công dân. Điều đó được phản ánh mới nhất, chắc chắn nhất trong bản Hiến pháp năm 2013).
Trên con đường dài của cuộc đấu tranh vì quyền con người, quyền công dân, Quốc hội khóa I đã đặt nền tảng vững chắc cho mọi sự thắng lợi. Tinh thần của ngày 6-1-1946 bất diệt chắc chắn sẽ truyền tải cho ngày 22-5-2016, ngày Tổng tuyển cử cho việc lập nên Quốc khội khóa XIV./.
GS, TS. Mạch Quang Thắng
Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thu Hiền (st)