Thứ bảy, 21/12/2024

phan 2 HT Phu quoc             

              Phú Quốc - Di tích danh thắng

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và phát triển, người dân Phú Quốc đã tạo nên những giá trị văn hóa - tinh thần mang bản sắc riêng, góp phần bồi tụ vẻ đẹp cội nguồn ở vùng biển đảo nổi tiếng đẹp giàu.

Dinh Cậu - nơi gửi gắm đức tin

Dinh Cậu được xây dựng năm 1937 bắt nguồn từ tín ngưỡng của người dân trên đảo đối với những vị thần che chở giúp đỡ họ khi tàu bè đi biển gặp nạn. Theo con đường lát đá thoai thoải dẫn đến Dinh Cậu, vào bên trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều tuyệt tác về kiến trúc cổ với những đường nét sắc sảo, các hiện vật quý giá gắn liền với truyền thống lịch sử hình thành cư dân trên đảo. Chính diện Dinh Cậu nhìn ra biển cả mênh mông, bên trái là bờ cát trắng mịn với hàng dừa reo trong gió, bên phải là bến đậu ghe thuyền chen chúc. Từ Dinh Cậu, du khách có thể ngắm cảnh biển lúc bình minh hoặc lúc hoàng hôn, khi nắng dần tắt cũng là lúc những chiếc thuyền câu mực bắt đầu thắp lên những ngọn đèn giăng kín một góc trời, trông xa xa như một thành phố trên biển.

 Nằm trên bãi biển Dương Đông, Dinh Cậu được xem là thắng cảnh nổi tiếng nhất trong những thắng cảnh của Phú Quốc. Không chỉ cuốn hút bằng truyền thuyết, Dinh Cậu còn thu hút du khách bằng nét đẹp rất riêng của mình.

Sùng Hưng cổ tự

Chùa cổ Sùng Hưng được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XX. Theo tài liệu còn lưu lại trước kia nơi đây là nghĩa địa có 2 chùa Sùng Nghĩa và Hưng Nhân, về sau được hợp lại là một; cổng quay về hướng Bắc, mặt chính của chùa nhìn ra chợ, khuôn viên trải dài trên một diện tích rộng lớn từ chân lên đỉnh núi. Kiến trúc cổ kính của chùa đặt trong tổng quan hài hòa: Lên cao dần theo từng bậc thang, xung quanh cây cổ thụ xanh tươi, có tường rào bao bọc. Cổng chính xây kiểu tam quan, rất đường bệ. Giữa sân đặt tượng Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát trắng tinh hiền từ, phổ độ, vào sâu hơn nữa là chánh điện được trang trí hoành tráng và trang nghiêm với nhiều tượng bằng gỗ, đồng, thạch cao được điêu khắc hết sức tinh vi sắc sảo, bày bố theo thứ tự từ thấp đến cao.

phan 2  a2  HT Phu quoc

Trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị khác như Đại Hồng Chung, các câu đối, liễn, sơn son thiếp vàng và những hình ảnh sống động thuật lại bước đường Tây du của thầy trò Đường Tăng. Sùng Hưng Cổ tự không chỉ là ngôi chùa lớn và cổ, mà còn là một iến trúc độc đáo nhất đảo, là điểm du lịch nổi tiếng.

phan 2  a3  HT Phu quoc

Đình Thần Dương Đông - nơi tưởng nhớ các tiền nhân

Trong điều kiện khắc nghiệt của vùng đất mới, lưu dân người Việt đến Phú Quốc lập nghiệp thường quần tụ để dễ dàng tương trợ nhau lúc khó khăn. Lâu dần dân cư đông đúc, họ xây dựng làng xã, đình miếu... Theo truyền thống, khi đến bất kỳ vùng đất mới nào, việc đầu tiên của cộng đồng người Việt là bắt tay lập một ngôi đình. Đình làng là trung tâm hành chính, cũng là nơi thờ những anh hùng có công với đất nước được triều đình phong sắc. Đình làng còn là nơi sinh hoạt văn hóa, nơi diễn ra những cuộc hội hè.

Tại Phú Quốc, Đình thần Dương Đông là một trong những ngôi đình được nhiều người biết đến, xây dựng từ năm 1959 và sớm lập thành hội quán nhằm quy tụ các sắc thần của 9 ngôi làng, thuận tiện cho các hoạt động tín ngưỡng, thờ thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền nhân. Hàng năm vào ngày mồng 10 tháng giêng và ngày rằm tháng 7 Âm lịch, tại Đình thần, nhiều nghi lễ được tổ chức long trọng trong không khí trang nghiêm để tưởng nhớ những người có công lớn trong công cuộc khai khẩn. Vào các ngày này, nhân dân quy tụ về đây rất đông để dâng lễ tạ ơn đồng thời cầu xin được thần linh phù hộ, che chở. Đây là nét đẹp văn hóa truyền thống thể hiện tinh thần đoàn kết của cư dân trên đảo và cũng là dịp để du khách phương xa đến chứng kiến và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi đình.

Chùa Cao Đài Hội Thánh

Đến Phú Quốc chúng ta không thể không đến Chùa Cao, một ngôi chùa nằm phía trên Đình thần Dương Đông. Đây chính là nơi phát tích của đạo Cao Đài.

phan 2  a4  HT Phu quoc

Trong thập niên 20 của thế kỷ XX, viên quận trưởng quận Phú Quốc, đốc phủ sứ Ngô Minh Chiêu thường xuyên ra Dinh Cậu ngồi ngẫm nghĩ sự đời, ông cũng thường xuyên đến chùa Quan Âm phía trên đình Thần Dương Đông. Một hôm, ở Dinh Cậu ông mơ màng nhìn thấy một con mắt rất lớn và thần bí. Con mắt ấy cứ thường xuyên xuất hiện mỗi khi ông lên Dinh Cậu, ông cho rằng đây là một hiện tượng thần tiên nên cầu nguyện nếu là duyên thì cho ông nhìn thấy được tiên cảnh. Sau đó, ông mơ màng thấy được cảnh bồng lai và được một vị tiên tự xưng là Cao Đài Tiên Ông dạy ông phải thờ thiên nhãn, truyền cho giáo lý để lập đạo Cao Đài. Cùng lúc ấy, nhiều viên chức trí thức cũng được Cao Đài Tiên Ông truyền đạo. Từ đó đạo Cao Đài được khai sáng với 12 phái Tiên Thiên, Ngô Minh Chiêu được phong làm anh cả. Từ đó chùa Quan Âm, nơi ông tu hành được xem là nơi khai sáng đạo Cao Đài. Hiện chùa Cao vẫn chỉ là một ngôi chùa bình thường, khiêm tốn, nhưng chứa trong đó là huyền thoại phát tích của một mối đạo.

Lăng ông Nam Hải - Tín ngưỡng biển cả

phan 2  a5  HT Phu quoc

Cuộc sống ngư dân ở đây gắn liền với biển cả, sinh mạng họ thật mong manh trước những cơn sóng to, gió lớn. Niềm tin là điểm tựa duy nhất để họ đứng vững với những hiểm nguy hàng ngày. Ngoài vị thần trị vì sông nước, họ còn tin tưởng vào những điều linh thiêng khác, có thể giúp đỡ họ trong cơn hoạn nạn. Đó là Lăng Ông Nam Hải, nằm rải rác ven các bờ biển của đảo Phú Quốc. Những nơi này, đều là nơi thờ cá voi. Nhiều người kể lại rằng, trong lúc chìm ghe, đuối sức họ như có vật gì đưa họ vào bờ. Họ tin rằng, chính mình đã được cá Ông cứu vớt, do vậy rất biết ơn và kính trọng, xem cá Ông như thần hộ mệnh, gọi là Nam Hải Tướng Quân. Khi cá Ông chết dạt trôi vào bờ, làng chài lấy đó làm vinh dự. Người gặp đầu tiên đứng ra làm tang chủ, cùng bà con chài lưới lo chôn cất hết sức quan trọng. Sau đó lập miếu, lấy bộ xương thờ gọi là Lăng Ông Nam Hải. Ngày nay, đi dọc bờ biển Dương Đông – An Thới du khách bắt gặp nhiều lăng ông: Lăng ông Dương Tơ, lăng ông Dương Đông, mũi Đất Đỏ...

Dinh Bà Kim Giao và dấu vết người khai khẩn Dinh

Dinh Bà Kim Giao nằm trên hữu ngạn sông Cửa Cạn. Trước kia Dinh làm bằng mái tranh vách ván rộng lớn, nhưng trải qua nhiều tháng năm bị tàn phá bởi chiến tranh sau đó trùng tu, tái tạo nhiều lần, ngày nay Dinh được xây mới bằng tường xây vôi, mái ngói khang trang, bên trong thờ Bà Kim Giao. Hàng năm, dân chúng tổ chức cúng tế  vào rằm tháng Giêng âm lịch.

phan 2  a6  HT Phu quoc

Đến Phú Quốc du khách không thể bỏ qua nơi thờ Kim Giao Thần Nữ - được xem là người đầu tiên khai khẩn ra vùng đất này. Người dân Phú Quốc rất tôn kính Bà, họ coi Bà như người tiên phong khai phá đảo. Hiện bài văn tế đọc trong dịp cúng đình còn nhắc đến tên Bà (Kim Giao chi vị), đây là sự ghi ơn của người dân Phú Quốc đối với Bà.

Dọc theo sông Cửa Cạn còn lưu lại một địa danh gọi là Búng Dinh Bà, nơi mà Bà Kim Giao xưa kia lập dinh trại trên bờ Búng. Búng là vũng nước sâu khoét theo bờ sông. Về sau dòng họ bà phục lại đế nghiệp nên bà trở về Cao Miên, có người nói bà chết ở Cửa Cạn sau đó vua Miên cho người đem hài cốt về đất Miên. Một thuyết khác lại cho rằng bà chết ở hòn Phú Dự. Truyền thuyết dân gian kể, bà giúp lương thực cho vua Gia Long trong thời gian nhà vua lưu ở đảo để tránh Tây Sơn, điều này có thể đúng vì vua và bà ra hải đảo cùng một thời gian. Hiện nay ở Cửa Cạn còn đền thờ Bà Kim Giao gọi là Dinh Bà Trong, vì cạnh bờ biển có Dinh thờ Bà Thuỷ Long Thánh Mẫu gọi là Dinh Bà Ngoài. Bà Kim Giao, khi về lại đất Miên có để lại hai cặp trâu đực cái, sau này sinh sản rất đông.

Bà Lớn tướng Lê Kim Định

Bà Lê Kim Định là phu nhân của anh hùng Nguyễn Trung Trực, tên thường gọi là bà Điều, vợ cả nên dân địa phương gọi là Bà Lớn. Ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân sau khi chiếm Rạch Giá, từ Hòn Chông đã dùng tàu vượt biển sang Phú Quốc, đóng tại Hàm Ninh. Với toan tính xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ miền Nam nước Việt, năm 1867, Pháp cho quân đổ bộ vào Hàm Ninh. Nguyễn Trung Trực đưa nghĩa quân sang Giếng Tiên thuộc Dương Đông rồi chuyển sang Cửa Cạn. Theo nghĩa quân có bà Lê Kim Định, mẹ và em gái. Ba mẹ con bà Điều là người Rạch Giá đã tổ chức kháng Pháp trên đảo Phú Quốc trước khi nghĩa quân Nguyễn Trung Trực kéo sang.

phan 2  a7  HT Phu quoc

Ngày nay, mộ của Bà Lớn nằm bên trái sông Cửa Cạn, ban đầu chỉ là ngôi mộ đất, xung quanh bao bọc gỗ cây trai. Đến ngày 27-4-1968, mộ được xây bằng đá và trùng tu lại vào ngày 4-6-1980. Ngôi mộ trở nên khang trang, được lát bằng gạch men, nằm trong vòng thành rộng lớn, bia mộ có dòng chữ trang trọng “Bà Lớn Tướng Lê Kim Định”. Du khách đến tham quan Khu Di tích này sẽ được nghe nhiều câu chuyện về Bà. Theo truyền thuyết, vào những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng dân làng thấy Bà đi thuyền từ căn cứ ra làng, thuyền có che lọng xanh, thuyền Bà lướt đi êm đềm trên mặt nước. Người gặp Bà liền quỳ lạy và xin Bà phù hộ nhân dân Phú Quốc được cuộc sống an lành và làm ăn sung túc. Người dân Phú Quốc lưu truyền câu chuyện này với nhiều đức tin và lòng đầy kính trọng. Giỗ của Bà được tổ chức hàng năm vào ngày 19-8 âm lịch. Người dân khắp nơi về đây chiêm bái rất đông.

Truông Am

phan 2  a8  HT Phu quoc

Truông Am nằm cạnh con đường Dương Đông - Bắc đảo, cách thị trấn chừng 1km (ngã ba đường đi suối Đá Bàn).

Xa trông Truông Am như hòn non bộ đứng cheo leo. Được tạo thành bởi nhiều tảng đá cao vách hiểm trở, chồng chất lên nhau. Thêm vào đó những thân cây cằn cỗi mọc lên từ đá. Ngôi Am nhỏ được cất tựa vào vách đá, nơi cao nhất. Lan can làm bằng xi măng, sơn vôi trắng bao quanh, làm nổi hẳn mái ngói đỏ tươi và màu rêu phong của đá.

Truông đã cao, con đường đất đỏ vắt ngang dưới chân và con rạch uốn quanh sát đó, làm cho vách truông càng thêm cheo leo. Gọi là Truông Am vì trên truông núi này có ông lão tóc râu bạc trắng, cất am thờ tiên và tu tịnh.

Nhà lao Cây Dừa

phan 2  a9  HT Phu quoc

Nhà lao Cây Dừa ở phía Nam đảo Phú Quốc, trên diện tích rộng khoảng 400ha, gồm 4 khu A, B, C, D với hàng trăm nhà giam. Đây là trại giam tù binh lớn nhất và tàn bạo nhất của chế độ Mỹ ngụy. Cũng tại trại giam này, có rất nhiều sự tích hào hùng của các tù nhân khi bị giam cầm tại đây, thể hiện ý chí ngoan cường, bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn của các chiến sĩ cách mạng.  Thời điểm cao nhất có đến 40.000 tù binh bị giam cầm tại đây (từ năm 1967-1972).

Hiện nay, Nhà lao Cây Dừa đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử.

Gành Dầu

Sử sách kể rằng: Khi đó rừng Phú Quốc còn rất nhiều thú dữ. Trâu và heo rừng là hai mối hiểm họa của người dân, nhà cửa bắt buộc phải làm hàng rào. Người dân đi từ nơi này đến nơi khác trên đảo thường nơm nớp lo sợ. Nếu chẳng may gặp phải thú rừng, khách bộ hành chỉ còn biết cách nằm áp bụng xuống đất nín thở giả vờ chết, để cho chúng đi qua.

Ngoài ra, người ta còn thấy vài ba con cọp ở hòn Nầng. Những chú cọp này thỉnh thoảng vượt biển đến đảo Phú Quốc tìm mồi. Nhưng một lần đang bơi ngang biển, chẳng may bị cá mập ăn cụt mất một chân. Từ đó, cọp trở nên hiền lành và luôn ở trên đảo. Nhiều lần cọp xuống núi, đến làng cư dân, khi ra đi để lại dấu chân trên đất mới, nền vườn tiêu, nhưng không bắt gia súc hay phá hại dân làng. Người dân cho cọp đã tu nên kính trọng tôn làm thần núi và lập dinh thờ gọi là Dinh Hổ (ở xóm 1 ấp Cửa Lấp xã Dương Tơ).

Khu tượng

phan 2  a10  HT Phu quoc

Đến Phú Quốc, chắc chắn chúng ta được nghe nói về khu tượng như là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân huyện đảo. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Khu Tượng luôn là căn cứ địa cách mạng vững chắc, là một vùng giải phóng, mọi chủ trương của Đảng bộ thường xuất phát tại đây. Quân đội Mỹ và Sài Gòn đã mở nhiều cuộc hành quân với quy mô rất lớn, mà điển hình là cuộc hành quân “Ba lượn sóng thần” kết hợp cả hải, lục, không quân đánh vào Khu Tượng. Quân và dân Phú Quốc, bằng tinh thần dũng cảm, trí thông minh sáng tạo đã đánh bại các cuộc hành quân càn quét của Mỹ ngụy, làm tiêu hao sinh lực địch, bảo vệ vững chắc căn cứ địa của Đảng.

Suối tranh

phan 2  a11  HT Phu quoc

Từ khá lâu, Suối Tranh là một địa danh nổi tiếng của Phú Quốc, nằm bên cạnh đường Dương Đông đi Hàm Ninh, gần ngã ba về An Thới.

Suối Tranh được hình thành từ những khe suối nhỏ trên dãy núi Hàm Ninh tập hợp lại thành con suối lớn. Trên dòng chảy của mình, Suối Tranh có thác, có ghềnh thơ mộng xuyên qua rừng núi rất hữu tình, có những chỗ rộng rãi cho du khách tắm mát. Bên cạnh suối là con đường mòn đi lên thượng nguồn.

Tên gọi Suối Tranh được hình thành là do khu vực này có khá nhiều tranh mà dòng suối đi ngang qua.

Suối đá bàn

Trên đường lên Bắc đảo, cách thị trấn Dương Đông khoảng 1km có một con đường đất đỏ rẽ về tay phải, đi độ 6km sẽ đến Suối Đá Bàn.

Cũng như Suối Tranh, Suối Đá Bàn được hợp thành bởi những dòng chảy nhỏ rồi đổ ra một vùng có những tảng đá lớn và bằng phẳng như những cái bàn đá thiên nhiên.

Giếng ngự

Khởi hành từ trung tâm xã An Thới, 2km đường rừng ven biển. Bất ngờ trước mặt vùng nước xanh trong vắt hiện ra. Bãi cát trắng phau, lượn vòng chân núi như muốn ôm trọn những con tàu đánh cá đang thả mình nghỉ ngơi ven rừng.

Núi biển trập trùng, sương mây quấn quít. Đền thờ nho nhỏ hiện ra trước mặt, trên những tảng đá cheo leo, dấu vết một chiếc ghế đá uy nghi màu hồng quay lưng với biển, hướng về cánh đồng bao la gọi là ngai vua.

Dân truyền rằng, đó là những gì chúa Nguyễn để lại sau nhiều lần trốn chạy quân Tây Sơn. Trong cơn quẫn bách, không còn nước ngọt cho quân, Nguyễn Ánh đã giậm chân chỉ mũi kiếm thần vào lòng đất, làm bắn ra một dòng nước ngọt ngào mà đến nay vẫn còn tuôn chảy, dấu giày xưa nay còn khắc sâu trên đá và gọi là giếng Ngự, giếng Tiên hay giếng Gia Long.

Mũi Ông Đội

phan 2  a12  HT Phu quoc

Mũi Ông Đội là nơi đất cuối cùng, đồng thời là điểm kéo dài nhất của đảo. Đây là một thắng cảnh nổi tiếng, nơi chứa đựng những huyền thoại về vua Gia Long.

Truyền rằng: Trong thời gian lưu trú trên đảo, thuyền Nguyễn Ánh đang neo đậu trên mũi đất thì bất ngờ quân Tây Sơn tiến đánh. Trong hoàn cảnh cấp bách mà neo thuyền lại vướng vào đá ngầm.

Có viên cai đội dũng cảm vội lặn xuống gỡ neo cho thuyền kịp thoát. Khi gỡ neo xong thì viên cai đội cũng bị nước cuốn trôi mất xác. Lần sau trở lại, Nguyễn Ánh nhớ ơn cứu mạng truyền lệnh tổ chức lễ truy điệu, và đặt tên mũi đất này là Mũi Ông Đội.

Minh Thu (st)

Bài viết khác: