Thứ bảy, 21/12/2024

Dòng máu đỏ da vàng mà tôi mang vẫn chảy đều trong huyết mạch, tôi thuộc về nơi ấy, nơi của những câu chuyện đấu tranh hào hùng chống lại ngoại xâm. Ba kể tôi nghe về Bác Hồ, Người một đời bôn ba vì độc lập, tự do của dân tộc. Người một đời giản dị, cần mẫn, hi sinh vì Tổ quốc, cho muôn thế hệ sau. Những câu chuyện về Bác càng thôi thúc tôi quay về để một lần được viếng, một lần được tận mắt nhìn Người.

Tôi may mắn sinh ra và lớn lên ở một đất nước thanh bình, tươi đẹp. Kí ức tuổi thơ tôi là những lâu đài cổ tích, là biển hồ xanh thẳm, là tuyết trắng, là ông già Noel mang quà mỗi độ Giáng sinh. Việt Nam, nơi chỉ hai mùa mưa nắng, nơi miền nhiệt đới nóng bức với nhiều bụi bặm, một xứ sở xa xôi mà tôi chỉ biết qua lời của Mẹ, vậy mà lòng tôi cứ canh cánh mong về. Dòng máu đỏ da vàng mà tôi mang vẫn chảy đều trong huyết mạch, tôi thuộc về nơi ấy, nơi của những câu chuyện đấu tranh hào hùng chống giặc ngoại xâm. Ba kể tôi nghe về Bác Hồ, Người một đời bôn ba vì độc lập, tự do của dân tộc. Người một đời giản dị, cần mẫn, hi sinh vì Tổ quốc, cho muôn thế hệ sau. Những câu chuyện về Bác càng thôi thúc tôi quay về để một lần được viếng, một lần được tận mắt nhìn Người.

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Lời Bác dạy như kim chỉ nam, dẫn đường cho bao thế hệ. Người là tấm gương sáng của sự bền bỉ, kiên trì vượt qua khó khăn, dẫu gian nan luôn trùng vây trước mặt. Thời gian Bác sống và hoạt động ở Xiêm (Thái Lan) vào năm 1927, từ Phi-Chịt, Bác muốn đến U-Đôn để tìm thăm kiều bào. Đường đi trắc trở, trèo đèo vượt suối, trên vai lại phải gánh nặng hành trang, tưởng chừng Người gục ngã, nhưng không, lòng yêu thương đã trở thành sức mạnh để Bác vững vàng tiến bước. Người luôn tự dặn lòng lời dạy của người xưa “thiên hạ vô nan sự, nhân tâm tự bất kiên”. Mẩu chuyện tuy đơn sơ nhưng đầy xúc động. “Nhẫn” không chỉ tồn tại kiên định trong Bác ở những chuyện lớn lao mà ngay từ chuyện nhỏ, sự vững chí ấy theo Người suốt cuộc hành trình nhân thế để quyết tâm giành độc lập, tự do cho dân tộc, nó đã trở thành thứ vũ khí lợi hại làm thực dân khiếp vía, khiến đế quốc kinh hồn.

4 Cam nhan ve BH
Bác Hồ về thăm quê Kim Liên, Nghệ An năm 1961

Khi nghe về đức Vua trong những câu chuyện cổ, ta thường nhớ đến những cung điện nguy nga tráng lệ, bên cạnh hàng trăm tùy tùng hiến dâng vô vàn món ngon, vật lạ. Nhưng Bác lại hoàn toàn khác. Với đôi dép "cà tàng" mà bôn ba cả thế giới, khiến bè bạn năm châu nể phục vì sự giản dị, đơn sơ. Người không câu nệ chuyện lễ nghi “Bác có phải là Vua đâu?”. Bác luôn hòa mình, chia ngọt sẻ bùi cùng mọi người chung quanh từ bát cơm manh áo. Người không đồng ý việc mình được đối đãi đặc biệt như một vị lãnh tụ mà mong được bình đẳng như mọi người. Cuối năm 1961, khi về thăm xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, Bác đứng nói chuyện với đồng bào giữa cái nắng gay gắt, đồng chí chủ tịch huyện tìm mượn chiếc ô cho Bác, thì Người quay lại hỏi “Thế chú có đủ ô để cho tất cả đồng bào không?”. Cái tôi cá nhân trong con người một vĩ nhân luôn đứng sau cái chung của quần chúng. Bác bình đẳng, quan tâm đến mọi giai cấp. Từ cụ già đến em bé, từ dân tộc đến miền xuôi, mỗi tầng lớp như nằm riêng một ngăn nơi trái tim mà Người yêu thương hơn cả bản thân mình. Hình ảnh Bác ngồi quạt cho những thương bệnh binh hay Người ra đồng làm ruộng với nông dân hiện lên trong tôi đầy xúc động. Những mẩu chuyện về Bác là một chuỗi bài học về đạo làm người mà tôi không tìm thấy được trong sách vở nhà trường.

“…Vui sao một sáng tháng năm

Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ

Suối dài xanh mướt nương ngô

Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn…”

(Sáng tháng Năm-Tố Hữu)

Tôi đã không còn có cơ hội để được “Bàn tay con nắm tay Cha/ Bàn tay Bác ấm vào da, vào lòng”. Nhưng vẫn mong sao được một lần ngắm Người trong giấc ngủ bình yên. Tôi mong ngày về, để tận mắt nhìn ngôi nhà sàn đơn sơ, để được thấy hồ sen mà Bác vun vén năm nào. Tôi mong được nghe nhiều hơn những huyền thoại về Bác kính yêu, để rồi thêm tự hào là nòi giống Lạc Hồng. Tôi chờ ngày ấy lắm…

Trần Thiện Tâm (Thụy Sỹ)

Theo http://quehuongonline.vn/

Đặng Tuyết (st)

Bài viết khác: