Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng từng có thời gian bị tù đày ở Côn Đảo. Trong xiềng xích của kẻ thù, ông luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản chân chính.
Ông Vũ Mão – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, lần đầu tiên được gặp Bác Tôn Đức Thắng vào mùa hè năm 1952, khi Bác đi công tác nước ngoài và ghé thăm các học viên trường Thiếu sinh quân. Chuyến thăm ấy đã để lại trong ông những ấn tượng và tình cảm sâu nặng về Bác - vị Chủ tịch Quốc hội đáng kính.
Bác Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, tại Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hoà Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Năm 1906, sau khi học xong bậc tiểu học ở Long Xuyên, 18 tuổi, Hai Thắng (tên gọi thân thiết của Bác Tôn thời trai trẻ) lên Sài Gòn học nghề thợ máy. Sau khi tốt nghiệp, Hai Thắng vào làm việc tại xưởng Ba Son.
Cuối năm 1912, Hai Thắng tham gia vận động công nhân xưởng Ba Son bãi công, đồng thời vận động học sinh Trường Bách nghệ Sài Gòn bãi khóa. Cuộc đấu tranh đầu tiên đó của giai cấp công nhân Sài Gòn đã giành được thắng lợi. Qua đó, biểu lộ sức mạnh của lực lượng xã hội mới.
Chính vì vậy mà chính quyền thực dân Pháp mở chiến dịch tìm bắt những người lãnh đạo cuộc bãi công, Hai Thắng buộc phải trốn tránh, cải trang và thay đổi tên khác, xin vào làm việc trên chiếc tàu biển mang tên La Coóc.
Năm 1913, Hai Thắng làm công nhân quân giới tại xưởng Arsenal de Toulon ở quân cảng ở miền Nam nước Pháp.
Năm 1914, Hai Thắng được tuyển mộ làm lính thợ cho một đơn vị Hải quân Pháp.
Ngày 9/10/1916, người thợ máy Tôn Đức Thắng nhận lệnh phục vụ trên chiến hạm Paris của Pháp.
Dấn thân vào con đường cách mạng
Ngày 20/4/1919, chàng thanh niên Việt Nam tham gia phản chiến chống lại cuộc can thiệp của thực dân Pháp vào nước Nga - Xô Viết tại Hắc Hải. Anh tự tay kéo lá cờ đỏ thiêng liêng lên đỉnh cột cờ chiến hạm France và cùng đồng đội hát vang bài “Quốc tế ca” hùng tráng để ủng hộ Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga.
Việc làm trên thể hiện ý thức giác ngộ về chính trị và dũng khí tuyệt vời của Tôn Đức Thắng.
Trong những tháng năm sống xa Tổ quốc, xa đồng bào, Tôn Đức Thắng đã gắn bó keo sơn với phong trào yêu nước của Việt kiều ta ở Pháp, qua đó đã nâng cao kiến thức, mở rộng tầm nhìn; hiểu được sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong các lĩnh vực đấu tranh kinh tế và chính trị.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc vào
sáng ngày 13/5/1975 tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Chính qua đó càng thấy sâu sắc sự liên kết tất yếu giữa phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp tại chính quốc với nhân dân bị áp bức ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.
Đó là những hành trang quý giá mà Tôn Đức Thắng đã trang bị cho mình khi từ giã nước Pháp để trở về thành phố Sài Gòn, lao vào cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù.
Dũng khí trong lao tù
Người ta thường nói:
- Côn Đảo là trường mẫu giáo đồng thời là trường đại học chính trị cho anh em tù bị thực dân Pháp đày ra hòn đảo ngục tù này.
Nhiều người còn nhớ một câu nói vui mà sâu sắc: “Trung học Khám Lớn, Đại học Côn Lôn”.
Năm 1927, Hai Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ. Năm 1928, ông bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn.
Cảnh sát thực dân Pháp gán cho anh vào tội chủ mưu giết người trong vụ ám sát một người hợp tác với chính quyền thuộc địa Nam Kỳ tên là Phát do các đồng chí cùng hoạt động thực hiện.
Nhờ có một đồng chí tự nhận là chủ mưu, cùng với sự vận động của một số nhân sĩ trí thức như bà Trần Thị Cừu, Đốc học Nguyễn Văn Bá, Luật sư Trịnh Đình Thảo, nên Hai Thắng chỉ bị chính quyền thuộc địa tuyên án chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo.
Năm 1930, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Côn Đảo. Trong nhà tù có nhiều lớp học. Lớp dạy văn hóa, đặc biệt là sử - địa, lớp dạy chính trị. Lớp chính trị có thêm vài ban như ban sưu tầm (sách, báo), ban sao chép (để phát cho nhiều phòng).
Đồng chí Phạm Văn Đồng dạy chính trị. Ban sưu tầm có Bác Tôn, anh Ba Khiêm (Ung Văn Khiêm). Ban sao chép có anh Sáu Tây (Nguyễn Văn Tây).
Chúa đảo Bouvier sau khi đọc hồ sơ, thấy người tù số 5289 từng là trưởng máy, tốt nghiệp Trường Máy Sài Gòn, làm thợ ở hãng Ba Son và có thâm niên hai năm làm trưởng máy trên chiến hạm France của Quân cảng Toulon nên đã khai thác thế mạnh này của Tôn Đức Thắng.
Bouvier đưa Hai Thắng về làm ở Sở Lưới là nhằm sử dụng tay nghề của người tù lừng danh này, nơi có mấy chiếc chaloupe (sà- lúp) và canot (ca-nô).
Mỗi lần sà-lúp hư, ca-nô hỏng, người tù 5289 đều sửa tốt và nhanh. Nhưng lão không ngờ rằng, chính điều đó đã tạo điều kiện cho nhà cách mạng dày dạn này có điều kiện hoạt động.
Nhờ lái ca-nô, Bác Tôn thường gặp các thủy thủ Pháp trên các tàu viễn dương tuyến Marseille - Sài Gòn.
Qua đó, Bác xin báo Le Paria, báo L'Humanité, bí mật giao cho anh Ba Khiêm giấu trong đòn gánh chuyển về trại giam. Anh Ba Khiêm kể chuyện này và xem Bác Tôn là người tiếp tế sách báo chính trị cho anh em chính trị phạm.
Mỗi lần có tù vượt ngục, chúa đảo cho lính lên ca-nô đuổi theo. Người lái là tù nhân số 5289, với sự khôn kéo của mình, chiếc ca nô chưa lần nào bắt được tù vượt đảo.
Nhiều lần chúng nhìn qua ống dòm thấy bạn bè của tù nhấp nhô trước mắt. Bọn chúng hí hửng sắp có tiền thưởng và sẽ được lên lương với chiến công bắt được tù vượt ngục giữa biển khơi.
Nhưng chúng đã mừng quá sớm, ca nô đang chạy ngon lành bỗng khẹt khẹt rồi bốc khói đen kịt. Chúng quay lại hỏi tài xế. Người tù 5289 đang hì hục tháo máy, dũa bougie hay mở bộ phận lọc dầu hút cặn loay hoay sửa đến toát cả mồ hôi.
Đến khi máy nổ tốt thì than ơi đêm đã xuống tối đen. Không còn thấy bóng dáng chiếc bè kia đâu! Vậy là đành dậm chân, chặc lưỡi quay về tay không.
Nhà lãnh đạo đất nước tài năng
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Tôn và khoảng gần 1.500 người tù khác bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo được Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Nam Bộ cử một phái đoàn đưa tàu ra đón về đất liền.
Ngay trong ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 23/9/1945, Bác Tôn được bổ sung vào Xứ ủy và phân công phụ trách Ủy ban kháng chiến Nam Bộ kiêm chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ.
Ngày 6/1/1946, Bác Tôn được nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Cuối tháng 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định điều Bác Tôn ra công tác ở Hà Nội. Bắt dầu từ đó, Bác Tôn luôn bên cạnh Bác Hồ và Trung ương.
Tháng 4/1946, Bác Tôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quốc hội nước ta cử tham gia đoàn Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm Pháp do đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội dẫn đầu.
Cuối tháng 5/1946, tại Hội nghị Mặt trận Liên Việt,Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước, cùng hai Phó Chủ tịch nước là Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Đức Thắng.
Ngoài cương vị lãnh đạo Mặt trận Liên Việt, Bác Tôn được Trung ương Đảng, Chính phủ phân công giữ nhiều trọng trách: Tổng thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Tháng 8/1948, cụ Bùi Bằng Đoàn bị tai biến mạch máu não, Bác Hồ rất quan tâm, tạo điều kiện cho cụ đi chữa bệnh ở vùng tự do Thanh Hóa, lúc ấy Bác Tôn được cử giữ chức Quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951, Bác Tôn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc thống nhất Việt Minh, từ ngày 3 đến ngày 7/3/1951, Bác Hồ được suy tôn là Chủ tịch danh dự Mặt trận và Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt.
Ngày 13/4/1955, cụ Bùi Bằng Đoàn qua đời. Đến tháng 9/1955, Bác Tôn được bầu làm Trưởng ban Thường vụ Quốc hội và đảm nhiệm công việc này đến giữa tháng 7/1960.
Như vậy, thực tế thời gian Bác Tôn giữ vai trò Chủ tịch Quốc hội tới 12 năm.
Ngày 15/7/1960, Quốc hội đã nhất trí bầu Bác Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Bác Hồ đã siết chặt tay Bác Tôn nói: “Toàn thể Quốc hội nhất trí bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước, tức là đồng bào miền Nam đều bầu cụ làm Phó Chủ tịch nước. Điều đó tiêu biểu rằng nước ta nhất định thống nhất”.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhiệm nhiều trọng trách khác nhau: Phó Hội trưởng Hội Liên Việt; Chủ tịch Mặt trận Liên Việt; Trưởng ban Thường trực Quốc hội (nay là Chủ tịch Quốc hội); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên bất kỳ cương vị công tác nào, Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng luôn nêu cao phẩm chất trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Đảng, hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. |
Còn nữa
Ngọc Quang ghi theo lời kể của ông Vũ Mão
Huyền Trang (st)