Thứ bảy, 21/12/2024

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập vấn đề thảo luận trong Đại hội Đảng nói chung và thảo luận Điều lệ Đảng nói riêng. Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu lần thứ III của Đảng mới diễn ra, vậy mà từ cách đó 5 tháng, với bút danh T.L Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3/4/1960. Bài báo có đoạn viết: Đại hội Đảng “là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả các đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận”. “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo đại hội thành công thật tốt đẹp…”(1).

9 HCm ve thao luan

Chúng ta đang bước vào “mùa Đại hội”. Theo Chỉ thị 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Chỉ thị yêu cầu “Lãnh đạo và tổ chức tốt việc thảo luận các quan điểm, chủ trương, định hướng lớn nêu tại dự thảo các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng bộ cấp trên. Báo cáo của ban chấp hành đảng bộ cần đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ 2010-2015, kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới”.

Từ chỉ dẫn của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc thảo luận, tranh luận là một trong những hình thức sinh hoạt đảng, phát huy trí tuệ, tiếp cận chân lý, để thống nhất nhận thức, hành động trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ. Bác yêu cầu “toàn thể các đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án, đóng góp ý kiến sôi nổi...”. Trong khuôn khổ một Đại hội, thời gian có hạn mà “toàn thể các đồng chí ta phải thảo luận kỹ các đề án...” là một việc không dễ, phải khéo tổ chức bằng nhiều hình thức thì mới làm được. Điều này yêu cầu trách nhiệm của tiểu ban chuẩn bị văn kiện và trách nhiệm của các đại biểu tham gia Đại hội.

Thảo luận, tranh luận trong Đại hội Đảng là sự “gặp gỡ” của những người cùng chung một lý tưởng, cùng một mục tiêu, trao đổi quan điểm, ý kiến khác nhau giải quyết những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra, nhằm tiếp cận chân lý, tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất trên con đường tiến tới mục tiêu. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thảo luận trong Đại hội Đảng phải nhằm vào 3 điều: Nâng cao đạo đức cách mạng cho đảng viên; đoàn kết và củng cố tốt chi bộ; đẩy mạnh và hoàn thành tốt những nhiệm vụ Đảng đã đề ra. Do vậy, trong tranh luận, thảo luận tại Đại hội Đảng, có những ý kiến khác nhau hoặc hoàn toàn không khớp nhau là chuyện đương nhiên. Sự nhất trí quá dễ dàng, không cần đến tranh luận, thảo luận không phải lúc nào cũng chứng tỏ sự thống nhất cao, sức mạnh thật sự của một tập thể. Tuy nhiên, những người có ý kiến bất đồng sâu sắc đến mấy cũng luôn luôn phải coi nhau như đồng chí, thật sự thành thật và lắng nghe ý kiến của nhau, phải gạt bỏ tư tưởng hiếu thắng và tìm mọi cách để “chân lý thuộc về mình”.

Các đại biểu đi dự Đại hội cũng cần nhớ, mình là đại diện cho đông đảo đảng viên, của quần chúng nhân dân, mang theo những ý kiến, kiến nghị, tâm huyết và cả những bức xúc của cơ sở, tổ chức đến với Đại hội. Vì vậy tất cả các đảng viên, các ý kiến của các đại biểu phải được bình đẳng như nhau. Mỗi ý kiến của đại biểu đều được chắt lọc từ hàng trăm ý kiến của đảng viên từ địa phương, cơ sở, phản ánh thực tiễn một cách sinh động. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở: Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội cho thật tốt. Ở đây cần tuyệt đối tránh hiện tương cho rằng chỉ có ý kiến của mình là đúng đắn, sáng suốt hơn cả. Tranh luận, thảo luận trong Đại hội Đảng lại càng tuyệt đối tránh tình trạng có hành động công khai hoặc kín đáo để hạn chế tiếng nói của những người có ý kiến trái ngược.

Tính biện chứng trong thảo luận, tranh luận cũng cần được chú ý. Tức là, một mặt cần tránh việc phát biểu một chiều hay cường điệu hóa một khía cạnh nào đó, mặt khác không được lẫn lộn giữa biện chứng với chiết trung, nghĩa là tránh dung hòa những ý kiến khác nhau, chấp nhận ở mỗi ý kiến một phần nội dung nào đó, tạo thành ý kiến cuối cùng mang tính hỗn hợp, có vẻ như “chân lý tương đối”, trong đó mọi người đều cảm thấy có phần của mình trong đó. Thực ra, cách giải quyết đó là theo kiểu “hòa cả làng”.

Luôn luôn lấy thực tiễn cuộc sống, phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân làm thước đo, kiểm nghiệm ý kiến của mình và của người khác là một thước đo sự đúng đắn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Khi thảo luận trong Đại hội Đảng, mỗi đồng chí phải liên hệ đúng đắn (...) phải thành khẩn tự phê bình tư tưởng và công tác của mình, sửa chữa những khuyết điểm để củng cố tốt chi bộ và để rèn luyện mình trở thành người đảng viên tốt. Việc phân công Đại biểu thảo luận, tham luận trong Đại hội cũng là việc cần bàn. Trên cơ sở thành phần, cơ cấu, ngành nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của từng Đại biểu được bầu đi dự Đại hội mà các đoàn có sự phân công một số đại biểu chuẩn bị những ý kiến, tham luận để thảo luận trong Đại hội ở cấp trên, dù bất kỳ vấn đề đó có được Đoàn Chủ tịch, Ban Tổ chức Đại hội phân công, gợi ý hay không. Tránh tình trạng chỉ một số đại biểu được phân công viết tham luận thì mới chuẩn bị còn các đại biểu khác đi chỉ có mỗi nhiệm vụ giơ tay biểu quyết là không đúng tinh thần chỉ đạo của Bác và của Đảng. Tham luận của đại biểu cũng không nên nặng về báo cáo thành tích của ngành mình, địa phương, cơ sở mình

Cuối cùng, nguyên tắc sinh hoạt đảng cần quán triệt, thực hiện trong quá trình tranh luận, thảo luận là dù cuộc tranh luận, thảo luận có gay gắt, sôi nổi đến đâu rồi cũng phải đến lúc kết thúc, mặc dù trên thực tế vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Đến lúc này, nguyên tắc tập trung dân chủ phải được thực hiện. Thiểu số phục tùng đa số. Cần ngăn chặn, loại bỏ ngay tình trạng  sau khi Đại hội đã biếu quyết thông qua, có những đảng viên không tán thành với ý kiến của đa số vẫn đứng ra chứng minh, bảo vệ ý kiến của mình và cho rằng như thế mới là “dân chủ triệt để”. Thực ra, như thế là phản dân chủ vì ý kiến của đa số đại biểu không được tôn trọng. Tình trạng này nếu không được ngăn chặn, loại bỏ sẽ dẫn đến hiện tượng bè phái, một nguy cơ làm suy yếu sự thống nhất trong tổ chức đảng và nếu để lâu dài phá hoại sự thống nhất cũng như thành tựu mà nền dân chủ đạt được. Nhưng mặt khác, dù sau khi đã biểu quyết đi đến quyết định tập thể, số đại biểu không tán thành không những được quyền bảo lưu ý kiến mà tổ chức, cấp ủy đảng cần tạo điều kiện cho những ý kiến này được xem xét lại vào bất cứ lúc nào có cơ hội, trong khuôn khổ quy chế, quy định của Đảng.

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG, 2002, t.10, tr. 117, 119.

Vũ Ngọc Lân

Theo xaydungdang.org.vn
Đức Hiếu (st)

Bài viết khác: