Thực tiễn chứng minh, sự đúng - sai trong việc tập hợp lực lượng luôn là một nhân tố quyết định sự thành - bại của cuộc đấu tranh. Với mục đích tập hợp lực lượng rộng rãi, cô lập kẻ thù, tạo nên tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, Hồ Chí Minh đã tìm ra phương pháp xác định bạn - thù chính xác và sử dụng linh hoạt các phương cách đạt trình độ nghệ thuật.
Tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” chỉ có thể thực hiện trên cơ sở xác định đúng mâu thuẫn vì nhận thức đó sẽ giúp người cách mạng xác định đúng nhiệm vụ, xác định chính xác những lực lượng nòng cốt của cách mạng. Với nhãn quan chính trị sắc bén và tinh thần dân tộc cao cả, Hồ Chí Minh xác định mâu thuẫn xã hội bằng cách đặt các quyền dân tộc cơ bản: Độc lập, tự do, toàn vẹn lãnh thổ lên trên hết. Từ đó, Người nhận ra mâu thuẫn chủ yếu, nổi bật trong xã hội Việt Nam luôn là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thế lực đế quốc xâm lược và vì vậy, kẻ thù chính yếu của nhân dân Việt Nam là đế quốc cướp nước, áp bức bóc lột dân ta.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn làm cách mạng thắng lợi thì phải phân biệt rõ ai là bạn ai là thù, phải thực hiện thêm bầu bạn, bớt kẻ thù”(1). Đó là nguyên tắc chung của mọi cuộc cách mạng, đối với một dân tộc nhỏ lại phải đối đầu với các kẻ thù mạnh và thâm độc thì việc “làm cho nước mình ít kẻ thù hơn hết và nhiều bạn đồng minh hơn hết” càng trở nên cấp thiết.
Với sự thông tuệ, V.I.Lênin từng chỉ dẫn kế sách: “Chỉ có thể thắng một kẻ thù mạnh hơn bằng một nỗ lực hết sức lớn và với một điều kiện bắt buộc là phải lợi dụng một cách hết sức tỷ mỷ..., hết sức khôn khéo bất cứ một “rạn nứt “bé nhỏ giữa các kẻ thù... cũng như phải lợi dụng mọi khả năng dù bé nhỏ nhất để có được một bạn đồng minh mạnh về số lượng, dù đó là bạn đồng minh tạm thời, bấp bênh, ít chắc chắn và ít tin cậy”(2).
Không chỉ thông thái và thấm nhuần những chỉ dẫn đó, Hồ Chí Minh còn phát triển thêm những phương cách mới phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam để rồi tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” của Người đi vào thực tiễn cách mạng với những chủ trương hết sức linh hoạt và phong phú như lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù; nhân nhượng có nguyên tắc để lôi kéo đồng minh; phân biệt chính phủ hiếu chiến với nhân dân yêu chuộng hòa bình của nước đối phương; độ lượng, khoan dung, lôi kéo những người con của dân tộc đã lầm lạc đi theo đế quốc... Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, “thêm bạn, bớt thù” vừa là tư tưởng trong dạng thức các luận điểm lý luận, vừa là phương pháp với tư cách là “là hợp điểm giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhận thức và hành động”(3), vừa là nghệ thuật khi phương pháp đã đạt tới sự uyển chuyển để mang lại những hiệu quả to lớn,... Tất cả đã hòa quyện làm một để khắc họa nhân cách, tài năng, bản lĩnh kiệt xuất Hồ Chí Minh.
Lợi dụng triệt để mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù là chủ trương, biện pháp quan trọng mà Hồ Chí Minh đã thực hiện để “thêm bạn, bớt thù”. Trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), Hồ Chí Minh xác định nguyên nhân của Chiến tranh thế giới II là do chính sách hiếu chiến, phản động của lực lượng phát xít và trong cuộc chiến tranh này, “phe phát xít nhất định sẽ thất bại, phe đồng minh sẽ chiến thắng”(4). Từ đó, Người xác định cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam lúc này “là một bộ phận trong phe dân chủ chống phát xít” và quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh.
Việc lựa chọn con đường đúng đắn thuận lợi cho dân tộc bằng cách đứng về phe chính nghĩa để chống phe phi nghĩa, trên cơ sở tiên tri chính xác diễn tiến lịch sử đã thể hiện tầm nhìn sáng suốt và hành động mau lẹ, khôn ngoan của Hồ Chí Minh.
Từ đó, Hồ Chí Minh chủ động tranh thủ tìm bạn đồng minh cho Mặt trận Việt Minh non trẻ. Việc thiết lập quan hệ với Quốc dân Đảng Trung Hoa và Mỹ trước thềm Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra những điều kiện quốc tế thuận lợi cho chính quyền cách mạng, vì theo Hồ Chí Minh, “các nước Đồng minh... không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam... một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”(5).
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng trước muôn vàn khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là “nguy cơ giặc ngoại xâm” khi trên mảnh đất Việt Nam nhỏ bé cùng hiện diện quân đội của các quốc gia hùng mạnh như Nhật, Anh, Pháp và quân đội Tưởng Giới Thạch. Trong tình thế đó, Hồ Chí Minh khẳng định: “Không nên cùng một lúc đánh tay 5, tay 6 với lũ cướp nước và bán nước. Đấm bằng cả hai tay một lúc là không mạnh’’(6). Chân lý hiển nhiên đó như một lẽ phải thông thường của cuộc sống đã được Hồ Chí Minh vận dụng, cụ thể hóa vào thực tiễn và trở thành “mẫu mực tuyệt vời của sách lược lêninnít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch”(7).
Nhìn rõ mâu thuẫn giữa hai tập đoàn đế quốc là Anh - Pháp và Mỹ - Tưởng, chỉ trong vòng hơn một năm, nền ngoại giao non trẻ Việt Nam dưới sự chèo lái của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện các sách lược ngoại giao khác nhau, thậm chí trái ngược nhau như lúc thì hòa với Tưởng để tập trung chống Pháp ở miền Nam (8-1945 đến 3-1946), lúc thì hòa với Pháp để đuổi Tưởng về nước (3-1946 đến 12-1946).
Sự linh hoạt đó đã giúp cách mạng Việt Nam thoát khỏi tình thế “bị kẹp cả 2 phía: Bọn Pháp và bọn Quốc dân Đảng”(8). Hồ Chí Minh thấu hiểu nghệ thuật ngoại giao là nghệ thuật làm cho mình ít kẻ thù nhất. Vì vậy, Người không chỉ triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa hai tập đoàn đế quốc là Anh - Pháp và Mỹ - Tưởng mà còn khơi sâu mâu thuẫn trong nội bộ quân Tưởng và quân Pháp để làm giảm sức mạnh của những đội quân đông đúc, hùng mạnh.
Sau này, tại Đại hội III của Đảng (1960), Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định: Lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù “là một nguyên tắc chiến lược chứ không chỉ là vấn đề sách lược”(9). Từ đó, Đảng đưa ra chủ trương: “Đoàn kết bất cứ người nào có thể đoàn kết được, tranh thủ bất cứ người nào có thể tranh thủ được, trung lập bất cứ người nào có thể trung lập, cốt nhằm phân hóa kẻ thù đến cao độ và cô lập chúng”(10). Thực hiện chủ trương đó, Đảng ta đã có nhiều biện pháp khéo léo nhằm khoét sâu mâu thuẫn giữa đế quốc Mỹ và các đồng minh của họ; giữa phái chủ chiến với phái chủ hòa; giữa Mỹ với các nước phụ thuộc; giữa Mỹ và chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam... Kết quả là chiến tranh Việt Nam ngày càng trở thành gánh nặng cả về vật chất lẫn tinh thần đối với Mỹ khi bị nhân loại tiến bộ phản đối, nên cuối cùng, Mỹ đành chấp nhận xuống thang chiến tranh.
Để thực hiện tư tưởng “thêm bạn, bớt thù”, người cách mạng phải biết thỏa hiệp, biết nhân nhượng để bảo toàn lực lượng, để lôi kéo đồng minh; thấy cuộc đối đầu trực diện là không thể thắng do tương quan lực lượng bất lợi mà vẫn cứ đối đầu thì “đó là tội ác”(11). Lênin từng chỉ rõ: “tinh thần tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản phải được kết hợp với nghệ thuật biết thỏa hiệp”(12) để tránh ngọn đòn của kẻ địch, bảo toàn lực lượng, tiếp tục cuộc đấu tranh trong tương lai. Vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin, trong giai đoạn 1945-1946, để hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc khi cần tập trung chống Pháp ở miền Nam, Hồ Chí Minh đã sử dụng những các biện pháp tổng hợp như tiến hành các cuộc tiếp xúc ngoại giao với tinh thần trọng thị và chấp nhận nhân nhượng cho quân Tưởng một số quyền lợi về kinh tế, chính trị và quân sự... Chỉ 8 ngày sau khi Tưởng và Pháp ký Hiệp ước Trùng Khánh (28-2-1946), Hồ Chí Minh đã ký kết được Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 với Pháp trên tinh thần “cương quyết giữ quyền độc lập” nhưng liên minh với Pháp, nhân nhượng cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa... để “Pháp phải thừa nhận quyền dân tộc tự quyết của ta”.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có lúc Hồ Chí Minh và Đảng ta phải chấp nhận những điểm dừng tạm thời, những khúc quanh mang tính sách lược.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta đã chấp nhận đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền để đạt được mục đích quan trọng là buộc các nước tham gia Hiệp định Giơnevơ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Pháp phải rút khỏi Đông Dương, miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, đặt cơ sở pháp lý quốc tế cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước sau này(13). Trong kháng chiến chống Mỹ, sau gần 5 năm đấu tranh tại Hội nghị Pari, cuối cùng ta và Mỹ đã cùng nhân nhượng để mỗi bên đạt được mục mục tiêu quan trọng. Mục tiêu số một của Việt Nam lúc này là “đánh cho Mỹ cút” để rồi sau đó sẽ tiến tới “đánh cho ngụy nhào”. Sự thỏa hiệp đó đã có tác dụng thu hẹp lực lượng cần đánh đổ khi gạt ra khỏi miền Nam Việt Nam hàng chục vạn lính viễn chinh Mỹ và đồng minh. Biết thỏa hiệp để bảo toàn lực lượng là sáng suốt; biết nhân nhượng đúng mức, không quá “tả” để phá vỡ đàm phán, không quá “hữu” để tổn hại đến lợi ích cơ bản của dân tộc là khôn khéo.
Để “thêm bạn, bớt thù”, Hồ Chí Minh phân biệt tường minh giữa nhân dân yêu chuộng hòa bình với bọn phản động, hiếu chiến trong chính phủ của nước đối phương. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Ôxtrâylia W.Bớcsét tháng 8-1963 và tháng 4-1964, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn”(14), “chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ. Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng...”(15). Trong lực lượng của đối phương thì “thêm bạn” chính là “bớt thù”, vì khi đó nhân dân Việt Nam chỉ phải chống chính phủ hiếu chiến của Pháp và Mỹ chứ không phải chống toàn bộ nước Pháp và nước Mỹ. Tương quan lực lượng vì thế đã xoay chuyển theo chiều hướng có lợi cho ta. Chủ trương đó đã làm kẻ thù bị cô lập trên thế giới và đặc biệt là ngay trong nội bộ đất nước mình. Làm cho cả nhân loại, kể cả nhân dân nước đi xâm lược vượt lên tình cảm dân tộc thông thường, thuần túy để trở thành bạn và ủng hộ hết mình cho Việt Nam thì đó quả thật là kỳ tích mà Hồ Chí Minh và Đảng ta đã làm được.
Để “thêm bạn, bớt thù”, Hồ Chí Minh có chủ trương khoan hồng, đại độ với những người Việt Nam đã từng làm tay sai cho đế quốc, thực dân. Trong quá trình xâm lược nước ta, các đế quốc, thực dân luôn cấu kết với lực lượng phản động trong nước, thi hành chính sách thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt”. Vì vậy, để chống chủ nghĩa thực dân, đặc biệt là chủ nghĩa thực dân mới với sự trá hình, Hồ Chí Minh có chủ trương cô lập kẻ thù đế quốc bằng cách cảm hóa, lôi kéo những người Việt lầm đường đó trở về với chính nghĩa, với dân tộc; loại bỏ “vây cánh”, phần tử tay sai của chúng. Xuất phát từ quan điểm đó, Người chủ trương: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”(16). Người khẳng định: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”(17) nên mọi ý đồ đen tối của ngoại bang sẽ đều thất bại.
Nếu không có tư tưởng khoan hồng, đại độ thì khi chiến tranh kết thúc rất dễ xảy ra những bi kịch mới như nội chiến, tạo cơ hội cho kẻ thù ngoại bang quay lại - điều đã và đang xảy ra ở rất nhiều quốc gia khác. Vì vậy, chủ trương khoan dung, đại độ của Hồ Chí Minh vừa có tính nhân văn, vừa là phương cách hiệu quả để bẻ gãy những âm mưu thâm độc của kẻ thù. Vì thế, nó cũng là phương cách quan trọng để “thêm bạn, bớt thù”.
Để đưa “con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh”(18), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, chủ trương khác nhau, trong đó chủ trương “thêm bạn, bớt thù” trong đấu tranh cách mạng vẫn là một viên ngọc lấp lánh trong di sản tư tưởng của Người.
Là một dân tộc nhỏ, trong cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền lợi chân chính của dân tộc, Việt Nam nhất thiết phải thực hiện tư tưởng “thêm bạn, bớt thù”, phải coi đó là một nguyên tắc chiến lược chứ không phải là sách lược hay thủ đoạn chính trị.
______________________
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr 605.
(2),(11),(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 68-69, 77, 100.
(3) Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị - hành chính, Hà Nội, 2011, tr.82.
(4) Xem: Đại cương lịch sử Việt Nam, t.3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr.351
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 557
(6) Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 90-91
(7) Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.36.
(8) Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập tự do (1945 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.45.
(9) Xem: Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh - trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Mỹ, cứu nước - thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 258.
(10) Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước, t.1, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.75.
(13) Hiệp định Giơnevơ -50 năm nhìn lại, Tạp chí Lịch sử Đảng, 7-2004, tr.12-16
(14),(15) Hồ Chí Minh : Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.253, 235.
(16) Sđd: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.438.
(17) Sđd : Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.151.
(18) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr 56.
TS Trần Thị Minh Tuyết
Học viện Công nghệ Bưu chính - Viễn thông
Theo lyluanchinhtri.vn
Minh Thu (st)