Thứ bảy, 21/12/2024

Bà con ở Cao Bằng kể lại:

Dạo đó, do điều kiện công tác, sau hơn 2 năm, Bác Hồ mới có dịp trở lại một vùng cơ sở trước đây Người đã từng sống và làm việc. Thấy Bác về, bà con già, trẻ, gái, trai khắp bản, người đang vác ống nước dưới suối lên cũng tạm dựng ống bương bên đường, ùa ra đón Bác.

7 cai vong bac anh
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960) - Ảnh: Tư liệu

Trong số những người đứng vây quanh Bác lớp trong lớp ngoài hôm ấy có một em bé 2 năm trước đã từng quấn quýt bên Bác khi Người ra suối câu cá, hoặc lên nương cuốc đất trồng rau sau những giờ làm việc. Ngày Bác lên đường đi công tác xa, em bé đó theo ra đến đầu bản tiễn Bác. Trước lúc chia tay, Bác cúi xuống hôn má em và Người chưa kịp hỏi gì thì đã nghe em bé nói một câu rất tự nhiên:

- Đến đâu thấy vòng bạc, Bác nhớ mua cho cháu một cái.

Đối với em bé dân tộc miền núi Cao Bằng, được cái vòng bạc đeo cổ tay là điều rất thích thú. Bây giờ em bé đó đã qua tuổi nhi đồng, chững chạc, được học, đã biết đọc, biết viết, không còn vòi vĩnh, nũng nịu như ngày được bên Bác (Em bé cũng không còn nhớ là mình đã dặn Bác Hồ mua cho cái vòng bạc).

Bà con dân bản tiễn Bác lên đường đi công tác cách đây 2 năm cũng đã quên chuyện “Cái vòng bạc” ấy. Sau những lời chúc mừng thăm hỏi sức khoẻ dân bản, nhận ra em bé ngày trước đứng trong đám đông, Bác bước đến, từ từ mở nắp túi áo trước ngực, lấy ra chiếc vòng bạc mới tinh và trao cho em bé.

Ngỡ ngàng giây lát, rồi nhớ ra lời dặn Bác 2 năm trước, em bé sung sướng quá, không giấu nổi xúc động, hai mắt cứ chớp mãi, líu cả lưỡi mới nói được:

- Cháu... cảm... cảm ơn Bác!

Một số bà con không có mặt hôm tiễn Bác lên đường đi công tác ngày trước, nay thấy vậy lấy làm ngạc nhiên và hỏi đồng chí giúp việc của Bác. Đồng chí này kể lại cho mọi người nghe là trên đường về Bác đã ghé vào một cửa hàng mua chiếc vòng bạc. Đồng chí giúp việc hỏi, Bác giải thích như sau:

- Các cháu khi đã nhờ mua cái gì tức là chúng nó thích cái đó lắm. Thấy có hại thì tìm cách giải thích cho các cháu hiểu; nếu không có hại thì không nên từ chối. Các cháu như tờ giấy trắng nhuộm đỏ thì đỏ, nhuộm xanh thì xanh, đừng để giảm lòng tin của các cháu. Đã hứa là mình phải làm cho kỳ được, không làm được thì đừng có hứa. Đây là chữ Tín, cần giữ trọn lòng tin của mọi người.

(Trích theo sách: Ai yêu các nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh,
 NXB Thanh niên, Hà Nội, 1999)
Huyền Anh (st)

Bài viết khác: