“Rau xanh – nước ngọt – thư nhà – văn công” từ lâu đã được quân và dân Trường Sa xem là “tứ quý” của huyện đảo.

Tuy nhiên, trong những ngày “4 cùng” với quân, dân Song Tử Tây, chúng tôi còn phát hiện ra những chuyện thú vị về các loài cây trên xã đảo nằm ở cực Bắc Trường Sa này.

truong sa Dat va nguoi  Bai 2 anh 1
Một góc khu dân cư ở đảo Song Tử Tây - Trường Sa
 (Ảnh: Văn Thành Châu/qdnd.vn)

“Giáo sư cây” của đảo

Ở đảo Song Tử Tây, Trung tá, Đảo trưởng Ngô Duy Đỗ là người gây ấn tượng đặc biệt cho những vị khách lần đầu đến thăm vì cách nói chuyện hài hước, chân thành cũng như những khám phá riêng rất độc đáo của anh về Quần đảo Trường Sa.

Anh Đỗ quê ở Hưng Yên, năm nay gần 30 tuổi quân nhưng đã có hơn 20 năm là “bộ đội Trường Sa”, 10 năm ăn Tết trên các hòn đảo. Năm 1988, chàng sĩ quan trẻ Ngô Duy Đỗ lần đầu ra Trường Sa công tác, giọng nói còn bẽn lẽn, nhỏ nhẹ. Nhưng bây giờ, mỗi lần anh phát biểu, giọng ầm ào, sôi nổi át cả tiếng sóng cấp 6. Anh bảo: Đó cũng là “chất giọng đặc sản” của những công dân Trường Sa.

Công tác ở Trường Sa nhiều năm nên niềm đam mê lớn nhất của anh Đỗ là trồng cây. Vì thế, anh được anh em trên đảo gọi là “giáo sư cây”. Hai năm trước, khi ra Song Tử Tây nhận công tác, việc đầu tiên anh Đỗ làm là đi vòng quanh đảo đếm các loại cây. “Toàn đảo hiện có 2.560 cây cổ thụ” – anh Đỗ không cần sổ sách, cho tôi biết ngay số liệu về các loại cây lấy gỗ như vậy. Từng loại cây ở đây đều được anh Đỗ tìm hiểu kỹ về lai lịch, xuất xứ. Và chính những kiến thức của anh giúp cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo thêm phần hiểu cây, yêu cây nhiều hơn.

Dẫn tôi đi thăm những cây bàng quả vuông đang mùa nở hoa - một trong những loài cây có mặt trên đảo từ hàng trăm năm nay - anh Đỗ cho tôi biết thêm những thông tin khá bất ngờ về loài cây mang ý nghĩa biểu tượng của huyện đảo này. Anh Đỗ nói: “Cây bàng quả vuông thực ra không có họ hàng gì với cây bàng, nó được các nhà khoa học xếp vào loài cây lộc vừng nhưng hình thái bên ngoài khá giống cây bàng, quả 4 cạnh hoặc 5 cạnh hình vuông nên quân dân trên đảo gọi là bàng quả vuông. Cây này có lý lịch khá đặc biệt: Ban đầu, nó chỉ sinh trưởng ở dãy núi Trường Sơn giáp ranh giữa nước ta với nước bạn Lào mà thôi. Đồng bào các dân tộc trên dãy Trường Sơn vẫn gọi đây là cây bàng bí. Trong vòng mấy trăm năm qua, không biết ai là người đem nó về trồng ở khu vực ven biển nước ta, phân bố dọc theo bờ biển từ Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa đến Kiên Giang. Sau đó, loài cây này xuất hiện ở các đảo khu vực Nha Trang, quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu và Phú Quốc (Kiên Giang). Bây giờ thì anh đã biết vì sao bàng quả vuông lại được bộ đội Trường Sa yêu quý rồi chứ. Loài cây này là một trong những nhân chứng chứng tỏ sự xuất hiện của ông cha ta từ hàng trăm năm trước, là món quà của đất liền gửi gắm Trường Sa; là mối liên hệ từ xa xưa giữa đất liền với hải đảo”.

Tôi rất thú vị trước thông tin anh Đỗ nêu, rồi phàn nàn rằng, tôi đã được anh em trên đảo tặng mấy quả bàng vuông, xanh có, già có, quả khô cũng có nhưng chưa nhìn thấy hoa bàng vuông. Anh Đỗ cười: “Hoa bàng vuông còn được gọi là hoa quỳnh Trường Sa, nó chỉ nở vào ban đêm. Cái cây đầu hồi nhà tôi ở có vài nụ, chắc tối nay sẽ nở, mời anh xuống xem nhé”.

Tối hôm đó, dẫu không có “chén rượu, cuộc cờ” nhưng tôi và anh Đỗ cùng một số anh em khác đã được tận mắt thưởng lãm hoa bàng vuông nở dưới ánh trăng. Những cánh bàng vuông mềm mại thật yêu kiều, nhất là vào thời khắc bừng nở những đóa hoa tinh khiết. Hoa bàng vuông khá lớn, nhiều nhụy, dài và mảnh như cước màu từ trắng đến tím hồng phơn phớt; đầu nhụy là những đốm phấn vàng, e ấp như thiếu nữ. Hương hoa thơm dìu dịu lan tỏa, đưa khách chìm vào đắm say trước vẻ quyến rũ, mong manh hư ảo của nó. Trên “quần đảo bão tố” này, ngắm hoa bàng vuông nở là một “phần thưởng” cho những người lính biển – những người thủy chung, son sắt, luôn thức suốt đêm trong những ca gác để biển đảo và hoa được nở trong bình yên.

“Tứ quý” ở Song Tử Tây

Đảo Song Tử Tây được hình thành bởi quá trình vôi hóa hàng triệu năm của san hô, lớp này chồng lên lớp kia. Thổ nhưỡng của đảo chủ yếu là cát san hô pha với xác lá cây phân hủy, tạo thành một lớp mùn đủ cho cây cối phát triển. Dưới mặt đất khoảng hai mét là nước ngầm lợ, nguồn cung cấp chủ yếu dùng làm nước tưới cây. Đó là điều kiện để Song Tử Tây trở thành “thành phố xanh giữa đại dương” trong tương lai.

truong sa Dat va nguoi  Bai 2 anh 2
Khóm tre đằng ngà được Trung tá Vũ Văn Cường đem từ đất liền ra đảo

Ở Song Tử Tây, có 4 cây được xếp vào loại “tứ quý”, không phải là tùng – cúc – trúc – mai, mà là dừa – tre – hoa súng – lục bình. Đây đều là những cây do Đảo trưởng Ngô Duy Đỗ trực tiếp lấy giống từ đất liền và dày công chăm sóc.

Chuyện anh Đỗ trồng tre ở Song Tử Tây có nhiều giai thoại về sự công phu. Cây tre - hồn dân tộc - có giá trị thế nào trong tâm thức cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo thì ai cũng rõ. Bởi thế, khi anh Đỗ ra nhận nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây, đã nung nấu ý định đem tre ra đảo trồng. Tìm đọc các tài liệu về tre, anh quyết định đem theo một bụi hóp gai ra trồng thử để bảo đảm “trận đầu đánh thắng”.

Quả nhiên, từ một gốc hóp gai ban đầu, nay nằm gần giữa đảo đã xanh tươi một bụi hóp gai khá um tùm, làm những ai đi qua con đường ngang chính giữa đảo cũng phải liếc nhìn. Vui mừng với thành tựu trồng tre đầu tiên, anh Đỗ cùng anh em bàn tiếp kế hoạch phát triển cây tre trên đảo. Mọi người đều mong muốn trồng một bụi tre đằng ngà, thứ cây đã trở thành huyền thoại khi cùng Thánh Gióng đánh giặc, giữ nước; là loài tre “Trung Hiếu” được chọn trồng ngay bên cạnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... Vợ anh Đỗ gửi ra cho chồng một tập tài liệu về tre đằng ngà. Anh em bộ đội ở đảo cùng đọc, mới biết chuyện rằng, vị vua Hàm Nghi triều Nguyễn, sau khi khởi nghĩa Cần Vương thất bại, bị kẻ thù đày đi An-giê-ri (Châu Phi) đã bí mật đem theo một gốc tre đằng ngà trồng trên đất Châu Phi khắc nghiệt ấy để vơi nỗi nhớ quê hương, xứ sở. Bụi tre của vua Hàm Nghi bây giờ vẫn sống, trở thành địa chỉ để những người dân Việt Nam đang sinh sống trên nước bạn tụ họp “con Rồng, cháu Tiên” mỗi dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Điều này đã càng củng cố quyết tâm trồng tre đằng ngà của quân, dân trên đảo. Anh Đỗ điện nhờ người em dâu - chị Trần Thị Nhài, là kỹ sư trồng trọt đang làm việc tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đi tìm giống. Trung tá Vũ Văn Cường, Đảo phó, Tham mưu Trưởng đảo Song Tử Tây, được Đảo trưởng Đỗ giao nhiệm vụ đưa khóm tre đằng ngà giống ra đảo.

Trung tá Vũ Văn Cường kể rằng, hôm ra nhận nhiệm vụ, sóng gió rất lớn khiến nhiều loài cây mà bộ đội đem theo ra trồng ở đảo bị ảnh hưởng nặng nề. Anh sợ khóm tre đằng ngà giống bị hỏng, đành bọc kín lại, gửi vào tủ cá nhân của một thủy thủ. Hôm tàu cập đảo, mở tủ ra thì... kỳ lạ thay, khóm tre đằng ngà giống đã nảy thêm hai chồi tre rất khỏe. Bây giờ, khóm tre đằng ngà đang bắt rễ, nhú mầm trong sự “chiều chuộng” của mọi cư dân trên đảo.

Có cây “tre Thánh Gióng” rồi, mọi người lại đề nghị Đảo trưởng cho trồng một cây dừa Bến Tre. Bộ đội muốn có giống dừa Bến Tre để đại diện cho hình ảnh “những cô gái tóc dài làm nên Đồng Khởi”. Cô em dâu của anh Đỗ lại thân chinh tìm về Trung tâm Giống cây trồng huyện Chợ Lách (Bến Tre), trình ra bức điện của anh Đỗ để nhờ giúp đỡ. Hai quả dừa giống, loài dừa hương dứa được gửi ra đảo đều nảy mầm, lớn nhanh như thổi mà không mất nhiều công sức chăm sóc. Anh Đỗ bảo: “Tương lai không xa, Song Tử Tây sẽ trở thành một xã mạnh về kinh tế, ngư dân ngày càng đông thì việc trồng dừa trên đảo không chỉ là xây dựng “hình bóng quê nhà” nữa mà còn tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, nhất là phụ nữ. Tôi hi vọng trong mười năm tới, cây dừa Bến Tre sẽ trải đậm một màu xanh tươi mát, tỏa khắp hòn đảo xinh đẹp này”.

Tôi kể cho anh Đỗ nghe một câu chuyện thú vị. Khoảng 350 năm trước, khi chúa Nguyễn cử những đội hùng binh Hoàng Sa – Trường Sa ra khai thác hải vật và thể hiện chức năng quản lý chủ quyền đối với Bãi Cát Vàng thì đồng thời, ông cha ta cũng bắt đầu hành quân vào khai khẩn đất Bến Tre, mang theo những cây dừa từ vùng Bình Định. Có thể nói, lịch sử của Hoàng Sa – Trường Sa và lịch sử đất Bến Tre trong tâm thức dân tộc có cùng một điểm xuất phát. Anh Đỗ thú lắm, nói nhất định phải đưa câu chuyện này vào đoạn viết về “lịch sử cây dừa Bến Tre” trên đất Trường Sa

Anh Đỗ cứ tiếc rẻ vì đợt tôi ra thăm đảo, hoa lục bình và hoa súng, hai loại cây còn lại trong nhóm “tứ quý” đều chưa nở. Tôi hỏi anh sao không thử trồng sen, loài hoa cũng có tính chất đại diện cho tâm hồn Việt. Anh bảo: “Hoa sen với hoa súng là chị em với nhau. Nhưng hoa súng nở cả trong mùa Đông, vì vậy, quân dân trên đảo có điều kiện ngắm hoa nhiều hơn. Hơn nữa, hoa súng là loài hoa có sức sống mãnh liệt. Anh biết hạt hoa súng phơi khô có thể để làm giống trong bao lâu không? 2000 năm. Loài hoa có sức sống làm kinh ngạc cả giới khoa học và rất phổ biến trên các đầm lầy đồng bằng Bắc Bộ. Còn hoa lục bình thì quá gần gũi với kênh rạch Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi phải nhờ người lấy giống từ chính kênh rạch miền Tây gửi ra để thỏa niềm ao ước của anh em chiến sĩ người Nam Bộ đang làm nhiệm vụ trên đảo. Anh biết không, trước đây, mỗi lần hát “bèo dạt, mây trôi”, bộ đội chỉ thấy có mây trời. Bây giờ thì có cả những đóa lục bình trôi trên sóng nước lăn tăn. “Tứ quý” ở Song Tử Tây đã làm đảo với bờ gần lại, là tín hiệu đánh thức hồn quê cho những người đang sống giữa nghìn trùng sóng vỗ”.

Tình yêu cây của anh Đỗ, cùng với quyết tâm của quân dân trên đảo đã biến Song Tử Tây – hòn đảo đầy nắng và gió muối trở nên xanh tươi. Buổi trưa, giữa cái nắng nóng của thời tiết 35 độ C nhưng nhờ có cây xanh, gió biển không còn phần phật hắt nắng mà nhẹ nhàng xuyên qua kẽ lá, phả cái mát rượi vào những căn phòng khách của chúng tôi.

CHUYÊN ĐỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI (ĐÀI PT&TH CÀ MAU)

Theo http://vovgiaothong.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác: