Những thành tích của mỗi cá nhân hay thành tựu xây dựng, bảo vệ Trường Sa hôm nay, chẳng phải do một phép màu nào cả, mà đó là ý chí nghìn đời cha ông để lại.
Một người là tiến sĩ quân y tình nguyện ra đảo đảm nhiệm công việc của một bệnh xá trưởng và âm thầm tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm những biện pháp cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Một chàng trai trẻ có rất nhiều tài lẻ, với tình yêu biển đảo sâu nặng đã âm thầm làm những việc không tên góp phần giữ vững sự bình yên nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đó là hai tấm gương bình dị nhưng cao quý mà chúng tôi gặp ở Trường Sa.
Tiến sĩ tình nguyện ra đảo
“Nhà báo nên tìm hiểu về Tiến sĩ Nguyễn Lam, anh ấy tình nguyện ra đảo mới được một năm nhưng quân, dân và ngư dân đánh bắt cá trên quần đảo Trường Sa ai cũng ca ngợi tấm gương hết lòng vì bệnh nhân của anh ấy” – Thượng tá Bùi Hải Phước, Đảo trưởng đảo Nam Yết “bật mí” với tôi như vậy ngay sau khi lên đảo.
Tiến sĩ Nguyễn Lam đang hướng dẫn ngư dân sử dụng sơ đồ lặn biển
Chúng tôi tìm đến bệnh xá đảo Nam Yết, gặp đúng lúc Trung tá, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lam vừa từ phòng bệnh nhân nặng trở về. Đó là một người dễ bị nhầm về tuổi tác. Anh Lam năm nay mới ngoài bốn mươi nhưng nước da ngăm đen, mái tóc đã bạc trắng. Trên khuôn mặt trông vẻ khắc khổ của anh hằn sâu những nếp nhăn. “Mình vừa thăm bệnh nhân là một ngư dân bị bệnh “thùng lặn”. Trước khi ra đảo, nhiều người cứ bảo, làm Trạm Trưởng Quân y, cần gì đến trình độ tiến sĩ. Vậy nhưng, ra đây rồi mới biết, chuyên ngành Nội hô hấp của mình rất cần thiết đối với quân và dân trên quần đảo” – anh Nguyễn Lam tâm sự.
Bệnh nhân vừa được anh Lam cấp cứu mấy ngày trước là Nguyễn Văn Tuấn, ngư dân trên tàu QNg96218TS, quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trưa hôm bị nạn, Tuấn lặn xuống độ sâu 50 mét để bắt hải sản. Khi trồi lên, Tuấn dừng lại ở độ sâu 15 mét cách mặt nước để giảm áp rồi mới lên khỏi mặt nước, nhưng chỉ một lúc đã bị liệt nửa người. Nước mắt người ngư dân ấy trào ra, cuộc đời tàn phế đã hiện ra trước mắt anh. Chủ tàu đành chở anh chạy vào đảo Nam Yết cầu cứu.
Được Tiến sĩ Nguyễn Lam dốc sức cứu chữa... chỉ sau một tuần, Tuấn đã có dấu hiệu hồi phục. Đây là một trong khoảng 200 ca cấp cứu mà anh Lam cùng các thầy thuốc ở trạm xá Nam Yết tiến hành sau một năm tình nguyện ra đảo. Trước đây, ở trong đất liền, anh ít để ý đến loại bệnh này. Ra đây, thấy ngư dân nước ta gặp loại tai nạn này quá nhiều, anh mới dốc sức nghiên cứu, tìm hiểu. Hóa ra, hành trang mà người thợ lặn mang theo hành nghề vô cùng đơn giản: Một ống dẫn khí nối từ trên tàu với người lặn dưới nước, súng săn tự tạo để "bắn" hải sản. Ngoài ra, mỗi thợ lặn chỉ có một cặp kính chuyên dụng để có thể nhìn rõ "con mồi" dưới nước. Ngư dân của huyện đảo Lý Sơn hay lặn bắt hải sản ở vùng biển Trường Sa nhất. Với kinh nghiệm hàng trăm năm “cha truyền con nối”, những người thợ lặn Lý Sơn cũng biết rằng, lặn sâu xuống nước, khi trồi lên phải từ từ để phù hợp với áp suất mặt nước. Nhưng “từ từ” là thế nào thì hoàn toàn do kinh nghiệm của mỗi người tự rút ra sau những buổi ngụp lặn dưới lòng đại dương. Và cũng bởi cái “từ từ” đó, mỗi năm riêng huyện đảo Lý Sơn đã có khoảng 30 thợ lặn “thân bại, danh liệt” bởi tai nạn nghề nghiệp. Phần lớn những ngư dân hành nghề lặn biển đều nghèo, khi gặp phải tai nạn thường không có tiền chạy chữa. Vì thế, mỗi khi gặp nạn thường đành chấp nhận số phận, người chết sớm, kẻ sống sót thì cũng tàn phế, khiến vợ con khổ sở cả đời... Riêng huyện đảo Lý Sơn mỗi năm có từ 5 đến 7 thợ lặn tử vong.
Vốn là tiến sĩ chuyên ngành nội hô hấp nên anh Lam hiểu căn bệnh “thùng lặn” mà ngư dân Trường Sa thường gặp. Anh gọi điện về đất liền nhờ đồng nghiệp, người thân gửi thêm tài liệu và tiếp tục khảo sát tình hình tai nạn của ngư dân. Đặc biệt, tài liệu về bộ môn “Sinh lý lao động quân sự” của hải quân Mỹ mà anh đã đọc tham khảo có những tư liệu khoa học rất quý, giúp anh xây dựng được sơ đồ, mẫu biểu về quy trình lặn biển chống được tai nạn cho ngư dân.
Bây giờ thì cái sơ đồ và quy trình lặn biển của Tiến sĩ Nguyễn Lam đã trở thành cẩm nang quý hiếm đối với ngư dân Trường Sa. Từ tài liệu của quân đội nước ngoài, anh Lam cụ thể hóa thành một sơ đồ về thời gian cần thiết phải dừng lại ở mỗi độ sâu nhất định giúp cơ thể thợ lặn thích nghi với áp suất mới. Cách phổ biến của anh cũng rất đặc biệt: Mỗi khi có ngư dân gặp nạn do giảm áp, anh lại cứu chữa kết hợp với in tập tài liệu miễn phí của mình gửi cho thuyền trưởng và dặn phổ biến cho thuyền viên. Mỗi tàu, anh không chỉ cấp một bộ tài liệu mà cấp hẳn... 10 bộ để nếu có điều kiện, họ phân phát cho tàu thuyền khác. Hơn một năm qua, số tài liệu của anh Lam phát ra ngày càng nhiều thì số ca gặp nạn trên biển lại giảm đi. Anh Nguyễn Lam nói: “Đó là tín hiệu đáng mừng nhất mà tôi nhận được sau một năm ra đảo”.
Không chỉ hết lòng cứu chữa và vẽ sơ đồ lặn biển cho ngư dân, trong thời gian làm nhiệm vụ trên đảo Nam Yết, anh Lam cùng các y sĩ, bác sĩ đã khám, chữa bệnh cho hơn 1.000 lượt người với hàng trăm ca “vượt tầm” của bệnh xá, riêng số ca phải phẫu thuật đã là 130 ca. Nhiều trường hợp ngư dân hoặc bộ đội gặp tai nạn như đuối nước, ruột thừa, ngộ độc do đi biển đụng phải sứa độc, hải quỳ, nhím biển... trước đây thì thường bó tay, nhưng nay nhờ có Trạm xá Nam Yết đã được cứu sống.
Tiến sĩ Nguyễn Lam là một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y). Ngày anh xung phong ra đảo Nam Yết công tác, nhiều người bảo anh hơi bị... “hâm”. Có người chân thành hơn thì hỏi: “Anh là tiến sĩ, xung phong đi làm bệnh xá trưởng của một cái đảo “bé tí” ngoài Trường Sa liệu có lãng phí chất xám quá không?”. Anh Lam nói, chỉ có những ai ra đến Trường Sa, nhìn thấy thành quả mà anh và các thầy thuốc đang làm, sẽ tự tìm ra câu trả lời.
Chân dung một người lính
Bây giờ thì Chuẩn úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Khắc Hồng, Khẩu đội trưởng ĐKZ ở đảo Đá Nam không còn là người “lạ” với báo chí nữa. Năm 2008, khi đang công tác tại đảo Song Tử Tây, anh đã được chọn là chiến sĩ tiêu biểu, đại diện cho chiến sĩ Trường Sa tham gia buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc cả nước qua nhiều tờ báo điện tử lớn. Gặp được Hồng lần này, chúng tôi biết thêm những công việc anh thầm lặng làm mà không thể gọi tên.
Lê Khắc Hồng
Ở tuổi 20, Lê Khắc Hồng - ngư dân trẻ của huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) đã có thể kiếm ra nhiều tiền nhờ làm thợ câu mực cho những tàu cá đánh bắt xa bờ. Từ nhỏ, Hồng đã quen với sóng nước nhờ thường xuyên ngụp lặn trên bãi biển quê nhà. Tốt nghiệp trung học phổ thông, không đăng kí thi đại học vì gia đình quá nghèo (bố mẹ có 5 anh em, Hồng là thứ hai), Hồng bắt đầu theo các tàu cá ra khơi xa kiếm tiền giúp bố mẹ. Sau hai năm (2004), khó khăn tạm lùi, anh làm đơn xin tình nguyện nhập ngũ và trở thành chiến sĩ hải quân.
Vào quân ngũ, với biệt danh “rái cá Biển Đông”, chẳng mấy chốc, Hồng đã dẫn đầu mọi phong trào thi đua của đơn vị. Trời phú cho Hồng những tài lẻ đặc biệt, để rồi khi ra làm nhiệm vụ trên các hòn đảo ở Trường sa, những tài lẻ đó đã thăng hoa, khiến Hồng trở thành người luôn được tập thể yêu quý.
Hồng biết thổi sáo. Đó là biệt tài mà Hồng tự học, tự rèn mà nên. Khi ra Trường Sa làm nhiệm vụ, Hồng không quên giắt theo cây sáo bên mình. Dường như ngay lập tức, tiếng sáo vi vút của anh đã chinh phục cả hòn đảo. Các anh cán bộ chính trị cũng sớm nhận thấy sức mạnh động viên bộ đội mạnh từ cây sáo của Hồng hiệu quả “hơn cả chục bài diễn văn” nên tạo điều kiện để anh tập luyện. Nét đáng quý là Hồng chưa bao giờ từ chối yêu cầu thổi sáo cho đồng đội nghe, kể cả những hôm ốm mệt.
Hồng biết vẽ, không dám nhận là vẽ đẹp nhưng những hòn đảo nơi Hồng công tác, đều có những tờ báo tường xinh xắn, sản phẩm tinh thần mà Hồng là “họa sĩ” để cổ vũ đơn vị.
Hồng biết đàn ghi-ta và đàn, hát khá hay. Ở Trường Sa, đàn ghi-ta đúng là “người bạn tâm tình”. Không biết bao nhiêu đêm văn nghệ được tổ chức chính thức và bao nhiêu buổi văn nghệ tự phát, có khi chỉ là một tốp dăm ba chiến sĩ đề nghị Hồng đàn, Hồng cũng chiều đồng đội.
Hồng rất giỏi chăn nuôi, tăng gia. Trên đảo nổi, anh là tấm gương đi đầu trong trồng rau, nuôi lợn cải thiện đời sống. Có người là hạt nhân văn nghệ, thường sao nhãng công tác tăng gia, nhưng Hồng thì không. Khẩu đội anh luôn dẫn đầu về số lượng rau xanh, thịt lợn, trứng gà... nhập cho nhà bếp.
Hồng là tay súng thiện xạ. Loại súng nào có trong biên chế của đơn vị, anh đều thành thạo. Đợt diễn tập cuối năm 2009, ngoài việc bắn các bài bắn cá nhân đạt giỏi, Hồng chỉ huy đơn vị sử dụng B41 diệt xuồng địch, chỉ huy sử dụng cối chế áp đội hình địch và dùng ĐKZ diệt mục tiêu chủ yếu... đều đạt giỏi. Có chiến sĩ khi về đơn vị nghĩ đến bắn súng còn thấy sợ, sau một năm được Hồng kèm cặp, trở thành người bắn giỏi.
Hồng còn có đôi mắt... nhìn ra giá trị của những vật vô giá trị. Chẳng hạn, bộ đội trên đảo chìm thường hay vớt được những mảnh gỗ trôi dạt vào. Có người tính vứt đi vì đảo quá chật, Hồng giữ lại, trổ tài thợ mộc, chế ra đủ loại bia bè làm đồ dùng huấn luyện chiến thuật trên biển khiến nhiều cán bộ cấp trên ra đảo xuýt xoa khen đẹp và sát thực.
Năm nay là năm thứ 7 trong quân ngũ, phần lớn thời gian, Hồng xung phong làm nhiệm vụ ở đảo. Tiền phụ cấp và bây giờ là tiền lương được bao nhiêu, anh gửi hết về nhà giúp bố mẹ nuôi ba em ăn học. Năm nào Hồng cũng được tặng Bằng khen, có giai đoạn, 2 năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”.
Đại úy Vũ Văn Hưng, chính trị viên đảo Đá Nam cho tôi biết, Hồng như sinh ra để làm chiến sĩ Trường Sa. Công việc anh làm lặng lẽ, khiêm nhường nhưng việc gì cũng được đánh giá cao.
Hồng rất kiệm lời khi nói về mình. Những gì tôi viết về anh, chủ yếu là thông tin do đồng đội và chỉ huy đơn vị cung cấp. Mái tóc Hồng có màu vàng hung, “sản phẩm chính hiệu” của gió muối Trường Sa. Anh không cho chúng tôi biết “bí quyết” nào để làm nên những thành tích trên đảo, nhưng mái tóc của anh cũng là một câu trả lời. Chúng tôi hiểu, những thành tích của mỗi cá nhân hay những thành tựu xây dựng và bảo vệ Trường Sa hôm nay, chẳng phải do một phép màu nào cả, mà đó là ý chí nghìn đời cha ông để lại từ thuở đầu dựng nước và giữ nước.
CHUYÊN ĐỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI (ĐÀI PT&TH CÀ MAU)
Theo http://vovgiaothong.vn
Kim Yến (st)