“Cả nước vì Trường Sa,Trường Sa vì cả nước” – đó là phong trào rộng khắp đang lớn lên từng ngày khiến cho vùng “đảo trúc san hô” của đất nước đang ngày thêm giàu đẹp.

Còn quân và dân Trường Sa, bằng bản lĩnh và ý chí vượt khó của mình, đã hướng về đất liền bằng sự nỗ lực, cố gắng trong từng việc nhỏ, bền bỉ bồi đắp, giữ gìn để chủ quyền Tổ quốc ngày càng vững chãi.

Ngôi làng hướng ra biển

Làng Tân Phú nhỏ bé nằm vắt mình bên những ngọn sóng, che lấy xã Cam Thành Bắc thuộc huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Nơi đây cách Sở Chỉ huy Vùng D (Quân chủng Hải quân) gần 20 cây số, cách Trường Sa gần 300 hải lí. Làng có gần 500 hộ. Điều đặc biệt là trong mỗi gia đình đều có ít nhất một người là bộ đội. Nhìn từ trên cao, ngôi làng có hình dáng tựa một con chim đang giang cánh bay ra phía biển. Và suốt từ ngày lập làng đến nay, ngôi làng này vẫn hướng ra biển ngóng đợi tin tức người thân. Ở đây luôn có 30% số gia đình có người nhà đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Có lẽ vì thế, người ta thường gọi Tân Phú là “làng Trường Sa”.

truong sa Dat va nguoi  Bai 4 anh 1
Vợ các sĩ quan đang công tác tại Trường Sa đến thăm, động viên chị Bùi Thị Minh.

Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là một không khí thanh bình, ấm cúng. Đây đó tiếng những bà mẹ trẻ đang ầu ơ ru con ngủ. Khói bếp lam chiều từ những mái nhà nhè nhẹ bay theo gió tạo ra khung cảnh làng quê rất đỗi thân thương. Gặp chúng tôi, đứa trẻ nào cũng chào chú, xưng con nghe thật ấm lòng... Tên của các cháu cũng thật đặc biệt, thế nào cũng liên quan đến hải quân, các đảo trên quần đảo Trường Sa hoặc tên đất, tên làng từ khắp mọi miền Tổ quốc, nơi đã sinh ra những người lính Trường Sa. Một tốp thiếu niên đang chơi ngay đầu làng, chúng tôi lần lượt hỏi tên, các cháu thưa:

- Thưa chú, con tên là Dương Hải Quân, con bố Dương Đức Hân ở đảo Sinh Tồn.

- Thưa chú, con tên Vi Sơn Hải ở đảo Trường Sa Lớn, Sơn là quê bố con ở Sơn Động (Bắc Giang), còn Hải là biển, nơi mẹ gặp bố.

- Dạ thưa chú, con tên Sơn Ca. Má sinh con khi bố đang làm nhiệm vụ ở đảo Sơn Ca...

Thượng tá Nguyễn Văn Đình, Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn Trường Sa dẫn chúng tôi tìm đến thăm gia đình chị Bùi Thị Minh, có chồng là Đại uý Phạm Văn Đông đang công tác tại đảo Trường Sa Đông. Căn nhà mái bằng vững chãi trước biển, trên tường treo đầy Giấy khen, Bằng khen của Đại úy Phạm Văn Đông. Quê anh ở Thái Bình, quê chị ở Thanh Hoá. Chị theo anh vào đây lập nghiệp đã gần chục năm. Hiện chị là giáo viên Trường Tiểu học Cam Đức 1. Anh chị sinh được 2 cháu. Cháu đầu là Phạm Bùi Minh Tú đang học lớp 2, cháu liên tục đạt danh hiệu học sinh Giỏi. Cháu thứ hai là Phạm Bùi Minh Hạnh mới được 6 tháng tuổi... Chị Minh tâm sự:

- Là vợ bộ đội Trường Sa, chị em chúng tôi luôn xác định phải tự lập, thay chồng nuôi dạy con cái, lo toan việc gia đình… Xác định tư tưởng là thế, nhưng lúc khó khăn, nhất là lúc “mang nặng đẻ đau” đôi khi cũng thấy tủi thân anh ạ.

Ở ngôi làng hướng ra Trường Sa này, chuyện các chị “vượt cạn” khi chồng đi vắng là chuyện bình thường. Bởi vậy, ở đây có lệ “nhờ làng”. Như anh Đông, khi vợ có bầu cháu thứ hai thì nhận nhiệm vụ ra đảo. Trước ngày lên đường, anh tổ chức bữa liên hoan chia tay, mời đông đủ bạn bè, đồng đội, hàng xóm. Tại bữa cơm thân mật, anh tuyên bố “xanh rờn”: “Tôi đi công tác đảo xa, xin gửi lại nhà… bà vợ đang mang bầu. Trăm sự nhờ các bác, các bạn giúp đỡ!”.

Và chính sự quan tâm giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất của đồng chí, đồng đội, của hàng xóm láng giềng trong thời gian anh đi công tác xa đã giúp chị vượt qua muôn vàn khó khăn để ổn định cuộc sống.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Bình, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Cam Thành Bắc thì xã đã thống kê chính thức, khu gia đình quân nhân có khoảng 150 hộ gia đình có chồng công tác thường xuyên ngoài đảo. Nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn vì người vợ không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thu nhập thấp. Để từng bước khắc phục khó khăn, giúp các gia đình phát triển kinh tế, thời gian qua, mỗi thành viên trong “làng Trường Sa” đã đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày. Mặt khác, UBND xã đã liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa để trong năm 2010 này mở các lớp dạy may; mở hợp tác xã đan tre, dệt lưới… tạo công ăn việc làm cho các chị. Đó cũng là một việc “hướng ra biển” để các anh yên tâm công tác, chắc tay súng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tấm lòng lính biển

Qua giới thiệu của Thượng uý Nguyễn Sĩ Hoan, Chính trị viên điểm đảo Đá Tây C, tôi có dịp tiếp xúc với Thiếu uý quân nhân chuyên nghiệp Phạm Tuấn Chung, y sĩ của điểm đảo - người “có hoàn cảnh gia đình đặc biệt”. Gặp Chung, tôi chợt nhận ra đây là chàng trai đã để lại ấn tượng tốt ngay từ khi tôi vừa đặt chân lên điểm đảo vì Chung có tác phong rất nhanh nhẹn, tích cực chuyển hành lí giúp chúng tôi từ xuồng vào đảo, rồi lại lao vào bếp chăm chỉ trong vai “anh nuôi”. Nhưng ngặt một nỗi, Chung rất ít nói, khuôn mặt phảng phất nỗi buồn.

truong sa Dat va nguoi  Bai 4 anh 2
Phạm Tuấn Chung.

Tìm hiểu tôi được biết, năm 2004, Chung đi “tăng” đầu tại đảo Thuyền Chài trên cương vị chiến sĩ. Trước Tết Nguyên đán năm 2005, Chung được về phép. Thật không ngờ, những ngày vui Xuân, đón Tết đối với người lính xa nhà năm ấy lại rất buồn. Mẹ Chung không may phát bệnh ung thư. Anh và cả gia đình phải “huy động” tất cả thời gian, tiền bạc để đưa bà ra Hà Nội chạy chữa… Hết phép, mặc dù là con trai duy nhất trong gia đình, bệnh tình mẹ ngày càng nặng nhưng anh vẫn lên đường vào đơn vị trả phép. “Buồn nhất là lúc mẹ nhắm mắt em không được ở bên cạnh bà” - Chung nói với tôi, đôi mắt rơm rớm. Sự thực, khi Chung vừa lên đường trả phép thì mẹ anh qua đời. Gia đình thống nhất không báo tin cho anh vì lúc này anh đang ở cách nhà cả nghìn ki-lô-mét. Vì vậy, Chung chỉ được thông tin chính thức về mẹ khi anh đã vào bờ… Anh bảo: “Lúc đầu, tôi cũng giận mọi người, nhưng bây giờ bình tĩnh lại mới biết, những người thân chỉ muốn mình yên tâm tư tưởng để công tác. Chắc chắn, mẹ tôi cũng muốn như vậy”

Sau khi mẹ mất, không buồn chán thái quá, Chung lao vào học tập, rèn luyện để rồi sau đó trở thành y sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và tiếp tục… xung phong đi đảo. Thế mà, số phận lại muốn thử thách bản lĩnh người quân nhân trẻ một lần nữa. Tháng 1 năm 2009, anh ra nhận công tác tại điểm đảo Đá Tây C thì tháng 5 anh nhận được tin cha mất. Đang ở đảo nên việc về nhà chịu tang cha là điều không thể - Chung biết thế và chấp nhận, mặc dù anh là con trai duy nhất. “Tôi xác định phải phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đây chính là “nén hương” tôi tưởng nhớ tới cha, tới mẹ. Đó cũng là cách trả ơn đồng đội đã quan tâm giúp đỡ tôi trong lúc khó khăn” – Chung nói.

Lên đảo Nam Yết, chúng tôi cũng gặp một trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khác. Đó là Thượng úy Bùi Thanh Tuấn, Phân đội trưởng Phân đội 2 thuộc Cụm 3. Tuấn cũng đã hai "tăng" đi đảo, trước ở Phan Vinh, nay về Nam Yết. Anh cũng là con một, bố là liệt sĩ hy sinh năm 2001. Bố của Tuấn hy sinh ngay trước thời điểm anh chuẩn bị lên đường ra đảo công tác. Mẹ anh lại bị bệnh teo gai thị mắt nên đi lại khó khăn. Ở trên đảo, Tuấn là cán bộ quân sự nhưng có tâm hồn rất nhạy cảm. Thi thoảng, đồng đội lại thấy anh cầm cây ghi-ta đánh một bản nhạc buồn. Đó là lúc, Tuấn lo lắng cho sức khỏe của mẹ già, vợ yếu, con nhỏ ở nhà. Lần đi công tác tại đảo Nam Yết, vợ Tuấn có bầu tháng thứ bảy. Anh không dám nói ra nhưng nỗi lo lắng chuyện vợ sinh nở không giấu được anh em, đồng đội trên đảo. “Những ngày vợ tôi chuẩn bị sinh thì mẹ tôi lại bị ốm, ông bà ngoại ở xa. Thú thực với anh, cũng tâm trạng lắm. May mà, chỉ huy đảo rất quan tâm, liên hệ với đất liền để đơn vị vợ tôi cử người giúp đỡ (vợ Tuấn cũng là bộ đội). Rồi thì điện thoại, lúc đó còn khó khăn nhưng thông tin về vợ con, mẹ già vẫn rất đều đặn khiến tôi có cảm giác như đang được ở bên gia đình. Ngày vợ tôi chính thức “mẹ tròn, con vuông”, cả đảo đến chúc mừng. Ngay cả các em chiến sĩ cũng góp những đồng phụ cấp, tiền tăng gia để có món quà nhỏ gửi tặng cháu làm tôi cảm động đến phát khóc” – Tuấn tâm sự.

Căn phòng nhỏ của Tuấn trên đảo Nam Yết treo rất nhiều Bằng khen, Giấy khen – thành quả thi đua không ngừng của anh trong những tháng ngày công tác trên đảo. Tuấn nói: "Nhất định trong dịp nghỉ phép tới đây, sẽ đem toàn bộ các giấy chứng nhận khen thưởng của mình làm quà tặng mẹ, tặng vợ và con...". Tôi lại nghĩ rằng: Đó cũng là cách thể hiện tốt nhất tình cảm, trách nhiệm của người lính với gia đình và Tổ quốc nơi đầu sóng, ngọn gió này.

Hôm chúng tôi ở đảo, trùng dịp sinh nhật lần thứ 20 của một chiến sĩ. Tuấn được chi đoàn chỉ định làm MC cho buổi sinh nhật và chúng tôi cũng được mời dự. Ngồi nghe Tuấn đánh đàn cho các chiến sĩ hát bài “Gần lắm Trường Sa” – những tiếng hát cung trầm, tha thiết cùng những nhịp tay quyện chặt vào nhau, như những vòng tay kết đoàn giữ đảo.

CHUYÊN ĐỀ ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI (ĐÀI PT&TH CÀ MAU)

Theo http://vovgiaothong.vn
Kim Yến (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: