Thứ hai, 23/12/2024

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ, tư liệu pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có giá trị nhất hiện nay, đó là hệ thống Châu bản triều Nguyễn - tài liệu mang tính Nhà nước khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta. Hệ thống Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu.

1-cuong-vuc-thieng-lieng

Tờ Châu bản triều Nguyễn số 13 có nội dung sai người lo việc công ở Hoàng Sa.

Vương triều nhà Nguyễn tồn tại 143 năm, với 13 vị Vua, từ Gia Long đến Bảo Đại (1802-1945). Dưới thời nhà Nguyễn, Châu bản là những văn bản hành chính được đức Vua ngự lãm, ngự phê để truyền đạt ý chỉ và gọi là chiếu chỉ, dụ, sắc, chế. Châu bản do các quan lại trong hệ thống chính quyền soạn thảo, nội dung liên quan đến các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội và tâu lên Vua thì gọi là tư, sớ.

Trước khi đức Vua ngự phê thì tiến hành tham khảo phiếu nghĩ từ lục bộ. Sau đó, bổ sung hay phê bình bằng nét bút son gọi là châu phê, hoặc chấm son gọi là châu điểm lên đầu chữ tấu, hoặc châu khuyên lên tên người hay sự vật đã được đức Vua lựa chọn; nếu không chấp nhận điều gì thì quẹt nét bút son lên câu văn, gọi là châu mạt, châu cải. Tất cả các văn bản đã được Vua ngự lãm và châu phê thì gọi là Châu bản.

Ngày 14-5-2014, tại Quảng Châu, Trung Quốc, tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận khối Châu bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được thế giới công nhận, sau Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Mộc bản triều Nguyễn, 82 bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

Tài liệu Châu bản triều Nguyễn, hiện Cục Lưu trữ Trung ương 1 còn lưu 773 tập, gồm khoảng 85.000 văn bản. Ngoài ra, còn khoảng hơn 3.000 tờ kết dính và chưa được xử lý. Hiện nay, có 19 Châu bản triều Nguyễn ghi chép những sự kiện có liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa. Trong đó, đời Vua Minh Mạng có 16 văn bản, đời Vua Thiệu Trị có 2 văn bản. Còn lại một văn bản năm 1939 thời Pháp thuộc, đó là văn bản xin thưởng cho Lu-ít Phông-ten là Chánh lính Khố xanh bị nhiễm bệnh ở Hoàng Sa và chết ở Huế.

Những Châu bản triều Nguyễn có nội dung chỉ đạo công việc của đội Hoàng Sa, mặc dù tuyến đường hải trình gian nan, không biết trước ngày về, nhưng nhiệm vụ thì rất cụ thể, đặt mốc thời gian phải hoàn thành. Bên cạnh đó, nhà Vua hình dung được chi tiết về địa hình, đặc điểm của từng vị trí hòn đảo ở Hoàng Sa - "...phía Bắc giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng... bên tả miếu dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. 10 ngày làm xong rồi về".

Sau khi Vua Bảo Đại thoái vị, hệ thống Châu bản quý giá này đã bị thất thoát đi nhiều phần. Năm 1959, Viện Đại học Huế tiếp nhận Thư tịch và Châu bản triều Nguyễn. 4 năm sau đó, kho Châu bản được vận chuyển lên Đà Lạt, đến năm 1978 được đưa về lưu trữ tại Kho lưu trữ Quốc gia 2, tại TP Hồ Chí Minh, sau đó được đưa ra Hà Nội.

Tên các binh phu được nhắc trong các Châu bản thì Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật là được nhắc đến nhiều. Ông được giao gánh vác những trọng trách lớn khi dẫn binh thuyền ra Hoàng Sa.

Trong tờ Châu bản thứ tư là bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng 17 (1836), về việc cử Phạm Hữu Nhật ra Hoàng Sa, nhà Vua đã châu phê nội dung: "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ "Năm Bính Thân (Minh Mạng 17), họ tên Cai đội Thủy quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu. Đã phái Thủy quân Chánh đội trưởng Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật giờ Mão hôm qua đi Ô - thuyền, rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa kỳ này. Bộ đã cho làm đủ số cột mốc gửi gấp vào Quảng Ngãi".

Vua Minh Mạng đã châu cải với nội dung: "Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thi ngay, giao cho tên ấy nhận biện". Tiếp đến, nhà Vua châu phê: "Thuyền nào đi tới đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu".

Nhiệm vụ đưa quân ra trấn giữ Hoàng Sa, có thời kỳ được triều đình giao cho Giám thành phối hợp với dân binh để thực hiện nhiệm vụ. Năm 1834, Vua Minh Mạng đã giao: "Sai Giám thành đội trưởng Trương Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người, đi thuyền ra đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi vẽ bản đồ".

Nhưng đến năm 1836, Vua Minh Mạng lại xuống chỉ, lệnh cho Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền qua Quảng Ngãi rồi đến thẳng Hoàng Sa để đo đạc, khám xét, cắm tiêu làm dấu, vẽ bản đồ để trình lên Vua xem.

Đầu thế kỷ XIX, các hoạt động giao thương đã diễn ra tấp nập dọc theo bờ biển của Việt Nam. Các quan Thủ ngự ở cửa biển, ngoài việc trấn thủ còn sẵn sàng cứu giúp tàu buôn bị nạn ở Hoàng Sa. Năm 1830, tức năm Minh Mạng thứ 11, tàu buôn của người Pháp gặp nạn tại Hoàng Sa. Quan Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng Nguyễn Văn Ngữ đã cấp sai đội thuyền ra cứu người. Trong Châu bản triều Nguyễn còn lưu giữ nội dung trình tấu được ghi: "... thuyền qua phía Tây Hoàng Sa bị mắc cạn, nước ngập vào thuyền hơn tám thước.

Thương thuyền đã bàn bạc dọn gấp hai rương tiền bạc công cùng một số dụng cụ, lương ăn, chia nhau lên hai chiếc thuyền nhỏ theo gió trở về bờ. Nhưng thuyền của Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, tiền bạc đi sau chưa thấy về. Thần lập tức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm. Nay xin tâu báo là đến giờ Ngọ thì gặp Đô-ô-chi-ly cùng phái viên, thủy thủ 15 người, hiện đã đưa về tấn, người và tiền bạc đều an toàn..".

Ngày nay, đi dọc các làng chài ra đảo Lý Sơn, dân chài vẫn lưu giữ câu chuyện về những người lính được triều đình thưởng, phạt nghiêm minh nếu đi Hoàng Sa không làm tròn nhiệm vụ. Câu chuyện dân gian đó được lưu trong Châu bản triều Nguyễn ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835): "Cai đội Phạm Văn Nguyên được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn, đã có chỉ giao cho Bộ trị tội.

Nhưng qua tra xét, chưa thấy có biểu hiện làm việc riêng tư. Vả lại, lần này được phái đi ra biển thực hiện công vụ chu đáo, rất đáng được dự thưởng. Duy Quản viên Phạm Văn Nguyên khi trở về, có sự tự mãn, đi lại rất không hợp cách, trước đã bị cách chức, bị bắt gông. Nay giao cho Bộ xét phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân cho tha, khôi phục lại chức cũ. Còn các viên có trách nhiệm vẽ bản đồ chưa rõ ràng là Giám thành Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Tiện, Nguyễn Văn Hoằng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha...".

Trong bản tấu của Bộ Công ngày 28 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1848) đã ghi lại: "Hằng năm, vào mùa Xuân, theo lệ phái binh thuyền vãng thám Hoàng Sa thuộc hải cương nước nhà cho thành thục đường đi lối lại". Hải cương nước nhà chính là lời khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lê Văn Chương

http://www.bienphong.com.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: