Thứ hai, 23/12/2024

Khi Biển Đông vẫn không ngừng dậy sóng trước những mưu đồ xấu của các thế lực bên ngoài thì tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa) vừa được khánh thành là nguồn động viên to lớn với quân dân cả nước.

Dường như người “anh Cả” của quân đội nhân dân Việt Nam vẫn hiện hữu đầy uy nghiêm cổ vũ tinh thần quân dân ta quyết tâm bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Tri ân Anh hùng dân tộc

Vừa qua, Bộ Tư lệnh Hải quân, Ngân hàng Quân đội (MB), Ban Chỉ huy và toàn thể các chiến sỹ đảo Sơn Ca, Lữ đoàn Công binh 131... đã tổ chức lễ khánh thành Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca.

Công viên được xây dựng trên khuôn viên rộng 400m2 trên đảo Sơn Ca, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà; để tưởng nhớ, tri ân các vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, người “anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, bậc thiên tài quân sự của thế giới, người đã có công lớn trong việc giải phóng quần đảo Trường Sa.

Trung tâm công viên là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp cao 1m76. Tượng được tạc từ đá Sa thạch nguyên khối do nhà điêu khắc Lê Đình Bảo thực hiện từ tháng 12/2015.

trang nghiem
Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa được khánh thành ở đảo Sơn Ca.

(Ảnh VOV.vn).

Ôm phía sau tượng đài là một bức tường làm bằng gốm có gần 300 hình ảnh tư liệu lịch sử, xếp theo trình tự giai đoạn trong cuộc đời của Đại tướng gắn bó với lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, những chiến dịch và trận đánh, chiến thắng lẫy lừng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Vô cùng xúc động trước thông tin này, ông Vũ Mạnh Hào - một chiến sỹ trong đoàn Đặc công 126 ra giải phóng Trường Sa năm 1975 đã chia sẻ với phóng viên về giây phút lịch sử ngày nào. Ông kể: “Đoàn 126 đặc công nước do Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Mai Năng là Chỉ huy trưởng chỉ huy cánh quân giải phóng Trường Sa. Tôi rất vinh dự và tự hào vì mình là một trong những người lính của cánh quân đó. Ở thời điểm nước sôi lửa bỏng ấy, có lệnh giải phóng là chúng tôi lên đường. Niềm vui khi giải phóng đảo là cảm xúc khó gọi thành tên mà tôi mang theo suốt cuộc đời này”.

Được biết, ở thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào giai đoạn nước rút, Bộ Chính trị, Bộ Tổng tham mưu, trong đó trực tiếp là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo hải quân phải tổ chức ngay một cánh quân để phối hợp với Quân khu V ra giải phóng và thu hồi quần đảo Trường Sa từ tay của quân ngụy Sài Gòn.

“Theo lệnh, Đội 1 của Đoàn 126 chúng tôi đã đổ bộ lên đảo Sơn Ca đầu tiên và nhanh chóng giải phóng đảo này. Tôi nghĩ rằng, Đại tướng đã chỉ đạo sáng suốt và kịp thời, nếu không thì không có Trường Sa như ngày hôm nay”, ông Hào chia sẻ.

Cũng nói về thời khắc lịch sử ấy, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “Sự kiện Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất với Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng ý, trước khi ta giải phóng Sài Gòn, phải có một lực lượng hải quân đặc biệt là Đoàn 126, đặc công nước của hải quân ra để chiếm lại các đảo là hết sức hào hùng, đáng nhớ. Ở Trường Sa khi đó, quân ngụy đã yếu, có thể sẽ bị các nước khác vào chiếm đóng. Tình hình sẽ căng thẳng và phức tạp hơn nhiều”.

Theo GS. Vũ Minh Giang, thời khắc quan trọng đó, khi thời cơ đến, nếu chúng ta không tận dụng được, nó sẽ mất đi. Để các nước khác vào thì không còn là câu chuyện của riêng phía lực lượng cách mạng với Việt Nam cộng hòa nữa, mà có thể chúng ta phải đối mặt với các thế lực mạnh hơn từ bên ngoài.

Việc xin ý kiến để giải phóng Trường Sa trước khi giải phóng Sài Gòn là hoàn toàn chính xác, rất sáng suốt và có tầm chiến luợc. Và, người sớm có nhìn nhận về vấn đề này chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Do vậy, việc xây dựng tượng đài trên đảo Sơn Ca mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Bên cạnh đó, công trình còn là sự tri ân với vị tướng có đóng góp lớn cho lịch sử giải phóng dân tộc”, GS. Giang nói.

Khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước

Ông Vũ Mạnh Hào, người lính Trường Sa năm xưa tiếp tục chia sẻ: “Việc xây dựng công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca và có tượng đài của Đại tướng là việc làm rất ý nghĩa. Việc làm này không những ghi nhận sự sáng suốt trong chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà còn truyền lại cho thế hệ sau, hiểu rõ hơn về công lao to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, công trình công viên và tượng đài cũng là nguồn cổ vũ tinh thần cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là quân dân Trường Sa ngày càng quyết tâm bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của quê hương”.

Ông Hào cũng bình luận thêm: “Chúng ta đều biết, tình hình Biển Đông hiện nay đang rất phức tạp. Đặc biệt, phía Trung Quốc đang chiếm nhiều bãi đá và xây dựng nhiều đảo nhân tạo trái phép. Khánh thành công trình công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước Việt Nam. Việc bảo vệ Trường Sa có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền đất nước trên Biển Đông”.

Cũng theo ông Vũ Mạnh Hào, đây cũng là cách thiết thực nhất giáo dục truyền thống, giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ và bảo vệ thành quả mà ông cha đã hy sinh xương máu để giành và giữ lấy.

Cũng đánh giá cao về công trình đặc biệt ý nghĩa này, GS.TSKH. Vũ Minh Giang nói: “Bên cạnh những ý nghĩa về mặt lịch sử và tri ân với vị anh hùng dân tộc, tôi cho rằng, công trình này còn mang ý nghĩa trấn giữ Biển Đông. Xét về mặt tâm linh, nhiều nơi họ xây dựng tượng các vị tướng, ngay như ở đảo Song Tử Tây có tượng Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cũng với ý nghĩa biểu tượng tâm linh như vậy. Xây tượng đài là một cách để tôn vinh, cũng là sự trấn giữ biên cương của Tổ quốc”.

Theo GS. Giang, đây là việc làm rất có ý nghĩa. Bản thân ông cũng tin, việc chúng ta xây dựng công viên, tượng đài là phù hợp với di nguyện trước khi mất, Đại tướng muốn được về với biển.

Nơi lòng dân hội tụ. Đầu tháng 10/2013, khi hay tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, đảo trưởng Sơn Ca khi đó là ông Đỗ Thế Tuyến đã cho lập một ban thờ để quân dân đảo Sơn Ca và ngư dân đánh bắt gần đảo có thể đến thắp hương tưởng niệm Đại tướng.

Sau đó, Đảo trưởng Sơn Ca đã cùng chiến sỹ tiến hành xây dựng khuôn viên vườn hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rộng gần 100m2. Câu chuyện về vườn hoa tưởng niệm Đại tướng có những điều đặc biệt. Kể từ khi khởi công đến khi hoàn thành mất tròn 103 ngày (đúng bằng tuổi thọ của ông). Ai đi đâu có cây hoa đẹp đều cất công mang về đảo đóng góp vào vườn hoa…

DƯƠNG THU – ĐỖ THƠM

http://www.doisongphapluat.com/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: