Chỉ mục bài viết

 

51. Chú trả lời cho rõ hơn

Sau khi thăm xong khu nhà ở, chúng tôi đưa Bác tới hội trường đồng thời cũng là câu lạc bộ của đơn vị. Thấy nền gạch trong hội trường được anh em lau rất sạch, Bác cởi dép để ngoài thềm, đi chân không vào hội trường. Chúng tôi cũng làm theo Người. Thấy vậy, Bác bảo:

- Nên để cái gì lau chân, vừa sạch nhà, vừa đẹp mắt.

Bước vào trong hội trường Bác đưa mắt nhìn chung quanh một lượt, để xem cách bố trí hội trường và phòng đọc sách. Sau đó Người lần lượt xem các bức vẽ và bích báo của các chiến sĩ, Bác chú ý những bài nói về kinh nghiệm học tập quân sự, chính trị, văn hoá, thành tích tăng gia.. Bác khen:

- Các bức vẽ và bích báo đều tốt, nhưng thiếu mục phê bình!

Tới giữa hội trường, Bác nhìn lên khẩu hiệu dưới ảnh Người và bảo:

- Chữ viết đẹp. Nhưng là những chữ gì? - Nói xong, Bác liền đọc: “Hồ Chủ tịch muốn nằm”.

Phê bình mà chúng tôi cũng không sao nhìn được cười. Bác cũng cười. Đuôi mắt Người nheo hẳn lại, chòm râu rung rung.

- Thưa Bác, chúng cháu viết khẩu hiệu "Hồ Chủ tịch muôn năm'' đấy ạ! Sợ vì đánh dấu sẽ giảm mất mỹ thuật nên viết như thế ạ - Đó là lời đồng chí Minh, người chiến sĩ vừa tòng quân năm 1961. Lần đầu gặp Bác, thấy Bác đọc khẩu hiệu như thế, Minh tưởng Bác đọc thật, vội trình bày lại.

Bác nhìn Minh, âu yếm hỏi:

- Chú bao nhiêu tuổi?

- Thưa Bác, cháu 18 ạ!

- Chú ở nhà làm gì? Gia đình hiện nay như thế nào?

- Dạ, cháu ở nhà đi học và giúp bố mẹ cháu làm trong hợp tác xã ạ! Bố cháu trước là cố nông, sau Cách mạng Tháng Tám đi bộ đội, mới phục viên năm 1959 ạ!

- Chú học lớp mấy?

- Dạ, cháu học lớp 9…

Bác chỉ vào bản đồ Việt Nam treo trên tường và bảo Minh:

- Cháu chỉ cho Bác xem âm mưu Mỹ - Diệm dùng chất độc hoá học ở miền Nam Việt Nam như thế nào, tác hại ra sao?

Minh trả lời xong, Bác gật đầu tỏ vẻ bằng long:

- Chú hiểu đúng! Nên làm cho anh em khác cũng hiểu như mình.

Nhắc Minh xong, Bác quay lại hỏi tôi:

- Lúc ở nhà chú làm gì?

- Ngày bé cháu đi ở cho địa chủ, lớn lên được người anh xin cho vào học việc ở nhà máy xe lửa Gia Lâm. Kháng chiến cháu tham gia đội nghĩa quân Hồng Hà, rồi sau chuyển sang sư đoàn Quân tiên phong ạ!

Bác quay lại hỏi Minh:

- Chú nghĩ như thế nào khi thấy mình học hết lớp 9 và Trung đoàn trưởng của chú trước làm công nhân?

Minh suy nghĩ có vẻ khó khăn, đôi lông mày thanh thanh nhíu lại. Má lại đỏ bừng lên. Cuối cùng Minh trả lời gượng.

- Thưa Bác, đó là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng và quân đội ta tiến lên chính quy hiện đại ạ!

- Có tiếng xì xào. Bác ra hiệu giữ trật tự rồi chỉ thượng sĩ Bình, người chiến sĩ tình nguyện:

- Chú trả lời cho rõ hơn!

Rập chân đứng nghiêm lại, vẻ tự tin, Bình thưa:

- Đó là bản chất của chế độ ta, mặt khác cũng nói rõ quân đội ta là của quần chúng nhân dân lao động, công nông là chủ lực của cách mạng.

- Chú học lớp mấy? Bác hỏi tiếp đồng chí Bình.

- Dạ cháu học lớp 5 ạ! -  Bình hơi thẹn, thanh minh thêm: Cháu vào bộ đội mới được học ạ!

Bác dặn:

- Hai chú cần học tập lẫn nhau, giúp nhau để cùng tiến bộ.

52. “Đạn bọc đường”

Bác chỉ vào đồng chí Văn đẹp giai, ăn mặc có vẻ đỏm đáng, hỏi:

- Các chú rồi đây về thành phố phải đề phòng điều gì nhất?

Văn đứng đậy, lúng túng nhìn quanh, như mong anh em ai nhắc hộ. Một đồng chí ''gà'' luôn: ''Nhớ gia đình”.

Văn thuận miệng nói luôn: “Nhớ gia đình ạ!”

Bác và anh em cùng cười, Bác nói:

- Có nhớ nhà mà nâng cao được tinh thần trách nhiệm thì như thế là tốt! Điều Bác muốn dặn các chú là: Phải đề phòng “đạn bọc đường”. Loại đạn này, lúc đầu ai bị bắn dù có trúng cũng không biết đau, còn khen ngọt là khác, đến khi ngã ra có hối hận cũng đã muộn. Ví dụ: Bây giờ chuẩn bị vào thành phố, có chú sẽ nghĩ: Lâu nay mình sống gian khổ đã nhiều, bây giờ là lúc được hưởng lạc đây! Trong lòng chú luôn nghĩ đến những thứ của ngon, vật lạ, dần dần quên mất tác phong gian khổ, giản dị. Như vậy rất dễ dẫn đến tham ô hủ hoá. Tức là mình đã tự biến hoá thành cái bia rất tốt cho đạn bọc đường!

53. Đánh nó xong rồi ta phải làm gì?

Trong cuộc mít tinh, có chút vốn nào tôi đều đưa ra cả (từ việc phát xít Đức đã bị đánh gục, tới sự suy vong của phát xít Nhật, mâu thuẫn Nhật – Pháp v.v...).

Đang đà thao thao bất tuyệt, tôi bỗng thấy chị Chi hồi hộp ghé tai tôi thầm thì:

- “Đồng chí già” đang đứng nghe đấy. Chắc đồng chí ấy đến từ đầu.

Tôi giật thót mình, tự  nhiên khắp người nóng ran lên.

Bỗng “Đồng chí già” từ trong đám đông bước ra. Người vẫn mặc bộ quần áo chàm như mọi khi. Dùng tiếng địa phương, Người hỏi:

- Đồng bào nghe cán bộ nói có hay không?

- Hay lớ!

- Đồng bào có biết cán bộ nói cái gì không?

- Á dà... à, cán bộ nói cái hay, nói cái tốt mà, nói dài mà, không nhớ hết đâu!

Điếng người, tôi tưởng đất dưới chân mình có thể bị sụt. Quay lại nhìn chị Chi, thì mặt chị cũng đỏ như gấc chín, từng giọt mồ hôi đang lấm tấm nơi tóc mai.

Cũng may, “Đồng chí già” không hỏi chúng tôi câu nào. Đồng chí chỉ yêu cầu đồng bào đừng về vội, để đồng chí nói lại cho dễ nhớ thôi. Được đồng bào ưng thuận, đồng chí liền hỏi:

- Nhật và bọn quan lại của nó bây giờ so với Pháp và bọn quan lại của Pháp ngày trước, thế nào?

- Pháp như con hổ, con báo thì Nhật cũng như bọn con báo, con hổ thôi.

- Bọn quan của Pháp trước là bọn quan của Nhật đấy mà.

- Rắn lột xác vẫn là rắn thôi.

- Không phải rắn lột xác đâu. Chó săn đổi chủ đấy!

“Đồng chí già” lại hỏi:

- Dân ta có thể để cho con rắn, con hổ ăn thịt mình không?

- Không! - Đồng bào cùng cất tiếng trả lời.

Rồi từ các cụ già tới các thanh niên nam nữ thi nhau kể chuyện giặc giết người, tù đày, thuế nặng, bắt lính, bắt phu, v.v... Những điều họ kể ra còn sâu sắc, cay đắng hơn những điều tôi vừa nói, vì nó đều là những sự việc ngay trong địa phương, nhân dân đã mắt thấy tai nghe và chính họ kể lại.

Chờ cho đồng bào ngớt lời. “Đồng chí già” kết luận:

- Ta phải quyết tâm đánh Nhật, quyết tâm trừ bọn quan lại của chúng để cứu lấy nước mình. Đồng bào đồng ý không?

Tiếng hô “đánh” vang lên. “Đồng chí già” lại chỉ một thanh niên rất khỏe, hỏi:

- Một người khỏe như anh này, đánh được không?

Đồng bào cười ồ lên. Một người nói:

- Không đánh được đâu! Nó đông đấy, lại có súng to, súng nhỏ nhiều mà.

- Thế cả nước một lòng, Kinh, Thổ, Mán, Mèo cùng đứng dậy đánh có được không?

- Được, đánh được! Mọi người cùng một lòng thì sợ gì Nhật, sợ gì Tây. Thầy nó chết thì bọn quan tay sai của nó cũng chết thôi!

- Đánh nó xong rồi ta phải làm gì?

Đồng bào ngơ ngác nhìn nhau. Lúc ấy “Đồng chí già” mới nói thêm:

- Đánh xong rồi ta không lập lại cái quan nữa, vì ta biết nó ác lắm!

Đồng bào đều nói:

- Phải, phải!

- Ta xem trong dân ta, ai tốt và giỏi thì mình chọn người ấy để giúp dân, lo làm ăn, sao cho dân có cơm no, áo ấm, ai cũng được học hành. Mọi dân tộc, mọi người thương nhau như anh em ruột một nhà.

Tất cả cất tiếng reo lên:

- Ái dà, được thế thì sướng chết mất thôi!

Mắt mọi người đều sáng lên, ngắm nhìn “Đồng chí già” như muốn uống từng lời. “Đồng chí già” lại hỏi:

- Đồng bào nhớ chưa?

- Nhớ rồi, nhớ rồi.

“Đồng chí già” còn dặn thêm về việc phòng gian, chống giặc, cách giữ “ba không” (không nghe, không thấy, không biết).

Cuộc mít tinh kết thúc, “Đồng chí già” cùng tôi và chị Chi trở về. Dọc đường “Đồng chí già” bảo tôi:

- Lần sau nói chuyện ở đâu, phải hiểu rõ trình độ dân nơi ấy, phải nói sao cho thiết thực, để đồng bào dễ hiểu, dễ nhớ thì đồng bào mới theo mình được.

Tôi và chị Chi đều vâng lời. Tới chỗ rẽ, chờ cho “Đồng chí già” đi khuất, tôi mới bảo chị Chi:

- Được một bài học thấm thía. Không rõ “Đồng chí già” người Kinh hay người Thổ?

54. Được Bác đổi tên

- Sao tên chú lại là Thểu?

Không nén nổi xúc động. Thểu lặng người đi, nước mắt trào ra.

Bác đưa cho Thểu một chén nước, Thểu nghẹn ngào kể lại với Bác tình cảnh riêng của mình.

Nhà Thểu nghèo lắm. Lúc nhỏ Thểu được cha mẹ đặt tên là “thằng cu Nậy”, Thểu cũng biết rằng tên đó không hay, nhưng quanh xóm, bọn trẻ cùng cảnh nghèo như Thểu, tên cũng xấu vậy thôi. Chỉ có con nhà giàu mới có tên đẹp. Rồi đến năm 1945, mẹ Thểu chết đói, cha Thểu phải bồng bế dắt díu con ngược dòng sông Lam, sang tận bên Lào kiếm sống. Cơ cực quá, không nuôi nổi các con, cha Thểu phải bán các em cho nhà giàu. Còn Thểu thì lang thang thất tha thất thểu, đầu đường xó chợ kiếm ăn. Cũng từ đó, người ta quen gọi nó là “thằng Thểu” và thế là cái tên “thằng Nậy” mà cha mẹ nó đặt cho cũng mất nốt.

Vào bộ đội, chiến đấu dũng cảm, trở thành Chiến sĩ thi đua, Thểu vẫn giữ cái tên cũ.

Lắng nghe Thểu kể xong Bác rất xúc động. Người cầm tay Thểu và nói:

- Bác cháu ta làm cách mạng để xoá bỏ kiếp sống cũ, là xây dựng cuộc đời mới, chú nên đặt tên mới để thể hiện sự thay đổi của cuộc đời mình.

Bác ngừng lời, nhìn các chiến sĩ một lượt. Các chiến sĩ, nhất là Thểu, cùng nhìn Bác chăm chú chờ đợi.

Bác nói tiếp:

- Từ nay chú Thểu sẽ tên là Thảo. Như thế vừa giữ được vần cũ, lại có ý nghĩa hiếu thảo với nhân dân.

Thểu cảm động và sung sướng nhận tên mới: Nguyễn Văn Thảo.

Sau đồng chí Thảo, gặp đồng chí Thái Doãn Thiếp.

Bác lại hỏi:

- Sao tên chú lại như tên con gái vậy?

Câu hỏi của Bác làm Thiếp xấu hổ.

-Thưa Bác, cháu không rõ ạ!

Bác nói:

- Các cụ đặt tên là có ý lắm và bao giờ cũng giải thích cho con cháu nghe ý nghĩa tên của mình.

Không thể giấu được Bác, Thiếp đành thú thực:

- Thưa Bác, cháu nghe cha mẹ cháu nói là vì hiếm hoi, lúc mới sinh cháu lại gầy yếu và trông như con gái, nên mới lấy tên con gái để đặt tên cho cháu ạ!

Bác cười và nói:

- Ừ, thế mới đúng. Bác nhìn Thiếp và nói tiếp: Bây giờ chú là chiến sĩ bảo vệ - chiến sĩ bảo vệ thì không những phải dũng cảm, cảnh giác, thông minh, tận tụy mà còn phải lịch thiệp nữa. Cho nên đổi tên “Thiếp” thành tên “Thiệp” là hơn.

Thiếp phấn khởi nhận ngay cái tên mới mà Bác vừa đặt cho: Thái Doãn Thiệp.

55. Giờ chú tuyên truyền gì?

 Khi đã đông đủ gia đình, Bác bảo chụp ảnh làm kỷ niệm. Ông tôi sung sướng quá đứng lặng người đi trước vinh dự ấy.

Chụp ảnh xong, Người dặn:

- Tôi sẽ ăn cơm trưa với gia đình, nhà ăn thế nào tôi sẽ ăn thế.

Mẹ tôi và chị Thanh có mua thêm con gà làm cơm. Khi mang cơm lên, Bác ngạc nhiên gọi chị Thanh lại:

- Cô làm thế nào mà hóa cỗ thế này? Nay cô làm thế này, mai tới nơi khác cô bảo nhân dân giết bò, để đãi tôi chăng?

Chị Thanh lo quá, mẹ tôi phân trần:

- Đất lề, quê thói, mỗi khi nhà có khách đều tỏ lòng kính trọng …

Bác bảo dọn cơm cả gia đình cùng ăn. Nghe lời Bác, gia đình tôi cử người lên ăn cùng với Bác.

Chiều hôm ấy, đồng chí trong Ủy ban xã cùng một vài cán bộ huyện về công tác tới chào Bác.

Quen như mọi khi có cán bộ cấp trên tới, chúng tôi chuẩn bị sẵn trong đầu báo cáo về tình hình trong xã. Không ngờ mở đầu Bác hỏi:

- Xã chú có bao nhiêu mẫu ruộng? Hai vụ chiêm, mùa gieo hết bao nhiêu giống? Thu hoạch được bao nhiêu?

Lúc ấy chúng tôi đâu đã có kế hoạch sản xuất! Nên trước câu hỏi của Bác, chúng tôi đành chịu, không biết đằng nào mà thưa cả.

Bác lại hỏi:

- Đời sống bây giờ khác trước ra sao? Có bao nhiêu gia đình khá, bình thường, còn đói kém?

Cái này thì có thể hiểu được. Chúng tôi báo cáo với Bác con số ước lượng.

Bác không bằng lòng. Người bảo:

- Các chú phụ trách xã mà cái sống còn nhất lại không rõ thì còn nói gì nữa.

Lúc ấy đồng chí Chuyên vừa tới, vào chào Bác. Người hỏi ngay:

- Chú làm công tác gì?

- Dạ, tuyên truyền ạ!

- Giờ chú tuyên truyền gì?

- Chương trình Việt Minh ạ.

- Bây giờ phải tuyên truyền về Hiến pháp – Bác bổ sung.

56. Nhận tên mới

Một đồng chí trong chúng tôi hỏi Bác:

- Thưa Bác, chúng cháu nghĩ mãi vẫn chưa rõ tại sao phải đánh trường kỳ, vì đánh trường kỳ thì hại người, hại của lắm.

Bác phân tích cho chúng tôi rõ các mặt lợi hại, rồi lấy một ví dụ:

Sức ta lúc này như trai mười sáu, mà giặc như một lão già quỷ quyệt, độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa sao chắc thắng được! Phải vừa đánh vừa nuôi sức cho mình lớn lên. Khi sức đã khoẻ, giặc đã suy yếu, già cỗi, ta mới lừa thế quật ngã như vậy có chắc thắng không?

Bác dừng lại nhìn chúng tôi một lượt. Và khi thấy chúng tôi đã nhận thức được, Bác kết luận:

Vì vậy mới nói trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi.

Sau đó, Bác bảo chúng tôi:

- Các chú ở đây mỗi người một tên, khó gọi, dễ lộ bí mật. Để dễ gọi, để giữ bí mật và cũng thể hiện quyết tâm kháng chiến của chúng ta, từ nay Bác đặt cho các chú tên mới theo câu Bác vừa nói. Các chú có đồng ý không.

- Dạ! Chúng tôi đều phấn khởi nhận tên mới.

Bác chỉ vào tôi và lần lượt đặt tên cho từng đồng chí. Từ đó tám anh em chúng tôi có tên mới là: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi.

57. Nướng sắn

Ông cụ bóc vỏ được củ sắn nào lại đưa cho Bác và chúng tôi hơ nhựa, rồi vùi xuống tro nóng để nướng.

Nhìn Bác hơ củ sắn khô mà vẫn trắng, và khi vùi tro, sắn chín vàng rất đều, còn chúng tôi hơ củ nào cũng bị dính bụi củ ấy, ông cụ cười bảo:

- Các đồng chí phải học cái ké bộ đội này! Trông cầm củ sắn là biết người có quen núi hay không đấy!

Đang ăn, chợt ông cụ hỏi một câu rất đột ngột:

- Ké bộ đội à, thấy người ở núi Hồng qua đây, nó kể chuyện Cụ Hồ, nghe họ nói thì Cụ Hồ tốt lắm, giỏi lắm vớ! Có thật Cụ Hồ như vậy không?

Chúng tôi phải cố giữ vẻ mặt tự nhiên cho khỏi lộ. Bác vẫn nghe một cách chăm chú và trả lời:

- Tôi cũng nghe nói, chắc là có.

Ông cụ vẻ hả hê sung sướng, mắt sáng lên, tay đập vào vai Bác mà nói:

- Con tôi nó viết thư về, nó cũng bảo thế! Nhiều cái tôi còn tin còn nhiều cái tôi chưa tin!

Bác hỏi:

- Cụ chưa tin điều gì?

Ông cụ nuốt một miếng sắn, chiêu một ngụm nước chè rồi thẳng lưng, cất tiếng nói sang sảng rất cởi mở.

- Nói Cụ Hồ dạy dân phải đánh Nhật, đuổi Tây dân mới khỏi khổ, cái này tôi tin đấy! Nói Cụ Hồ bảo phải đoàn kết Kinh, Thổ, Mán, Mèo, Nùng lại mới đánh được Tây, đánh được cái tụi quan của nó, cái này tôi cũng tin đấy! Nói Cụ Hồ bảo phải làm ra nhiều gạo, nhiều ngô, sắn giúp bộ đội đánh Tây, tôi cũng tin đấy! Còn nói Cụ Hồ đi nhiều nước lắm – ông cụ ấy khoanh tay tròn trước mặt ra hiệu là nhiều, nhiều lắm, rồi tiếp: - Tôi già thế này mà ra đến Bắc Kạn, về Thái Nguyên thôi! Con tôi nó giỏi hơn, nó đi theo bộ đội đi Nam tiến. Nam tiến xa hơn, nhưng cũng chỉ trong nước ta thôi! Thế Cụ Hồ là người, sao đi được nhiều thế? Cái này không tin đâu, người mình sao tài thế?

Nghe ông cụ nói, chúng tôi cố giữ nét mặt bình thản, nhưng cũng không nhịn được cười. May ông cụ vui chuyện, cười nói sang sảng, nên cũng tưởng chúng tôi vui chuyện hưởng ứng mà thôi.

Bác cũng cười vui vẻ và giải thích cho ông cụ hiểu thêm:

- Cụ Hồ cũng là người bình thường thôi, nhưng đi nhiều nơi, học được nhiều cái hay ở mỗi nơi một ít, rồi được nhân dân trong nước góp vào mỗi người một ý, lại cùng nhân dân thực hiện ý ấy, nên câu nói Cụ Hồ mới đúng và việc đánh giặc cứu nước, sản xuất, học tập mới thắng lợi được. Cụ với tôi già thế này có thấy ai là người trên trời rơi xuống đâu.

Nghe Bác nói, ông cụ gật gù khen phải. Lúc ấy có đồng chí đi với tôi, ngồi hơi nghiêng trước ánh lửa. Cụ già chợt nhìn thẳng vào hai mắt đồng chí ấy, thấy nổi lên hai đốm lửa trông như hai con ngươi, ông cụ reo lên:

- Ái dà, thấy rồi, biết rồi! Mắt Cụ Hồ là thế này đây!

Tôi giật mình, tưởng là ông cụ nhận ra Bác, nhưng nghe cụ giải thích, chúng tôi mới hiểu. Còn ông cụ tỏ vẻ sung sướng, lẩm bẩm trong miệng:

- Cụ Hồ là có thật rồi! Bây giờ thì tôi tin cả rồi!

Ông cụ gật gù nói tiếp:

- Nó đánh mình, nó giết mình, mình không đánh lại nó thì mình cũng chết. Đánh thì hả cái lòng mình chứ! Thấy thằng Tây có cái máy bay, cái súng lớn mà mình không có, nên lúc đầu cũng thấy sợ! Nhưng bây giờ biết có Cụ Hồ thật rồi, thì tin lắm! Nhất định mình thắng thôi!

Nói tới đây ông cụ bỗng im lặng, đăm đăm nhìn vào Bác và bảo:

- Cái mắt ké bộ đội này, cũng giống mắt Cụ Hồ, ké là người nhà Cụ Hồ phải không?

Bác và chúng tôi gật đầu cười vui vẻ.

Ông cụ cũng cười, tự mình trả lời:

- Các đồng chí là bộ đội Cụ Hồ, thì là người nhà Cụ Hồ hẳn rồi, với lại con tôi cũng là bộ đội Cụ Hồ. Tôi cũng là người nhà Cụ Hồ. Rồi ông cụ hỏi: “Bộ đội có ảnh Cụ Hồ không cho tôi xin một cái?”.

Tâm Trang (tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: