Đúng dịp Tết Nguyên đán Canh Dần năm 1950, Bác Hồ thực hiện một chuyến đi bí mật sang Trung Quốc, Liên Xô. Ngày 2-1-1950, Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh, từ Tuyên Quang đi bộ tới Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng, rồi đi tiếp đến Long Châu, Quảng Tây. Đến đây, Bác bắt được liên lạc với Bạn. Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bố trí xe đón Đoàn đi Nam Ninh, từ đó Đoàn đi xe lửa đến Bắc Kinh. Bác làm việc ở Bắc Kinh một tuần, sau đó Bác cùng đồng chí Trần Đăng Ninh đi xe lửa liên vận đến Liên Xô

Ngày 16-2-1950, Nguyên soái Xtalin mở tiệc chiêu đãi đại biểu sứ quán các nước xã hội chủ nghĩa tại Mát-xcơ-va nhân dịp Liên Xô và Trung Quốc ký “Hiệp ước Tương trợ Đồng minh hữu hảo Xô-Trung” ngày 14-2-1950. Xtalin tự xếp chỗ ngồi gần Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh. Sau buổi tiệc, Xtalin mời Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang phòng riêng để trao đổi về việc Liên Xô, Trung Quốc giúp Việt Nam đánh thực dân Pháp.

Chuyến đi bí mật này, Bác đã thành công ở cả hai phương diện chính trị và ngoại giao, đó là chuyến đi lịch sử làm tiền đề cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Liên Xô, giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Ngày 11-3-1950, Bác và đồng chí Trần Đăng Ninh về đến Bắc Kinh, giữa tháng 4 năm 1950, Bác mới về đến Tuyên Quang.

Tháng 6 năm 1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Ngày 7 tháng 7, Bộ Tổng Tư lệnh ra Mệnh lệnh về chiến dịch Biên giới. Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt - Trung, mở đường nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy chiến dịch, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng làm Tham mưu trưởng chiến dịch, Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp phụ trách hậu cần cho chiến dịch. Trung tuần tháng 9 năm 1950, Hồ Chủ tịch lên đường đi chiến dịch.

Đầu năm 1950, Trung tướng Trần Canh đang chỉ huy quân đội trên chiến trường Vân Nam (khi đó Vân Nam chưa giải phóng). Thực hiện cam kết không thành văn giữa Nguyên soái Xtalin, Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo yêu cầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Trung Quốc giúp Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân điều động Trung tướng Trần Canh về Bắc Kinh nhận nhiệm vụ dẫn đầu Đoàn Cố vấn Quân sự Trung Quốc gồm 14 đồng chí sang Việt Nam. Ngày 7 tháng 7, Đoàn Cố vấn Trung Quốc xuất phát từ Côn Minh đi đến Thái Nguyên. Tại một nhà sàn đơn sơ trên chiến khu, Bác Hồ cảm kích gặp lại người bạn. Bác Hồ và Trần Canh là bạn cũ của nhau. Tháng 5 năm 1924, Trần Canh học khóa 1 Trường Quân sự Hoàng Phố - Quảng Châu, còn Bác Hồ khi đó là Thư ký của Phái bộ Brôđin - Cố vấn Chính trị của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Tôn Trung Sơn, khi đó hai người thường xuyên gặp nhau trao đổi công tác.

Ngày 16-9-1950, chiến dịch Biên giới mở màn bằng trận đánh Đông Khê tỉnh Cao Bằng, đến trưa 18 tháng 9 kết thúc thắng lợi. Trong niềm vui lớn, Bác Hồ viết tặng Trần Canh một bài thơ bằng chữ Hán. Theo nguyên bản tài liệu trong “Nhà kỷ niệm Trần Canh” bài thơ này có nội dung như sau:

Huề trượng đăng cao quan trận địa

Vạn trùng sơn ủng vạn trùng vân

Nghĩa binh tráng khí thôn ngưu đẩu

Thệ diệt sài lang xâm lược quân.

Dịch:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy.

Đọc xong bài thơ, Trần Canh rất cảm kích, vui vẻ nói với Bác Hồ: “Hồ Chủ tịch đã hạ quyết tâm như thế, thì một mống quân Pháp cũng chạy không thoát!”.

Ngày 8-10-1950, Bác viết thư biểu dương các chiến sĩ ngoài mặt trận và gửi tặng Trần Canh bài thơ thứ hai:

Hương tân mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm, tỳ bà  mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Địch nhân hưu phóng nhất nhân hồi.

Dịch:

Rượu ngọt sâm banh lấp lánh ly

Muốn uống, tì bà thúc ngựa phi

Đừng cười say nghỉ nơi trận mạc

Không tha quân địch một tên về.

Từ 10 tháng 9 đến 23 tháng 10 năm 1950, quân Pháp tháo chạy khỏi Thất Khê Cao Bằng, Na Sầm, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu. Ta hoàn toàn phá vỡ hệ thống phòng ngự đường số 4 của địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 35 vạn dân, nhiều vùng quan trọng của biên giới Việt - Trung được củng cố và mở rộng, chiến khu Việt Bắc được nối liền với các tỉnh và với các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Đây là chiến dịch tiến công trên qui mô lớn đầu tiên của quân đội ta, tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức, chỉ huy và trình độ tác chiến của quân đội ta. Trong bữa tiệc mừng thắng lợi, Hồ Chủ tịch tặng tướng Trần Canh hai câu thơ :

Loạn thạch sơn trung cao sỹ ngọa

Mậu mật lâm lí anh hùng lai.

(Tạm dịch: Ẩn sĩ nơi núi đá. Anh hùng chốn rừng xanh. TG).

Qua những bài, câu thơ Bác tặng Trần Canh trên đây, đủ thấy tình cảm của Bác Hồ quí trọng vị tướng Trần Canh đến mức nào! Ngày 11-11-1950, tướng Trần Canh tạm biệt Hồ Chủ tịch và Việt Nam về nước nhận nhiệm vụ mới.

Theo Nguyễn Ngọc Điệp
Thu Hiền (st)/ theo http://khcncaobang.gov.vn

 

Bài viết khác: