truyen1
Ông Nguyễn Ngọc Truyện

21 năm qua, ông Nguyễn Ngọc Truyện (thường gọi là Năm Truyện) ở 42 Bùi Văn Danh, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang không ngừng tìm tòi, ghi chép và kể lại hàng trăm câu chuyện về cuộc sống bình dị, thanh tao của Bác Hồ.

"Hiểu về Bác một mình thì uổng quá"

Ông Năm Truyện sinh năm 1925. Tháng 10 năm 1946, ông tham gia kháng chiến, theo đoàn quân tập kết ra Bắc vào năm 1954. Sau đó, ông được cử đi học Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường với tấm Bằng Cử nhân kinh tế, ông tham gia giảng dạy tại trường Thương nghiệp miền Bắc.

Ông Nguyễn Ngọc Truyện may mắn được gặp Bác hai lần, hình ảnh về Bác đã in đậm trong tâm trí của người một thời là lính Cụ Hồ.

Ông kể về lần đầu gặp Bác: “Lúc đó trường Thương nghiệp mượn nhà lá của Trường Công an (C500) để dạy học. Hôm đó, đang giảng bài cho sinh viên thì hay tin Bác Hồ đến thăm, tôi vội vàng chạy theo đám người đi xem mặt Bác. Nhưng mà thật buồn khi gần ngay trước mắt đó mà không thể hỏi thăm sức khỏe, không được trò chuyện cùng Người”.

Lần thứ hai, ông Năm Truyện được gặp Bác khi Người đến thăm binh chủng bộ binh ở Xuân Mai, Hà Tây. Từ lòng kính yêu đối với Bác, từ sự khâm phục ý chí, cuộc đời hoạt động Cách mạng của Người đã thúc đẩy ông Năm Truyện sưu tầm, lưu giữ những tài liệu quý, để một ngày nào đó được viết về Bác.

Năm 1975, ông Năm Truyện trở về Long Xuyên và làm Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Thương nghiệp Miền Nam.

Bận bịu với công việc của một nhà giáo, mong ước viết sách về Bác đành gác lại. Tuy nhiên, ông vẫn tích cực sưu tầm tư liệu thông qua việc đặt báo, tìm sách.

Năm 1998, chị Nguyễn Thị Tuyết Nga, con gái ông có dịp đi công tác ra Hà Nội, lúc về được ghé thăm quê Bác. Biết ba mình đam mê sưu tập tư liệu về Cụ Hồ, chị đã tìm những cuốn sách hay nhất viết về Người của Nhà xuất bản Nghệ An đem về tặng ba.

Với một lượng tư liệu khổng lồ, phong phú, lên tới vài nghìn đầu báo, đầu sách, ông Năm say sưa đọc, nghiền ngẫm mà không biết chán. Với ông, những câu chuyện về cuộc đời Bác Hồ vô cùng bình thường, giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều điều cao quý về đạo lý làm người. Lúc nghỉ hưu, ông đã có thời gian thực hiện mơ ước là viết cuốn sách, tập hợp những mẩu chuyện về cuộc đời của Bác.

Ông Năm chia sẻ: “Tôi đọc tư liệu về Bác Hồ, tôi hiểu về Bác một mình thôi thì uổng quá! Cho nên tôi “tập viết” thành sách để có thể giáo dục cho mình, đồng thời để giáo dục cho nhiều người khác, nhất là thế hệ thanh niên, làm cho cuộc đời này tốt hơn".

“Ra đi Bác dặn còn non nước...”

83 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, ông Năm Truyện vẫn còn miệt mài với sách bút, với tài liệu và những câu chuyện về Bác Hồ

Từ năm 1988, ông Năm Truyện đã đặt bảy đầu báo ngày, 15 đầu báo xuân và lang thang khắp nơi để tìm những cuốn sách hay về Bác. Nghe tin ở đâu có sách hay và mới là ông tìm đến xem bằng được.

Từ việc thai nghén đó, cộng thêm việc đảm nhiệm vai trò làm công tác tuyên giáo ở Đảng ủy Phú Xuyên và phụ trách tờ tin (phát hành hàng tháng), ông đã nghĩ ra cách giới thiệu về cuộc đời Hồ Chủ tịch qua những mẩu chuyện in trên tờ tin.

Cứ mỗi số, ông lại tìm tòi, chắt lọc và đưa ra một câu chuyện trên đó. Tổng cộng, có 70 truyện đã được đăng tải. Mẩu chuyện đầu tiên là “Nguyễn Tất Thành trên tàu La tu sơ Tờ rê vin”, sau này đổi tên thành “Từ thành phố này Người đã ra đi”.

Thế rồi với quá trình miệt mài làm việc, đến quý II năm 1999, cuốn sách đầu tay của ông Năm Truyện đã được hoàn thành gồm 100 mẩu chuyện.

Cuốn sách mang tên “Tháp Mười đẹp nhất bông sen”, năm 2000, khi Nhà xuất bản Thanh Niên phát hành cuốn sách, đã đổi tên thành “Ra đi Bác dặn còn non nước”. Cuốn sách ra đời nhân kỉ niệm 110 năm Ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh 19/05/1890 – 19/05/2000.

Trên cơ sở cuốn “Ra đi Bác dặn còn non nước”, ông Năm Truyện đã bổ sung thêm 150 mẩu chuyện mới về Bác và bốn tiểu sử của những người thân của Bác thành cuốn “Hồ Chí Minh - Cứu tinh dân tộc Việt”.

Quyển sách này đươc biên soạn trong thời gian hai năm (2000-2002). Đây là cuốn sách mà ông trân trọng nhất bởi nó được bổ sung vào tủ sách danh nhân Hồ Chí Minh nhân kỉ niệm 118 năm Ngày sinh của Người (19/05/1890 -19/05/2008).

Ngoài hai cuốn sách đã được phát hành nói trên, sau khi có cuộc vận động Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Truyện còn viết thêm hai cuốn sách nữa. Đó là cuốn “Cánh sen vàng” viết từ 15/10/2006 đến 19/05/2007 có 120 mẩu chuyện, trong đó có 22 mẩu chuyện phục vụ đợt học tập: Sửa đổi lối làm việc, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cần kiệm liêm chính, muốn gần dân thì đừng xa dân…

Nếu như các cuốn sách đã viết và xuất bản trước đó là sự chắt lọc những mẩu chuyện về cuộc đời Bác thì đến cuốn “Sức mạnh từ tấm lòng kính yêu Bác” lại đi ngược lại - khai thác khía cạnh lòng dân với Bác. Cuốn sách được viết từ 10/06/2007 – 09/11/2007) gồm 79 mẩu chuyện.

Mở đầu là câu chuyện “Ngôi mộ cánh sen” ở Đồng Tháp. Cả cuốn sách là 79 bông hoa tươi đẹp, chứa đựng tấm lòng của cả dân tộc với Bác Hồ kính yêu. Cuốn sách được NXB Thanh Niên phát hành vào Ngày Quốc khánh 02/09.

Có nhà báo viết rằng: “Nếu như cần khai thác, thì các tác phẩm của ông Năm Truyện hoàn toàn đủ chất liệu cho nhà thơ, nhà làm phim, nhà viết sử, nhà nghiên cứu…hoàn thành tác phẩm lớn về Bác”.

Trong căn nhà nhỏ trên đường Bùi Văn Danh, ảnh Bác Hồ được đặt ở vị trí cao nhất trên ban thờ tổ tiên. Ngoài ra, ảnh Hồ Chủ tịch còn được treo khắp nơi trong phòng khách. Hai tủ sách lớn sưu tập tư liệu về Bác Hồ luôn được che phủ cẩn thận để tránh bụi bám vào.

Ông Năm Truyện tâm sự: “Tôi hạnh phúc vì mình đã góp phần vào công giới thiệu cuộc đời bình thường, giản dị của Bác Hồ đến với người dân”.

Tâm Trang (st)

Bài viết khác: