Trải qua 2 cuộc kháng chiến, rồi trưởng thành lên cán bộ cao cấp trong quân đội, nay đã vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, nguyên Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, vẫn không thể quên những giờ phút thiêng liêng ấy. Giờ phút mà cách đây đã hơn 40 năm, thi hài người Anh hùng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến tạm biệt núi rừng Ba Vì hùng vĩ để trở về Thủ đô. Công trình linh thiêng và kỳ vĩ - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữa Ba Đình lộng gió sau 2 năm xây dựng đã chính thức hoàn thành và đón Người trở về trong niềm hân hoan của nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước...
Thiếu tướng Trần Kinh Chi. Ảnh: PHAN HƯƠNG
Đá Chông tiễn biệt Người
Trò chuyện với chúng tôi, trong niềm xúc động dâng trào, Thiếu tướng Trần Kinh Chi kể rằng, trên cương vị là Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội, ông đã chỉ huy thành công nhiều cuộc hành quân di chuyển thi hài Bác từ Hà Nội đi Đá Chông (Sơn Tây) và ngược lại, nhưng lần hành quân di chuyển thi hài Người về Hà Nội lần này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, trong điều kiện đất nước hoàn toàn thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón về yên nghỉ trong Lăng, thỏa lòng ước mong của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.
Cho đến bây giờ ông vẫn nhớ như in, đó là vào một ngày đẹp trời cách đây hơn 40 năm, bầu trời xanh ngắt, núi Ba Vì sừng sững soi bóng xuống dòng sông Đà cuộn chảy. Trong khi đợi giờ để hạ mệnh lệnh hành quân, Thiếu tướng Trần Kinh Chi tha thẩn đi dạo một vòng trong khuôn viên K84. Ông dừng chân đứng ngắm ba ngọn đá trồi lên từ lòng đất, như ba mũi chông. Đây là nơi khi còn sống, mỗi khi lên K84 nghỉ ngơi, làm việc, Bác thường ra ngồi chơi, đọc báo. Nơi đây Bác cũng đã từng tiếp nhiều vị khách quí là người nước ngoài. Đúng giờ “G”, đoàn xe đã sẵn sàng, Thiếu tướng Trần Kinh Chi hạ lệnh hành quân. Hầu như tất cả các cán bộ, chiến sĩ được phân công ở lại K84 đều có mặt để đưa tiễn Bác. Họ đứng chật hai bên đường từ nhà kính ra đến tận cổng lưu luyến vẫy chào. Rời khỏi K84, ông ra lệnh cho đoàn xe giữ tốc độ qui định. Dọc đường, tướng Chi nhìn thấy các cán bộ, chiến sĩ của Cục Bảo vệ và Trung đoàn 144 vẫn có mặt trên các điểm qui định. Cuộc hành quân trở về của Bác được bảo vệ vô cùng cẩn mật. Lần này, tướng Chi được bảo vệ thi hài Bác hành quân qua quê hương mình vào ban ngày, nói đúng hơn khi đoàn xe qua xã Tam Hiệp thì trời đã sẩm tối, nhưng ông vẫn còn nhìn rõ những mái nhà tranh ấm áp. Khác với những lần trước đưa Bác hành quân qua đây, lần này lòng ông thanh thản và nhẹ nhõm hơn. Ông cảm thấy vô cùng tự hào vì đã cùng đồng đội vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất để bảo vệ và giữ gìn lâu dài thi hài Bác cho Đảng, cho nhân dân.
“...Đúng 20 giờ tối hôm ấy, đoàn xe rước thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh về tới Quảng trường Ba Đình đã sáng lòa như cả một trời ánh điện. Trong vùng sáng đó, tòa Lăng càng nổi bật lên y như một đài sen thần đang mở ra để chờ đón vĩ nhân kiệt xuất của dân tộc trở về. Trong không khí hết sức thiêng liêng và xúc động, cánh cửa lớn phía sau Lăng từ từ được mở ra. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ cùng bước nhanh tới chiếc xe Ráp chở linh cữu Bác. Những chiến sĩ mặc đại lễ phục nhanh chóng tiến lại với những động tác rất thuần thục vì được luyện tập từ rất lâu, cùng theo hiệu lệnh rước Bác vào Lăng, trên những bước chân trang trọng và hết sức uy nghiêm...” – Thiếu tướng Trần Kinh Chi, hồi tưởng.
Giây phút quá thiêng liêng, nhìn Bác vẫn với chòm râu thân ái, với vầng chán bao la và cả gương mặt cao quí, bao dung, nằm bình yên như ngủ trên chiếc giường đồng và trong lồng kính trong suốt lướt qua chầm chậm... Nước mắt mọi người lại trào ra. Ai cũng muốn chạy theo, và thốt lên tiếng gọi “ Bác ơi”... Đồng chí Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Lương Bằng, thay mặt Đảng, Nhà nước ta nói lời chào mừng ngày Bác trở về Hà Nội, nói lời biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân và các nhà khoa học Xô Viết đã tận tình giúp đỡ Việt Nam trong những năm qua. Chỉ có tình đồng chí sâu nặng, niềm tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có thể khiến các chuyên gia Liên Xô vượt qua các khó khăn gian khổ để sát cánh cùng chúng ta hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Và rồi, Bác đã vào Lăng và hai cánh cửa Lăng đã từ từ khép lại.
Dòng người vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: TUẤN HUY
Ngày trọng đại
Thiếu tướng Trần Kinh Chi kể lại, đúng như kế hoạch, ngày 29 tháng 8 năm 1975, Chính phủ và Trung ương Đảng đã tổ chức Lễ khánh thành Lăng Bác. Buổi lễ được tổ chức ở Hội trường Ba Đình, nơi long trọng nhất ở bên kia Quảng trường, đối diện với Lăng Bác. Hội trường được trang trí rất phù hợp với Lễ khánh thành Lăng Bác nên vô cùng trang trọng. Có thể nói, chưa bao giờ Hà Nội có một buổi lễ đặc biệt như thế. Mọi người đến dự đều trong một niềm xúc động lạ thường.
Buổi Lễ khánh thành có đủ các nhà lãnh đạo, các quan chức Chính phủ và đại diện ưu tú của đủ các giới, các đoàn thể, các tầng lớp xã hội, tôn giáo và khách quốc tế. Sự đông đảo hiếm có này đã đủ nói lên ý nghĩa, sự trang nghiêm và tầm cỡ của buổi lễ. Tại buổi lễ mọi người được nghe những bài diễn văn súc tích và đầy tình cảm sâu nặng của các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh... và hai bài phát biểu cảm động của các đồng chí trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Liên Xô và đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc...
“Sau buổi lễ trọng thể khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi và Thiếu tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam được giao nhiệm vụ hướng dẫn các đoàn đại biểu sang bên Lăng để chính thức mở đầu buổi viếng Bác đầu tiên. Không khí thật đặc biệt! Đoàn nối đoàn hết sức im lặng, nhưng trong sự im lặng ấy là cả một biển động của sự tiếc thương, yêu kính và tri ân, cùng sự quyết tâm đời đời đi theo mãi con đường cách mạng của Bác. Ai ai cũng muốn được chiêm ngưỡng Bác trước. Nhìn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta từng bước trang nghiêm, kính cẩn tới phòng thi hài Bác. Tôi chợt nhớ đến thời khắc đêm 23-12-1969, đó là đêm di chuyển thi hài Bác đi xa lần đầu tiên từ công trình 75A. Chính các đồng chí đã đứng trước thi hài Bác cúi chào tiễn biệt Người, khi Người phải rời Thủ đô để lên K9...” – Thiếu tướng Trần Kinh Chi không kìm nổi xúc động.
Các đoàn đại biểu cùng nối tiếp nhau từ từ, hết sức nhẹ bước. Hai chiến sĩ mặc đại lễ phục trắng với quân hàm, quân hiệu và huân chương rực rỡ, đứng gác hết sức trang nghiêm bên cửa. Hai chiến sĩ tiêu binh danh dự đầu tiên, đó là đồng chí Nông Văn Thành và Nguyễn văn Ri, một người ở Việt Bắc - Cao Bằng, một người ở Nghệ An, quê Bác. Qua cửa chính, cùng vào tiền sảnh, không ai bảo ai, tất cả cùng đứng lại giữa căn phòng ngước lên ngắm nhìn dòng chữ “ Không có gì quí hơn độc lập, tự do”, cùng chữ ký của Bác. Dòng chữ này được đọc, nghe không biết bao nhiêu lần, nhưng thật lạ, ngày hôm đó tất cả mọi người đều cảm thấy như rất mới và cảm xúc lại trào dâng mạnh mẽ. Rồi các đoàn đại biểu lại nối tiếp nhau theo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ lên tầng trên, kính cẩn nghiêng mình bước vào phòng trong, nơi Bác đang nằm. Trong khung cảnh đặc biệt trang trọng, vừa trông thấy Bác, tất cả mọi người đều như lặng đi trong niềm xúc động vô cùng lớn lao, có người, mắt đã rớm lệ và bật khóc
Trong ngày khánh thành, mọi người được tận mắt mình chiêm ngưỡng Bác rõ hơn, sau 6 năm tạm xa cách vì chiến tranh và xây Lăng. Bây giờ Bác nằm đó, đẹp và tao nhã, hiền từ và vô cùng khoan hòa, y như một người ông, người cha vô cùng yêu quí, là lãnh tụ vĩ đại và đời đời kính yêu của Đảng, dân tộc ta. Trong dòng người vào Lăng viếng Bác, trên khóe mắt còn ngấn lệ. Dường như trong mọi nỗi xúc động, nhớ thương còn có cả lòng tri ân, hy vọng và tin tưởng rực sáng ở tương lai của dân tộc của đất nước mà Bác vẫn mãi mãi dẫn đường với tư tưởng, đường lối và tinh thần, tình cảm để lại. Càng ngắm nhìn càng thấy tòa Lăng đẹp và uy nghi hơn... Lòng mọi người thầm cảm ơn những người đã xây Lăng, những người đã giữ gìn và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và Công trình Lăng của Người để cho các thế hệ hôm nay và mai sau được đến chiêm ngưỡng Người, nguyện đi theo con đường mà Người đã lựa chọn.
Ngô Duy Đông
Theo báo Quân đội nhân dân
Hải Tiếp (st)