Đã 72 năm trôi qua, giá trị Cách mạng Tháng Tám và bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/9/1945 vẫn được khẳng định và chứa đựng những khát vọng của nhân loại tiến bộ: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.
Nhìn lại thế kỷ 20, thế kỷ diễn ra những thử thách khắc nghiệt trong tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam: Cùng với nền đô hộ của thực dân Pháp, trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân Việt Nam đã một cổ hai tròng lại chịu thêm ách đô hộ của chủ nghĩa phát-xít Nhật. Để chống lại nền đô hộ ấy, nhân dân ta đã quyết giành cho được nền độc lập dân tộc bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám và đỉnh cao là bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ ngày 02/9/1945.
Bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố trước toàn dân và thế giới rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và khẳng định thắng lợi của quyền độc lập dân tộc, quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là một sự tiếp nối dòng mạch lịch sử của bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền của Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, nhưng về nội dung, quyền con người và quyền dân tộc tự quyết trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã vươn lên một tầm cao mới, tiêu biểu cho tính chất của thời đại mới.
Mở đầu cho thời đại mới của lịch sử hiện đại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám và sự thành lập của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi về chiến lược và sách lược Cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà các dân tộc ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh đã đánh giá cao cuộc Cách mạng Tháng Tám của nhân dân Việt Nam, những người lính xung kích đầu tiên đã tấn công thắng lợi vào chủ nghĩa đế quốc sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, để cùng đó thành lập nên một nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra một giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh để tự giải phóng của các nước thuộc địa và phụ thuộc. Thắng lợi vẻ vang của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã biến thời kì lịch sử của dân tộc Việt Nam thành huyền thoại, lần đầu tiên trong lịch sử hai chữ Việt Nam được viết trên bản đồ thế giới như quốc danh của một quốc gia độc lập.
Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9 là những dấu mốc lịch sử của dân tộc
Bản Tuyên ngôn Độc lập thời đại Hồ Chí Minh chứa đựng những tư tưởng mới liên quan tới số phận từng con người: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945 tại cuộc mít tinh trước hàng chục vạn người ở Quảng trường Ba Đình - Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước toàn dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Nếu cả ngàn năm dưới triều đại phong kiến, ông cha ta bị cuốn vào tư tưởng Nho giáo thì Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã mở ra chân trời mới, nhìn rộng ra cộng đồng thế giới với tư tưởng tự do và bình đẳng.
Trên cơ sở những lý luận vững chắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”.
Người cũng trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Chúng ta đã từng biết đến Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn và Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi nhưng cả ba bản Tuyên ngôn này chỉ mới dừng lại ở giá trị “Nước phải độc lập”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên của Việt Nam đã thống nhất hai nội dung “Nước phải độc lập” và “Dân phải tự do, hạnh phúc”. Chính vì sự thống nhất hai mục tiêu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đầu tiên của nhân loại đã giương cao hai ngọn cờ “Độc lập dân tộc” và “Chủ nghĩa xã hội” trong thời đại ngày nay.
Bản Tuyên ngôn Độc lập còn cho thấy tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là điểm xuất phát, là nội dung lớn nhất trong sự nghiệp cách mạng của Người. Và, tính độc lập, tính thời đại cũng là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt của bản Tuyên ngôn độc lập của Người. Nó là văn kiện pháp lý chính thống đầu tiên của nước ta để tuyên bố với quốc dân và thế giới nền độc lập dân tộc của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nó đã trở thành một văn kiện pháp lý có tầm quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại tiến bộ thường coi Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 14/02/1960 về trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa và tuyên bố của các tổ chức này ngày 12/12/1970 về việc “Khẩn thiết chấm dứt mau chóng và vô điều kiện chế độ thực dân dưới mọi hình thức” như là một chiến thắng của ngọn cờ Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược và mọi hình thức nô dịch dân tộc trên toàn thế giới.
Và, với đất nước Việt Nam, ngày 02/9 đã trở thành ngày Quốc khánh của đất nước đánh dấu mốc chấm dứt nền lịch sử cận đại, mở ra một tầm cao lịch sử mới, lịch sử hiện đại của dân tộc.
Đỗ Nguyệt Hương
Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo http://baoquocte.vn
Thanh Liễu (st)