- Diễn văn khai mạc Lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc
Các đồng chí,
Hôm nay trường lý luận của Đảng ta khai mạc, thay mặt Trung ương, tôi chúc các đồng chí cố gắng, chúc nhà trường thành công.
Nhân dịp này, tôi nêu mấy ý kiến về học tập lý luận.
Vì sao phải học lý luận?
Trước hết, Đảng ta tổ chức trường học lý luận cho cán bộ là để nâng cao trình độ lý luận của Đảng ta đặng giải quyết sự đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng và tình hình thực tế của Đảng ta, để Đảng ta có thể làm to hơn công tác của mình, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ cách mạng vĩ đại của mình.
Đảng ta là một Đảng Mác - Lê-nin, đã được rèn luyện, thử thách lâu dài trong đấu tranh gian khổ, vì thế Đảng ta có rất nhiều ưu điểm, ví dụ như: Trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, với tinh thần quốc tế vô sản, chiến đấu kiên quyết, nhiệt tình cách mạng dồi dào, có truyền thống đoàn kết nhất trí. Tuy vậy, Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém.
Vì Đảng ta có nhiều ưu điểm, cho nên đã lãnh đạo cách mạng thu được những thắng lợi to lớn và căn bản. Nhưng mặt khác, vì trình độ lý luận thấp kém cho nên đứng trước nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới và phức tạp, trong việc lãnh đạo, Đảng ta không khỏi lúng túng, không tránh khỏi sai lầm, khuyết điểm, ví dụ chúng ta đã phạm những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, hoặc những khuyết điểm trong việc lãnh đạo kinh tế.
Hiện nay, nhiệm vụ cách mạng của Đảng ta là gì? Đứng trong cả nước mà nói, thì ta chưa hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân nhưng đứng về miền Bắc mà nói thì từ khi hoà bình được lập lại, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ta đã bước vào thời kỳ quá độ tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta tiếp tục nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam và đấu tranh thống nhất nước nhà trong những điều kiện thuận lợi: Chủ nghĩa xã hội đã thành hệ thống thế giới hùng mạnh; phong trào hoà bình dân chủ và dân tộc giải phóng lên cao; miền Bắc đã được giải phóng, đang được xây dựng và ngày càng củng cố, nhân dân ta ở miền Nam đã được rèn luyện thử thách qua cuộc kháng chiến trường kỳ và ba năm đấu tranh hoà bình. Tuy vậy, những nhiệm vụ đó cũng có nhiều mặt rất khó khăn và phức tạp, ví dụ như: Tình hình thế giới và trong nước đã biến đổi đòi hỏi chúng ta phải có những đường lối, phương châm, phương pháp đấu tranh cho thích hợp, kẻ thù của chúng ta rất xảo quyệt… Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì phải tổ chức học tập lý luận trong toàn Đảng, trước hết là trong cán bộ cốt cán của Đảng.
Ở miền Bắc, chúng ta đang ở trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xoá bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế, chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp. Chúng ta phải dần dần tập thể hoá nông nghiệp. Chúng ta phải tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư nhân, đối với thủ công. Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hoá cao và đời sống tươi vui hạnh phúc. Chúng ta lại phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong những điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở của một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu, và trong hoàn cảnh nước ta đang bị chia cắt làm hai miền.
Trong những điều kiện như thế, chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay. Muốn giải quyết tốt những vấn đề đó, muốn đỡ bớt mò mẫm, muốn đỡ phạm sai lầm, thì chúng ta phải học tập kinh nghiệm các nước anh em và áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo. Chúng ta phải nâng cao sự tu dưỡng về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, để dùng lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà tổng kết những kinh nghiệm của Đảng ta, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của nước ta. Có như thế, chúng ta mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta. Như thế là phải học tập lý luận, phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, trước hết là của cán bộ cốt cán của Đảng.
Mặt khác, trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, Đảng cần phải mạnh hơn bao giờ hết. Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao, đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể. Nó đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải khắc phục các bệnh quan liêu và cô độc hẹp hòi để liên hệ chặt chẽ với quần chúng do đó mà phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng triệu quần chúng, nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người. Muốn thế phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, phải tổ chức học tập lý luận trong Đảng, trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng.
Xem thế, chúng ta thấy học tập lý luận là một sự bức thiết đối với Đảng ta như thế nào.
Lý luận quan trọng đối với Đảng như thế nào? Lê-nin người thầy vĩ đại của chúng ta đã tóm tắt sự quan trọng của lý luận trong mấy câu như sau: ''Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng'' và ''Chỉ có một đảng có lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có thể làm tròn được vai trò chiến sỹ tiền phong''...
Xem kinh nghiệm của các Đảng anh em, thì chúng ta càng thấy sự bức thiết, sự quan trọng của việc tổ chức học tập lý luận cho Đảng, trước hết là cho các cán bộ cốt cán của Đảng.
**
*
Còn tinh thần học tập lý luận trong cán bộ chúng ta như thế nào?
Có thể nói từ trước đến nay, Đảng ta chưa bao giờ đứng trước nhiều vấn đề phức tạp, to lớn và khó khăn như bây giờ. Trong tình hình đó, nói chung cán bộ ta đều cảm thấy nhược điểm của mình là thiếu lý luận, cho nên đều cảm thấy sự cần thiết phải học tập lý luận và yêu cầu Đảng phải tổ chức học tập lý luận cho cán bộ. Đó là một hiện tượng rất tốt. Chúng ta phải phát huy tinh thần cầu học, cầu tiến bộ đó để đẩy mạnh phong trào học tập lý luận trong Đảng ta. Nhưng không phải cán bộ ta ai cũng hiểu như vậy. Ví dụ, trong Đảng ta hiện nay còn có nhiều người chỉ biết vùi đầu suốt ngày vào công tác sự vụ, không nhận thấy sự quan trọng của lý luận, cho nên còn có hiện tượng xem thường học tập hoặc là không kiên quyết tìm biện pháp để điều hoà công tác là học tập. Hoặc là sau một thời kỳ học tập tại chức có cán bộ phàn nàn trước những khó khăn của việc đọc tài liệu, khó khăn đào sâu suy nghĩ, nhất là đối với những người trình độ văn hoá còn kém, ít quen đọc sách và suy nghĩ. Hoặc vì chúng ta đã áp dụng một số kinh nghiệm một cách thiếu sáng tạo, không có kết quả, cho nên thiếu tin tưởng đối với sự cần thiết phải học tập lý luận, học tập kinh nghiệm của các nước anh em, v.v.. Đó là những hiện tượng của chủ nghĩa kinh nghiệm cần phải khắc phục. Đó cũng là một số hiện tượng có tính chất chủ nghĩa xét lại, cần phải đề phòng, để đẩy mạnh phong trào học tập lý luận hiện nay.
**
*
Trên đây là nói sự quan trọng của việc học tập lý luận. Bây giờ nói đến vấn đề lý luận liên hệ với thực tế. Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận, chúng ta cần nhấn mạnh: Lý luận phải liên hệ với thực tế.
Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Vì vậy cho nên trong khi nhấn mạnh sự quan trọng của lý luận, đã nhiều lần đồng chí Lê-nin nhắc đi nhắc lại rằng lý luận cách mạng không phải là giáo điều, nó là kim chỉ nam cho hành động cách mạng và lý luận không phải là một cái gì cứng nhắc, nó đầy tính chất sáng tạo; lý luận luôn luôn cần được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Những người cộng sản các nước phải cụ thể hoá chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi.
Trường Đảng là một trường học để đào tạo những chiến sỹ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản. Các đồng chí đều là những cán bộ cốt cán của Đảng. Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta. Như thế chúng ta học tập lý luận là cốt để áp dụng đào thực tế. Vậy thế nào là lý luận liên hệ với thực tế?
- Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch.
- Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc. Nhưng chúng ta phải học chủ nghĩa Mác -Lê-nin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta.
Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta.
Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử. Lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sự tổng kết kinh nghiệm của phong trào công nhân từ trước đến nay của tất cả các nước. Nó là: “Khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản'' (Xtalin).
Thực tế là các vấn đề mình phải giải quyết, làm mâu thuẫn của sự vật. Chúng ta là những người cán bộ cách mạng, thực tế của chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta phải giải quyết. Thực tế bao gồm rất rộng. Nó bao gồm kinh nghiệm công tác và tư tưởng của cá nhân, chính sách và đường lối của Đảng, kinh nghiệm lịch sử của Đảng cho đến các vấn đề trong nước và trên thế giới. Trong khi học tập, đó là những thực tế mà chúng ta cần liên hệ. Tuy vậy, ở như trường trước hết chúng ta cần liên hệ với tư tưởng và công tác của mình, nghĩa là dùng lý luận đã học được để phân tích những thắng lợi và thất bại trong công tác, những mặt đúng mặt sai trong tư tưởng, phân tích một cách toàn diện và tìm nguồn gốc đúng sai về lập trường, quan điểm về phương pháp của mình. Làm như thế là tổng kết để làm cho nhận thức của chúng ta đối với các vấn đề đó được nâng cao hơn và công tác có kết quả hơn. Chúng ta làm cách mạng nhằm mục đích cải tạo thế giới cải tạo xã hội. Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân chúng ta. Do đó, cho nên trước hết là phải liên hệ lý luận với thực tế công tác và tư tưởng của mình, để tự cải tạo mình, nâng cao sự tu dưỡng của mình về lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Khi học tập, chúng ta cũng cần liên hệ với những vấn đề thực tế trong nước và trên thế giới, những vấn đề và nhiệm vụ cách mạng hiện nay đề ra cho Đảng ta, đem lý luận học đường tìm xem đường lối và phương pháp giải quyết các vấn đề đó như thế nào cho đúng, hoặc phân tích các kinh nghiệm công tác đã qua của Đảng và tìm nguyên nhân của những thành công và thất bại của Đảng. Như thế sẽ giúp cho việc củng cố lập trường, nâng cao quan điểm và phương pháp của mình.
Tuy vậy cũng cần tránh sự lệch lạc đòi hỏi trong lúc học tập phải giải quyết tất cả mọi vấn đề thực tế. Thực tế của cách mạng rất rộng, giải quyết các vấn đề thực tế ấy là cả một quá trình lâu dài của toàn Đảng. Ở nhà trường chỉ có thể đặt cơ sở cho việc liên hệ với thực tế mà thôi…
Đảng ta nhờ kết hợp được chủ nghĩa Mác - Lê-nin với tình hình thực tế của nước ta, cho nên đã thu được nhiều thắng lợi trong công tác. Tuy vậy, việc kết hợp chân lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và thực tiễn của cách mạng Việt Nam chưa được hoàn toàn. Có nhiều sai lầm, là do sự thiếu kết hợp đó. Ví dụ, những sai lầm trong cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, xây dựng kinh tế. Hiện nay, đứng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta đã có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm ấy một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta.
Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Nhưng nếu quá nhấn mạnh đặc điểm dân tộc để phủ nhận giá trị phổ biến của những kinh nghiệm lớn, cơ bản của các nước anh em, thì sẽ mắc sai lầm nghiêm trọng của chủ nghĩa xét lại. Vì vậy, song song với việc nhấn mạnh sự quan trọng của học tập lý luận, chúng ta phải luôn luôn nhấn mạnh nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tế. Chúng ta phải khắc phục bệnh giáo điều, đồng thời phải đề phòng chủ nghĩa xét lại. Tóm lại các đồng chí cần nhận thức sự quan trọng của học tập lý luận để hăng hái học tập, đồng thời trong khi học tập, phải đem những điều học được để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tế trong công tác, trong tư tưởng của bản thân mình và của Đảng, có như thế thì việc học tập của các đồng chí mới thu được kết quả tốt.
Muốn thực hiện nguyên tắc lý luận liên hệ thực tế, muốn cho việc học tập đạt được mục đích đề cao lý luận, cải tạo tư tưởng, tăng cường đảng tính, thì cần phải có thái độ học tập cho đúng.
- Phải khiêm tốn, thật thà. Trong Đảng ta trình độ lý luận còn thấp kém, không ai có thể tự xưng mình là giỏi lý luận. Do đó, phải nêu cao tinh thần khiêm tốn thật thà. Đào sâu suy nghĩ khi nghiên cứu các tác phẩm của Mác - Lê-nin, các bài giảng của các đồng chí giáo sư bạn, cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số 1 của học tập.
- Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập.
- Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề đạt và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi vì sao? đều phải suy nghĩ kỹ càng xem nó có hợp với thực tế không, có thật là đúng lý không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn.
- Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hoà.
- Phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình và khi phê bình, tự phê bình thì phải xuất phát từ ý muốn đoàn kết, để đạt đến đoàn kết mới trên cơ sở mới.
Các đồng chí phải dần dần xây dựng thái độ học tập đó thành một tác phong thường xuyên trong quá trình học tập. Có như thế thì mới đúng nguyên tắc lý luận liên hệ với thực tế, làm cho việc học tập của chúng ta đạt được mục đích đào tạo những cán bộ biết vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể.
Tôi phát biểu mấy ý kiến đó để giúp các đồng chí nghiên cứu. Một lần nữa, chúc nhà trường thành công.
- Bài nói chuyện nhân dịp về thăm khu mỏ (trích)
…
Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính.
…
- Nói chuyện với anh chị em học viên, cán bộ, công nhân viên Trường Đại học nhân dân Việt Nam (khóa III) (trích)
…
Lịch sử của xã hội do người lao động tạo ra. Sự phát triển của lịch sử là quy luật không ai ngăn trở được.
Chế độ cộng sản nguyên thuỷ biến đổi thành chế độ nô lệ. Chế độ nô lệ biến đổi thành chế độ phong kiến. Chế độ phong kiến biến đổi thành chế độ tư bản chủ nghĩa. Chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ xã hội chủ nghĩa.
Một chế độ này biến đổi thành một chế độ khác là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển. Kết quả là cái mới, cái đang tiến bộ nhất định thắng.
…
Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng.
Muốn xã hội giầu thì mỗi cá nhân, mỗi gia đình cho đến cả nước phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, kết quả sẽ là những thứ gì cũng đầy đủ dư dật. Lúc đó là lúc ai cũng đưa hết tài năng của mình cống hiến cho xã hội, đồng thời ai cần dùng bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu. Chữ Trung Quốc nói: “Các tận sở năng, các thủ sở nhu”.Thế là chế độ cộng sản.
…
Các đồng chí có muốn cải tạo xã hội không? Muốn cải tạo xã hội thì phải cải tạo mình. Có một số đồng chí thấy nói chữ cải tạo thì xấu hổ. Cải tạo xã hội thì đúng nhưng cải tạo mình thì không đồng ý.
Để cải tạo xã hội, một mặt phải cải tạo vật chất như tăng gia sản xuất, một mặt phải cải tạo tư tưởng. Nếu không có tư tưởng xã hội chủ nghĩa thì không làm việc xã hội chủ nghĩa được.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là gì? Tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói tóm tắt là phải đặt lợi ích chung của cả nước lên trên hết, lên trên lợi ích của cá nhân mình. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng cá nhân chủ nghĩa chống đối nhau, nếu cứ lo cho mình không lo cho làng, cho nước thì không thể có tư tưởng xã hội chủ nghĩa được.
Mỗi người phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa đúng đắn, thì mới có thể góp phần xứng đáng vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Mọi người chúng ta phải yêu quý lao động và người lao động, nhất là lao động chân tay.
Chúng ta, nhất là những trí thức, chúng ta sinh trưởng khá lâu dưới chế độ thực dân và phong kiến, chịu ảnh hưởng chế độ ấy khá sâu, vô tình nhiễm vào những cái xấu cũng khá nhiều, trong bản thân chúng ta tư tưởng cũ còn nhiều. Cách mạng thành công đã 13 năm, nhưng lại kháng chiến 8, 9 năm, nên việc giáo dục xã hội chủ nghĩa còn ít, tư tưởng cũ chưa đi hết, tư tưởng mới chưa vào nhiều.
Bây giờ các đồng chí có cơ hội để nghiên cứu học tập, cải tạo những cái gì không đúng, học tập những tư tưởng tốt. Ghét, bụi còn chải giũa được, nhưng tư tưởng phải đấu tranh gay gắt, không phải dễ dàng. Đấu tranh để tiến bộ, nếu không đấu tranh thì thoái bộ, nên chúng ta phải cố gắng học tập cải tạo, quyết tâm cải tạo. Đảng và Chính phủ thì cố gắng giáo dục chúng ta, giúp chúng ta cải tạo.
Mục đích cải tạo là làm cho những người trí thức chúng ta trở thành những người trí thức của giai cấp công nhân, hết lòng hết sức phục vụ công nông, góp phần xứng đáng và vẻ vang vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ý nghĩa hai chữ cải tạo là như thế nào?
Chúng ta quyết tâm, thì tiến lên chủ nghĩa xã hội nhất định thành công.
- Thư gửi anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ
Thân ái gửi: Các anh em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ!
Nhân ngày 27 tháng 7, thay mặt Đảng và Chính phủ, tôi thân ái gửi lời thăm các gia đình liệt sỹ, các anh em thương binh, bệnh binh.
Nhân dịp này, Bác có mấy lời nhắc nhủ anh em như sau:
Từ ngày hoà bình lập lại, anh em đã cố gắng nhiều và có nhiều thành tích trong học tập và tăng gia sản xuất. Đã có người được bầu là Chiến sỹ thi đua và lao động xuất sắc, cán bộ gương mẫu...
Các đồng chí ấy trước đã ra sức giết giặc trong thời kỳ kháng chiến, nay lại ra sức sản xuất trong thời kỳ hoà bình. Như thế là rất tốt. Các anh em thương binh cần noi gương những đồng chí đó.
Nhưng cũng có một số ít vẫn còn tư tưởng và hành động không đúng, không gương mẫu, chưa thật đoàn kết với đồng bào địa phương. Bác mong những anh em đó cố gắng sửa chữa để tiến bộ.
Bác mong những anh em thương tật nặng thì yên tâm an dưỡng. Các anh em khác thì tuỳ khả năng của mình, hăng hái tham gia sản xuất trong các tổ đổi công và hợp tác xã.
Tôi thân ái gửi lời hỏi thăm và chúc các gia đình liệt sỹ đạt được nhiều thành tích trong công việc tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để góp phần vào công cuộc xây dựng Tổ quốc.
Tôi mong đồng bào các nơi sẵn sàng giúp đỡ anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ trong việc sản xuất làm ăn.
Cuối cùng tôi cũng nhắc các cơ quan, đoàn thể phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ.
Chào thân ái.
Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa