Chỉ mục bài viết

 

Lúc bấy giờ “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” có chi bộ khắp nước. Nhiều tổ chức chính trị khác cũng thành lập. Ở Bắc “Việt Nam Quốc dân đảng” dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, ở Trung “Tân Việt” dưới sự lãnh đạo của một nhóm thanh niên trí thức dựa theo chủ nghĩa Tam dân của bác sĩ Tôn Dật Tiên.

“Tân Việt” là một nhóm chính trị tự do cấp tiến. Họ nhận ra chủ nghĩa cộng sản thì quá cao và chủ nghĩa “Tam dân” của Quốc dân đảng thì quá thấp. Họ chỉ muốn đấu tranh giải phóng Việt Nam, theo chủ nghĩa gì sau sẽ hay.

Nhóm này gồm những phần tử trí thức. Họ rất hăng hái, nhưng thiếu kinh nghiệm chính trị. Họ hoạt động từ Nghệ An đến Thừa Thiên.

“Việt Nam Quốc dân đảng” gồm những tiểu chủ, giáo học, công chức, đội, quản, phú nông v.v. Nó không có một chính cương chính trị xã hội rõ ràng. Nó muốn một nước cộng hoà, nhưng thứ nước cộng hoà nào? Với phương pháp gì người ta sẽ xây dựng lại kinh tế quốc gia? Làm thế nào để nâng cao mức sống của những tầng lớp lao động, thợ thuyền, nông dân và trí thức.

Về những điều này, Việt Nam Quốc dân đảng chưa có chương trình rõ rệt. Bác sĩ Tôn Dật Tiên nói: “Công việc giải phóng nhân dân phải dựa vào đa số nhân dân nghĩa là dân cày, và thợ thuyền”, nhưng “Việt Nam quốc dân đảng” hình như không biết đến lực lượng nhân dân. Sự tuyên truyền và tổ chức của Đảng chỉ hạn chế trong những tầng lớp trung gian.

Hoạt động của “Việt Nam quốc dân đảng” chỉ chú trọng tổ chức binh sĩ Việt Nam trong đội quân thuộc địa Pháp, để chuẩn bị bạo động. Việc gia nhập đảng quá dễ dàng thành thử bọn phản động dễ chui vào đảng.

Mặc dầu những sự khác nhau này, cả ba đảng nói trên đều có một điểm chung: đấu tranh chống chế độ thuộc địa Pháp để giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Trong khi phong trào bí mật lan rộng, bọn thuộc địa Pháp càng ra sức đàn áp. Đồng thời chúng thẳng tay bóc lột, ruộng đất của nông dân bị bọn thuộc địa Pháp cướp làm đồn điền.

Hàng vạn người Việt Nam bị bắt ép làm công trong những đồn điền đó. Đời sống của họ cực khổ như nô lệ thuở xưa. Bọn chủ đồn điền làm chúa trong đồn điền của chúng. Chúng có quyền bắt nông dân nhịn đói, bỏ tù và giết chết. Những người không chịu được chế độ này, bỏ trốn, thì bị bọn chủ bắn chết. Có những tên chủ đồn điền nuôi hổ trong rừng chung quanh đồn điền để ngăn nông dân trốn.

Nhiều nông dân khác bị đưa đi Tân Đảo hoặc những thuộc địa khác của Pháp. Người đi thì nhiều, nhưng người trở về thì ít.

Tại những mỏ mới khai thác, những xưởng mới xây dựng, số phận của công nhân cũng không khác gì số phận của nông dân trong đồn điền. Thuế má và đóng góp tăng thêm.

Chính sách đầu độc bằng thuốc phiện và rượu cồn thêm phát triển.

Nhân dân không có chút quyền tự do nào cả, ngoài “quyền” nộp thuế, đau khổ và chết chóc. Để lừa bịp dư luận Pháp và thế giới, bọn thuộc địa tổ chức những viện dân biểu cho một số ít là địa chủ phong kiến và tư sản mại bản hợp tác với đế quốc. Trước hết, đại biểu không do nhân dân bầu ra mà chỉ một nhóm thân hào bầu ra. Sau nữa những đại biểu này chỉ có quyền thông qua chứ không có quyền bàn cãi gì cả. Cuối cùng thì chính phủ thực dân có quyền bỏ tù những nghị viên nào không nghe lời chúng.

Trò hề dân biểu này không lừa bịp được nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, thực dân Pháp say sưa vì những món lời khổng lồ mà chúng vơ vét được. Thấy người Việt Nam bề ngoài im lặng thì chúng tưởng họ đã hoàn toàn đầu hàng, họ thiếu lòng yêu nước. Nhưng thực ra chúng nó ngồi trên ngọn núi lửa cách mạng mà không hay.

Một tiếng nổ khác, không vang dội bằng tiếng bom nổ vụ toàn quyền Méc-lanh ở Sa Điện, nhưng cũng đã làm cho thực dân Pháp hoang mang.

Một sinh viên Việt Nam vừa bắn tên Pháp Ba-danh (Bazin), một tên buôn người. Chính vì nó đã mộ phu cho các đồn điền Pháp ở Nam bộ và ở Châu Úc. Ông Nguyễn không tán thánh những hành động khủng bố cá nhân. Ông nhận thấy rằng chính sách khủng bố là chính sách của những người thất vọng, của những người nản chí. Trái lại, trong khi làm việc để giải phóng tổ quốc, để thay đổi một chế độ, người ta phải có can đảm, luôn luôn có can đảm, và hy vọng, luôn luôn hy vọng. Ông không tán thành những hành động nản chí và thất vọng. Theo ý kiến ông, chỉ có lực lượng của toàn dân mới có thể giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của bọn thống trị bạo ngược. Chứ cá nhân hành động thì dù cho những cá nhân ấy anh dũng thế nào cũng không đi đến kết quả.

Nhưng ông không trách Phạm Hồng Thái, cũng không trách người sinh viên trẻ tuổi trên. Người thanh niên căm phẫn khi thấy đồng bào bị giày xéo, thấy Tổ quốc bị chà đạp, đấy là một chuyện rất tự nhiên. Nếu thấy vậy mà không căm phẫn mới là có tội. Căm phẫn nhưng không tìm thấy một con đường đi đúng, chỉ biết nghe theo tình cảm mà làm, như người không biết bơi nhảy xuống biển để hòng vớt kẻ chết đuối là việc ngây thơ.

Sau vụ Ba-danh, bọn thực dân Pháp cũng không khôn ngoan hơn. Mắc bệnh, chúng càng làm cho bệnh trầm trọng, càng khủng bố dân.

Bắt bớ hàng loạt, án tử hình, giam cầm, tra tấn, v.v. rõ ràng chế độ thực dân Pháp chỉ biết có một chính sách: Giết để trị.

Nhưng bạo lực lại đẻ ra bạo lực.

Ngoài một nhóm đồng chí của ông Nguyễn, những người khác chỉ nghe tiếng mà không biết ông Nguyễn là ai, ở đâu. Nhiều khi ông dự những buổi họp, những buổi thảo luận của các đồng chí trong Đảng, mà không ai nhận ra.

Ông biết rõ tình hình trong nước. Hai việc quan trọng làm cho ông từ giã nhà chùa và nước Xiêm. Việc thứ nhất là cuộc bạo động của Quốc dân đảng đang chuẩn bị.

Nhận xét cuộc bạo động ấy quá sớm và khó thành công, ông muốn bàn lại kế hoạch với anh em Quốc dân đảng.

Nhưng đường đi từ Xiêm đến Trung Quốc xa xôi. Trong khi ông đang trèo non vượt biển thì cuộc bạo động xảy ra như sau:

Vụ Ba-danh đã khiến cho thực dân Pháp điên cuồng, và chúng ra tay khủng bố những người yêu nước. Việt Nam quốc dân đảng bị khủng bố hơn cả, vì như trên đã nói sự chọn lọc đảng viên quá dễ dàng để bọn mật thám chui vào trong đảng. Chúng biết gần hết các đảng viên và các tổ chức của đảng. Thấy nhiều cán bộ và đảng viên bị bắt, nhiều chi bộ của đảng bị phá vỡ, những lãnh tụ như Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu cho rằng: “Ta hành động hay không hành động, rút cục đảng cũng sẽ bị khủng bố và bị tiêu diệt. Cho nên ta cứ bạo động, rồi ra sao thì ra”.

Kế hoạch bị khám phá đại khái như sau:

A/ Bạo động nổ ra khắp nơi. Rồi đưa tất cả lực lượng chiếm một thành phố lớn.

B/ Binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp là lực lượng chính. Du kích là lực lượng phụ.

C/ Những vũ khí thô sơ như gươm, giáo, dao, quắm, v.v. du kích tự sắm lấy. Súng ống sẽ do binh sĩ khởi nghĩa chuyển cho.

D/ Ông Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy tỉnh uỷ Sơn Tây, Phú Thọ và Yên Bái. Yên Bái được chọn làm đại bản doanh của bạo động.

Ông Nguyễn Thái Học chỉ huy ba tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Kiến An. Kế hoạch rất chủ quan, người ta trông mong vào lực lượng vũ khí còn ở trong tay kẻ thù.

Những người liên lạc bị Pháp bắt mất. Hai lãnh tụ không liên lạc được với nhau.

Ngày 11 tháng 2 năm 1930, vào khoảng 10 giờ tối, bắt đầu đánh các đồn Pháp ở Yên Bái binh sĩ Việt Nam cơ thứ 5 và cơ thứ 6 chạy theo nghĩa quân. Chiếm được dây thép và nhà ga. Nghĩa quân phát truyền đơn và hô hào quần chúng. Nhưng binh sĩ Việt Nam cơ thứ 7 không hưởng ứng. Sáng hôm sau, Pháp phản công. Bạo động cũng thất bại. Trong vòng một tuần, phong trào bạo động bị dập tắt. Ông Nguyễn Thái Học và những lãnh tụ khác bị bắt và xử tử.

Việt Nam Quốc dân đảng thất bại nhưng anh dũng. Thực dân Pháp ăn mừng thắng lợi. Chúng tuyên bố: Thế là cách mạng Việt Nam hết! Thực dân Pháp không còn lo sợ nữa. Nhưng người Việt Nam trả lời thầm: Đợi đấy chúng bay sẽ thấy!

Việc thứ hai: Vừa mới đây, “Tân Việt” và “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí” đã gặp nhau để chuẩn bị thống nhất lại.

Nhưng “Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí” lại chia làm hai nhóm. Mỗi nhóm tổ chức thành một đảng Cộng sản. Như thế, lúc bấy giời ở Việt Nam có ba đảng Cộng sản.

Mặc dầu sự khủng bố của Pháp, “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” phát triển rất chóng. Nhưng sự chia rẽ đã làm cho những người yêu nước lo lắng. Vì chia rẽ thì suy yếu.

Về đến Trung Quốc, ông Nguyễn triệu tập lãnh tụ của các nhóm và nói họ đại ý như sau:

“Vô sản các nước còn phải liên hiệp lại, huống chi vô sản trong một nước. Vì vậy nước Việt Nam không thể có ba đảng Cộng sản.

Chúng ta phải đoàn kết giai cấp, đoàn kết toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Để đạt mục đích ấy, phải thống nhất tổ chức. Tổ chức có thể gọi là “Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí” như trước hoặc “Đảng Cộng sản” như ngày nay, nhưng chính cương nó phải là:

Dân tộc độc lập

Nhân dân tự do

Dân chúng hạnh phúc.

Tiến tới chủ nghĩa xã hội”.

Tiếp đó có một cuộc thảo luận, kết quả đi đến thống nhất các nhóm.

Một cương lĩnh hành động được thảo ra. Đại biểu các nhóm trở về nước hoạt động.

Thực dân Pháp tiếp tục chính sách khủng bố nhưng nhờ có cương lĩnh mới dìu dắt cho nên những người cách mạng làm việc rất hăng hái. Kết quả không phải chờ đợi lâu. Đến tháng 4 năm 1930 thợ thuyền nhà máy Sợi Nam Định bãi công. Đòi tăng lương và bỏ chế độ dã man đánh đập thợ. Bọn chủ Pháp trả lời bằng cách bắt bớ những lãnh tụ của cuộc bãi công thợ thuyền bãi công tổ chức tuần hành thị uy trong đường phố.

Phong trào bãi công và tuần hành thị uy lan khắp các thành phố từ Nam đến Bắc. Thực dân Pháp đàn áp rất dã man. Ở Nghệ An, bọn pháp dùng máy bay ném bom những đám người tuần hành thị uy, giết và làm bị thương hàng ngàn người một lúc.

Nhân dân yêu cầu:

Giảm thuế;

Tự do dân chủ;

Thả tù chính trị;

Ngừng khủng bố;

Thực dân Pháp trả lời bằng những vụ ném bom, bắt bớ và giết chóc hàng loạt.

Phong trào kéo dài từ tháng 4 năm 1930 đến tháng 5 năm 1931. Tạm thời, chế độ thực dân thắng lợi. Nó đã mang thắng lợi sau khi bắt giết hàng ngàn người Việt Nam và bỏ tù hàng vạn người Việt Nam.

Nó thắng lợi nhưng cũng bắt đầu run sợ. Nó thấy rằng từ năm 1862, thời kỳ chinh phục, cho đến năm 1931, thời kì bãi công, nền thống trị của chúng chưa bao giờ được ổn định. Những cuộc bạo động liên tiếp nổ ra càng ngày càng kịch liệt. Chính sách khủng bố không có hiệu quả, người Việt Nam kiên quyết đấu tranh để giành lại độc lập tự do.

Trong thời kỳ đầu, phong trào lan rộng và ăn sâu, người cách mạng Việt Nam đã tìm thấy những phương pháp đấu tranh mới. Họ đã biết cách phối hợp tuyên truyền, bãi công và tuần hành thị uy. Trong nhiều vùng, tất cả nhân dân tham gia đấu tranh.

Trong những tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhân dân Việt Nam đã lật đổ chế độ cai trị của Pháp và phong kiến và lập chính quyền Xô Viết. Họ tuyên bố độc lập và thi hành tự do dân chủ. Những uỷ ban xã, uỷ ban huyện được dựng nên. Bãi bỏ thuế thân và thuế chợ, cấm thuốc phiện và rượu, thực hiện cưỡng bách giáo dục. Nói tóm lại, nhân dân đã xây dựng một chế độ mới, dân chủ, và thủ tiêu chế độ thực dân phong kiến.

Phong trào này kéo dài mấy tháng. Nhưng với tay không, nhân dân không thể chống cự lại các cuộc tấn công của quân đội dã man của Pháp. Hhúng cướp phá hết, bắn giết hết, thiêu huỷ hết.

Thực dân Pháp mừng rỡ không những vì chúng đã dìm phong trào Việt Nam trong bể máu, mà vì chúng còn được tin ông Nguyễn đã bị bắt…

Từ mười hai năm nay thực dân Pháp theo dõi ông Nguyễn. Từ tám năm nay, chúng lùng ông. Những năm 1925-1927, chúng biết ông ở Quảng Châu, nhưng chúng không làm gì được. Vì ông được Chính phủ cách mạng Trung Quốc và nhân dân Quảng Châu che chở. Trước và sau thời kỳ này, bọn gián điệp của Pháp không dò ra tung tích của ông.

Cùng bọn Anh, bọn Hà Lan và bọn Nhật, bọn Pháp tổ chức "mật thám quốc tế". Mục đích của tổ chức này là dò xét những nhà cách mạng Triều Trên, Nam Dương (9) , Ấn Độ và Việt Nam.

Bọn đế quốc bịa đặt rằng những người cách mạng đó là tay sai của Đệ tam Quốc tế của Liên Xô và nhiệm vụ của họ là phá hoại nền thống trị các nước.

Đế quốc Anh cho rằng ông Nguyễn là tay sai của Liên Xô. Vì vậy những nhà cầm quyền Anh cũng cho ông là kẻ thù số một và cố bài cho được ông.

Thực dân ở Đông Dương vui mừng thắng lợi và ca tụng thực dân Anh. Chính phủ Pháp hứa một sẽ tiền rất lớn nếu Anh chịu trục xuất ông để Pháp đón bắt. ông đã bị giam ở nhà tù Hương Cảng. Nhưng bọn mật thám còn rình nơi ông ở trước hòng bắt những đồng chí khác. Nhà ông ở bị lục soát từ nóc đến nền. Chúng đào tường, lật nền nhà, phá bục gỗ để tìm khí giới và bom đạn. áo quần, xà phòng, giấy tờ của ông đều được thử với chất hoá học, để xem có kế hoạch tấn công trên những vật ấy không. Chúng dỡ mái nhà để tìm máy ghi vô tuyến điện. Cố nhiên chúng mất công toi.

Chúng cấm báo chí Trung Quốc đăng những tin này. Chúng giam ông Nguyễn trong một xà lim riêng có những cảnh sát đặc biệt gác.

Mỗi ngày hai lần, chúng cho ông ăn cơm gạo vay và mắm thối. Mỗi tuần hai lần, chúng cho ông ăn thịt bò cơm trắng. Thật là một bữa 1 tiệc sang!

Mỗi ngày, chúng cho ông ra ngoài sân đi bách bộ mười lăm phút với những người tù khác, một cái sân nhỏ hình chữ nhật có tường cao bao thọc. Đấy là buổi đi dạo. Người ta có cảm tưởng đi dạo trong một cái giếng sâu. Nhưng dù sao cũng dễ chịu hơn ở trong xà lim, vì trong mười lăm phút người ta được nghe tiếng người, thấy mặt người và thấy một mảnh mời. Sau mười lăm phút đi dạo, ông suốt ngày bị nhốt trong tối. Ăn, ngủ, rửa, ỉa, tất cả đều ở trong xà lim. Tường này có khoét một lỗ nhỏ. Thỉnh thoáng người gác Ấn Độ nhìn vào lỗ, để xem thử người tù còn đấy không hoặc đã vượt ngục, hay là tự tử. Ông Nguyễn dùng thì giờ để suy nghĩ đi nhớ lại công việc cũ hoặc tự phê bình.. , làm như vậy chán rồi, ông đếm đi đếm lại sàn bao nhiêu gạch, mái bao nhiêu ngói. Trong xà lim mái là chỗ sáng nhất vì có một cái cửa sổ như hình mặt trăng khuyết và có những thanh sắt to tướng chắn ngang cửa sổ này ở trên cao gần mái nhà. Một ánh sáng hắt vào cửa sổ mờ và nhạt như con mắt người hấp hối. Săn rệp là môn thể thao duy nhất. Rệp rất nhiều. Hôm đầu nó cắn, nhưng về sau ông quen đi và không chú ý đến rệp nữa. Săn rệp là cốt chỉ qua thì giờ, chứ không phải cốt giết rệp.

Những buổi bị đưa đi hỏi khẩu cung là những lúc nghỉ ngơi khoái nhất trong khi ở tù.

Một là được ra khỏi xà lim một lúc, cái xà lim nghẹt thở tối om và hôi hám.

Hai là vì bọn trùm mật thám thường hỏi cung ông, mời ông hút thuốc lá.Anh.

Hút thuốc lá là tật xấu duy nhất của ông. Và trong nhà tù lại cấm hút thuốc.

Ba là vì ông muốn xem xét những tên mật thám dùng mánh khóe gì để tra hỏi người bị bắt để biết chúng đã biết điều gì, không biết điều gì, bày đặt điều gì.

Mật thám Anh được mật thám Pháp ở Đông Dương cung cấp tài liệu đầy đủ. Mật thám Anh cũng cho mật thám Pháp một đống liệu, thật có giả có.

Thường thường, sau những buổi hỏi cung và giả vờ làm án những Hoa kiều bị tình nghi hoặc bị bắt ở các thuộc địa về, thực dân Anh trục xuất họ. Hương Cảng trục xuất họ, nhưng họ sẽ rơi vào tay Quốc dân Đảng vì rời Hương Cảng thì phải đi tàu thuỷ. Bước xuống tàu thì bị mật thám đón bắt ngay.

Ông Nguyễn may được có sự giúp đỡ của một luật tư Anh rất tốt, ông Lôdơbi (Loseby).

Chính phủ Hương Cảng tìm cách chia rẽ ông và luật sư Lôdơbi. Nhưng ông này giữ vững lập trường. Ông nói với ông Nguyễn: "Bác sĩ Tôn Dật Tiên được một người Anh cứu thoát. Tôi cũng ra sức cứu ông, ông hãy tin ở tôi. Ông hãy nói cho tôi nghe những điều gì có thể giúp trong việc bênh vực ông. Tôi không muốn hỏi ông nhiều hơn, vì một người cách mạng đều có bí mật riêng của họ".

Và ông Lôdơbi đưa vụ án ông Nguyễn ra trước pháp viện tối cao.

Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, toà án tối cao phải xét xử một bản án chính trị. Vì vậy, lần xét xử này có tính cách đặc biệt.

Phiên họp thứ nhất là một dịp cho ông Nguyễn được tạm rời xà lim trong mấy tiếng đồng hồ.

Theo ông Nguyễn, khi ở tù, chỉ hé cửa xà lim là đã thấy dễ chịu hơn rồi.

Buổi xét xử công khai. Nhưng trong ngoài toà án đều có lệnh giới nghiêm vì sợ ông Nguyễn trốn. Công chúng ít người được vào xem. Trong phòng họp, nhân viên trong toà án nhiều hơn công chúng, trên cao có chánh án, phó chánh án và một số võ quan. Ở giữa có một cái bàn rất lớn, luật sư đại diện chính phủ buộc tội và tuỳ tùng của ông này ngồi một bên.

Bên kia là những luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn.

Quan toà và thầy kiện đều mặc áo đen và mang tóc giả, bị cáo đứng sau vành móng ngựa, phải leo ba bốn bậc mới lên đến chỗ đứng, thấp hơn ghế của các thẩm phán, nhưng cao hơn bàn luật sư. Chung quanh có song sắt bao bọc và cảnh sát gác. Bên phải và bên trái là những văn quan văn, quan võ, và những phóng viên của báo chí Anh đến dự. Trước mặt họ là những người đến xem.

Trên bàn thẩm phán và luật sư, có những chồng sách cao to tướng, thỉnh thoảng họ lại giở ra xem để dẫn chứng.

Trong số những người này, chỉ có bốn  người được nói; chánh án, phó án, đại diện chính phủ và một luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn. Những người khác, trong đó có luật sư chính bênh vực cho ông Nguyễn là ông Lôsơbi và cả ông Nguyễn, cũng không dược nói gì hết trong suốt phiên toà này và cả những phiên toà sau. Khi họ có gì muốn nói với nhau, họ phải viết vào mảnh giấy. Hai người nói nhiều nhất, to nhất và đôi khi tranh cãi kịch liệt, đấy là biện lý buộc tội và luật sư cãi hộ cho ông Nguyễn. Lần thứ nhất, phiên toà họp khá lâu. Người ta phải nghỉ một lát. Trong khi nghỉ, người ta đưa ông Nguyễn xuống hầm toà án để giữ ông và cho ông ăn uống. Sau nhiều phiên toà kéo dài hơn một tháng, chánh án tuyên bố xoá bỏ tất cả những lời buộc tội ông Nguyễn, nhưng ông phải dời khỏi Hương Cảng trên một chiếc tàu Pháp.

Đó là một thủ đoạn xảo quyệt của toà án để khỏi mang tiếng kết án một người vô tội, nhưng sự thật là trao ông cho thực dân Pháp.

Ông Lôdơbi chống lại kết luận của toà án, và ông liền kêu đến toà án của hoàng đế Anh ở Luân Đôn.

Ông giao việc này cho luật sư Xtapho Cơríp (Stafford Crips) (là một đảng viên xã hội sau khi làm Bộ trưởng Ngoại giao Anh).

Trong khi chờ đợi sự quyết định của Luân Đôn, ông Nguyễn ốm. Ông Lôdơbi dàn xếp để ông Nguyễn được đưa đi nhà thương. Ông Nguyễn đến nhà thương gây nên một sự thay đổi lớn trong nhà thương. Người ta làm thêm ổ khoá vào các cửa phòng vì sợ ông trốn. Những vật gì treo trên tường đều dọn đi vì sợ ông tự sát; xung quanh phòng có 1ưới thép. Hai người cảnh sát Ấn Độ cao to gác trước cửa phòng. Trong phòng hai mật thám người Trung Quốc ngày đêm canh giữ. Trong những người bệnh nằm trong phòng, có cả kẻ giết người, đầu sỏ ăn cướp, thổ phỉ, v.v.. Nhờ ông Lôdơbi mà ở nhà thương ông Nguyễn được săn sóc chu đáo. Ông có một cái giường tốt và được ăn cơm Tây. Ông nói: Cả đời chưa bao giờ Nguyễn được ăn uống sung sướng như thế này.

Ông Lôdơbi và bà vợ cùng cô con gái, thường đến thăm ông Nguyễn, đem cho ông quà bánh, sách báo và cả đồ chơi giải trí. Ông Nguyễn ăn ở tốt với mọi người, và mọi người cũng tốt đối với ông. Khi nào ông không đọc sách, ông nói chuyện thân mật với những người bạn trong phòng và nghiên cứu những đặc tính của họ. Hai người bị bắt làm ông chú ý hơn cả: một em bé học nghề mười ba tuổi đã giết một em bé học nghề khác cùng tuổi với nó, vì em này sau khi đánh bạc thua đã ăn cắp của nó một đồng bạc; và một tướng cướp già bị bắt vì bị bạn tố giác. Người này độ sáu mươi tuổi hoà nhã, mưu trí và gan góc, giỏi chữ Trung Quốc, làm được thơ. Y tự cho mình là một anh hùng và cho ông Nguyễn cũng là một anh hùng.

'Tôi là một con sư tử rơi xuống hố. Anh cũng là một con rồng mắc cạn", y vừa nói vừa thở dài. Nhưng y rất lạc quan, nói tiếp thêm: "Sư tử một ngày kia sẽ trở về làm chúa sơn lâm, còn rồng một ngày kia sẽ bay lên trời và làm chúa tế gió mây".

Già Lý làm chúa một dãy núi. Có gia đình và một đội quân nhỏ, chặn khách qua đường và bắt nộp tiền mãi lộ. Y thực hiện rất chặt chẽ nguyên tắc của tướng cướp rừng: Lần thứ nhất khách qua đường bị bắt viết thư về cho gia đình đem tiền đến chuộc. Tiền đến nơi thì người được tha. Nếu tiền đến chậm, gia đình họ sẽ nhận được bức thư thứ 2 viết với máu của người bịt bắt, rồi một bức thư thứ 3 với một ngón tay, rồi bức thư thứ tư với một cái tai của người bị bắt. Nếu bức thư cuối cùng này không có kết quả thì "giao kèo bị xé", nghĩa là người bị bắt bị xử tử. Có một lần người đem thư trả lời là một cô gái trẻ tên là Bành Hương.

Bành Hương can đảm nói với giá Lý: "Thưa đại vương, tiền chúng tôi không có, vì chúng tôi nghèo. Nhưng tôi đây, đại vương bán tôi đi hoặc dùng tôi làm nô lệ hoặc tỳ thiếp. Hay đại vương giết tôi. Đại vương muốn làm gì tôi thì làm nhưng tha cho cha tôi".

Già Lý hết sức cảm động, ôm lấy Bành Hương luôn, nhận Bành Hương làm con nuôi, cho Bành Hương đi học, để dành cho Bành Hương một món tiền hồi môn lớn và tha cho ông bố. Lý khá ác với người giàu, nhưng rất tử tế với người nghèo. Vì vậy Lý được nhân dân trong vùng vừa yêu vừa sợ./.

Còn nữa

Theo sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, Nxb Chính trị quốc gia

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: