Chỉ mục bài viết

 

Sau ngày 09-3-1945, Nhật tuyên bố Việt Nam độc lập. Bảo Đại tuyên bố bỏ chủ là Pháp và theo chủ mới là Nhật.

Lập tức, Việt Minh ra một bản tuyên ngôn nói:

"Lời tuyên bố Việt Nam độc lập của Nhật là một sự lừa dối. Độc lập này chỉ là một thứ độc lập giả hiệu. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh chống phátxít Nhật để giành lại độc lập thực sự cho Tổ quốc".

Lúc đó bọn Nguyễn Tường Tam theo Nhật ngược đãi người Pháp, sát hại Việt Minh và bắt cóc, đi tống tiền.

Nhật đưa Trần Trọng Kim ra làm Thủ tướng, sai Kim tổ chức một chính phủ và một quân đội bù nhìn để đi với quân đội Nhật đánh Việt Minh. Lúc bấy giờ Việt Minh đã kiểm soát bảy tỉnh ở miền Bắc Bắc Bộ. Đội quân của Kim bị Việt Minh tước khí giới. Với vũ khí này, du kích Việt Mlnh phát triển càng nhanh chóng và mạnh mẽ.

Một lần năm chiến sĩ du kích Việt Minh bắt hai mươi bảy xe tiếp tế của Nhật.

Không phải Việt Minh là thần thánh, không, họ chỉ là những người công nhân, nông  dân, trí thức, trong đó có cả phụ nữ. Họ chưa bao giờ học qua một trường quân sự. Nhiều người lần đầu tiên bắn súng và ném tựu đạn.

Cái gì đã làm cho họ thành người anh dũng. Đó là lòng yêu nước. Vì sao họ đánh giỏi? Bởi vì họ hiểu rõ tình hình địa phương. Họ biết một hòn đá, một bụi cây, mỗi suối nhỏ, mỗi đường hẻm. Họ thấy quân thù nhưng quân thù không thấy họ.

Chính phủ Kim cũng không thu được thuế. Vì Đảng Cộng sản Đông Dương phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, vì Việt Minh tung ra khẩu hiệu:

Đấu tranh chống Nhật, chống bù nhìn!

Không một hạt thóc, không một xu nhỏ cho chúng nó!

Đấu tranh vì độc lập thật sự!

Giúp đỡ Đồng minh!

Chính phủ Kim, Đảng Đại Việt và phát xít Nhật cùng nhau tuyên truyền kịch liệt chống Việt Minh.

Hằng ngày máy bay Nhật rải truyền đơn khắp các làng. Hàng tấn sách báo được phổ biến nhưng nội dung vẫn như cũ:

Việt Minh phản lại độc lập Tổ quốc.

Việt Minh bị Trung Quốc, Mỹ, Liên Xô mua chuộc.

Việt Minh là cộng sản là chuyên chế.

Việt Mmh là độc tài đỏ.

Nhưng tuyên truyền của chúng không có kết quả gì.

Nhật bèn thay đổi chiến thuật. Chúng viết thư cho các lãnh tụ Việt Minh. Những bức thư này vừa dụ dỗ, vừa dọa nạt. Ví dụ thường thường cuối thư viết như thế này: "Các anh hãy chọn lấy một con đường. Các anh chỉ có hai con đường: Hoặc là hợp tác thân thiện với Nhật, hoặc là bị Nhật tiêu diệt...".

Việt Minh không trả lời vì cấp trên có chỉ thị là chỉ trả lời bọn Nhật bằng tiếng súng chứ không phải bằng lời nói.

Cuối cùng Nhật phải viết thư thẳng lên Cụ Hồ Chí Minh.

Người ta có thể viết thành một quyển truyện lý thú với những lá thư ấy. Nhưng kỷ luật chặt chẽ của các chiến sĩ du kích là không để cái gì có thể làm giảm tinh thần quyết chiến của họ. Họ luôn luôn làm gương phục tùng kỷ luật. Vì vậy những bức thư đọc xong đốt ngay. Chúng tôi nhờ ông Lâm, một nhà báo du kích và thư ký làm thời của Cụ Hồ, cho biết nguyên văn những bức thư đó. Thư thế này:

Gửi ông Hồ Chí Minh.

Lãnh tụ Việt Minh và bạn thân của chúng tôi,

Chúng tôi thành thực thừa nhận rằng ông là người yêu nước chân chính và chiến sĩ của ông là những người can đảm. Về phía ông, cũng nên biết là người Nhật chúng tôi đã giúp đỡ Việt Nam đuổi Pháp và giành lại độc lập cho Tổ quốc các ông.

Hơn nữa, phải chăng ông và chúng tôi đều là láng giềng? Phải chăng chúng ta là anh em cùng giống da vàng? Tại sao chúng ta không thể hợp tác với nhau, để giành lấy vinh quang cho dân tộc chúng ta? Cái gì đã chia rẽ chúng ta? Không có gì cả. Nếu có những chuyện hiểu lầm to nhỏ, chúng ta có thể dàn xếp được.

Ông không nên tin Mỹ và Trung Quốc. Miệng họ ngậm mật nhưng lòng họ đầy thuốc độc. Chúng tôi mong ông sẽ xét lại chính sách của ông mà hợp tác hòa bình với chúng tôi. Trong khi chờ đợi trả lời, chúng tôi mong ông nhận lời chào kính cẩn của chúng tôi".

Ký tên: Tư lệnh cao cấp quân đội Nhật hoàng ở Bắc Bộ.

Tiếp theo thư này còn có một thư khác yêu cầu gặp Cụ Hồ.

Trong thư viết:

"Chỗ hẹn gặp và giờ gặp do các ông định. Chúng tôi sẽ đến không mang vũ khí. Chúng tôi tin chắc là chúng tôi sẽ được yên ổn trong tay các ông mà chúng tôi biết là chân chính và anh dũng...".

Những bức thư ấy không được trả lời, kết quả là chiến tranh thêm kịch liệt. Quân đội giải phóng Việt Nam tổ chức từ bốn năm nay, lúc đầu chỉ có ba mươi lăm người tình nguyện, hai mútcơtông, ba súng săn, một môđe, giáo, mác v. v. và do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy ngày nay đã hơn một vạn người trong Khu giải phóng, không kể những quân đội du kích hoạt động bí mật rải rác trong toàn quốc. Đội quân này có nhiều khí giới cướp được của giặc.

*   *

*

Quốc dân Đại hội họp có đại biểu khắp nơi về dự. Nhiều người đã đi bộ hàng tháng để về dự Đại hội.

Những vấn đề chính trong chương trình nghị sự là:

- Sửa soạn khởi nghĩa giành chính quyền.

- Hợp tác với Đồng minh khi Đồng minh đổ bộ.

Cuộc thảo luận bắt đầu. Nhưng ngay chiều hôm thứ nhất, một tin tức quan trọng đã đảo lộn cả kế hoạch của Đại hội: Nhật đầu hàng Đồng minh.

Hôm sau, Đại hội chỉ thảo luận vấn đề: Khởi nghĩa giành chính quyền.

Kế hoạch khởi nghĩa đã được chuẩn bị từ lâu, chỉ có việc đưa ra cho các đại biểu địa phương xét lại và bổ khuyết. Một uỷ ban hành động được cử để viết bản tuyên ngôn tổng khởi nghĩa. Và cử người chịu trách nhiệm lãnh đạo từng địa phương.

Một Ủy ban Trung ương có thể làm nhiệm vụ Chính phủ lâm thời được cử ra. Cụ Hồ Chí Minh được toàn thể hội nghị cử làm Chủ tịch.

Công việc xong vào khoảng bảy giờ tối.

Liền đấy, Ủy ban Trung ương mới thành lập họp phiên họp đầu tiên.

Đến nửa đêm các đại biểu hăng hái ra về mang theo kế hoạch và mệnh lệnh khởi nghĩa.

Ngày 16-8-1945, những đội du kích Việt Minh xuất phát. Trước khi xuất phát, họ cử hành lễ chào cờ và nghe Chủ tịch Ủy ban quân sự Võ Nguyên Giáp đọc bản tuyên ngôn.

Cụ Hồ vì sốt không thể đến dự buổi xuất phát.

Hàng ngũ xuất phát vừa đi vừa hát, dân chúng nhiệt liệt hoan hô. Người chỉ huy trẻ tuổi các đội du kích là Quang Trung hiên ngang đi dưới lá cờ đỏ sao vàng.

Từ thành phố đến thôn quê, đâu đâu cũng nổi dậy hưởng ứng khởi nghĩa.

Khắp nơi xuất hiện cờ đỏ sao vàng và những biểu ngữ của Việt Minh.

Đả đảo phát xít Nhật!

Việt Nam độc lập muôn năm!

Toàn dân vũ trang đứng lên!

Khắp nơi, những đội du kích mọc ra. Họ sửa soạn khí giới công khai: Súng kíp, cung tên, đại đao mác, giáo.. Phụ nữ cũng không kém hăng hái. Người ta tuyển thêm những đội viên mới.

Du kích bắt đầu tấn công những đồn Nhật.

Nhật bị tan rã.

Chính phủ Trần Trọng Kim càng tan rã hơn nữa.

Khởi nghĩa lan khắp từ Bắc đến Nam.

Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi. Từ đó về sau ngày lịch sử này gọi là Cách mạng Tháng Tám.

Chính quyền về tay nhân dân...

Nhân dân say sưa vì sung sướng. Cờ đỏ sao vàng phấp phới từ nhà lầu đến nhà tranh, từ thành thị đến thôn quê.

Bảo Đại xin thoái vị. Trong lời tuyên cáo thoái vị, Bảo Đại nói:

"Tôi muốn làm công dân một nước tự do hơn là vua và một nước nô lệ".

Nhân dân mong đợi Cụ Hồ Chí Minh.

Mặc dầu đang ốm, Cụ Hồ quyết định về với nhân dân thủ đô.

Dọc đường đến Thái Nguyên, cách Hà Nội sáu mươi cây số, Việt Minh còn phải đánh nhau với Nhật. Ở Thái Nguyên đánh nhau kịch liệt trong hai ngày. Chính đồng chí Võ Nguyên Giáp phụ trách giải phóng thành phố này.

Sau khi Thái Nguyên đã giải phóng, Cụ Hồ mới tiếp tục lên đường về Hà Nội .

Thế mà thực dân Pháp bịa đặt rằng "Ông Hồ Chí Minh được Nhật giúp đỡ và là một tay sai của Nhật".

Đến Trung châu, Cụ Hồ rất đau đớn thấy nạn lụt tàn phá! Nước phủ mênh mông. Đường sá bị ngập. Sân vườn bị hỏng. Những cánh đồng lúa rộng biến thành bể nước. Nạn lụt nghĩa là nạn đói. Và nạn lụt xảy ra sau khi bọn Pháp - Nhật cướp thóc năm 1944-1945 gây nạn đói dữ dội mùa Xuân năm ấy, nạn đói đã làm chết hơn hai triệu người Việt Nam ở Bắc Bộ và miền Bắc Trung Bộ.

Và câu nói đầu tiên của Cụ Hồ là làm thế nào để cứu nhân dân ra khỏi chốn cùng và nạn đói.

Cụ Hồ vào Hà Nội.

Chính phủ lâm thời họp, Cụ Hồ đề nghị thi hành chính sách đoàn kết rộng rãi, thành lập Chính phủ thống nhất toàn quốc, bao gồm những đại biểu các đảng phái yêu nước và những nhân sĩ không đảng phái có danh vọng.

Đề nghị của Cụ Hồ được mọi người tán thành. Nhiều Ủy viên Việt Minh trong Chính phủ lâm thời tự động yêu cầu rút lui để nhường chỗ cho những người không phải Việt Minh.

Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Gần một nửa Bộ trưởng không phải Việt Minh như các ông Nguyễn Mạnh Hà công giáo, Nguyên Văn Tố học giả, Vũ Trọng Khánh luật sư, v.v.. Mọi người đồng thanh cử Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch nước Cộng hoà. Cụ Hồ phụ trách thảo bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Dưới đây là nguyên văn bản Tuyên ngôn đó.

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

Hỡi đồng bào cả nước,

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

"Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Thế mà hơn tám mươi năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.

Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.

Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.

Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là dầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.

Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật, và bảo vệ tính mạng và tài sản cho ho.

Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy thành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Sự thật là dân ta đã lấy tại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp.

Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hoà.

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi độc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.

Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp.

Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.

Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập.

Vì những lẽ trên, chúng tôi Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:

Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Còn nữa

Theo sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên, Nxb Chính trị quốc gia

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: