Được thăm ao cá Bác Hồ

Chúng em mừng quá reo hò vỗ tay

Cá mè, cá chép, cá chày

Bỗng dưng rẽ nước bơi đầy mặt ao.

 

Em nghe mấy bạn thì thào

Được gần bên Bác thảo nào cá ngoan.

                                (Nguyễn Ngọc Ký)

A1
Ao cá Bác Hồ

Vào Lăng viếng Bác xong, du khách được đi thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh là nơi sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Khi đi đến khu nhà sàn và ao cá Bác Hồ, du khách nào cũng thích thú ngắm nhìn đàn cá bơi lội chen nhau ngoi lên mặt nước đớp mồi. Từ thời Pháp, khi xây dựng Phủ toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), Chính phủ Pháp đã cho đào một chiếc ao với mục đích để chứa nước. Sau là chỗ để hươu nai trong vườn sau Phủ Toàn quyền (vườn Bách Thảo bây giờ) xuống uống nước. Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nơi này được chọn là nơi làm việc của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước, đồng thời là nơi sống và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng là nơi Hồ Chí Minh đã qua đời. Ngày về Thủ đô, sống và làm việc ở nhà sàn, Bác Hồ đã gợi ý anh em phục vụ cải tạo nơi này thành ao nuôi cá vừa để cải thiện đời sống, vừa làm cho không khí thêm trong lành... Nghe theo lời gợi ý của Bác, anh em bảo vệ đã tập trung làm. Chỉ sau một tuần, công việc nạo vét hồ đã hoàn thành.

Sau khi ao đã được dọn sạch, nạo vét và kè lại bờ thành ao nuôi cá, Trại cá giống Đình Bảng đã mang sang những giống cá tốt thả vào ao. Những cây dừa, bụt mọc, liễu... được trồng đã tỏa bóng mát xuống mặt hồ rộng 3.320m2, độ sâu trung bình là 2m với 16 loài, 6 nhóm cá tung tăng bơi lội. Đặc biệt, nhiều loài cá như chép, trắm đen..., xung quanh ao trồng dâm bụt, cạnh bậc lên xuống trồng dừa, như hình ảnh miền Nam trong trái tim Người.  

A2
Cây bụt mọc bên ao cá Bác Hồ

Cá được thả ở đây là cá rô phi, chép, mè, trôi, trắm cỏ... Trong hồ còn phát triển khá nhiều loại trai, nhiều con đã kết ngọc. Riêng cá trắm phát triển rất nhanh và có lần anh em đánh được con cá nặng 24kg. Vì Bác nói rằng nuôi cá phải chọn loại dễ nuôi, mau lớn và sinh sản nhiều. Đó là những loại cá có giá trị kinh tế của nước ta. Phương châm đó của Người là một bài học lớn cho cán bộ ngành Thuỷ sản suy nghĩ trong công tác nghiên cứu của ngành mình gắn với quan điểm kinh tế, đem lại lợi ích thiết thực cho phong trào sản xuất.

BH bên ao cá
Bác Hồ bên ao cá

Bác chăm đàn cá rất chu đáo. Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều là lúc Bác cho cá ăn. Thức ăn chủ yếu cho cá thường là cám, ngoài ra buổi sáng lúc ăn điểm tâm, Bác để lại một lát bánh mỳ, cơm được anh em phục vụ phơi khô đựng vào chiếc hộp để cạnh cầu ao. Bác nhớ đặc điểm của từng con cá chép đỏ nên có lần sau khi đi công tác về, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác - xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ của Bác về ăn như mọi khi? Mấy hôm sau Bác rất vui kể rằng con cá gáy đỏ lại đã trở về rồi. Bác còn chú ý bảo vệ đàn cá, những năm trời rét đậm, Bác nhắc anh em kiếm bèo tây về ngăn vào một góc ở hướng Bắc để che gió lùa và cho cá có nơi trú ẩn. Cá Bác nuôi rất mau lớn, đàn cá rô phi sản lượng mỗi năm một tăng nên đã góp phần đáng kể vào việc cải thiện bữa ăn. Cứ mỗi khi có khách trong nước hay ngoài nước được Bác mời cơm thì món ăn “cây nhà lá vườn” là cá Bác tự tăng gia. Hàng năm cứ vào những ngày lễ hoặc Tết cổ truyền, Bác lại nhắc anh em phục vụ bắt một số cá lên làm quà biếu các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời tặng anh em trong đơn vị bảo vệ cùng các gia đình trong cơ quan. Từ ngày Bác đi xa, các đồng chí lãnh đạo của Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch cùng với ngành Thuỷ sản trực tiếp trông nom ao cá, vẫn giữ nguyên truyền thống tốt đẹp và cảm động này vào ngày sinh nhật Bác 19 tháng 5 hàng năm.

Từ khi có ao cá, dù bận đến thế nào, sau giờ làm việc Bác cũng ra cầu ao gọi cá cho ăn. Những con cá dần quen với những tiếng vỗ tay của Bác. Bác thường bảo: “Phải rèn luyện để trở thành một thói quen tốt”.

 Chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện, đàn cá chỉ nổi lên mỗi khi nghe tiếng vỗ tay quen thuộc. Có lần, Bác đi công tác lâu ngày, những người phục vụ cho con cá ăn theo cách Bác vẫn làm. Khi về, Bác ra cầu ao gọi cá nhưng mãi không thấy cá đâu. Bác buồn gọi người phục vụ ra và bảo: “Chú ạ, có mấy con cá quen mà Bác vỗ tay gọi mãi chẳng thấy nó về. Chắc chú nào bắt mất rồi!.

Bác nói vậy nhưng thực ra Bác biết ao cá vẫn còn nguyên, chỉ có điều lâu ngày không được huấn luyện nên cá không còn thói quen cũ. Bác nói với người phục vụ: “Con người ta cũng vậy, để tạo thói quen tốt phải đòi hỏi sự kiên trì và khổ công rèn luyện. Thói quen xấu thì tiếp thu nhanh lắm!”. 

Có một câu chuyện mà đến nay nhiều người vẫn thường nhắc, đó là chuyện Bác Hồ bày cách cân cá. Có lần bắt được con cá trắm đen nặng tới 24kg. Vì con cá quá to lại giãy rất khỏe nên nhiều người loay hoay mà không thể nào cân được.

Anh em cứ đặt lên cân thì cá lại nhảy xuống. Thấy vậy, Bác liền cười và bảo: “Một chú ôm con cá và đứng lên cân. Sau đó chú bỏ cá xuống, cân mình xem bao nhiêu cân rồi lấy tổng số trừ đi là ra”. Lúc ấy anh em mới chợt ồ lên vì cách giải quyết đơn giản thế mà chẳng ai nghĩ ra.

Cá từ ao cá Bác Hồ còn được đưa đi các địa phương để phát triển phong trào. Năm 1959, Hợp tác xã Tiền Phong - Yên Sở, Thanh Trì, Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng gần 100 con cá rô phi để nuôi. Địa phương thứ hai được nhận cá rô phi của Bác Hồ là tỉnh Quảng Bình. Đầu năm 1969, một đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy ra Trung ương họp được vào báo cáo với Bác về thành tích của tỉnh. Bác hỏi thăm về tình hình sản xuất và đời sống của tỉnh, đồng chí cán bộ báo cáo đời sống của nhân dân khó khăn vì thu nhập chính là nghề cá thì bị địch phong tỏa bờ biển, cá giống không đủ để nuôi, Bác chỉ tay ra phía ao cá trước nhà nói: "Nếu thiếu giống thì Bác sẽ cho cá giống. Trong lúc cá biển gặp nhiều khó khăn các chú cần đẩy mạnh nuôi cá để có thêm thức ăn bồi dưỡng sức dân". Mùa thu năm ấy, Bác đột ngột qua đời, nhưng theo lời Bác, dịp 19/5/1970 đại diện tỉnh Quảng Bình đã đến Văn phòng Phủ Chủ tịch để nhận 1.200 con cá rô phi giống trong ao cá Bác Hồ. Đoàn xe chở cá đã vượt 500km liên tục trong 3 ngày vào đến địa phương… Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Ao cá Bác Hồ”. Sau cuộc phát động, cá giống từ ao cá trong khu Phủ Chủ tịch được gửi cho nhiều địa phương: Thái Bình, Hải Hưng, Thanh Hoá, Hà Nội. Từ miền Bắc vào miền Nam, từ miền núi đến vùng đồng bằng, nhiều hợp tác xã đã đầu tư hàng vạn ngày công để cải tạo những ao tù, đồng cớm thành khu “Ruộng cả ao liền”, có nơi thâm canh nuôi cá như Kiến Xương, Thái Bình. Những ao cá này như những chuồng trại tự nhiên chăn nuôi loài “gia cầm” dưới nước, là cái “kho thực phẩm” ở nông thôn để giải quyết hậu cần tại chỗ ở nước ta. Riêng miền Bắc đã có khoảng 4,5 vạn héc ta diện tích ao nhỏ là mặt nước nuôi cá và cho năng suất cao. Phong trào “ao cá Bác Hồ” được phát triển rầm rộ trong cả nước, nhằm phát huy tiềm năng của loại mặt nước phong phú này.

 A4
Thăm ao cá Bác Hồ

Đã hơn 40 năm Bác đi xa, hàng năm ao cá của Người vẫn được tu sửa nhằm tạo cảnh quan môi trường sinh thái vừa để phục vụ khách tham quan. Việc giữ gìn và phát triển đàn cá Bác Hồ vừa có ý nghĩa lịch sử vì nó gắn liền với cuộc sống đời thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, để mỗi lần vào Lăng viếng Bác, thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và ngắm nhìn ao cá Bác Hồ, mỗi chúng ta như lại thấy bồi hồi xúc động nhớ Bác qua những vần thơ của Tố Hữu:

Con cá rô ơi chớ có buồn

Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn

Dừa ơi cứ nở hoa đơm trái

Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn. 

Kim Yến (Tổng hợp)




Bài viết khác: