Tôi có người bạn thân là Bùi Văn Phú. Trong những ngày chúng tôi ở Việt Bắc, đã có lần Phú tâm sự: “Ra trận sống chết là chuyện thường, nhưng nếu lỡ chết mà chưa được một lần gặp Bác, ân hận lắm!”. Ước mơ của Phú cũng là niềm ao ước to lớn của tôi. Yêu quý Bác vô cùng! Mong được gặp Bác vô cùng! Vậy mà, chỉ một năm sau, Phú của tôi đã hy sinh bên đồi Độc Lập, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhớ lại mấy ngày trước Cách mạng Tháng Tám, khi nghe tin “Cụ Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, anh tôi, Lưu Trọng Thùy, đã nói một câu đầy “bực tức”: Hồ Chí Minh là ai? Cụ Nguyễn Ái Quốc đâu mà lại để cho Hồ Chí Minh làm Chủ tịch?”. Ít hôm sau, khi được giải thích Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, anh tôi hể hả ra mặt: “Ừ! Có thế chứ!”. Rồi anh nhỏ to kể cho tôi nghe đôi điều anh hiểu biết về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đó là lần đầu tiên tôi được biết Nguyễn Ái Quốc là Hồ Chí Minh. Lòng tôi yêu Bác Hồ cũng bắt đầu từ đó.

Vào một ngày tháng 7 năm 1947, tôi cùng Soang, một chiến sĩ du kích, nằm trong vòng vây của 48 tên lính Pháp và lê dương. Tình thế thật nguy ngập. Tôi bàn với Soang: “Quyết không để giặc bắt. Phải hô khẩu hiệu trước khi cho nổ lựu đạn để chiến đấu đến cùng”. Chúng tôi cắn răng rút chốt an toàn. Trong giây phút căng thẳng ấy, tôi hình dung nếu tình huống xấu nhất xảy ra, bị giặc phát hiện, tôi sẽ cùng Soang vụt đứng dậy; sẽ gọi to tên Bác Hồ, tên Tổ quốc rồi hai trái lựu đạn cùng nổ tung… Nghĩ đến đó, hình ảnh Bác bỗng hiện lên trong trí óc, lòng tôi bỗng trở nên thanh thản lạ thường. Nhưng rồi bọn giặc đã không phát hiện ra chúng tôi. Thế là thoát.

64
Bác Hồ luôn dành tình cảm cho mọi tầng lớp nhân dân. Ảnh Tư liệu

 Ngày 30-4-1957, Bác Hồ đến thăm Quân y viện 12. Bệnh viện nằm kề bên trận địa pháo cao xạ của tiểu đoàn tôi, ngăn cách bởi một hàng rào dây kẽm gai. Là Tham mưu trưởng Tiểu đoàn, hôm ấy tôi xuống làm việc với cán bộ đại đội. Nhờ một người quen bên bệnh viện báo tin, chúng tôi quyết định tạm xếp công việc, chạy ngay đến hàng rào, nhìn sang.

Bác kia rồi, trong bộ quần áo ka-ki bạc màu, đang từ khoa điều trị thương bệnh binh đi ra. Rồi Bác đứng nói chuyện với anh chị em, ngay giữa sân, bên cạnh chiếc ô tô của Người. Tôi say sưa nhìn Bác, nhưng không nghe Bác nói gì, vì xa quá. Dẫu sao tôi là người hạnh phúc, vì lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy Bác Hồ kính yêu.

Năm 1964, tôi được tham gia phục vụ triển lãm 10 năm kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Một buổi sáng, triển lãm đóng cửa. Lý do: Đón Bác Hồ đến thăm…

Bác xuất hiện từ cuối gian bên. Thấy tôi đứng đó, Bác liền hỏi:

Chú là chiến sĩ Điện Biên? (Có lẽ Bác nhìn thấy tôi đeo Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ).

Thưa Bác, vâng ạ!

Chú ở binh chủng nào? 

Thưa Bác, cháu ở Pháo cao xạ.

À! Hồi đó Pháo cao xạ lần đầu ra trận, đánh tốt lắm. Thôi, chú giới thiệu đi. Vắn tắt thôi nhé! 

Bác ra về. Chúng tôi tuy không hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” nhưng trong tim chúng tôi in đậm bóng hình của Bác.

Ngày 3-9-1969, được tin Bác qua đời, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tôi ai nấy đều giàn giụa nước mắt. Lắng nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Hà Nội truyền đi những câu thơ rung động lòng người của nhà thơ Tố Hữu càng làm cho chúng tôi thương nhớ Bác khôn nguôi: “Bác đã đi rồi sao Bác ơi!/ Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời/ Miền Nam đang thắng mơ ngày hội/ Rước Bác vào thăm thấy Bác cười”.

***

Nhớ lại những tháng ngày qua, tôi vinh dự được gặp Bác 7 lần. Lần nào Bác cũng để lại trong tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Và, Bác ơi! Đó cũng là những giây phút hạnh phúc nhất đời con.

Theo baomoi.com
Thúy Hằng (st)

Bài viết khác: