Khi trái tim không còn rung động, xót xa trước những cảnh đời còn cơ cực thì những lời nói đạo đức trở nên sáo rỗng

Chúng ta đã gọi bài viết cuối cùng của Người là “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” chỉ để đặt đúng tên và tỏ lòng thành kính; còn Người, với vốn ngôn ngữ, văn hóa kim cổ Đông Tây uyên bác không dùng chữ “Di chúc” mà chỉ dung dị viết là “để sẵn mấy lời”.

may
Bác Hồ kêu gọi trồng cây, trồng rừng để bảo vệ môi trường.
Trong ảnh: Nhờ được bảo vệ tốt, mũi Cà Mau vừa được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ảnh: TTXVN

Ngủ quên trên chiến thắng

Mấy lời để lại của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc. Chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ người già đến tuổi trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung, việc riêng... hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu.  Nội dung Di chúc đề cập đến tám vấn đề lớn, trong đó tập trung vào hai chủ đề quan trọng là Đảng và nhân dân. Đạo lý xuyên suốt Di chúc là tư tưởng vì con người.

Hơn bốn mươi năm trước, khi cuộc kháng chiến cứu nước đang trải qua những năm tháng gian khổ, hy sinh, Di chúc của Người truyền cho chúng ta sức mạnh của niềm tin để giang sơn thu về một mối, để “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Nhưng chúng ta đã có thời ngất ngây vì chiến thắng, mất ý niệm thực tế mà không nhớ hết những việc cần làm sau khi kết thúc chiến tranh mà Bác đã dặn dò. Hơn 30 năm qua, chúng ta đã có những vụ khiếu kiện kéo dài, những án oan sai, một bộ phận công bộc của dân “thiếu tinh thần trách nhiệm”, không ít cán bộ đảng viên phải đứng trước vành móng ngựa...

Phải chăng, chúng ta làm cách mạng mà vẫn chưa thấm nhuần tư tưởng của Bác: Cách mạng là nhân ái nhất, cách mạng nhằm mục tiêu tất cả vì hạnh phúc của nhân dân?

Xa rời tư tưởng Bác là vấp ngã

Đã có thời chúng ta làm kế hoạch theo kiểu duy ý chí và phải trả giá đắt bằng khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài suốt hơn 10 năm. Và bài học được rút ra là phải đáp ứng nhu cầu, chăm lo lợi ích của nhân dân, đó vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển. Bài học lớn mà không mới, vì chúng ta chưa có “kế hoạch thật tốt” như Di chúc của Người để lại. Điều này cho thấy, mỗi khi xa rời tư tưởng Bác là chúng ta lại vấp ngã.

Sau hơn 20 năm đổi mới, đất nước phát triển hơn. Nhưng trên bước đường phát triển, chúng ta đang đối mặt với những vấn đề gay gắt: Môi trường bị tàn phá, kinh tế tăng trưởng nhưng chưa bền vững, đời sống vật chất của nhân dân khấm khá hơn nhưng người lao động vẫn chật vật trong cuộc mưu sinh.

Con em ta chưa phải ai cũng được học hành, việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau chưa thể yên tâm... Do vậy, chúng ta thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Di chúc của Người là việc làm cần thiết.

Phải bồi dưỡng tình cảm cách mạng

Sinh thời, khi dân còn khổ thì Bác ăn không ngon, ngủ không yên. Bây giờ không ít cán bộ dửng dưng, vô cảm với những nỗi đau của con người. Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, có nhiều việc cần làm, trong đó một yếu tố không thể thiếu là bồi dưỡng tình cảm cách mạng, tình thương yêu, đồng cảm, trân trọng với con người, trước hết với người lao động nghèo khổ.

Khi trái tim không còn rung động xót xa trước những cảnh đời còn cơ cực thì những lời nói đạo đức trở nên sáo rỗng. Trong Di chúc, Người quan tâm đến những điều “lợi cho nông dân”, “không tốn đất”, “kế hoạch trồng cây”...

Nhưng ngày ngày cứ nhìn lên ti vi, đọc trên báo, ta thấy nơi này phá rừng, nơi kia giết sông rạch, nông dân làm nhiều lúa gạo nhưng cuộc sống vẫn còn không ít cơ cực... Phát triển nhiều khu công nghiệp, nhiều sân golf không phải là sai nhưng đất đai ấy là những bờ xôi ruộng mật và đã có lắm nơi nông dân không còn đất để cày cấy...

Khát khao thấu hiểu, thấu cảm về Người là niềm an ủi và hạnh phúc của mỗi chúng ta./.

Theo PGS-TS NGUYỄN QUANG ĐIỂN/ Báo Người Lao động
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: