Đảng ta là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động. Đảng lấy nguyên tắc tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta luôn luôn quan tâm và đòi hỏi các tổ chức Đảng, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình, coi đó là “thang thuốc hay nhất” để “phần tốt ở trong người nẩy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”(1).

Sau khi giành được độc lập, Nhà nước Dân chủ Cộng hòa còn non trẻ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn chồng chất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Với bút danh Chiến Thắng, Người viết bài đăng trên Báo Cứu quốc số 5, ngày 26-9-1945 dưới nhan đề “Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích”. Người yêu cầu đảng viên, cán bộ “cần phải có sự thành thực, tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi”(2), “đảng viên và cán bộ cần làm gương mẫu thật thà phê bình và tự phê bình để tự giáo dục mình và giáo dục nhân dân(3) và “cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu thật thà tự phê bình”(4). “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”(5).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình là “thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa”(6). Tự phê bình và sửa chữa khuyết điểm là một cuộc đấu tranh tư tưởng giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa sự trung thực và thói man trá, giữa bản lĩnh và ươn hèn, do đó trên thực tế, nói tự phê bình thì dễ, nhưng làm thì khó vì nhiều người sợ rằng công khai thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của mình sẽ làm mất thể diện, mất uy tín, sợ bị kỷ luật, có khi mất chức, mất quyền… do đó thường giấu giếm khuyết điểm hoặc đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, cho cấp dưới, cho đồng nghiệp hoặc người dưới quyền. Tự mình không vượt qua được chính mình, không chiến thắng được “kẻ địch bên trong” thì không thể giáo dục được quần chúng.

Đảng viên, cán bộ không thật thà tự phê bình là biểu hiện tư tưởng cơ hội, không trung thực với Đảng, không thật thà với đồng chí, đồng nghiệp. “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt, thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”(7).

Thực hiện được tự phê bình và phê bình, tức là con người đã đạt đến trình độ làm chủ được bản thân, điều chỉnh hoạt động của bản thân và tổng hòa được các mối quan hệ xã hội một cách tự giác. Triết gia người Đức là I.Kant gọi trạng thái này là “tự luật”, nghĩa là con người hành động do sự thôi thúc tự giác của chính mình, chứ không bởi sự hối thúc của ngoại cảnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trong kiểm thảo, phải làm cho mọi người tự động, tự giác thật thà nêu khuyết điểm của mình, thành thật phê bình anh em”(8). Thật thà tự phê bình và phê bình để gột rửa thói hư, tật xấu, hoàn thiện những khiếm khuyết về tư tưởng và hành vi, về đạo đức và lối sống, không những làm cho hình ảnh người đảng viên, cán bộ ngày càng đẹp lên trong con mắt của nhân dân, mà còn là động lực quan trọng góp phần xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Để đảng viên, cán bộ thật thà tự phê bình, trước hết cần chú trọng giáo dục, nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trau dồi phẩm chất, đạo đức, khơi dậy lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên. Thật thà tự phê bình là trách nhiệm và là biểu hiện nhân cách cần có của người cán bộ cách mạng. Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ, chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”(9).

Cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu gương mẫu thật thà tự phê bình và phê bình nghiêm túc không những sẽ nhận được tình cảm tin yêu, mến phục của quần chúng, uy tín của họ sẽ được giữ vững và nâng lên mà còn có tác dụng tích cực lôi cuốn  đảng viên, cán bộ trong đơn vị học tập, làm theo.

Ngược lại, cán bộ lãnh đạo, quản lý không gương mẫu, không thật thà và công khai tự phê bình, không vui vẻ tiếp thu phê bình, thậm chí có biểu hiện răn đe, trù dập người phê bình thì sẽ  tự đánh mất niềm tin yêu, mến phục của đảng viên và quần chúng, là môi trường thuận lợi cho chủ nghĩa cơ hội hoành hành và phát sinh những nhân tố mất ổn định. Thật thà tự phê bình là một trong những vấn đề mấu chốt, có tính đột phá góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng.

Phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, ngày 28-2-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng”.      

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đòi hỏi mỗi đảng viên, cán bộ dù ở cương vị công tác nào, còn đương chức hay đã nghỉ hưu, đều phải có tinh thần tự giác rất cao, thật thà kiểm điểm tự phê bình, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, phát huy những điều tốt đẹp, kiên quyết điều chỉnh những khiếm khuyết lệch lạc về tư tưởng chính trị, về hành vi, ứng xử trong cuộc sống hằng ngày, xứng đáng là người đảng viên chân chính, góp phần bảo vệ thanh danh cao cả của Đảng, khôi phục lại niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

(1)-Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2002, tập 10, trang 666, ,(2) tập 4, trang 26; (3) tập 6, trang 241; (4), (8) tập 6, trang 412; (5) tập 5, trang 584; (6) tập 6, trang 209; (7) tập 9, trang 228; (9) tập 10.

Theo Hồng Minh/ Báo Bắc Ninh

Tâm Trang (st)

 

 

 

 

Bài viết khác: