Thoát khỏi cảnh ngục tù tăm tối, dã man của bọn xâm lược Mỹ, tôi được đưa ra miền Bắc chữa bệnh. Từ những ngày đầu tháng 11 năm 1958, tôi nằm điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô. Đã mấy lần Bác vào Bệnh viện thăm mà tôi cứ mê man không hay biết gì cả! Lúc tỉnh dậy, có chị thương tôi quá không giấu được nỗi vui mừng, luyến tiếc ấy, bèn kể lại là Bác đến thăm tôi. Tôi khóc òa lên như một đứa trẻ thơ xa mẹ. Một hôm, tôi vừa mở mắt ra, thì thấy một bác sĩ già khoác chiếc áo bờ-lu trắng đứng cạnh giường đang nhìn tôi âu yếm, với nụ cười hiền hậu. Sau giây phút ngỡ ngàng tôi nhận ra Bác, tôi nắm chặt bàn tay Bác và khóc nấc lên. Đúng Bác Hồ rồi, người mà các cô chú trong nhà tù và bà con ở miền Nam hằng ước mơ được gặp. Bác cúi hôn trán tôi. Tôi khóc to hơn và gọi: "Bác ơi, các cô chú trong nhà tù và đồng bào miền Nam mong nhớ Bác lắm!". Tôi ngất lịm đi. Lúc tỉnh dậy, các chị kể lại là nhìn thấy tôi trong cơn mê sảng Bác không cầm được nước mắt. Đó là buổi tối ngày 14-11-1958, cái ngày không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Tình thương bao la của Bác luôn luôn sưởi ấm lòng tôi. Tôi thấy như thêm sức mạnh để chiến đấu với bệnh tật.


song
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bên trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Thị Lý, năm 1975.

Thế là ước mơ được gặp Bác của tôi đã thành sự thật. Ước mơ đó, tôi ấp ủ từ ngày má tôi thường gọi là "bé Nhâm". Hồi ấy, tôi ở trong hàng ngũ thiếu nhi cứu quốc. Tôi ước mơ được gặp Bác Hồ, như bạn tôi là Kim Phú được dâng hoa lên Bác ngày 2-9-1945, tại Thủ đô Hà Nội. Bạn Phú về kể lại cho tôi nghe chuyện Bác Hồ, người ông yêu quý của các cháu thiếu niên, nhi đồng. Từ đó, tôi có cảm giác Bác Hồ là người ông trong nhà.

Được sự quan tâm, săn sóc rất mực tận tình của Bác, của Đảng, được sống trong tình thương yêu ruột thịt không bờ bến của đồng bào miền Bắc, và cả sự chia sẻ đau thương của nhân dân thế giới, thân thể tôi lần lượt lành khỏi 42 vết thương do giặc gây ra, sức khỏe tôi dần dần hồi phục. Tôi được đưa về nghỉ dưỡng sức ở một nơi yên tĩnh. Thỉnh thoảng tôi được Bác gọi vào nơi Bác ở.

Bác hỏi về quê quán và bệnh tình của tôi. Bác hỏi thăm sức khỏe các cô chú, anh chị cùng ở nơi an dưỡng với tôi. Tôi kể Bác nghe tình hình đời sống và đấu tranh của chị em phụ nữ miền Nam. Bác cầm tay tôi và nhẹ nhàng xoa bóp các vết sẹo. Bàn tay Bác rung rung. Tôi nhìn Bác, định không kể lại sự tra tấn dã man của giặc, sợ Bác xúc động. Đột nhiên Bác hỏi:

- Chúng nó xâu tay cháu với bao nhiêu người khác?

Tôi giật mình. Sao Bác biết? Rồi tôi dè dặt thưa:

- Dạ, hơn bốn mươi chú...

Thấy tôi ngập ngừng, Bác lại nhắc:

- Cháu kể tiếp đi. Tôi thầm nghĩ, không thể giấu Bác được, tôi thưa:

- Sau những trận đòn tra tấn dữ dội, các chú chân bị cùm, tay bị xâu dây thép cùng với cháu, độ vài ngày sau lên cơn giật rồi chết dần, chết mòn... Chỉ còn lại một mình cháu. Cháu cũng không hiểu tại sao cháu lại không chết.

- Tại sao cháu bị chúng tra tấn dã man mà cháu cũng không khai?

- Cháu nghĩ là nếu cháu khai thì sẽ mất hết tình thương của cách mạng, của Bác và của các chú, các cô đã đùm bọc, dạy dỗ cháu lúc cháu ở trong tù. Cháu khai thì cháu có tội với đồng bào. Lúc nào cháu cũng thấy hình ảnh Bác ở trước mặt cháu. Có lúc cháu nằm mơ thấy Bác đứng hai tay chống nạnh trước quân thù, bọn chúng nhìn Bác hoảng sợ chạy hết và cháu được tự do, sung sướng... Có lúc cháu mơ thấy Bác lấy khăn chặm nước mắt khi Bác nhìn cảnh tra tấn cực kỳ tàn ác của giặc Mỹ và lũ tay sai đối với chúng cháu...

Nói đến đây, tôi úp mặt trong lòng bàn tay Bác, tôi khóc như một em bé. Bác nâng nhẹ đầu tôi lên. Bác rơm rớm nước mắt nói:

- Nghĩ đến cháu, mọi người đều căm thù sâu sắc chế độ Mỹ - Diệm ở miền Nam.

Mỗi lời nói, mỗi ánh mắt, mỗi cử chỉ nhỏ nhất của Bác khắc sâu vào tâm trí tôi. Trong giờ phút thiêng liêng này, tôi không thể không nhớ lại những lúc ở tù, gian khổ, đấu tranh với kẻ thù, chúng tôi chiến thắng được là nhờ có hình ảnh Bác trong trái tim. Bây giờ được thật sự ngồi bên Bác, càng nhìn Bác tôi càng nhớ đến các đồng chí ở trong Nam luôn luôn hướng về Bác để có thêm sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Biết bao nhiêu đồng chí bị tù đày, tra tấn, biết bao nhiêu cán bộ hoạt động trên khắp miền Nam chưa một lần được gặp Bác. Tôi có vinh dự lớn hôm nay là do bao xương máu của đồng bào miền Nam đã đổ xuống trên mảnh đất Thành đồng. Bác kể cho tôi nghe những mẩu chuyện lúc Bác hoạt động ở nước ngoài, những mẩu chuyện trong thời kỳ kháng chiến để động viên, cổ vũ tôi cũng như phụ nữ, thanh niên miền Nam dù hy sinh gian khổ đến mấy cũng luôn luôn phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc ta, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ và bè lũ tay sai. Bác căn dặn tôi phải luôn luôn vui vẻ, lạc quan để chiến thắng bệnh tật.

Tôi thường được các chú dặn: Hễ gặp Bác thì nhớ kể cho Bác nghe những chuyện vui, đừng kể những chuyện đau thương làm Bác xúc động. Nhưng tôi không tài nào giấu Bác được điều gì. Bác hỏi tỉ mỉ về tình hình gia đình, quê hương tôi. Bác biết tôi ra miền Bắc chữa bệnh xa mẹ hiền, người mẹ đã chịu nhiều đau khổ, đang khát khao được có ngày gặp lại con gái thân yêu, và xa bà con ruột thịt, xóm làng. Có lúc Bác thấy tôi ngồi thờ thẫn, dường như suy nghĩ điều gì. Bác liền hỏi:

- Sao cháu lại buồn? Cháu nhớ mẹ à?

Bác hỏi chuyện về chị Trần Thị Vân, một người vừa là chị vừa là bạn chiến đấu thân thiết của tôi. Trước đây, có nhiều tin là chị Vân đã hy sinh, sau khi bị địch tra tấn dữ dội. Nhưng thật ra, chị đã vượt qua mọi thử thách ác liệt, bám chắc lấy cuộc sống cho đến ngày trở về với phong trào. Tôi kể cho Bác biết chị Vân đã bị giặc bắt cùng với đứa cháu gái. Bọn chúng chưa nhận được ai là Trần Thị Vân trong hai người. Thế là cô cháu gái liền nhận mình là Vân. Địch giết người cháu gái và chị Vân đã thoát khỏi bàn tay đẫm máu của chúng. Nghe tôi kể, Bác xúc động nói:

- Hành động của các cháu thật anh hùng. Phụ nữ miền Nam rất anh hùng.

Sau này, chị Vân được ra thăm miền Bắc và ở lại chữa bệnh. Chị đã được gặp Bác Hồ.

Bác biết tôi cố gắng học văn hóa, nhưng còn kém về văn. Nhiều lần tôi vào thăm Bác, Bác dặn:

- Cháu kém về văn thì phải chăm xem sách, đọc báo, đọc xã luận, nghe các chú nói chuyện. Đọc báo có đoạn nào hay thì đánh dấu vòng lại. Lúc khác cần, đọc lại. Đó là một cách học. Học từ từ, kiên nhẫn.

Bác bảo tôi tập viết thư, viết cho Bác. Một lần đi điều trị ở nước ngoài, tôi nhận lá thư đầy tình nghĩa của Bác và tôi trân trọng viết thư về thăm Bác. Tôi chỉ viết được mấy dòng cụt ngủn: "Thưa Bác, hiện nay cháu đang điều trị. Sức khỏe cháu tốt. Các bác sĩ chuẩn bị mổ vết thương cho cháu. Nghe lời Bác dặn, cháu yên tâm chữa bệnh. Bác đừng lo cho cháu"... Tôi moi óc không biết viết thêm gì nữa cho Bác vui. Các chú cười: "Sao viết ngắn thế!"

Khi về nước, tôi đến thăm Bác, được Bác khen:

- Cháu viết, văn không lòng thòng, ngắn gọn, thế là tốt. Bác nghe các chú bảo là từ lớp hai tôi đã cố gắng khắc phục khó khăn về bệnh tật, học bổ túc văn hóa hết lớp 8. Bác mừng lắm. Nhưng Bác khuyên tôi là không nên học nhiều trong lúc sức khỏe chưa vững vàng. Bác bảo: Phải nghe lời bác sĩ, chữa lành bệnh rồi hãy học. Cháu không sợ lạc hậu đâu. Miễn là ta sẵn có tinh thần.

Mỗi lần tôi vào thăm Bác, Bác thường cho tôi ăn cháo đậu xanh vì tôi không ăn được cơm. Lần nào, Bác cũng thấy tôi ăn ít quá, nhìn tôi, Bác lo lắng, thương xót, và nói:

- Cháu ăn ít lắm, phải gắng ăn nhiều hơn. Cháu còn xanh quá, cháu cố gắng ăn nhiều cho chóng khỏe! Những bữa cơm của Bác thật thanh đạm, giản dị như bữa cơm của bao gia đình chúng ta. Nhiều lúc, Bác dắt tôi đi dạo chơi trong vườn Phủ Chủ tịch. Bác không đưa tôi đi trên những con đường sỏi vì Bác biết chân tôi dẫm trên sỏi thì ảnh hưởng đến vết thương trên đầu. Bác chỉ cho tôi những cây dừa, cây bưởi, cây cam Bác trồng.

Tôi thường đeo một sợi dây chuyền giấu kín trong cổ áo. Sợi dây chuyền không làm tăng vẻ đẹp, không che được những vết sẹo do địch gây nên trên cổ, trên vai tôi, nhưng đó là sợi dây gắn bó hai đứa chúng tôi trong cuộc chiến đấu chung, một mất một còn với quân thù xâm lược. Tôi thưa với Bác, tôi đã viết thư về nhắn với người yêu nhiều lần rằng: Anh hãy quên Lý đi vì thân thể Lý bị tàn phế rồi. Anh nên xây dựng gia đình với người khác để bảo đảm hạnh phúc...". Nhưng anh không chịu. Anh vẫn đợi chờ! Bác dạy tôi rằng: - Ăn ở phải có tình, tình nhà, nghĩa nước, tình yêu thương giai cấp. Phải có tấm lòng chung thủy. Bác rất vui khi nói đến các mối tình chung thủy. Một hôm, Bác nghe tin người yêu của tôi đã ra miền Bắc, Bác tặng cho tôi hai trái táo để mang về cho người yêu một trái.

Có lần bác sĩ thấy bệnh tình của tôi kéo dài do vết thương ở bụng vẫn thường rỉ máu và cho biết nếu mổ dạ con thì đỡ ảnh hưởng đến sức khỏe. Tôi muốn mổ cho đỡ khổ nhưng nghe vậy Bác không đồng ý. Bác nghĩ đến tương lai hạnh phúc của đời tôi. Tình thương của Bác đối với tôi thật không bờ bến. Tôi hiểu rằng Bác dành tình thương đó không chỉ riêng cho tôi mà cho toàn thể phụ nữ, thanh niên và đồng bào miền Nam gian khổ đi trước về sau.
Tôi còn nhớ một chiều xuân 1968, tôi lại được vào thăm Bác. Các chú cho tôi đến trước giờ hẹn. Bác đang làm việc trên chiếc nhà sàn đơn sơ. Tôi rón rén vào đứng sau lưng Bác. Bác đã biết, nhưng không quay lại, Bác bảo:

- Lý đó à. Cháu chờ Bác làm việc xong, một tí thôi!

Tôi thưa với Bác: Thưa Bác! Bác làm việc nhiều quá. Tuổi Bác ngày càng cao. Bác giữ gìn sức khỏe để vào thăm đồng bào miền Nam... Bác xúc động nói:

- Bác phải làm việc nhiều thì miền Nam mau thống nhất, Bác sẽ vui nhiều, khỏe nhiều.

Tôi ứa hai hàng nước mắt và thẫn thờ ngồi nhìn Bác làm việc, lòng nghẹn ngào, không dám nói thêm với Bác một lời nào. Ôi, suốt cuộc đời của Bác, Bác đã đặt hết tâm lực vào cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Từng giờ, từng phút, Bác lo cho miền Nam. Bác đã hy sinh hạnh phúc cá nhân vì nghĩa cả dân tộc.

Theo Trần Thị Nhâm

(Tức Trần Thị Lý, Anh hùng LLVTND, trích từ sách Bác Hồ với đất Quảng, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tr.170-178).

Tâm Trang (st)



Bài viết khác: