Trong không khí những ngày tháng 4 lịch sử, cả dân tộc ta lại hân hoan kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những giây phút hào hùng của lịch sử đã truyền mãi suốt 43 năm không bao giờ phai nhạt. Cả đất nước liền một dải, không niềm vui nào vui hơn ngày đại thắng của dân tộc. Những ngày này, những người con đất Việt nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cả tình cảm thiêng liêng, lòng biết ơn vô hạn. Dẫu Người không được chứng kiến Ngày miền Nam giải phóng, ngày dân tộc được toàn vẹn nhưng nhân dân miền Nam mãi mãi nhớ về Người với một tình cảm thiết tha, không gì có thể đong đếm được. Tình cảm ấy đã bước vào văn chương, nghệ thuật một cách nhẹ nhàng, sâu lắng mà tinh tế, đượm tình.
Cố Nhạc sỹ Lưu Cầu
Thấu hiểu được tình cảm sâu đậm đặc biệt giữa Người và nhân dân miền Nam, nhiều nghệ sỹ đã dùng những câu chữ, những nốt nhạc, âm điệu của nghệ thuật để ngân vang lên tình cảm cao đẹp đó. Đặc biệt là sau những ngày tháng đau buồn của đất nước - Bác mãi mãi ra đi, đã có không ít các bài hát nói lên tình cảm của những người con phương Nam dành cho Bác. Và một ca khúc không thể nào không nhắc tới đó chính là “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” đã được Nhạc sỹ Lưu Cầu hoàn thành chỉ khoảng một tuần sau ngày Bác mất. Bài hát chính là nỗi lòng thương nhớ khắc khoải miền Nam của Bác, hay đó cũng là tình cảm thiết tha mà những người con miền Nam muốn gửi trọn đến Người.
Mở đầu ca khúc chính là lời khẳng định tình cảm của nhân dân miền Nam bằng tất cả lòng biết ơn thiết tha:
Dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn
Miền Nam ơi! Miền Nam nhớ mãi ơn Người, ơn Người thiết tha”.
Có nghe khúc dạo đầu này mới cảm nhận được những câu hò điệu lý mang đậm đặc trưng của miền Nam. Hai câu hò da diết, làm cho người nghe có thể cảm nhận được nỗi nhớ thương mà dân miền Nam dành cho Người như thế nào. Dù cho núi có mòn, nước sông có cạn, mặc cho thời gian dài chia cắt thì nhân dân miền Nam vẫn luôn ghi nhớ ơn Người.
“Hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người
Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi
Miền Nam anh dũng ở trong tim Người”.
Nhớ lại những năm tháng lịch sử, kể từ khi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, Người chưa chưa về thăm lại miền Nam nhưng hình ảnh "miền Nam”, con người miền Nam anh dũng vẫn luôn trong tim của Người. Nếu như những người con miền Nam nhớ mong Người tha thiết dù cho sông cạn, núi mòn thì Bác cũng luôn hướng về trời Nam, như người cha đang thương nhớ đứa con chiến đấu phương xa “Không phút giây nào nguôi”.
Từng lời hát vang lên như chính nỗi lòng của Bác, làm cho người nghe không khỏi bồi hồi xúc động. Tình cảm ấy không gì so sánh được, luôn khắc sâu trong tim của Người, khiến Người “thương nhớ ngày đêm”. Niềm thương nỗi nhớ ấy như được chứng minh rõ hơn khi vang lên những câu hát tiếp theo: “Dù núi Chư Pông hay bến Sài Gòn, sông Trà, sông Hương, Đồng Tháp Mười” thì vẫn luôn trong lòng Người. Những địa danh ấy là niềm yêu thương, tự hào của Bác về tinh thần chiến đấu dũng cảm của nhân dân nơi đây. Sự hy sinh anh dũng của nhân dân nơi đây đã góp phần làm nên thành quả vĩ đại sau này của đất nước.
“Nay Bác Hồ ra đi non sông còn nhớ lời
Không có gì quý hơn độc lập tự do
Đời đời ghi nhớ công ơn của Người”.
Người ra đi bằng tất cả lòng thương dân yêu nước. Khi Người ra đi mãi mãi sang thế giới bên kia, cả nước đau buồn, xót xa, nhân dân hai miền Nam Bắc đều vang lên tiếng khóc. Tiếng khóc là nước mắt của sự nhớ thương tiếc nuối, thế nhưng những giọt nước mắt ấy sẽ không làm vơi đi ý chí chiến đấu của nhân dân hai miền. Sống trong đau buồn càng làm cho đất nước kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn để tiếp tục cuộc chiến. Dù Bác đã ra đi nhưng lời nói của Bác vẫn còn âm vang giữa đất trời "Không gì quý hơn đất nước độc lập tự do". Chính những lời đó như động lực thôi thúc nhân dân ta càng quyết tâm chiến đấu để giành độc lập cho Tổ quốc. Và giờ đây, khi hai miền Nam Bắc thống nhất một nhà, đất nước sạch bóng quân thù thì công ơn của Người nhân dân đời đời ghi nhớ. Nếu như đoạn đầu của bài hát nhắc nhiều đến nỗi lòng của Bác dành cho miền Nam, thì đoạn sau lại là tình cảm sắt son của miền Nam dành cho Người.
“Dẫu núi có mòn mà sông kia có cạn.
Miền Nam ơi! Miền Nam nhớ mãi lời thề, lời thề sắt son.”
Bác ra đi giữa lúc cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước chưa thành công nhưng nhân dân miền Nam vẫn một lòng với Bác, vẫn giữ trọn lời thề sắt son, quyết tâm chiến đấu đánh đuổi quân thù. Câu hò vang lên như lời của núi sông bờ cõi, như tiếng của con người miền Nam đang nguyện chung sức, chung lòng chiến đấu vì ngày mai tươi sáng Người ra đi nhưng tấm lòng Bác vẫn còn mãi trong tâm trí của mỗi người dân, hình ảnh Bác vẫn mãi in sâu vào non nước quê hương. Và những câu hát tiếp theo như minh chứng cho điều ấy.
“Mây trắng Trường Sơn quanh năm thương nhớ Người
Sóng nước Cửu Long không phút giây nào nguôi
Niềm thương nhớ Bác đến muôn đời”.
Đúng như tính cách chân chất của những người dân miền Nam, tình cảm của những người con miền Nam gửi đến Bác là vậy đó! Tình cảm ấy không cầu kỳ phức tạp mà đơn giản bình dị nhưng cũng thật đậm đà. Niềm thương, nỗi nhớ ấy như một bức tranh phong cảnh tuyệt vời. Bức tranh ấy được vẽ lên bởi "mây trắng Trường Sơn, sóng nước Cửu Long”, tất cả như hòa quyện vào nhau để cùng cất lên bài ca thương nhớ Bác. Những hình ảnh ấy đều là những đặc trưng cho đất trời phương Nam, những hình ảnh ấy không chỉ là sự thương nhớ Bác mà còn thể hiện lòng biết ơn Bác đến muôn đời. Và cứ thế những lời hát được cất lên, dần dần đi sâu vào trong trái tim người nghe.
“Cùng với non cao vang tiếng trầm hùng
Biển rộng bao la đêm ngày vang câu ca
Muôn trái tim thề xin nhớ ơn Người, làm theo lời của Người
Ta quét sạch xâm lăng cho quê nhà yên vui
Nam Bắc kề vai chiến đấu ta xây ngày mai”.
Lời ca như khẳng định nỗi lòng của hàng triệu trái tim Việt Nam đang ngày đêm nhớ thương Người và luôn giữ vững lời thề làm theo lời Bác dặn. Những lời dặn của Bác “quét sạch xâm lăng cho quê nhà yên vui”, "Nam Bắc kề vai chiến đấu ta xây ngày mai", như khắc sâu vào tâm trí của mỗi người dân, khiến cho lòng người càng quyết tâm hơn nữa để xây ngày mai. Và cuối cùng thì cái “ngày mai” tươi sáng cũng đã đến, thế nhưng giờ đây Bác đã vĩnh viễn ra đi. Người ra đi khi chưa được thấy nhân dân hai miền cùng cất cao tiếng hát độc lập tự do. Song Bác vẫn luôn sống mãi với con sông đất nước, với con người Việt Nam và với tất cả những trái tim thương nhớ đong đầy tình cảm.
Những ca khúc thắm đượm tình cảm như “Miền Nam nhớ mãi ơn Người” của Nhạc sỹ Lưu Cầu mỗi khi được ngân vang lại thổn thức triệu triệu trái tim của những người con đất Việt vẫn luôn in bóng hình Bác trong tâm trí.
Phương Ngân