Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 20/01/2025

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam. Sự vĩ đại của Hồ Chí Minh không chỉ trên bình diện tư tưởng, mà còn thể hiện bởi chính tấm gương đạo đức ngời sáng. Bài viết đề cập đến nguồn gốc, vai trò, nội dung cốt lõi của tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người, qua đó góp phần hiểu rõ di sản của Hồ Chí Minh về đạo đức.

Nguyen Ai Quoc phat bieu tai Dai hoi Dang Xa hoi Phap
Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp

  1. Sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng

Đạo đức Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam; tinh hoa triết học và văn hóa phương Đông, phương Tây; tư tưởng, tấm gương đạo đức của C. Mac, Ph. Angghen, V. I. Lenin; từ thực tiễn đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, và từ chính bản thân cuộc đời hoạt động cách mạng của Người vì mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Trong các nhân tố thuộc về tinh hoa triết học và văn hóa phương Đông, Nho giáo Trung Hoa góp phần rất quan trọng trong việc hình thành những phạm trù đạo đức xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng vận dụng, Người nói: “Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử”(1). Về căn bản, đạo Khổng chỉ là sự bình yên trong xã hội không bao giờ thay đổi.

Một bước ngoặt trong quá trình hình thành tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chính là việc Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Con đường ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh xuất phát từ một ý thức đạo đức cao cả vì dân, vì nước, trên con đường đó, Người tìm đến với Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lenin.

Luận cương của V. I. Lenin đóng vai trò quyết định đối với sự hình thành tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giải đáp cho Người những vấn đề cơ bản nhất về mục tiêu và con đường cách mạng Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản; về phương pháp tiến hành cách mạng ở thuộc địa, Cách mạng Tháng Mười năm 1917 của nước Nga không chỉ giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động nước mình thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của phong kiến, tư sản mà còn tuyên bố giúp tất cả các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên tháo bỏ gông cùm nô lệ, tiến bước trên con đường văn minh. Luận cương của V. I. Lenin đưa ra thông điệp của tình đoàn kết giữa những người lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới xích lại gần nhau trong sự nghiệp giải phóng. Người ca ngợi V. I. Lenin và khẳng định: “Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các nước thuộc địa”(2). Như vậy, học thuyết của V. I. Lenin không chỉ lay động ý thức tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh mà còn tạo ra một bước ngoặt về nguồn gốc hình thành tư tưởng đạo đức của Người, khiến cho tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh từ nay không chỉ bao gồm những yếu tố xuất phát từ truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc mà còn tiếp cận với mục tiêu giải phóng cả nhân loại đau khổ, một ý tưởng trước đây dường như chỉ là một ước mơ chưa thấy ở hiện thực.

Trong bối cảnh kháng chiến, kiến quốc giành độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng phát triển hình thành nền tảng một hệ thống tư tưởng đạo đức mới. Đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng là đạo đức mới, đạo đức cách mạng khác với đạo đức cũ: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân”(3). Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được thực hiện và lan tỏa trong mỗi con người và toàn xã hội, bởi chính bản thân Người và Đảng ta đã nêu cao tấm gương đạo đức tận trung với nước, tận hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhất là tinh thần tu dưỡng, rèn luyện trong việc chống chủ nghĩa cá nhân, xây dựng ý thức vì tập thể, vì dân, vì nước.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kế thừa những quan điểm, tư tưởng đạo đức của dân tộc và nhân loại, đó không phải là sự cộng sinh, sự lắp ghép các quan điểm đạo đức khác nhau mà là dựa trên cơ sở tư tưởng đạo đức cũ, đạo đức truyền thống đã hình thành hàng nghìn năm. Người thực hiện một cuộc cách mạng về đạo đức và xây dựng, phát triển một hệ thống tư tưởng đạo đức mới, làm biến đổi về căn bản những phạm trù và mệnh đề đạo đức quen thuộc trước đây.

  1. Về vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”(4); “khi gặp thuận lợi, thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”(5).

Đặt lợi ích của tập thể, đất nước lên trên lợi ích cá nhân, Người yêu cầu ở mỗi đảng viên, đồng thời còn là thước đo, là tiêu chí để đánh giá phẩm chất cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong các giai đoạn cách mạng, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đạo đức cách mạng là ở bất kỳ cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng, một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đạo đức cách mạng là đạo đức tập thể, nó phải đánh thắng và tiêu diệt đạo đức cá nhân”(6). Có thể xem đó là một định nghĩa chung nhất về khái niệm đạo đức cách mạng. Khi bàn về tư cách của đảng viên và cán bộ, Người nói: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra, lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến bộ đến chỗ chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ càng ít, mà những tính tốt như càng thêm. Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm có 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm”(7).

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của đạo đức cách mạng, suốt đời Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì giáo dục cán bộ, đảng viên phải giữ gìn đạo đức cách mạng. Người cho rằng trong đầu óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái “thiện” và cái “ác” hoặc nói theo cách mới là sự đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân. Người nói: “Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu”, “trong xã hội cũng có thiện và ác”. Từ quan niệm về thiện và ác, chính và tà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra yêu cầu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức làm cho phần chính, phần thiện trong mỗi người tăng thêm, để phần tà, phần ác của mỗi người bớt dần đi: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(8). Từ đó, Người đề ra nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nguyên tắc nêu gương và tu dưỡng đạo đức cá nhân và thi đua “người tốt, việc tốt”. Với quan điểm trên, ngay cả người có đạo đức cách mạng cũng không phải là cái bất biến, người có đạo đức cách mạng vẫn có thể trở thành người vô đạo đức nếu bản thân họ không kiên trì học tập, tu dưỡng và rèn luyện suốt đời. Vì vậy, có người hôm qua còn là người cách mạng thể hiện rõ tấm gương hy sinh, gương mẫu về đạo đức thì hôm nay họ đã trở thành người có tội với cách mạng, mặc dù tài năng của họ vẫn còn đó, nhưng không có tác dụng, bởi lẽ họ quên mất phương pháp tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(9).

Khi đánh giá vai trò, vị trí của đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là nền tảng vì liên quan tới Đảng cầm quyền. Người trăn trở với nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền, trong đó nghiêm trọng nhất là sự sai lầm về đường lối và sự suy thoái về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Đảng cầm quyền thì Đảng có quyền lực về chính trị, lãnh đạo toàn xã hội, lãnh đạo nhà nước, cán bộ, đảng viên không tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng thì mặt trái của quyền lực có thể làm tha hóa con người nắm quyền lực. Vì vậy, Người đã căn dặn phải xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch vững mạnh, để Đảng là đạo đức, là văn minh...

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới việc xây dựng Đảng. Người mong muốn và căn dặn cán bộ, đảng viên trước lúc đi xa: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(10).

  1. Nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân; yêu thương con người; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng…

Trung với nước, hiếu với dân là nội dung cơ bản, là phẩm chất mang tính bao trùm của đạo đức cách mạng. Khác với quan niệm đạo đức Nho giáo cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa vào nội dung mới cho nền đạo đức mới: “Trung với nước, hiếu với dân” là mối quan hệ với đất nước, với dân tộc, thể hiện trách nhiệm đối với sự nghiệp dựng nước, giữ nước và sự phát triển của đất nước, đó là phẩm chất đạo đức chuẩn mực nhất. Trong Di chúc, Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(11).

Yêu thương con người là phẩm chất đạo đức cách mạng cao đẹp nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, đem lại tự do, hạnh phúc cho những người lao động nghèo khổ. Theo Người, đạo đức cách mạng đi đến đích cuối cùng phải là để cho con người phát triển nhân cách toàn diện. Ham muốn lớn nhất của Người là nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

Trong Di chúc, Người căn dặn đầu tiên là công việc đối với con người. Một trong những điều làm nên dấu ấn, sức sống lớn lao của Di chúc là những tư tưởng nhân văn cách mạng ngời sáng và đầy giá trị nhân bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vấn đề con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tình thương yêu đối với mọi tầng lớp người trong xã hội. Trong Di chúc, Người căn dặn Đảng, Nhà nước cần quan tâm đến các đối tượng cụ thể: Nông dân, thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thanh niên, thiếu niên, phụ nữ, các nạn nhân của chế độ cũ…

Đối với những người đã hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng và Chính phủ phải tìm mọi cách để cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ dần dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sỹ thì phải xây dựng tượng đài, vườn hoa để ghi nhớ công ơn và đời đời giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sỹ thì phải quan tâm, giúp đỡ để họ không bị đói rét.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức và tài năng cho các thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Người yêu cầu sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh và đặc biệt là chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục tinh thần yêu nước cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(12).

Vượt lên trên các nhà cách mạng cùng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ ở nước ta. Người đã thức tỉnh phụ nữ giải phóng chính mình, tham gia giải phóng dân tộc. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”(13).

Đối với những người lầm đường lạc lối, Người dạy phải khoan hồng, Người tin rằng người Việt Nam nào cũng yêu nước, muốn đất nước độc lập thống nhất, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(14). Vì lòng nhân ái cao cả đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giáo dục, cảm hóa được mọi người, đoàn kết toàn thể dân tộc đi chung một con đường.

Cuối cùng, trong Di chúc, Người “để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng” và “gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các thanh niên nhi đồng quốc tế”(15).

Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư là chuẩn mực đạo đức của người cách mạng, giải quyết mối quan hệ “với tự mình”. Đó là các đức tính cần có của người cách mạng, tất yếu như tự nhiên có bốn mùa của trời; bốn phương của đất; người cách mạng cần có cần kiệm liêm chính, cần có chí công vô tư. Người cách mạng phải chí công vô tư, có chỗ Người dùng “dĩ công vi thượng”, “thiết diện vô tư”… không nên “tư thù, tư oán”, “kéo bè kéo cánh”, “địa phương chủ nghĩa”… Trong Di chúc, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”(16).

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đề ra cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư mà Người còn thực hành chúng trên hết, trước hết. Lúc sống thì thanh bạch và giản dị, lúc sắp đi xa, đối với việc hậu sự của mình, Người yêu cầu: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi phải lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân”(17), thi hài thì nên đốt đi để “đối với người sống tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”(18). Dẫu sắp không còn trên đời này nữa, Người vẫn luôn quên mình và nghĩ đến nhân dân, đến những điều tích cực cho người sống, vẫn nhắc nhở đến việc trồng cây để “lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm có chỗ nghỉ ngơi”(19).

Đạo đức cách mạng còn thể hiện ở tinh thần quốc tế trong sáng. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản thế giới. Trước những bất hòa giữa các nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và Trung Quốc lúc bấy giờ, Người cảm thấy đau lòng “vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em!”(20). Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động tích cực (viết thư khuyên Mao Trạch Đông, điện đàm, trao đổi thư từ với N. Khơrútxốp) để hòa giải những bất hòa đó trong sự phức tạp của tình hình quốc tế. Với một tinh thần trong sáng, trước khi đi xa, Người hy vọng “Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”(21). N.Khơrútxốp trong Hồi ký của mình từng viết: Hồ Chí Minh là “vị thiên sứ cách mạng”, là “vị thánh cộng sản”, bởi những hoạt động không mệt mỏi của Người cho phong trào cộng sản quốc tế.

  1. Đạo đức Hồ Chí Minh - tấm gương sáng cho muôn đời sau

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của nhân dân Việt Nam không chỉ trên bình diện tư tưởng, mà còn thể hiện bởi chính tấm gương đạo đức “vô cùng cao đẹp và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của một con người vĩ đại “suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Điếu văn của Đảng ta tại Lễ truy điệu Người đã khẳng định: “Cả cuộc đời vĩ đại của Hồ Chủ tịch là tấm gương mãi mãi sáng ngời chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn giản dị”(22).

Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ là người lãnh đạo, là công bộc, suốt đời phục vụ nhân dân. Trong Di chúc, khi nói về bản thân mình, Người dùng đến hơn 10 lần từ “phục vụ”, không hề dùng một từ nào có ý nói mình là người lãnh đạo, hay đứng cao hơn mọi người. Người chỉ tiếc một điều: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(23).

Những quan điểm, tư tưởng và tấm gương của Người về đạo đức cách mạng đã trở thành những chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam mới, là vũ khí chống lại sự tha hóa về đạo đức và các hiện tượng phi đạo đức trong xã hội hôm nay. Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức đã đạt đến sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa lý luận và thực tiễn, suy nghĩ với hành động, giữa việc công cũng như đời tư và Người làm trước tiên để nêu gương cho người khác, từ việc lớn đến việc nhỏ. Người nêu gương, tấm gương ấy có sức lan tỏa kỳ diệu, nó lay động người khác, làm chuyển biến người khác, làm thay đổi tâm tính con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy đạo đức chủ yếu bằng nêu gương, bằng hành động, đưa con người vào tình huống để người ta suy ngẫm, thức tỉnh, tránh được cái gọi là lý thuyết suông, không có sức thuyết phục. Người căn dặn: Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là kinh thánh mà là một phương pháp, là kim chỉ nam hành động, chúng ta học chủ nghĩa Mác - Lênin cốt là nắm lấy tinh thần và phương pháp để ứng xử với con người và công việc. Di chúc đã khép lại các trước tác của Hồ Chí Minh nói chung và về đạo đức cách mạng, nhưng tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức của Người mãi mãi như vì sao sáng lấp lánh trên bầu trời Việt Nam và nhân loại./.

----------------------

Lê Thị Thu Hồng
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Theo tcnn.vn
Huyền Trang (st)

Ghi chú:

(1) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2011, tr.461.

(2) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H.2011, tr.234.

(3) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, H.2011, tr.220.

(4),(5),(8) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.602, tr.603, tr.612.

(6) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, H.2011, tr.90.

(7) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2011, tr.291.

(9),(10),(11),(12),(13),(14),(15),(16),(17),(18),(19),(20),(21),(23) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr.672, tr.611, tr.621-622, tr.616-617, tr.617, tr.617, tr.624, tr.622, tr.623, tr.613, tr.613, tr.623, tr.623, tr.623.

(22) Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, H.2011, tr.629.

Bài viết khác:

Bài viết liên quan: