“Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy đã đi xa nhưng lời cảnh tỉnh đó của Người vẫn còn nguyên giá trị đối với dân tộc, Đảng và nhân dân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bởi những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế và toàn cầu hóa, cùng với quá trình hội nhập, các trào lưu tư tưởng xấu du nhập vào Việt Nam đã và đang chi phối đến tư tưởng và hành động của không ít cán bộ, đảng viên khiến cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, xa vào tham ô, tham nhũng... Điều đó làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, việc nghiên cứu, học tập và quán triệt những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống tham nhũng - một cuộc đấu tranh có tính chất sinh tử cả trước mắt cũng như lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Với gần 700 từ, tác phẩm đã đề cập tới vấn đề quan trọng nhất đối với người cách mạng và Đảng cách mạng, nhất là khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền. Đó là vấn đề tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân.

quyet sach CN ca nhan

1. Chủ nghĩa cá nhân - cội nguồn của sự suy thoái

Mở đầu tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là những dòng tổng kết ngắn gọn về truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam, mà tiêu biểu là của cán bộ, đảng viên do Đảng lãnh đạo. Tuy nhiên, bên cạnh những “bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng” thì vẫn còn một số ít cán bộ đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình””2. Chủ nghĩa cá nhân chính là sự biểu hiện tập trung nhất của suy thoái đạo đức, lối sống, trở thành nguy cơ lớn của đảng cầm quyền. Chủ nghĩa cá nhân luôn hướng theo chủ nghĩa vị kỷ, tôn thờ “cái tôi”, coi nhẹ cái “chúng ta”, lấy mục tiêu “mọi người vì mình” làm mục đích sống, làm phương châm đối nhân xử thế. Nó không chỉ ảnh hưởng tới từng cá nhân, đối với dân tộc mà còn làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một kẻ thù nguy hiểm ngăn cản chúng ta đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng.

Với tính phê phán nghiêm khắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện và hậu quả của chủ nghĩa cá nhân. Người viết: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ” và “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”3. Nguyên nhân sâu xa, bao trùm của các biểu hiện trên được Hồ Chí Minh chỉ rõ đó là chủ nghĩa cá nhân - một thứ trở lực nằm ngay trong mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi con người, là một nguyên nhân gốc gây ra bao khuyết điểm, sai lầm và các trở lực khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi. Tất cả những lỗi lầm nói trên đều là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân”4. Người kết luận: “Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”5. Vì vậy, cần phải quét sạch những rác rưởi bẩn thỉu, những biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống để làm trong sạch Đảng để Đảng xứng đáng là “đạo đức, là văn minh”.

Chủ nghĩa cá nhân không ở đâu xa lạ mà nó vốn có trong mỗi con người, chỉ có điều phải cảnh giác, phải luôn tỉnh táo để đề phòng và phải chiến thắng nó. Chính lúc cách mạng thành công, Đảng giành được chính quyền, các đảng viên giữ những chức vụ khác nhau trong bộ máy nhà nước, trực tiếp lãnh đạo quần chúng nhân dân cũng là lúc chủ nghĩa cá nhân có điều kiện bộc lộ và nảy nở. Vì thế, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, lâu dài và gian khổ bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội. Cuộc đấu tranh đó không kém cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ngoại xâm, bởi lẽ chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không lộ nguyên hình, nó ẩn nấp trong tư tưởng, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân. Hồ Chí Minh khẳng định “Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”6.

Trong điều kiện cơ chế thị trường, những mặt trái của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã tác động mạnh vào tư tưởng, gây nên những đảo lộn về thang giá trị của phẩm chất đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên. Lối sống thực dụng chạy theo đồng tiền, muốn làm giàu nhanh bằng mọi cách đã trỗi dậy trong suy nghĩ và hành động của một số cán bộ, đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân không chỉ xuất hiện, thậm chí gay gắt trong xã hội mà còn nảy sinh, lây lan, thẩm thấu vào trong Đảng, từ cá nhân đảng viên đến tổ chức đảng ở các cấp và có nhiều biểu hiện, biến thể mới. Có không ít cán bộ, đảng viên đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, sự quản lý lỏng lẻo của tổ chức Đảng và Nhà nước để làm giàu bất chính. Một số cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền tham ô, lãng phí, gây thất thoát lớn tiền của của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên trong các cơ quan bảo vệ pháp luật đã thoái hóa, biến chất, cố ý tiếp tay cho bọn buôn lậu, thậm chí những băng nhóm tội phạm, tổ chức xã hội đen, lợi dụng chức quyền gây hậu quả nghiêm trọng, gây bất bình trong nhân dân trong đó có cả những cán bộ cao cấp như Ủy viên Trương ương Đảng, tướng lĩnh, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh, anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, đại biểu Quốc hội… Đó là nguyên nhân dẫn đến tệ tham nhũng ngày càng gia tăng, là nguồn gốc của tình trạng đảng viên đông nhưng chưa mạnh, niềm tin của quần chúng đối với Đảng bị suy giảm. Tất cả những biểu hiện này lần đầu tiên được Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra một cách cụ thể, có hệ thống trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII (10-2017). Có thể nói 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Hội nghị nêu ra chính là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân đã được Hồ Chí Minh phê phán trong hàng loạt các bài báo, bài nói chuyện, trong các tác phẩm lý luận và đặc biệt là trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Cơ hội chính trị và suy thoái đạo đức đi đôi với nhau, vừa là nguy cơ để phòng tránh, vừa là một hiện trạng đã bộc lộ với tất cả sự nguy hiểm của nó. Cố nhiên, sự suy thoái đạo đức trong một bộ phận xã hội, hay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên cũng là việc thường xảy ra trong xã hội, bởi vì con người sinh ra vốn có “thiện” và “ác” ở trong lòng, gặp hoàn cảnh tốt, cái thiện sẽ thắng, gặp môi trường xấu, cái ác sẽ nổi lên. Do đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhấn mạnh nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng hàng đầu trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

2. Tham nhũng - một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân

Tham nhũng là hiện tượng gắn liền với quyền lực và sử dụng quyền lực trong xã hội, nhưng những người có quyền thường sử dụng sai quyền lực vì vụ lợi cho mình hoặc đối tượng khác có liên quan. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ”7. Ngoài những tổn thất to lớn về kinh tế, tham nhũng còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm mất đi mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân, làm cho các chủ trương chính sách bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và là tiền đề của mọi sự mất ổn định xã hội, là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ. Đối với kẻ thù, nạn tham nhũng chính là cơ sở và mục tiêu để chúng công kích, bôi xấu chế độ, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.

Nhận rõ tính chất nguy hại của tệ nạn này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”8. Chính vì vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đến nay đã thi hành kỷ luật hơn 500 tổ chức đảng và 35 ngàn đảng viên vi phạm, trong đó 1.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ, đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 11 đồng chí là Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, khai trừ Đảng 1 đồng chí Ủy Viên Trung ương - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều đồng chí là tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang9. Trước tình hình ấy, việc quyết tâm thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để tự giáo dục, rèn luyện đảng viên để Đảng xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ” thật trung thành của nhân dân.

Là cán bộ, công chức nhà nước thì dù ít, dù nhiều đều có quyền hành. Cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Có quyền mà thiếu lương tâm, không chịu tu dưỡng rèn luyện thì dễ trở nên hủ bại, dễ biến thành sâu mọt của dân, dễ “dĩ công vi tư”. Vì vậy, tham nhũng theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, là căn bệnh của những người có quyền lực, lạm dụng quyền lực cộng với lòng tham để nhũng nhiễu dân. Đó là bệnh của cán bộ, công chức. Muốn chống tham nhũng trước hết là chống tham quyền, vì tham quyền là gốc của lợi. Chống tham nhũng phải bằng giáo dục, công tác tư tưởng. Nhưng chỉ có giáo dục đạo đức không thôi thì không thể xóa bỏ được tham nhũng mà phải kết hợp chặt chẽ với pháp luật, mà quan trọng là tính khoa học và minh bạch của bộ máy; đồng thời phải dùng cả pháp trị với tính nghiêm minh của pháp luật. Hồ Chí Minh khẳng định “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì. Mỗi người phải nhận rằng, tham lam là một điều rất xấu hổ, kẻ tham lam là có tội với nước, với dân”10.

Xét cho đến cùng, tham nhũng chính là “chủ nghĩa cá nhân” được trá hình dưới muôn hình vạn trạng, nó là nguy cơ lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Cần phải có một tinh thần sắc bén cách mạng, một ý chí cảnh giác thường trực và cao độ. Đặc biệt, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải “nâng cao đạo đức cách mạng” - một phương thuốc hiệu nghiệm, một “thần dược” để chống lại tham nhũng, tham ô và chủ nghĩa cá nhân.

3. Giá trị của “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” trong việc phòng, chống tham nhũng hiện nay

Tham nhũng là hành vi những người có chức, có quyền lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt của công, tiền bạc, đất đai, tài sản của nhà nước, của tập thể, biến chúng thành của cải, tài sản của mình. Ngày nay, tham nhũng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự rối loạn ở nhiều quốc gia, mất chính quyền của nhiều đảng chính trị. Bởi vậy, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, một cuộc đấu tranh bền bỉ, dai dẳng, đầy khó khăn, gian khổ, phức tạp. Chỉ có đấu tranh với tham nhũng, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi tham nhũng mới củng cố, tăng cường được khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đấu tranh chống tham nhũng là để bảo vệ kỷ cương phép nước, bảo vệ đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc, bảo vệ công bằng, bình đẳng xã hội, bảo vệ môi trường thuận lợi, lành mạnh cho phát triển đất nước.

Để đấu tranh chống lại tham nhũng, tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đã chỉ ra những biện pháp cụ thể, toàn diện và kiên quyết từ hai góc độ: Tổ chức Đảng và sự tự ý thức, rèn luyện của cán bộ đảng viên. Các biện pháp này trở thành những vấn đề mang tính sống còn, những nhiệm vụ bắt buộc để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Thứ nhất, đối với tổ chức Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”11.

Trước hết, để quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh chống lại tham nhũng, Đảng phải tiến hành các giải pháp về chính trị, tư tưởng, tổ chức từ trong Đảng nhằm làm cho Đảng là môi trường cho sự hoàn thiện đạo đức cách mạng của đảng viên, là nơi không có bất cứ điều kiện và cơ hội nào cho chủ nghĩa cá nhân phát tác. Muốn vậy, cần thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng, thường xuyên đấu tranh tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén và rất cần thiết. Khẳng định vai trò của mỗi cá nhân đảng viên đối với việc rèn luyện đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương thức tự phê bình và phê bình như là yếu tố cơ bản để hoàn thiện nhân cách người đảng viên. Thực hiện được tự phê bình và phê bình sẽ giúp cho mỗi người làm chủ được bản thân, điều chỉnh được hành động và giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội. Người cũng chỉ rõ, tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau, trong đó, tự phê bình phải được thực hiện thường xuyên và nghiêm chỉnh để tự nhìn lại bản thân, thấy ưu điểm để phát huy, thấy nhược điểm để sửa chữa. Con người tốt là con người luôn nhìn nhận đúng mình và luôn đặt hướng tu thân cho chính mình và luôn biết tự phê bình mình để không phạm vào những tội lỗi. Và khi nhận ra cái sai của mình thì thấy lương tâm hổ thẹn, hổ thẹn với người thân, hổ thẹn với bạn bè. Phê bình cũng là để tự phê bình. Bởi, qua phê bình đồng chí mà mỗi người có thể nhìn lại mình một cách đầy đủ hơn. Tiếp thu phê bình một cách chân thành cũng là tự phê bình một cách nghiêm túc. Nói tóm lại, thực hiện thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình là một trong những cách thức hữu hiệu để chống lại chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân”12.

Thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian vừa qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng và đảng viên nhằm đấu tranh phòng, chống những biểu hiện của sự suy thoái, biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tham ô, tham nhũng. Việc đưa ra ánh sáng nhiều vụ án lớn gây thất thoát tài sản của Nhà nước, lợi dụng chức vụ trong khi thi hành nhiệm vụ… là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước. Bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 12/2018), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Tiếp tục tinh thần không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, năm 2018, đã xử lý nhiều cán bộ cấp cao, kể cả cán bộ nghỉ hưu, cán bộ trong các cơ quan bảo vệ, thực thi pháp luật, sĩ quan cấp tướng thuộc các lực lượng vũ trang, có những trường hợp bị tước các danh hiệu, xử lý hình sự… Song vì sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, sự thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và sẽ còn tiếp tục làm trong thời gian tới”13. Điều đó đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.

Thứ hai, đối với mỗi cán bộ đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”14.

Kinh nghiệm chỉ ra rằng, khi cuộc sống của con người chỉ quẩn quanh trong những lo toan nhỏ bé cho cá nhân mình và cho gia đình mình, khi ý thức trách nhiệm và tình cảm đối với cộng đồng xã hội bị tàn lụi, khi con người không thường xuyên tiếp nhận những sự giúp đỡ, sự kiểm tra và giám sát của xã hội, thì ý thức đạo đức sẽ suy yếu dần và chủ nghĩa cá nhân có điều kiện phát triển. Chính vì vậy, việc tạo ra những cơ chế, chính sách buộc mỗi cán bộ, đảng viên phải trở thành hạt nhân trong phong trào quần chúng và phải thường xuyên tiếp nhận sự kiểm tra, giám sát của quần chúng nhân dân sẽ là biện pháp hữu hiệu nhằm nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Sự tu dưỡng thường xuyên lập trường, tư tưởng và phẩm chất đạo đức cách mạng của từng đảng viên là nhân tố đảm bảo cho Đảng vững mạnh và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Thật vậy, muốn quét sạch chủ nghĩa cá nhân, quét sạch tham ô, tham nhũng thì các cấp ủy và tổ chức đảng, cán bộ đảng viên và nhân dân mà trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp và khó khăn của cuộc đấu tranh này, có quyết tâm chính trị cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả từ trung ương đến cơ sở, trong Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự tiên phong, gương mẫu trong trận chiến với thứ “giặc nội xâm” này; phải không ngừng rèn luyện, tu dưỡng và nâng cao đạo đức cách mạng. Bởi lẽ “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”15. 50 năm đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng vẫn còn nguyên tính thời sự, giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên tự soi lại mình, chỉnh đốn lại hàng ngũ để bước tiếp vào cuộc chiến đấu mới để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Người./.

TS. Trần Thị Phúc An
Trưởng Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Theo http://www.xaydungdang.org.vn
Thu Hiền (st)

1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 547.
2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 547.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 547.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Sđd, tr. 469.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 547.
6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 611.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 196.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 211.
9. http://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/201808/cuoc-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-5-nam-nhin-lai-304366/
10. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr. 127.
11. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 547.
12. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 608-609.
13. http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-chin-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-3458.
14. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 547.
15. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 612.

 

 

Bài viết khác: