Lời ru - Bài học đầu tiên của cuộc đời

Lời ru vốn đã có từ ngàn đời, nó đã in đậm trong tâm trí biết bao thế hệ người Việt và đã trở thành một sản phẩm tinh thần của dân tộc Việt Nam.

Sinh trưởng trong một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đậm đà những làn điệu dân ca trữ tình, lớn lên trong một gia đình nho học với vốn chữ Hán uyên thâm. Cho nên những người phụ nữ trong gia đình Bác Hồ am hiểu sâu sắc về lễ nghĩa. Tuổi thơ của Bác Hồ đã lớn lên trong tiếng ru êm ái của những làn điệu dân ca sâu lắng, tiếng hát dặm xứ Nghệ quê hương. Bà ngoại - Nguyễn Thị Kép đã dùng tiếng ru, lời ca để ru mẹ qua tuổi ấu thơ. Nay mẹ Bác lại cất tiếng ru ấy khi Người vừa lọt lòng để mở ra một thế giới tuổi thơ êm đềm và sau này chị cả lại ru em thay mẹ.

Đêm đêm dưới mái nhà tranh quen thuộc ở làng Hoàng Trù, hòa cùng với tiếng thoi đưa, bà Hoàng Thị Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình, trong đó có Nguyễn Sinh Cung đi vào giấc ngủ. Những câu hát ru đầy chất thơ, thấm đậm những hình ảnh của cuộc sống bình dị nơi một vùng quê. Đó là những rặng tre, lối xóm hay là những đạo lý truyền thống của dân tộc ta:

“Ru con con ngủ à ơi

Trông con mau lớn nên người khôn ngoan

Làm người gánh vác giang san

Mẹ cha trông xuống, thế gian trông vào

Ru con, con ngủ đi nào

Cù lao dưỡng dục biết bao cho cùng

Làm trai quyết chí anh hùng

Ra tay đánh giặc, vũng vầy nước non”.

Hay là:

“Con ơi mẹ dạy câu này

Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm

Làm người đói sạch rách thơm

Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”.

Trong tiếng ru của người mẹ đã hiện lên tình cảnh nước mất nhà tan, một dân tộc đang chịu xiềng xích nô lệ của thực dân và phong kiến. Không chỉ có vậy, tiếng ru còn có cả ước mơ của người mẹ khi nuôi con mong muốn con lớn khôn chăm lo đèn sách, làm người hiểu biết, thể hiện chí anh hùng của mình để có “Danh gì với núi sông”.

Đó là những bài học đầu tiên trong cuộc đời của con người, nó thật bình dị, đơn giản nhưng lại có sức lắng đọng hơn tất cả. Để rồi sau bao nhiêu năm bôn ba trong cuộc hành trình cứu nước, khi nghe thấy tiếng ru con của một người mẹ nơi xứ người, Bác Hồ đã xuất khẩu thành thơ:

“Xa nhà chốc mấy mươi niên

Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.

Cuộc đời khi nằm trên giường bệnh: “Chuyện kể rằng trước lúc Người đi xa… Bác muốn nghe một câu ví, nhớ Làng Sen từ thuở ấu thơ… hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà”.

Những làn điệu dân ca, những câu hát ví dặm, đò đưa qua tiếng ru của bà ngoại, của mẹ hay của chị cả dường như đã nhen nhóm lên trong tuổi ấu thơ của Bác một thực tế cuộc sống xã hội Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ XIX, đó là một xã hội phong kiến nửa thuộc địa, thân phận người dân phải sống trong kiếp nô lệ lầm than, các giá trị đạo đức bị chà đạp. Từ đó Người có thể cảm nhận được cuộc sống của dân tộc. Đây có thể được xem là điểm xuất phát cho một tình yêu quê hương, đất nước trong con người Bác.

Tấm gương lớn về đạo đức nhân cách của những người phụ nữ trong gia đình Bác Hồ

Phụ nữ thường được ví như là “cái bếp của gia đình” bởi họ đã đóng vai trò rất lớn trong tế bào của xã hội đó. Được xem là linh hồn của gia đình vì là người thường xuyên có mặt tại nhà để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho con cái, đó cũng là nhịp cầu nối tất cả các thành viên trong gia đình. Chính vì vậy mà thái độ, cách ứng xử và các mối quan hệ của những người phụ nữ trong gia đình với tư cách là người bà, người mẹ và người chị hết sức quan trọng. Hay nói một cách khác, họ là những người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tư tưởng, đạo đức và tình cảm của con cái. Cha ông ta ngày xưa đã từng nói: “Dạy con từ thuở còn thơ” hay “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”.

Trong gia đình Bác Hồ, bà ngoại, mẹ và người chị gái Nguyễn Thị Thanh lại chính là những tấm gương để Người noi theo. Bà ngoại và mẹ rất quan tâm đến việc giáo dục con cái trưởng thành, đây vừa là nhiệm vụ nhưng cũng là niềm vui, niềm hạnh phúc cốt yếu trong gia đình. thông qua những việc làm cụ thể trong cuộc sống hàng ngày mà họ đã dạy cho Bác Hồ những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Làm sao sống cho có nghĩa, có tình, phải luôn hòa thuận trên dưới, biết kính già, yêu trẻ, là một người con hiếu thuận với ông bà, cha mẹ, anh chị em yêu thương nhau, quan hệ tốt với những người xung quanh mình. Chính sự chịu thương, chịu khó trong lao động của gia đình cũng đã dạy cho chị em Bác Hồ phải biết yêu lao động, biết say mê và sáng tạo trong mọi công việc.

Những câu hát của bà Hoàng Thị Loan: “Thương người như thể thương thân, một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” khi tuổi ấu thơ ở Hoàng Trù hay những bài học vỡ lòng đầu tiên trong ngôi nhà nhỏ gần cổng thành Đông Ba ở Huế, những câu chuyện cổ thần kỳ bà ngoại đã kể cho thật thi vị với tuổi thơ của Bác Hồ. Qua đó Người thấy được: “Bình dân như ông Lê Lợi và ông Nguyễn Huệ đã đánh đuổi quân Tàu làm cho nước ta độc lập; người già như ông Lý Thường Kiệt quá bảy mươi tuổi mà vẫn đánh đông dẹp bắc, bao nhiêu lần đuổi giặc cứu nước; thiếu niên như Đổng Thiên Vương chưa đến mười tuổi mà đã ra tay cứu nước; Trần Quốc Toản mới mười lăm tuổi đã giúp ông Trần Hưng Đạo đánh tan giặc Nguyên; phụ nữ có hai Bà Trưng, Bà Triệu ra tay khôi phục giang sơn”…

Ngay từ nhỏ, Bác Hồ đã quen thuộc với hình ảnh một nắng hai sương, luôn tay luôn chân với công việc đồng áng vào ban ngày, đêm buông xuống lại nhịp nhàng với tiếng thoi đưa nhưng nhà cửa vẫn ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Bà ngoại và mẹ Bác đã dạy bảo con cháu mình phải biết làm những công việc phù hợp với sức của mình, nên trong gia đình ai cũng có những công việc riêng. Đến khi Bác Hồ cùng cha mẹ và anh vào Huế, Người đã giúp cho mẹ những công việc nhẹ. Đặc biệt năm 1901, khi Cha là Nguyễn Sinh Sắc ra làm chủ khảo trường Thanh trong kỳ thi Hương, ở nhà mẹ bị ốm nặng, Bác đã đảm nhận vai trò chính trong gia đình của mình. Hàng ngày chăm sóc mẹ ốm, sắc thuốc cho mẹ, lại phải bế người em còn nằm ngửa đi xin sữa. Đó là một công việc không nhỏ với cái tuổi lên mười.

Sau khi bà Hoàng Thị Loan mất ở Huế, Người theo cha trở lại quê ngoại Hoàng Trù, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Mặc dù mới mười một tuổi Bác Hồ đã cùng với tất cả mọi người trong nhà lao động để đỡ đần cho bà ngoại. Người đã bắt đầu ý thức cao trong lao động, cùng gia đình sống bằng sức lao động của chính mình. Ngày ngày đi chăn trâu, làm đồng... để rồi sau này trở thành một đức tính đặc biệt của Bác Hồ. Mặc dù đã là một vị Chủ tịch nước bận trăm công ngàn việc nhưng Bác vẫn quen tay với các công việc trồng cây, chăm cây, nuôi cá... Khi đi chiến dịch, đến bất cứ nơi đâu khi làm xong lán trại thì lại cùng với các đồng chí của mình tăng gia sản xuất. Đã có nhiều người khuyên Bác không nên tốn công sức vì chỉ dừng lại trong thời gian ngắn rồi lại đi, không kịp thu hoạch nhưng Bác cho rằng mình không thu hoạch thì để lại cho những người đến sau. Đối với Người: “Lao động là vinh quang”.

Tuổi thơ của Bác Hồ đã hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt của vùng quê thôn dã, đã tạo được ấn tượng tốt, tình cảm với bè bạn và bà con làng xóm. Gia đình nhà nho rất được xã hội xem trọng, luôn được đề cao và là đích hướng đến của nhiều người. Trong cách ứng xử hàng ngày, trong mọi quan hệ xã hội, gia đình Bác Hồ luôn rất nhân ái, hòa đồng với tất cả mọi người và đặc biệt rất thương người. Bà ngoại và mẹ luôn dạy con mình “khắc kỷ vị dân” luôn phải giữ lấy phong cách nhà nho: Thanh bạch, cần kiệm, sẵn lòng vì mọi người. Và chính bản thân mỗi người phụ nữ ấy lại sống rất nhân ái, chan hòa với mọi người. Trên cánh đồng họ có những người bạn cùng cấy, trong những buổi hát phường vải họ lại thân thiết cùng với bạn trong phường. Xóm làng nể trọng gia đình Bác Hồ không phải vì cái danh vị bà Tú, bà Cử mà bởi vì chính lối sống của các thành viên. Điều này Bác đã tiếp nhận hiệu quả trong cuộc sống ở mọi hoàn cảnh. Ông già hát xẩm với đôi mắt mù lòa trở thành một người bạn thân thiết trong gia đình. Hay cố Điền làm nghề rèn, cố Phương đi làm thuê... Đó là những lớp người khổ cực nhất trong cái làng Kim Liên vẫn in đậm trong ký ức của Bác Hồ. Sau năm mươi năm xa cách quê hương, năm 1957 khi trở lại ngôi nhà gắn bó với quãng đời tuổi thơ của mình, Người vẫn hỏi thăm những con người bình dị ấy. Còn đối với dân làng Kim Liên thời đó, vẫn còn nhớ những ngày giáp hạt chị em Bác chịu đói đem bớt gạo nhà mình chia cho những người nghèo khổ không có cơm ăn.

Với nghị lực phi thường, quyết tâm cao độ, dám đối diện với khó khăn, vượt lên trên mọi trở ngại để đạt được mục đích của mình của những người phụ nữ trong gia đình cũng là bài học lớn đối với Bác Hồ. Bác đã tận mắt chứng kiến sự hy sinh vất vả của mẹ để cho cha mình học hành, dám từ bỏ quê hương thân thuộc để đến vùng đất mới xa lạ nơi xứ người nuôi chồng ăn học. Luôn phải đương đầu với cuộc sống ngày hai bữa để cho con mình no đủ. Thêm nữa là phải chứng kiến cảnh bà ngoại đã nhiều lần bán ruộng - một thứ tài sản quý giá nhất lúc bấy giờ để cho con rể là Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội. Hay là người chị cả Nguyễn Thị Thanh, mới mười một tuổi đã xa mẹ ở cùng với bà ngoại vất vả lo cuộc sống, rồi thay vai trò người mẹ khi bà Hoàng Thị Loan mất, đảm đang công việc gia đình, chăm sóc các em... Những tính cách ấy đã ăn sâu vào tâm trí Bác Hồ.

Bác Hồ đã từng căn dặn phải biết quý trọng truyền thống, phải phát huy nó trong cuộc sống “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ quý có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giữ kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là phải làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày”.

Như vậy, Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình Nho học, đã được ảnh hưởng từ các thành viên trong gia đình đặc biệt những người phụ nữ. Đó là điều kiện khách quan tạo nên năng lực, tính cách, đạo đức của một nhân cách lớn trong lịch sử dân tộc ta.

                                           Hoàng Thị Huế - Phan Thị Hằng
Theo Trang thông tin điện tử Khu Di tích Kim Liên
Đức Lâm (st) - Tâm Trang

Bài viết khác: