Mặc dù với cương vị là Chủ tịch nước, bận trăm công nghìn việc nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, Bác vẫn luôn dành cho quê hương Nghệ An một tình cảm sâu nặng:
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình”.
Những hình ảnh, kỷ niệm, tình cảm của Bác trong hai lần Người về thăm quê mãi mãi khắc sâu “trong mỗi trái tim, trong mỗi ước mơ, trong mỗi cuộc đời” của nhân dân xứ Nghệ. Đặc biệt là lời Bác căn dặn về vấn đề “đoàn kết”.
Bác Hồ về thăm quê năm 1961
Tinh thần đoàn kết qua lời Bác dạy trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, động viên Đảng bộ, chính quyền và đồng bào tỉnh ta vượt lên muôn vàn khó khăn để đạt nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, Bác đi tới đâu, ở đó vang lên bài ca “kết đoàn”, “Bác vẫn đến từng nhà, thăm các cụ già, cầm tay chúng con, Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” (Trích “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”). Nói chuyện với các cụ phụ lão, với thanh niên, với cán bộ, đảng viên, với quân đội, công an, với phụ nữ và cả các em nhi đồng, ở tầng lớp nào, ở lứa tuổi nào, Bác cũng dặn dò thiết tha: “Phải đoàn kết, yêu thương lẫn nhau”. Có thể nói, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần đoàn kết giữ một vai trò chủ đạo. Đó là tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế. Đoàn kết là truyền thông của dân tộc ta và với Bác đó không chỉ là tư tưởng mà còn là một chiến lược cách mạng.
Theo thống kê, trong “Hồ Chí Minh toàn tập” đã có 839 trên tổng số 1921 bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đại đoàn kết, chiếm tới hơn 40%. Nghiên cứu toàn bộ di sản của Người, có thể thấy từ “đoàn kết” được Bác nhắc trên 2000 lần và cụm từ “đại đoàn kết” trên 80 lần. Điều đó nói lên sự quan tâm của Bác đối với vấn đề đoàn kết luôn ở mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, đồng thời tỏ rõ tầm chiến lược tư tưởng đoàn kết của Người.
Trong các bài nói, bài viết khi về thăm quê hương, tinh thần đoàn kết đồng bào, đồng chí được Bác lưu ý một cách đậm nét. Nói chuyện với đại biểu nhân dân Nghệ An ngày 14/6/1957, điều Bác nhắc nhở đầu tiên chính là “đoàn kết”:
“Chúng ta đoàn kết một nhà
Ấy là nghĩa trọng, ấy là tình sâu”.
Chính nhờ sức mạnh đoàn kết to lớn ấy mà cCách mạng Tháng Tám đã thành công và dân tộc Việt Nam đã dành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Đúng như trong bài nói chuyện này, Bác khẳng định: “Do sự đoàn kết và cố gắng ấy mà tỉnh ta đã góp một phần vẻ vang trong cuộc kháng chiến thắng lợi. Cả thế giới đều nghe tiếng, kính phục nhân dân ta”.
Về công tác bình dân học vụ, Bác khen ngợi huyện Con Cuông là huyện thượng du, bình dân học vụ tốt. Bên cạnh đó, Bác căn dặn: “Phải làm gương mẫu trong đoàn kết, học tập, tăng gia sản xuất và tiết kiệm”. Bác nêu một số nhiệm vụ cụ thể, mong đồng bào chú ý thực hành: “Trong việc sửa chữa, chúng ta lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu giai cấp, nhất định sửa chữa được”. Bác còn chỉ rõ: “Để làm những việc trên, chúng ta phải thật thà, đoàn kết. Trong cách mạng, trong kháng chiến, nhờ đoàn kết mà chúng ta đã thắng lợi. Trong hòa bình, chúng ta nhất định phải đoàn kết để dành lấy những thắng lợi mới và lớn lao hơn. Đoàn kết lương - giáo, đoàn kết Bắc - Nam, đoàn kết đồng bào thiểu số và đồng bào kinh, đoàn kết quân và dân”.
Với bà con Hoa kiều, Bác nhắc nhở chúng ta: “Trong đoàn kết quân dân, đoàn kết đồng bào Nam - Bắc, đồng bào đa số, thiểu số, đồng bào lương - giáo thì đồng bào chúng ta cũng phải đoàn kết với đồng bào Hoa kiều”. Hầu như lĩnh vực nào, đối tượng nào Bác cũng dặn dò cụ thể. Chữ đoàn kết Bác nói thật gần gũi, dễ hiểu và linh hoạt. Kết thúc buổi nói chuyện với công nhân công trường Nhà máy điện Vinh (ngày 15/6/1957), Bác yêu cầu mọi người cùng hát tập thể bài ca “kết đoàn”.
Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ luôn căn dặn chúng ta vấn đề đoàn kết. Nghiên cứu lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, Người đi đến kết luận: “Lịch sử nước ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân tộc ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết, thì bị nước ngoài xâm chiếm”. Bởi vậy, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh suy nghĩ nhiều nhất, đề cập và chăm lo nhiều nhất chính là vấn đề đoàn kết.
Trong bài nói chuyện tại Quân khu IV (ngày 15/6/1957), Bác nêu 05 nhiệm vụ, thì nhiệm vụ đoàn kết được Bác nhấn mạnh: “Phải đoàn kết. Quân đội ta đã đoàn kết, phải đoàn kết hơn nữa. Đoàn kết nội bộ, toàn quân đoàn kết, các chiến sỹ miền Nam và miền Bắc phải đoàn kết chặt chẽ, không chia Nam Bắc, cán bộ và chiến sỹ đoàn kết, quân và dân đoàn kết. Trong thời đầu cách mạng, quân địch mạnh, ta thì rất yếu, nhưng ta đoàn kết cho nên ta thành công. Mới đầu kháng chiến ta yếu nhưng ta đã thắng lợi cũng vì ta đoàn kết. Phải đoàn kết thật chặt chẽ”. Thăm trại trẻ miền Nam (ngày 15/6/1957), lúc chào tạm biệt các cháu, Bác lại cất lên bài hát “kết đoàn”.
Trở về quê hương Kim Liên năm 1957, cuối buổi nói chuyện, Bác đề nghị đồng bào hát chung bài ca “kết đoàn” - “kết đoàn ta là sức mạnh, kết đoàn ta là sắt gang”. Mọi người say sưa hát theo nhịp tay của Bác. Về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An lần thứ hai năm 1961, Bác chỉ rõ hai nguyên tắc mà cán bộ lãnh đạo phải nắm vững, trong đó nguyên tắc đầu tiên là phải đoàn kết nội bộ, sau đó mới đến nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Sáng ngày 09/12/1961, Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và đồng bào tỉnh Nghệ An tại sân vận động Vinh. Bác khẳng định: “Các cấp ủy Đảng lãnh đạo tốt, đồng bào và cán bộ đoàn kết nhất trí và phấn khởi thi đua, chúng ta nhất định hoàn thành và hoàn thành vượt mức mọi kế hoạch mà Đảng và Chính phủ giao cho”. Thăm các cháu học sinh giỏi thị xã Vinh (năm 1961), Bác hỏi: “Các cháu có nhớ năm điều Bác dạy không? Chắc chắn chúng ta luôn ghi nhớ và thực hiện tốt điều Bác dạy “Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt”. Đến Nhà máy Cơ khí Vinh, kết thúc buổi nói chuyện, Bác cất bài hát tập thể “kết đoàn”, giơ tay chào tạm biệt. Bác về với Trường Sư phạm miền núi Nghệ An, sau khi hỏi thăm sức khỏe đời sống, Bác hỏi “Các cháu có đoàn kết không?” Rồi Bác ân cần nói: “Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả, dân tộc nào đông người, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”. Bác khuyên: “Các dân tộc đều đoàn kết với nhau”. Lời dặn của Bác ngắn gọn, nhưng vô cùng sâu sắc, là sự nhắc nhở đầy trách nhiệm và tình cảm của “Người Cha, người Bác, người Anh”.
Trong lời nói chuyện với cán bộ xã viên Hợp tác xã Vĩnh Thành (ngày 10/12/1961), Bác cũng đã dặn dò “Phải đoàn kết chặt chẽ, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Đảng viên, đoàn viên, thanh niên lao động phải gương mẫu trong mọi mặt sản xuất, công tác, học tập, đoàn kết. Muốn dân giàu nước mạnh, phải làm chủ Hợp tác xã bằng mọi cách. Hợp tác xã phải đoàn kết tốt, sản xuất tốt, không có đoàn kết hợp tác xã không thể tiến bộ lên được”. Bác chỉ rõ vai trò của sự đoàn kết: “Chi bộ phải tăng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, nông dân phấn khởi, hăng hái tăng gia sản xuất, phát triển và củng cố Hợp tác xã. Làm Hợp tác xã là chúng ta tập trung lực lượng tiến công vào nghèo nàn, lạc hậu, là đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, đời sống lên không ngừng”.
Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Đông Hiếu (ngày 10/12/1961), Bác đã đề cập rất nhiều về vấn đề đoàn kết: “Biết đoàn kết nội bộ, đoàn kết giữa nông trườngvà đồng bào địa phương. Đoàn kết là sức mạnh. Nông trường phải đoàn kết và giúp đỡ đồng bào xung quanh, nhưng đồng bào cũng phải đoàn kết với anh chị em Nông trường, hai bên phải đoàn kết với nhau”. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác đề nghị tất cả cùng hát bài ca “kết đoàn”.
Có lẽ không người Việt Nam nào lại không nhớ đến câu thơ của Người “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Và có lẽ không người dân xứ Nghệ nào không khắc sâu lời Bác dặn: “Đoàn kết, phải đoàn kết, biết đoàn kết, đoàn kết nội bộ, đoàn kết toàn dân” trong hai lần Người trở về thăm quê hương. Thấm nhuần lời Bác dạy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghệ An luôn nêu cao tinh thần đoàn kết. Chính sức mạnh đoàn kết đã giúp nhân dân tỉnh ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, củng cố bền chặt để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc, đưa Nghệ An ngày càng phát triển.
Hơn 60 năm qua, kể từ khi Bác Hồ về thăm đồng bào tỉnh nhà lần thứ nhất (16/6/1957), những điều Bác nhắn nhủ các cấp, các ngành, căn dặn nhân dân ta đã và đang thấm sâu vào đời sống nơi mảnh đất quê hương Người. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thêm đoàn kết, sống chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác. Mỗi lời căn dặn với những tình cảm thiết tha, ân cần của Người là niềm cổ vũ lớn lao cho nhân dân tỉnh nhà thực hiện thắng lợi mọi mặt, đưa Nghệ An sớm trở thành “một trong những tỉnh khá nhất của miền Bắc” như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ huy dàn nhạc bài công an “kết đoàn” in sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam. Người luôn sống mãi trong trái tim chúng con./.
Lê Hà
Phòng Tuyên truyền, giáo dục
Theo Khu Di tích Kim Liên
Tâm Trang (st)