Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 11/01/2025

Chỉ mục bài viết

 

Phần 2: Thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt

 

Thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”. Quyết định của Bộ Chính trị  là quyết định của "Ý Đảng - lòng dân" vừa phù hợp với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một dân tộc từ lâu đời đã có truyền thống thờ phụng ông bà, tổ tiên, xây dựng Lăng mộ để tưởng nhớ những người có công trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cũng đáp ứng với nguyện vọng của mọi người dân Việt Nam được tận mắt trông thấy Người, được thường xuyên đến viếng thăm Người, được thể hiện tấm lòng tôn kính và đời đời biết ơn công lao to lớn của Người đối với dân tộc. Đặc biệt là tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang ngày đêm trực tiếp đối mặt với quân thù, chưa một lần được gặp Bác.

 

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, từ 1969 - 1975 nhiệm vụ giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giao cho Bộ Quốc phòng đảm nhiệm.

 

Từ năm 1975 đến nay, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được giữ gìn tại Lăng trên Quảng trường Ba Đình với sự giúp đỡ toàn diện của Liên Xô để phục vụ nhân dân trong nước, khách quốc tế đến thăm viếng. Chúng ta đã chủ động tổ chức nghiên cứu khoa học về y, sinh học, môi trường… phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm ở Việt Nam; đồng thời tập trung vừa khai thác, vừa cải tạo, cải tiến hoàn thiện các hệ thống kỹ thuật. Với sự giúp đỡ, hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia Liên Xô trước kia (nay là Liên bang Nga) và bằng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, các cán bộ, công nhân kỹ thuật của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đã khắc phục khó khăn, từng bước học tập, nắm bắt quy trình, kỹ thuật vận hành, khai thác các thiết bị Công trình Lăng an toàn, bảo đảm tốt các thông số kỹ thuật về môi trường, không khí đáp ứng yêu cầu về công tác y tế. Kiến trúc công trình Lăng được tu sửa, tôn tạo hàng năm để không bị xuống cấp, đáp ứng yêu cầu phục vụ thăm viếng và các sinh hoạt chính trị, văn hoá diễn ra tại khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình. Thường xuyên cải tiến, đổi mới công tác chăm sóc, tôn tạo vườn hoa, cây xanh, cây cảnh và sân cỏ Quảng trường Ba Đình bảo đảm cảnh quan môi trường khu vực Lăng luôn sạch đẹp, xứng đáng là Trung tâm chính trị, văn hoá tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và cả nước.

 

Từ ngày mở cửa Lăng (29/8/1975) đến nay, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp chu đáo hơn 52 triệu lượt người đến viếng Bác, hơn 10 nghìn lượt các đoàn gia đình chính sách, Người có công, phục vụ hơn 2 nghìn đoàn tổ chức sinh hoạt chính trị; chiếu phim giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho hơn 26 nghìn đoàn; tặng Huy hiệu Bác Hồ cho 83.223 đại biểu; đón tiếp 47.5 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, Người có công với cách mạng về Lăng viếng Bác và tham quan Thủ đô Hà Nội. Tại Khu Di tích K9 đã đón tiếp 48.803 đoàn đến tưởng niệm Bác và tham quan tại Khu Di tích. Công tác tuyên truyền được chú trọng, mang lại hiệu quả thiết thực. Thường xuyên duy trì hoạt động của Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng và hệ thống truyền thanh, truyền hình quanh khu vực Lăng Bác. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh, truyền hình để tuyên truyền về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

 

Trải qua quá trình 40 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng được kiện toàn về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ. Cụ thể:

 

Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng: Được thành lập theo Quyết định số 279/VP-QU, ngày 28/12/1975 của Thường vụ Quân uỷ Trung ương và Quyết định số 109/QĐ-QP, ngày 14/5/1976 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ những đơn vị tiền thân đã trực tiếp bảo vệ, giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm chiến tranh ác liệt và xây dựng Công trình Lăng của Người, gồm: Đoàn 69 và Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 144 thuộc Bộ Tổng Tham mưu; Đoàn vận hành thiết bị kỹ thuật và Tổ CX-73 thuộc Bộ Tư lệnh Công binh; Tổ Bảo vệ kỹ thuật và Bảo vệ bí mật thuộc Cục Bảo vệ Quân đội và Tổ Thông tin thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin.

 

Ngày 29/8/1975, Lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình và mở cửa đón khách đến viếng Bác. Ngày 29/8/1975 - Ngày tổ chức lễ viếng Bác đầu tiên đã trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trong những năm 1975-1991 được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự giúp đỡ to lớn, toàn diện, hiệu quả của Liên Xô, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng vừa xây dựng, vừa trưởng thành, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn tuyệt đối an toàn  thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống thiết bị kỹ thuật tại Công trình Lăng và các công trình có liên quan; bảo đảm an ninh an toàn tuyệt đối Công trình Lăng và các mục tiêu được giao, thực hiện trang trọng các nghi lễ tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức tuyên truyền, đón tiếp tận tình, chu đáo đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác.

 

40nam bqll tong ket 40 nam

Hội nghị tổng kết 40 năm giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Sau năm 1991, chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, nguồn viện trợ không còn nữa, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tình hình nội bộ, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt không để gián đoạn. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiến hành ký kết hợp tác trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (nay là Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcova) trong thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Từ năm 1992 đến nay, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng đã từng bước vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị đặc biệt: Tiếp tục phối hợp với Bạn pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam đảm bảo chất lượng; thực hiện nghiêm cách, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác chế độ làm thuốc giữ gìn thi hài Bác, không để xảy ra sai sót, được Hội đồng khoa học cấp Nhà nước và Hội đồng y tế Việt - Nga hàng năm đánh giá: Thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được giữ gìn ở trạng thái tốt nhất. Chủ động phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Y Sinh Matxcơva tổ chức tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổ chức gặp mặt, tri ân các chuyên gia Liên Xô trước đây, Liên bang Nga ngày nay nhân dịp kỷ niệm 40, 45 năm giữ gìn thi hài Bác. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên ngành, các nhà khoa học trong và ngoài quân đội, với Viện khoa học Quốc gia nghiên cứu Dược liệu và Tinh dầu Liên bang Nga để tiến hành ký kết Hợp đồng, triển khai Dự án VN01 đúng tiến độ; xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình nhiệm vụ y tế đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

 

Thực hiện có chất lượng, hiệu quả Cuộc vận động: “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” và phong trào “Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật”. Triển khai chặt chẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua thực hiện các nội dung công tác kỹ thuật và các nội dung, chỉ tiêu của Cuộc vận động 50 sát với từng cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật, phương tiện luôn chặt chẽ, an toàn, tiết kiệm, bảo đảm thông số nhiệt, ẩm, môi trường phục vụ nhiệm vụ y tế, nghi lễ, đón tiếp khách, nghiên cứu khoa học, thực nghiệm và các hoạt động của đơn vị. Đã chủ động kiểm tra, đánh giá tình trạng hệ thống thiết bị kỹ thuật, phương tiện để tham mưu, đề xuất việc đầu tư, thay thế, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống thiết bị kỹ thuật theo hướng đồng bộ, cơ bản với công nghệ hiện đại, có độ dự phòng cao, mang lại hiệu quả, tiết kiệm năng lượng. Tham mưu, triển khai nhiều dự án đáp ứng yêu tốt cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị trong giai đoạn mới, như: Dự án cải tạo Khu Phải, cải tạo, sửa chữa mái khối chính Công trình Lăng; Dự án bổ sung, nâng cấp trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ y tế và cải tạo xây dựng khu vực T77; Dự án thay thế Cột cờ chính trước Lăng; Dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tưới phun bảo đảm môi trường Công trình Lăng; tổ chức triển khai chặt chẽ 3 tuyến phố đi bộ giai đoạn 1 ở phía Nam khu vực Lăng; hoàn thiện và đưa Khu Công nghệ cao Hào Nam vào sử dụng; xây dựng Doanh trại Đoàn 275, Đoàn 285; Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các công trình phục vụ việc mở rộng tham quan Khu Di tích K9.v..v….

 

   Tích cực nghiên cứu, xây dựng, triển khai chặt chẽ có chất lượng, hiệu quả các dự án đổi mới nâng cấp hệ thống kỹ thuật, kiến trúc công trình Lăng và các công trình có liên quan theo hướng cơ bản đồng bộ, từng bước hiện đại.

 

40 nam bqll anh tieu binh

Thực hiện nghi lễ chào cờ hàng ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng bảo đảm an ninh, nghi lễ và sẵn sàng chiến đấu tại Công trình Lăng, các công trình dự phòng, Khu Di tích K9, Lễ viếng Bác, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra trong khu vực. Tiếp tục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng SSCĐ cao. Đồng thời chủ động phòng chống có hiệu quả chiến lược “Diễn biến hoà bình” bạo loạn lật đổ, các hoạt động chống phá, gây mất an ninh trật tự tại khu vực Quảng trường Ba Đình và các mục tiêu khác, bảo đảm an toàn tuyệt đối lễ viếng Bác, tưởng niệm các AHLS của các đoàn nguyên thủ quốc gia, đồng bào trong nước và khách quốc tế. Phát hiện và xử lý các trường hợp vào viếng Bác, tham quan khu vực Lăng và Khu Di tích K9 sai quy định. Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, nghi lễ phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Lễ Mít tinh, diễu binh, diễu hành nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9.

 

Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an: Được thành lập ngày 28/3/1975, tiền thân là Tiểu đoàn 75 trực thuộc Cục Cảnh sát bảo vệ có nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, khu vực Bắc Sơn, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu tập kết nhân dân và duy trì bảo đảm an ninh trật tự tuyến phố đi bộ khu vực Lăng; tổ chức đón tiếp, hướng dẫn nhân dân trong nước và khách nước ngoài đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan khu vực Cụm Di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình; thực hiện nhiệm vụ Nghi lễ lái xe môtô hộ tống bảo vệ các đoàn Nguyên thủ Quốc gia nước ngoài sang thăm và làm việc tại Việt Nam, các Đại sứ trình Quốc thư, tiêu binh, gác danh dự phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội tiếp khách nước ngoài.

 

40 nam bqll anh trung doan 375

Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì
cho Trung đoàn 375 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ

 

Xuất phát từ thực tế và yêu cầu của nhiệm vụ, tháng 9 năm 1988, Đoàn 375- Cục Cảnh sát bảo vệđược Bộ Công an quyết định chuyển sang trực thuộc CụcCảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ). Bằng phương châm: “Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm” đồng thời được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp cộng với sự quyết tâm học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ do vậy khả năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ. Ý thức đầy đủ, sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ chính trị nên cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thể hiện ý chí quyết tâm cao với tinh thần thi đua "Vì nước quên thân, vì dân phục vụ", nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

            Thường xuyên chủ động, làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ khác nắm chắc âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, nhất là những vấn đề về an ninh trật tự có liên quan đến khu vực, địa bàn bảo vệ; chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án bảo vệ, triển khai quán triệt và tổ chức thực tập các phương án bảo đảm thuần thục, linh hoạt chính xác, đáp ứng tốt tình hình thực tế. Bên cạnh công tác đảm bảo an ninh, trật tự khu vực và công trình kiến trúc Lăng, đơn vị luôn bảo đảm chu đáo, an toàn trong hướng dẫn, tiếp đón, nhận và trả đầy đủ, chính xác hành lý của khách gửi khi vào Lăng viếng Bác; cùng với công tác lễ tân, cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn đã vận dụng tốt các biện pháp nghiệp vụ của Ngành, trong đó có biện pháp kỹ thuật, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện hàng trăm trường hợp người đến viếng mang theo vũ khí và những vật dụng trái với quy định. Bảo vệ an ninh trật tự, an toàn cho các đoàn Nguyên thủ quốc gia đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong các hội nghị quốc tế quan trọng: Hội nghị ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội, Hội nghị Đại hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO) lần thứ 23, Đại hội thể dục - thể thao Đông Nam Á (SEAGAME 22), phục vụ Đảng và Nhà nước ta tổ chức Lễ Mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình, Hội nghị cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 14 (APEC14) và tham gia bảo vệ trong các sự kiện quan trọng của đất nước.

 

            40 năm qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Ngành giao phó, Trung đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác tổ chức, đón tiếp, hướng dẫn cho đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu vực Lăng và Cụm Di tích  lịch sử - văn hóa Ba Đình; tham gia bảo vệ các cuộcLễMít tinh, diễu binh, diễu hành, cầu truyền hình trực tiếp tại Quảng trường Ba Đình, các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, các kỳ họp Quốc hội và nhiều cuộc sinh hoạt chính trị khác diễn ra tại Hội trường Ba Đình và trong địa bàn, mục tiêu bảo vệ. Nêu cao tinh thần cảnh giác và ý thức trách nhiệm, giữ vững lễ tiết tác phong của người chiến sỹ CAND, kịp thời phát hiện, xử lý nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn đảm bảo các yêu cầu chính trị, pháp luật và nghiệp vụ.

 

            Cơ quan Văn phòng, Ban Quản lý Lăng: Được thành lập ngày 04/4/1981 theo Quyết định số 119/QĐ-TM của Tổng Tham mưu trưởng, Quân đội nhân dân Việt Nam về biên chế Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; trong đó Văn phòng là cơ quan trực thuộc biên chế của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

 Văn phòng là cơ quan tham mưu, tổng hợp, tiếp nhận xử lý, cung cấp thông tin và hành chính của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; đồng thời thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc của Ban Quản lý Lăng và Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác đón tiếp tuyên truyền, công tác hành chính văn thư, lưu trữ, bảo mật, công tác đối ngoại trong Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng; công tác kế hoạch, công tác tài chính, công tác tổ chức cán bộ, công tác pháp chế và thi đua - khen thưởng trong Ban Quản lý Lăng. Là trung tâm phối hợp hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng, Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình và các bộ, ngành địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Cụ thể:

 

Làm tốt công tác tham mưu, đề xuất giúp Bộ Tư lệnh, Ban Quản lý Lăng và Ban Chỉ đạo phối hợp hoạt động Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình trong xây dựng, điều hành tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch công tác năm. Tham mưu, đề xuất giúp Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình, mua sắm trang thiết bị, vật tư. Giúp lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Ban Chỉ đạo phối hợp hiệp đồng các bộ, ngành, thành phố Hà Nội, các địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị. Cải tạo, nâng cấp khu vực Nhà khách số 8 Hùng Vương, thi công Hàng rào an ninh kết hợp bồn hoa trang trí phía Bắc Quảng trường Ba Đình; phối hợp thực hiện dự án Mái che đường dẫn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các dự án có liên quan.

 

40 nam anh vp

Cơ quan Văn phòng phục vụ Lễ báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng tổ chức triển khai nhiệm vụ đón tiếp tuyên truyền tại Lăng và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Thực hiện nghiêm Quy định tổ chức lễ viếng, lễ tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ bảo đảm phục vụ an toàn, chu đáo lễ viếng thường xuyên, đột xuất, các sinh hoạt chính trị, văn hóa diễn ra trong khu vực. Đặc biệt đã tích cực, phối hợp phục vụ chu đáo, an toàn Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Lễ Mít tinh diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Cầu truyền hình trực tiếp “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ - Tỏa sáng giữa đời thường”; Dạ hội thanh niên “Niềm tin Việt Nam - Sức mạnh Việt Nam”.

 

Tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng giữ vững mối quan hệ truyền thống với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva. Phối hợp với Viện 69, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng lên kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ y tế trọng tâm. Chủ động nắm tình hình Bạn để tham mưu, đề xuất giúp Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng đàm phán, ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva giai đoạn 2016 - 2020 và các năm tiếp theo, triển khai dự án VN01.

 

Chủ động tham mưu, đề xuất giúp Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng giao dự toán ngân sách nhà nước hàng năm cho các cơ quan, đơn vị bảo đảm chặt chẽ. Duy trì nghiêm chế độ công tác quản lý tài chính, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ các đơn vị tài chính trong Ban Quản lý Lăng về quản lý, chi ngân sách nhà nước và chi quỹ phúc lợi theo quy định của Luật Ngân sách. Bảo đảm đầy đủ kịp thời kinh phí phục vụ nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất.

 

Tham mưu giúp Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng, Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 về quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước theo quy định của pháp luật. Đề bạt, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng lương, nghỉ hưu bảo đảm công khai, dân chủ, đúng chế độ và nguyên tắc. Tham mưu, đề xuất giúp Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng xây dựng và hoàn thiện Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc; Quy chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; Quy chế bảo vệ chính trị nội bộ của Ban Quản lý Lăng; Kế hoạch cải cách hành chính; Quy chế Quản lý sử dụng Nhà công vụ cho cán bộ, công chức.

 

Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng. Tổ chức phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ; kiểm tra các cơ quan, đơn vị chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Duy trì nề nếp hoạt động Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng theo quy chế bảo đảm nhanh chóng, chính xác, kịp thời; triển khai nâng cấp và bảo trì phần mềm theo kế hoạch; tập huấn viết tin bài, nhằm xây dựng Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 

Duy trì nề nếp xây dựng đơn vị chính quy; tổ chức tuần tra, canh gác, bảo đảm an toàn tuyệt đối Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh và Nhà làm việc số 9 Chùa Một Cột; làm tốt công tác xây dựng kế hoạch và tiến hành huấn luyện quân sự, nghiệp vụ cho các đối tượng; thực hành luyện tập chuyển trạng thái SSCĐ, phương án bảo vệ Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh, xây dựng kế hoạch SSCĐ bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ XII. Duy trì nghiêm Quy chế văn thư, bảo mật, lưu trữ; Quy định ban hành, quản lý văn bản hành chính.

 

Quản lý và duy trì các hoạt động dịch vụ của Ban Quản lý Lăng, Bộ Tư lệnh phục vụ nhân dân theo đúng quy định; thực hiện chế độ thuế đối với Nhà nước và các chỉ tiêu nộp quỹ của đơn vị.

 

Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình: Được thành lập ngày 16/12/1975 theo Quyết định số 1465/QĐ-TC của  Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội với nhiệm vụ: Bảo dưỡng, sửa chữa hè, đường thoát nước trong khu vực Quảng trường; chăm sóc cây, sân cỏ vườn hoa và trồng cây trong khu vực theo thiết kế; quản lý các công trình thuộc khu Tập kết nhân dân vào Lăng viếng Bác; bảo đảm công tác vệ sinh hàng ngày ở khu vực Lăng và Quảng trường.

 

bai chu cuong 2

Công tác trang trí nhân kỷ niệm các ngày lễ, Tết

 

Thực hiện Quyết định số 930/TTg ngày 14/12/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quản lý Quảng trường Ba Đình; Công văn số 203/CV-TW về việc chuyển giao Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình về sinh hoạt tại Đảng bộ Đoàn 969 thuộc Đảng uỷ Quân sự Trung ương; Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã bàn giao nguyên trạng Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình cho Ban Quản lý Lăng quản lý từ ngày 28/3/1997. Thành uỷ Hà Nội đã ban hành Quyết định số 56/QĐ-TC ngày 08/4/1997 về việc chuyển giao Đảng bộ cơ sở Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình trực thuộc Quận uỷ Ba Đình về trực thuộc Đảng bộ Đoàn 969 thuộc Đảng bộ Quân đội. Ngày 02/5/1997, Thành uỷ Hà Nội đã chính thức bàn giao Đảng bộ Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình về Đảng bộ Đoàn 969.

 

Trên chặng đường 40 năm qua, cán bộ, viên chức và người lao động của Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình đã hoàn thành tốt, hoàn thành toàn diện những nội dung công tác thường xuyên như chăm sóc, duy trì, cải tạo cây xanh, cây cảnh, vườn hoa, thảm cỏ và vệ sinh môi trường tại các khu vực. Cải tạo các bồn cây, nấm hoa thời vụ khu vực nhà khách, khu tập kết nhân dân; trang trí bổ sung thay thế một số cây cảnh trồng chậu trên khu vực Lăng; chủ động kế hoạch và tổ chức trang trí khu vực dịp ngày lễ, Tết và các buổi lễ viếng cấp Nhà nước bảo đảm chất lượng, tạo cảnh quan khang trang, sạch đẹp phục vụ nhân dân, khách quốc tế đến viếng Bác và tham quan khu vực. Trồng bổ sung một số cây bóng mát trên các tuyến phố và khu vực Nhà khách Quốc tế, chăm sóc 2 vườn tre, sân cỏ Quảng trường Ba Đình luôn phát triển xanh tốt; tiến hành cải tạo các nấm hoa lâu năm, đôn đảo cây cảnh trên vườn, trồng bổ sung cây bóng mát tuyến phố đi bộ; thay thế và bổ sung trồng các cây sinh trưởng yếu tại các khu vực, tăng cường chăm sóc cây chò khu vực đường Hùng Vương. Đồng thời, luôn phát huy mọi khả năng, sức sáng tạo trong học tập, công tác, lao động sản xuất, đem hết tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực và nhiệt huyết để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn, chăm sóc vườn hoa, cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ, bảo đảm cảnh quan môi trường khu vực Lăng Bác, tạo được ấn tượng tốt đẹp với nhân dân và khách quốc tế khi về Lăng viếng Bác và tham quan khu vực.

 

Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng KHCN và môi trường: Là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 2004 trên cơ sở Nghị định số 128/2003/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 312/QĐ-BQLL ngày 15 tháng 7 năm 2004 của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ: Xây dựng chương trình, dự án, kế hoạch nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dài hạn, năm năm và hàng năm về các lĩnh vực được giao, trình Trưởng ban Ban Quản lý Lăng phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng ngành nghề phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của Ban Quản lý Lăng; tổ chức các hội nghị, hội thảo phổ biến công nghệ mới, trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học, tiến bộ kỹ thuật công nghệ và môi trường; liên kết, hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thử nghiệm kỹ thuật mới, đào tạo nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực chuyên môn được giao; thực hiện một số hoạt động dịch vụ về khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được giao theo quy định của pháp luật và của Ban Quản lý Lăng. Tham gia thẩm định các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến lĩnh vực chuyên môn được giao.

 

40 nam bqll anh hoi thao trung tam

Hội thảo khoa học Đề án “Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệtDi tích lịch sử
 về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”

 

Là đơn vị mới được thành lập nhưng Trung tâm đã có nhiều đóng góp trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ các nhiệm vụ chính trị. Tiếp tục thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ban. Đã có những đề tài nghiên cứu được lựa chọn đều có tính ứng dụng cao, ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và nhân vănnhư: Đềtài cấp Bộ“Nghiên cứu tôn tạo và phát huy giá trị cảnh quan vườn hoa, cây cảnh, cây xanh khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”đã đề xuất được nhiều giải pháp và được ứng dụng trong trang trí cảnh quan khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình; đề tài hợp tác cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp nâng cao độ tin cậy cung cấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng điện và nhiệt tại Khu Di tích K9” cung cấp cơ sở cho quản lý sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả; đề tài cấp cơ sở“Nghiên cứu đề xuất giải pháp tôn tạo vườn tre khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”cung cấp luận cứ khoa học để Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng trình các cấp có thẩm quyền cho phép cải tạo toàn bộ 02 vườn tre bên Lăng Bác. Duy trì, quản lý hệ thống phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC17025:2005; thống nhất các nội dung hợp tác về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các giống hoa, cây lá màu; ứng dụng chế phẩm sinh học cho hoa, cây cảnh phục vụ trang trí ở khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình; duy trì quản lý, vận hành Trạm quan trắc môi trường không khí và cảnh báo phóng xạ khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình. Phối hợp với các cơ quan liên quan bổ sung hệ thống chống sét, chống nhiễu và sửa chữa hệ thống truyền dữ liệu phóng xạ; duy trì công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ trong triển khai thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các dự án tôn tạo cảnh quan khu vực Lăng và Quảng trường Ba Đình, Khu Di tích K9.

 

Để hoàn thành trọng trách được giao, công tác xây dựng đảng bộ, đơn vị luôn được Đảng ủy Đoàn 969, Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng quan tâm. Tích cực triển khai, tạo sự chuyển biến trong đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo, tập trung giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Kết hợp chặt chẽ giữa củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, cấp uỷ đảng, đội ngũ đảng viên với xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, phát huy nhiều hơn nữa khả năng, sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng nội bộ đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, thực hiện tốt công tác chính sách, công tác dân vận và công tác bảo vệ chính trị nội bộ.Xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh. Thường xuyên quan tâm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ bảo đảm đúng, đủ, kịp thời.

 

Là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự và tổ chức một số hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Khu đón tiếp nhân dân và các công trình có liên quan theo quy định của pháp luật, 40 năm qua, cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn vươn lên làm chủ nhiệm vụ, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Một số thành tích tiêu biểu của các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng đó là:

 

- Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985, 2000), Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2015)...

 

- Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ: Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2015)...

 

- Văn phòng Ban Quản lý Lăng: Huân chương Lao động hạng Nhì (2016)...

 

- Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình: Huân chương Độc lập hạng Ba (2010)...

 

Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sBan Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sát cánh cùng với chuyên gia Liên Xô trước đây, nay là Liên bang Nga, các bộ, ngành, địa phương vượt qua bao khó khăn, thử thách, lập lên những chiến công thầm lặng, vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữ gìn, phát triển Công trình Lăng, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu Di tích K9 trở thành điểm sáng văn hóa, không gian xanh, sạch, đẹp, hấp hẫn, thực sự trở thành nơi hội tụ những tình cảm thiêng liêng, biết ơn cội nguồn, niềm kính yêu vô hạn của đồng bào, chiến sỹ cả nước và bè bạn quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Trong không gian linh thiêng ấy, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nơi hội tụ tình cảm, niềm tin của nhân dân cả nước, một không gian thiêng liêng của dân tộc và là điểm đến hấp dẫn của bầu bạn quốc tế.Vì thế, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, nơi rất nhạy cảm về chính trị, trở thành một mục tiêu quan trọng kẻ địch chống phá cả về chính trị tư tưởng và văn hoá. Trước tình hình đó, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minhluôn nhận thức đầy đủ và sâu sắc nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là giữ gìn một di sản vô giá, thiêng liêng của dân tộc.

 

 40 năm qua, nhân dân trong nước và khách quốc tế về Lăng viếng Người mỗi ngày nhiều hơn, điều đó đã khẳng định tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu. Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác có ý nghĩa đặc biệt, được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ. Ngày 22 tháng 12 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án số 2341 về “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới”. Ngày 08 tháng 3 năm 2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã ra Nghị quyết số 122/NQ-QU về “Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng trong giai đoạn mới. Để hoàn thành được trọng trách nặng nề và vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng tiếp tục phát huy truyền thống, nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với những cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, hoàn thiện những lý luận cơ bản và thực nghiệm về công tác y tế, vươn lên làm chủ vững chắc nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Quản lý, vận hành an toàn, hiệu quả hệ thống thiết bị kỹ thuật, thay thế, đổi mới các hệ thống thiết bị kỹ thuật với công nghệ hiện đại, đồng bộ, tiêu hao ít năng lượng, tôn tạo Công trình Lăng ngày càng khang trang, sạch đẹp xứng đáng là công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa đặc biệt của cả nước.

 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương

 

Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Bài viết khác: