CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
____________________________________________ |
|
Số: /2017/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày tháng năm 2017 |
|
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Nghị định này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; chế độ làm việc và trách nhiệm của người đứng đầu Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị trong Ban Quản lý Lăng và các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Vị trí và chức năng
1. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý Lăng) là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, vận hành, bảo đảm hệ thống hạ tầng kỹ thuật Công trình Lăng và các công trình có liên quan; bảo đảm an ninh, nghi lễ; tổ chức đón tiếp, tuyên truyền cho nhân dân và khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ và tham quan Khu Di tích K9 (tại Đá Chông, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội); sản xuất, chăm sóc cây hoa, cây cảnh, trang trí, bảo đảm vệ sinh môi trường tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân và các công trình, kiến trúc liên quan.
Tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định pháp luật.
2. Ban Quản lý Lăng chịu sự quản lý nhà nước của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Về chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, các chương trình, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm, các đề án, dự án quan trọng về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý Lăng; các dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;
b) Tham gia thẩm định các đề án, dự án quan trọng về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương có liên quan trong việc giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức đón tiếp, tuyên truyền, phục vụ nhân dân, khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, sinh hoạt chính trị, văn hóa, tham quan khu vực; tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Khu Di tích K9; bảo đảm an ninh, trật tự, thực hiện các nghi lễ theo quy định;
d) Quản lý, vận hành, bảo đảm hệ thống hạ tầng, kỹ thuật; tôn tạo Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân, Khu Di tích K9 và các công trình có liên quan; tổ chức sản xuất, chăm sóc cây hoa cây cảnh, trang trí, bảo đảm vệ sinh môi trường;
đ) Chủ trì, phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hướng dẫn, đón tiếp, tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ nhân dân và khách quốc tế đến tham quan, sinh hoạt văn hoá, chính trị tại Cụm Di tích lịch sử - văn hoá Ba Đình;
e) Ban hành, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các quy chế, quy định được áp dụng trong Ban Quản lý Lăng và các đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật;
g) Quyết định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
h) Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực chuyên ngành phục vụ nhiệm vụ được giao.
2. Về tổ chức thực hiện dịch vụ công được Chính phủ giao:
a) Tổ chức triển khai thực hiện các dịch vụ côngđược Chính phủ giao theo đúng quy định của pháp luật;
b) Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các dịch vụ công đối với các cơ quan,đơn vị trong Ban Quản lý Lăng theo quy định của pháp luật.
3. Về hợp tác quốc tế:
a) Ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn thỏa thuận quốc tế, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh Ban Quản lý Lăng theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý Lăng theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ;
c) Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo quy định của pháp luật;
d)Tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế theo quy định của pháp luật.
4.Quyết định và chỉ đạo việc thực hiện chương trình cải cách hành chính của Ban Quản lý Lăng theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nướcđã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
5. Về chế độ thông tin, báo cáo:
a) Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nhiệm vụ chính trị, chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước theo lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý Lăng;
b) Thực hiện chế độ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
6.Về tổ chức bộ máy, biên chế công chức, số lượng người làm việc, vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp:
a) Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về thành lập mới, tổ chức lại, giải thể các cơ quan, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng;
b) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầucác cơ quan, đơn vị tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 4 Nghị định này.
c) Trình Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cấp phó của người đứng đầu Ban Quản lý Lăng.
d) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 4 Nghị định này theo quy định của pháp luật;
đ) Xây dựng Danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp để xác định số lượng công chức, viên chức trong Ban Quản lý Lăng hàng năm gửi Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật;
e) Quản lý vị trí việc làm và số lượng công chức, viên chức trong Ban Quản lý Lăng theo quy định của pháp luật;
g) Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ,công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền; chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền trong hoạt động của Ban Quản lý Lăng;
h) Tổ chức thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật;
i) Kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và nhiệm vụ được giao đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền quản lý; giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công chức, viên chức và người lao động thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
7. Về quản lý tài chính, tài sản:
a) Lập dự toán ngân sách hằng năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm của Ban Quản lý Lăng để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
b) Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế tài chính, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách của Ban Quản lý Lăng trong lĩnh vực được giao;
c) Thực hiện công tác quản lý tài chính, kế toán theo quy định của pháp luật;
d) Quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước giao.
8. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức
1. Văn phòng Ban Quản lý Lăng.
2. Các đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình;
b) Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
3. Các đơn vị chuyên trách phối thuộc:
a) Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng;
b) Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
4. Văn phòng Ban Quản lý Lăng quyđịnh tại Khoản 1 Điều này có con dấu riêng;cơ cấu tổ chức của Văn phòng Ban Quản lý Lăng có các phòng để thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho người đứng đầu Ban Quản lý Lăng và thực hiện các công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
5. Số lượng cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này không quá 03 người.
Điều 5. Người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầuBan Quản lý Lăng
1. Trưởng ban Ban Quản lý Lăng là người đứng đầu Ban Quản lý Lăng, là cán bộ cấp tướng Quân đội nhân dân Việt Nam, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về mọi mặt hoạt động của Ban Quản lý Lăng.
2. Phó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng là cấp phó của người đứng đầu Ban Quản lý Lăng, gồm Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng và Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnhCảnh vệ, Bộ Công an, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm trên cơ sở đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý Lăng; có trách nhiệm giúp Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chỉ đạo, giải quyết một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Ban Quản lý Lăng và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công. Nhiệm vụ của Phó Trưởng banBan Quản lý Lăng do Trưởng ban Ban Quản lý Lăng phân công.
3.Số lượngPhó Trưởng ban Ban Quản lý Lăng không quá 02 người.
4. Trưởng ban Ban Quản lý Lăng không ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 6. Trách nhiệm của Trưởng banBan Quản lý Lăng
1. Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý Lăng; chịu trách nhiệm khi có những khuyết điểm về quản lý và để xảy ra tình trạng tham nhũng, quan liêu, gây thiệt hại trong tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý của mình.
2. Trưởng ban Ban Quản lý Lăng có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Ban Quản lý Lăng và việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề vượt quá thẩm quyền; tham dự các phiên họp Chính phủ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu; phối hợp với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khác, cơ quan trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Điều 7. Chế độ làm việc của Ban Quản lý Lăng
1. Ban Quản lý Lăng làm việc theo chế độ thủ trưởng.
2. Trưởng banBan Quản lý Lăng ban hành Quy chế làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của Ban Quản lý Lăng và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện quy chế đó; ban hành Quy chế phối hợp hoạt động của các tổ chức chuyên trách phối thuộc sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Công an; chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị chuyên trách phối thuộc và các cơ quan, đơn vị tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 4 Nghị định này trong việc thực hiện quy chế và nhiệm vụ được giao.
Điều 8. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2017.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 37/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ
|