Chủ nhật, 29/12/2024

Chúng tôi đến xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ vào một sớm cuối thu. Tiết trời se lạnh nhưng tình cảm nồng ấm của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân địa phương dành cho khiến cho ai cũng cảm thấy xúc động.

Quê hương Ấm Hạ, địa phương giàu truyền thống cách mạng

Đón chúng tôi tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã có đồng chí Bùi Song Nhất, Bí thư Đảng ủy và các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc xã Ấm Hạ. Bên chén trà nóng, đồng chí Bí thư Đảng ủy cho biết, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, năm nay địa phương được các đơn vị quân đội quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa cho các hộ gia đình chính sách, trong đó Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh xây 01 căn nhà tình nghĩa cho bà Đỗ Thị Long, là vợ của Liệt sĩ Phạm Văn Tam, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

btl trao nha tinh nghia 1
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng ân cần thăm hỏi
bà Đỗ Thị Long trong Lễ bàn giao nhà tình nghĩa.

Qua câu chuyện chúng tôi được biết, xã Ấm Hạ là địa phương trọng yếu của Chiến khu 10 trong kháng chiến chống Pháp. Ngay từ đầu cách mạng, vào ngày 29/8/1945, tại Đền Chu Hưng (một ngôi đền trên địa bàn xã Ấm Hạ) Mặt trận Việt Minh đã tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Cũng tại ngôi đền trên là nơi tuyên bố thành lập các đoàn thể cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc… Đặc biệt, tại nơi đây, ngày 16/4/1949, Đội vũ trang đầu tiên của Lào do đồng chí Khăm sa ni keo là Chỉ huy trưởng và 14 thành viên đã tham dự lớp tập huấn quân sự và học tập chính trị.

Ngày 10/8/1949, đồng chí Cay xỏn phôm vi hẳn - lãnh tụ của cách mạng Lào - đã tới thăm, động viên và chụp ảnh lưu niệm với cán bộ lớp tập huấn tại đây. Xã Ấm Hạ cũng là nơi nhà thơ Tố Hữu thường lui tới, và bài thơ “Bầm ơi” nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu cũng được thai nghén và ra đời từ nơi đây. Bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, hàng ngàn người con của quê hương Ấm Hạ lại xung phong lên đường để bảo vệ Tổ quốc, trong số đó có những người đã để lại một phần thân thể, có người mãi mãi nằm lại ở chiến trường.

btl trao nha tinh nghia 2
Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng trao quyết định xây dựng
nhà tình nghĩa cho đại diện gia đình.

Đồng chí Phạm Quốc Đại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho biết: Hiện nay trên toàn xã có 6 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 44 liệt sỹ, 32 đồng chí là thương, bệnh binh. Trong những năm qua, cùng với toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước, địa phương xã Ấm Hạ đã thường xuyên quan tâm và làm nhiều việc có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm giảm đi những thiệt thòi, thiếu thốn của các gia đình chính sách gặp phải. Hàng năm, địa phương đã triển khai và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho các đối tượng được hưởng theo quy định; đồng thời kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, tặng quà cho các gia đình chính sách nhân dịp các ngày lễ, Tết. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, việc quan tâm, động viên chưa thể đáp ứng được nhiều đối với những gia đình chính sách của xã.

Niềm vui bên ngôi nhà mới

Từ sáng sớm, trong cơn mưa nhẹ cùng tiết trời se lạnh, chúng tôi có mặt tại khu 5, xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ để dự Lễ bàn giao ngôi nhà tình nghĩa do Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương cho bà Đỗ Thị Long, là vợ của Liệt sĩ Phạm Văn Tam.

btl trao nha tinh nghia 3
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch huyện Hạ Hòa trao tặng quà của địa phương cho đại diện gia đình.

btl trao nha tinh nghia 4
Đại diện Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hạ Hòa tặng quà cho gia đình.

Buổi Lễ bàn giao diễn ra ấm cúng, giản dị mà sâu nặng nghĩa tình với sự có mặt đông đủ của đại diện cấp ủy, chính quyền, người dân địa phương. Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thúy, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch huyện Hạ Hòa. Đồng chí Thiếu tướng Cao Đình Kiếm, Chính ủy Bộ Tư lệnh Lăng ân cần thăm hỏi bà Đỗ Thị Long và phát biểu cảm ơn sự phối hợp giúp đỡ của địa phương cùng với đơn vị để xây dựng cho bà Long có được một căn nhà khang trang an dưỡng lúc tuổi già và mong rằng với tình cảm của đơn vị và chính quyền, nhân dân giành cho sẽ ít nhiều làm vơi đi sự mất mát để có tinh thần, có cuộc sống ổn định và có nơi ăn chốn ở tốt hơn.

Ngôi nhà cấp bốn 3 gian khép kín đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui, niềm hạnh phúc của bà Đỗ Thị Long và gia đình. Bà Long cho biết: Bà và ông Tam lấy nhau có 4 người con, nhưng ông chưa một ngày được ở gần các con. Ông là chiến sĩ tham gia trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau năm 1954, ông lại tiếp tục nhận lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Ông hy sinh để lại cho bà một nách 4 con thơ, một người con gái bị chết khi còn nhỏ, hiện nay người con trai duy nhất đang ở Yên Bái và cũng mang bệnh trọng, bản thân bà một năm trở lại đây thì hai mắt bị mờ hẳn, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Được sự quan tâm của đơn vị Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và sự hỗ trợ của địa phương, sau ba tháng thi công, ngôi nhà được hoàn thành. Đây là điều bà chưa từng mơ ước thì nay đã trở thành hiện thực. Run run lần theo bờ tường còn thơm mùi vữa, bà xúc động nói: “Từ nay tôi không còn phải lo lắng mỗi khi mưa gió nữa, được ở trong căn nhà vững chãi, vừa rộng rãi thế này, tôi rất mừng và biết ơn Đảng và Nhà nước và đơn vị đã quan tâm tới tôi”.

Trong tình cảm đầm ấm, những món quà của các đoàn thể địa phương đã được trao cho đại diện gia đình bà Đỗ Thị Long, thể hiện tấm lòng tri ân của của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

Trần Duy Hưng

Bài viết khác: