Chủ nhật, 29/12/2024

Năm 2017, năm kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng mười Nga vĩ đại, mà thành quả của nó đến nay vẫn là một dấu ấn vĩ đại không thể phủ nhận, nhất là đối với Việt Nam chúng ta, đó là sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau đó lần lượt đánh thắng hai đế quốc to, sừng sỏ thế giới là Pháp và Mỹ, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cũng được thừa hưởng những thành quả to lớn từ phía Liên Xô, Liên bang Nga ngày nay với bao công trình tầm vóc, đặc biệt trong đó là nhiệm vụ y tế giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng ngôi nhà vĩnh hằng - Công trình Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử. Đây là một biểu tượng văn hóa, chính trị có giá trị lịch sử lâu dài, khẳng định mối quan hệ, hợp tác trong sáng Việt Nam - Liên Xô, Việt Nam - Liên bang Nga đời đời bền vững.

chuyen gia nga 2017 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh lưu niệm với các chuyên gia y tế Nga nhân dịp tổng kết 20 năm hợp tác trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giữ gìn lâu dài,
bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

          Ngược dòng thời gian, trở lại những năm 1960 của thế kỷ trước, nhất là từ năm 1967 trước tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng suy giảm do tuổi cao, do bệnh tật từ những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định, một mặt tích cực chạy chữa, chăm sóc sức khỏe của Bác, một mặt tích cực chuẩn bị các yếu tố giữ gìn thi hài khi Người qua đời. Nhiệm vụ này, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng trực tiếp thực hiện. Đồng chí Lê Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ được giao trực tiếp đàm phán với Chính phủ Liên Xô về nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và nhờ Liên Xô giúp đỡ đào tạo chuyên gia Việt Nam, giúp ta giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Lăng của Người.

          Với tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Xô viết đã đồng ý giúp đỡ Việt Nam giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách vô điều kiện, từ đào tạo chuyên gia y tế (năm 1967, 1968), chuẩn bị mọi cơ sở vật chất cho nhiệm vụ quan trọng này. Đặc biệt, những ngày cuối tháng Tám năm 1969, trước tình hình sức khỏe của Bác ngày một trầm trọng, ngày 28 tháng 8 năm 1969, Liên Xô đã cử một đoàn chuyên gia gồm 5 đồng chí do Giáo sư Viện sỹ Lô-pu-khin I-u-ri Mi-khai-lô-vích làm Trưởng đoàn sang Việt Nam để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Đoàn đi trên chuyến bay IL-62, phải qua chặng bay dài theo lộ trình từ Ta-sken, Can-cut-ta mới sang đến Hà Nội, xuống sân bay Viện sĩ Lô-pu-khin I-u-ri Mi-khai-lô-vích cảm nhận: “Khi rời khỏi máy bay, chúng tôi ngập chìm trong cái nóng ẩm ướt, khó thở, giống như ở trong nhà tắm hơi nóng nực”. Do điều kiện khó khăn lúc bấy giờ, ta đã cố gắng bố trí cho bạn ở khách sạn tốt nhất, nhưng đất nước đang trong chiến tranh, do khó khăn về kinh tế, nhiệm vụ lại bí mật nên so với điều kiện ở nước bạn thì quả là rất thiếu thốn về ăn, ở, đi lại và điều kiện làm việc. Nhưng bạn không hề phàn nàn gì, mà dành hết tình cảm, trách nhiệm, tập trung hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác giai đoạn ban đầu, giai đoạn quan trọng, quyết định đến việc giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này.

          Nhưng đây mới chỉ là bước đầu quan trọng của công việc giữ gìn thi hài Bác phục vụ cho Lễ Quốc tang. Sau đó, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác như thế nào, ở đâu là một câu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta. Trong khi đó, Việt Nam còn đang phải đương đầu với cuộc kháng chiến đánh đuổi đế quốc Mỹ, kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Trước hoàn cảnh đất nước như vậy, ngay phía bạn cũng thấy nao núng. Bạn đưa ra ý kiến đưa Bác sang Liên Xô giữ gìn, khi nào hết chiến tranh, có điều kiện thì đưa trở lại Việt Nam. Nhưng với quyết tâm cao của các chuyên gia Việt Nam, đặc biệt là tình cảm, lòng biết ơn vô hạn của Đảng, Nhà nước, dân tộc Việt Nam đối với Bác Hồ kính yêu, theo truyền thống tín ngưỡng dân tộc không thể để Bác đi xa Tổ quốc được. Bằng lý trí cách mạng, tình cảm thân thương, kính trọng, lại một lần nữa thuyết phục được bạn đồng ý với ta giữ gìn thi hài Bác tại Việt Nam. Đây sẽ là những khó khăn đặt ra cho phía bạn, những chuyên gia ở một đất nước phát triển, khi phải làm việc trong điều kiện khó khăn chồng chất và thiếu thốn về mọi thứ như ở Việt Nam lúc bấy giờ.  

          Tình cảm đó được thể hiện ngay trong những ngày diễn ra Lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Kô-sư-ghin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Trưởng đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ Liên Xô sang viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý và để một đồng chí chuyên gia y tế về Liên Xô cùng chuyên cơ, sau mấy ngày chuẩn bị, cũng chuyên cơ đó đã quay trở lại Việt Nam với đầy đủ các trang thiết bị, vật tư hóa chất y tế, cùng với sự chủ động chuẩn bị của Việt Nam, chúng ta có đủ cơ sở, điều kiện cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác tại Việt Nam.

 MG 4383
Lễ ký văn bản kết thúc tu bổ năm 2017

          Giai đoạn giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ cho Lễ Quốc tang kết thúc. Từ đây bắt đầu cho giai đoạn mới: Giữ gìn lâu dài thi hài Bác, xây dựng Lăng của Người trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt. Không dừng lại ở chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ còn liều lĩnh đưa không quân ra đánh phá miền Bắc, miền Bắc lúc này lại bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai bão lụt.  Trước tình hình như vậy, để đảm bảo tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng đã quyết định phải di chuyển thi hài Bác lên K9, Ba Vì. Từ năm 1969 đến năm 1975, chúng ta đã 6 lần di chuyển thi hài Bác từ Công trình 75A tại Hà Nội đi K9, Sơn Tây; rồi đi K2, Phú Thọ. Mỗi lần di chuyển đó là một quá trình hết sức khó khăn, vất vả, nhưng các chuyên gia Liên Xô vẫn luôn đồng hành với các cán bộ, chiến sĩ Việt Nam. Các chuyên gia chia sẻ những khó khăn với ta, cùng đồng cam, cộng khổ; không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn ở khu vực K9, K2, nơi rừng sâu, đi lại khó khăn vất vả, bất kể đêm hôm, sớm tối, điều kiện ăn ở kham khổ, muỗi vắt côn trùng độc hại, nắng nóng, giá rét.v.v… nhưng các bạn chuyên gia vẫn nhất mực tình cảm tận tụy, vui vẻ, không phàn nàn gì trong thực hiện nhiệm vụ. Như lần di chuyển thi hài đầu tiên vào cuối tháng 12 năm 1969, đồng chí I-go, chuyên gia y tế Liên Xô đã tình nguyện ngồi trong xe thi hài cùng với bác sĩ Nguyễn Gia Quyền trên một chặng đường dài từ Hà Nội đi Ba Vì, Sơn Tây. Khi xuống xe, dù rét run bần bật do ngồi trong xe lạnh nhiều giờ, nhưng vẫn tươi cười bắt tay mọi người, vui vẻ chúc mừng chuyến di chuyển thành công tốt đẹp. Trong 6 năm (1969 - 1975) với 6 lần di chuyển như vậy, mỗi lần là một thử thách cam go, khó khăn, vất vả khác nhau, nhưng các chuyên gia y tế Liên Xô luôn đồng hành cùng gánh vác công việc khó khăn, vất vả với các chuyên gia y tế Việt Nam. Điều đó nói lên tất cả tình cảm đặc biệt, vô bờ bến của Đảng, Nhà nước Liên Xô, mà trực tiếp là các chuyên gia đối với Bác Hồ kính yêu, với dân tộc Việt Nam.

chuyen gia nga 2017 2
Các chuyên gia Nga chụp ảnh lưu niệm với Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và cán bộ đơn vị
nhân chuyến làm việc tại Việt Nam năm 2017.

          Năm 1975, Việt Nam thống nhất, được sự giúp đỡ trong sáng, nhiệt tình chu đáo vô bờ của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên xô, trực tiếp là các chuyên gia Xô viết, Lăng Bác được khánh thành, từ đây Bác trở về với ngôi nhà vĩnh hằng của Người giữa Ba Đình lịch sử, một biểu tượng vĩ đại của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn mới, vừa giữ gìn lâu dài vừa tổ chức thăm viếng theo quy định, với những yêu cầu về y tế, kỹ thuật rất cao. Một lần nữa tình cảm, trách nhiệm của đất nước Liên Xô anh em, nhất là các chuyên gia Liên Xô, sau này là Liên bang Nga lại được khẳng định, duy trì và giữ vững hơn bao giờ hết. Các chuyên gia y tế thường xuyên bên cạnh chuyên gia Việt Nam hàng ngày để giữ gìn thi hài Bác, cùng hợp tác nghiên cứu, đào tạo, truyền đạt kinh nghiệm cho chúng ta. Chính vì vậy, các chuyên gia Việt Nam từng bước tiếp cận và vươn lên làm chủ vững chắc, tiến tới làm chủ hoàn toàn nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác. Ngay cả khi năm 1991, khi Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ, các bạn Nga, trực tiếp là Viện Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va (Viện Lăng Lê-nin trước đây) cũng vẫn cùng chúng ta tiếp tục nghiên cứu, bàn thảo vạch ra hướng hợp tác mới phù hợp với cơ chế, thể chế chính trị xã hội nước Nga để duy trì nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác không bị gián đoạn. Năm 1992, theo chỉ thị của đồng chí X.A Cra-xơ-nôp, Chủ nhiệm Tổng Cục Kỹ thuật, Bộ Kinh tế đối ngoại Liên bang Nga, ngày 20/3/1992 đã chính thức bàn giao dung dịch ướp bảo quản thi hài Bác cho chúng ta, theo TS Vũ Văn Bình, nguyên Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đây không phải là thay chủ thể quản lý dung dịch mà thực chất là khẳng định rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác của Bộ Tư lệnh Lăng nói chung và các chuyên gia y tế Việt Nam nói riêng”, cũng là từng bước một, bạn giúp đào tạo, chuyển giao cho ta chủ động nghiên cứu làm chủ trong thực hiện nhiệm vụ. Năm 2003 trước tình hình khó khăn về việc nhập, vận chuyển dung dịch về Việt Nam, Đoàn công tác do Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng làm Trưởng Đoàn đã sang Liên bang Nga làm việc, đàm phán với lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu y sinh Mát-xcơ-va, do Viện sĩ V.A Bư-côp, Giám đốc Trung tâm làm Trưởng đoàn. Với kết quả hợp tác nghiên cứu tốt đẹp giữa chuyên gia y tế Nga và Việt Nam, Viện sĩ đã đồng ý, năm 2004, phía bạn chính thức chuyển giao công nghệ và tổ chức pha chế dung dịch bảo quản thi hài Bác tại Việt Nam. Năm 2013, sau bao nỗ lực đàm phán, làm việc, Bạn đã chính thức hợp tác với ta chuyển giao công nghệ sản xuất bộ quần áo đặc biệt giữ gìn thi hài, tiếp tục hợp tác nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực liên quan để nhiệm vụ y tế giữ gìn thi hài Bác ngày càng tốt hơn, làm chủ vững chăc tiến tới làm chủ hoàn toàn công nghệ.

          Trong suốt gần 50 năm qua, với tinh thần quốc tế trong sáng, với tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu, đối với dân tộc Việt Nam Anh hùng, Liên Xô trước đây - Liên bang Nga ngày nay vẫn dành cho chúng ta những sự quan tâm chia sẻ tình cảm tốt đẹp, trong sáng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đó là những món quà mà Cách mạng Tháng Mười Nga đem lại cho nhân loại, trong đó có Việt Nam chúng ta./.

Thiếu tướng Cao Đình Kiếm

Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Tư lệnh

Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh 

Bài viết khác: