Chương V: Những nhà khai hóa
Xin hỏi: Có phải là ở Sở Mật thám của Phủ Toàn quyền Đông Dương có một nhân viên người Pháp là C...không? Có phải chính tên C... ấy trong khi được phái đi "công cán" ở Phú Xuyên, đã bắt người An Nam ở đây gọi hắn bằng "Quan lớn", và đã đánh đập tàn nhẫn những ai không nhanh miệng chào hắn như thế không? Có phải cũng chính tên C... này đã hiếp dâm một người lính lệ không? À té ra cái gì người ta cũng được phép và có thể làm được ở cái thiên đường Đông Dương ấy.
Giữa tháng 12 năm 1922, một viên đội phó cảnh binh Pháp(1) của Sở Cảnh sát đô thị Sài Gòn, "say mềm", đã vào nhà một người bản xứ và làm bị thương nặng hai người trong nhà, trong đó có một người đàn bà.
Khi ông dự thẩm hỏi cung thì tên cảnh binh ấy khai là hắn không còn nhớ gì cả, và chối phăng là hắn không say.
Trái lại, các nhân chứng, trong đó có một người Âu, đều xác nhận rằng lúc xảy ra vụ thương tâm ấy, người bảo vệ trật tự kia quả là không ở trong trạng thái bình thường.
Người khai hoá ấy say hay là điên, điều đó không quan trọng, chúng tôi chỉ thiết tha mong rằng anh ta sẽ được tặng thưởng Huân chương về hành động dũng cảm của anh ta.
*
* *
Ở thuộc địa, hễ có màu da trắng là quý phái, là thuộc chủng tộc thượng đẳng.
Để giữ thể thống, anh tây đoan hạng bét cũng có ít nhất một người ở, một người "bồi", và người này thường thường lại bị dùng làm "người hầu gái vạn năng".
Đày tớ người bản xứ đã dễ bảo lại rẻ tiền, nên nhiều viên chức thuộc địa về nghỉ hoặc về hưu mang theo cả người ở về nước.
Chẳng hạn như ông Giăng Lơ M...rinhy ở phố Cácnô, thành phố Sécbua. Ông ấy ở Đông Dương về, mang theo một người bồi lương tháng 35 quan. Chẳng cần phải nói bạn cũng biết rằng, người bồi ấy phải làm quần quật từ mờ sáng đến đêm khuya. Trong nhà ấy, không có Chủ nhật cũng chẳng có ngày lễ. Hơn nữa, người ta cho anh ăn uống hết sức kham khổ, và chỗ ở rất tồi tệ.
Một hôm ông Giăng Lơ M...rinhy muốn sai người "được bảo hộ" của mình về làm lụng ở thôn quê. Vì đã từng được nếm cuộc sống sung sướng ở thôn quê mà ông chủ quý hoá dành cho, nên người con của xứ An Nam không chịu đi.
Thế là nhà cựu khai hoá kia nổi cơn thịnh nộ nện cho anh ta một trận nên thân, rồi đuổi ra khỏi nhà(2), nhưng lại giữ tất cả tài sản của anh ta: Tiền bạc, hòm xiểng, quần áo, v.v… mà nhất định không chịu trả lại, mặc dù anh ta đã nhiều lần van nài. Bị đuổi đột ngột, trơ hai bàn tay trắng, không biết tiếng Pháp, không bạn bè thân thích, bơ vơ lạc lõng, con người bất hạnh đó đang lâm vào cảnh cùng khốn ghê gớm.
*
* *
Viên chức thuộc địa là nguyên nhân chính gây ra nạn đời sống đắt đỏ ở thuộc địa. Muốn biết nhân tố ăn bám ấy đè nặng lên ngân sách đến mức nào, nghĩa là đè nặng lên lưng nhân dân lao động như thế nào, hãy so sánh những con số sau đây:
Ở Ấn Độ thuộc Anh, dân số 325 triệu người, có 4.898 viên chức người Âu.
Ở Đông Dương thuộc Pháp, dân số 15 triệu người, có 4.300 viên chức người Âu.
Như thế nghĩa là ở thuộc địa Anh, cứ 66.150 người dân thì có một viên chức người Âu, còn ở thuộc địa Pháp, thì cứ 3.490 người dân đã có một viên chức người Âu.
Ở Ấn Độ, ngành thương chính có 240 viên chức người Âu. Ở Đông Dương, ngành thương chính có 1.100 viên chức người Âu.
Ở Ấn Độ, có 26.000 nhà dây thép với 268 viên chức người Âu.
Ở Đông Dương có 330 nhà dây thép với 340 viên chức người Âu.
Tại sao ở Đông Dương, cái loài ăn hại ngân sách ấy lại nhiều đến thế? Bởi vì thuộc địa là một thiên đường ở trần gian; ở đó, trừ một vài trường hợp rất hiếm hoi, còn thì tất cả những cặn bã trong các ngành chính trị, tài chính, báo chí, v.v… mà chính quốc thải ra, đều tìm được môi trường rất thích hợp để phát triển... Hãy bắt đầu từ nhân vật quan trọng nhất là viên Toàn quyền. Về vấn đề này, một người thực dân không thiên vị đã viết: "Sang Bắc Kỳ, các ông Toàn quyền chỉ nhằm một mục đích là: Tìm chỗ bổ dụng bạn bè con cháu thân thuộc và bọn vận động bầu cử của những bậc quyền thế có thể làm chỗ dựa cho mình; thường thường bọn này là những người mắc nợ như chúa chổm, bị chủ nợ săn lùng, phải có tiền cho chúng mới được ..."
Đối với nhà văn thanh cao nào muốn viết lịch sử huy hoàng của công cuộc khai hoá thuộc địa, thì cuộc chiến tranh gọi là vì công lý và chính nghĩa sẽ là nguồn tài liệu vô tận. Với một cử chỉ say sưa và hùng biện, ông Anbe Xarô nói: "Chính công cuộc chinh phục thuộc địa đã đào tạo nên phần lớn những vị tướng lĩnh vĩ đại đã đưa chúng ta đến chiến thắng và đã từng được dư luận nước Pháp ca tụng chiến công và thanh danh khi họ đưa ngọn cờ của chúng ta đi khắp đất Á, trời Phi".
Cũng với ý nghĩ thẳng thắn như thế, nhưng bằng lời lẽ kém bay bướm hơn, Tờ Le Journal de Genève (à, lại có quỷ sứ ở Giơnevơ chăng?) đã nói toạc ra rằng: "Chính phủ Cộng hoà đã đi tìm thuộc địa để gỡ gạc lại trận thất bại năm 1870. Dân tộc Pháp coi việc chinh phục thuộc địa như là một sự đền bù lại những thất vọng cay đắng của mình ở Châu Âu, và bọn quân nhân thì vớ được dịp để trổ tài trong những trận thắng dễ dàng".
Nghe những lời chứng có thẩm quyền như thế, mà các bạn vẫn cứ khăng khăng không tin rằng việc khai thác thuộc địa là một sứ mệnh khai hoá và nhân đạo không hơn không kém, thì thật là hết chỗ nói!
*
* *
1. Ông Ghinôđô bị mất trộm số tiền 5.000 phrăng. Muốn bắt những người bản xứ làm việc ở nhà ông phải thú nhận, ông chủ tốt bụng và nhà khai hoá vĩ đại đó đã đem họ ra tra điện. Nhưng sau, người ta tìm ra kẻ cắp thì lại không phải là một người bản xứ, mà chính là một nhà khai hoá khác: Ấy là cậu ấm con ngài Ghinôđô! Thế mà ông Ghinôđô vẫn được vô tội, còn tám người bản xứ giúp việc ông thì hiện vẫn còn nằm nhà thương.
2. Ông Vônla, nhà khai hoá kiêm nhà buôn, không trả lương đều đặn cho những nhân viên bản xứ làm cho ông. Một trong những nhân viên đó nhờ viên Đốc công hỏi hộ cho anh số lương chủ còn thiếu. Ông Vônla bèn đưa cho viên Đốc công một mảnh giấy ghi mấy chữ sau đây: "Bảo cái con lợn ấy lấy C... mà ăn, chỉ có món ấy là hợp với nó thôi".
Việc này xảy ra ở Tuynidi, năm 1923, ngay giữa lúc ông Tổng thống Milơrăng đi kinh lý ở đó.
*
* *
Khi người ta có màu da trắng thì nghiễm nhiên người ta là một nhà khai hoá. Mà khi người ta đã là một nhà khai hoá thì người ta có thể làm những việc dã man mà vẫn cứ là người văn minh nhất.
Cho nên, một viên Đốc công lục lộ ở Nam Kỳ đã bắt những người An Nam gặp hắn trên đường phải lạy chào hắn theo đúng nghi thức của chủng tộc chiến bại đối với chủng tộc chiến thắng.
Một hôm, một viên Thư ký người bản xứ ở sở ra, vừa đi vừa đọc một quyển tiểu thuyết. Đến một đoạn hài hước, anh bật lên cười. Vừa lúc ấy viên Đốc công lục lộ đi tới. Ông ta nổi cơn giận lên, thứ nhất là vì người bản xứ ấy mải đọc truyện đến nỗi không nhìn thấy ông mà chào; thứ hai là vì một người bản xứ mà lại dám cười khi đi qua trước mặt một người da trắng. Thế là nhà khai hoá nắm viên Thư ký lại, buộc anh phải khai tên và hỏi anh có muốn ăn một cái tát không. Tất nhiên là người Thư ký từ chối món quà quá hào hiệp đó, và tỏ vẻ ngạc nhiên tại sao lại có chuyện thoá mạ như thế được. Thế là chẳng nói chẳng rằng, người viên chức Pháp túm áo người bản xứ ấy lôi đến trước quan chủ tỉnh.
Cũng vẫn cái lão Đốc công lục lộ ấy, lấy cớ là phải sắp xếp nhà cửa, vườn tược lại cho ngay ngắn, đã ra lệnh cho nhân dân ở hai bên đường hàng tỉnh phải dọn nhà đi, chặt cây và phá vườn trong một thời hạn do hắn quy định, nếu không thì sẽ bị phạt tiền.
Như thế đấy mà người ta vẫn cứ ngạc nhiên vì sao người bản xứ ở các thuộc địa lại cứ bất bình!
Chẳng những bọn Thống đốc, Công sứ muốn làm gì thì làm, mà cả các nhân viên nhà đoan, cảnh binh và tất cả những ai có tý chút quyền hành trong tay cũng đều sử dụng và lạm dụng quyền hành để thả cửa làm bậy vì họ biết chắc rằng sẽ không bị tội vạ gì hết.
Một viên cẩm ở Tuyên Quang (Bắc Kỳ) đã đánh một người bản xứ gãy cả hai cánh tay. Một viên cẩm khác ở Đà Lạt (Trung Kỳ)(3) vừa mới sáng tạo ra một lối mua bán cực kỳ lý thú, chúng tôi xin thuật ra đây để hiến quý ngài Điô và Xarô. Một hôm ông cẩm cần gỗ ván, ông sai lính ra phố mua. Mua là một cách nói thôi, chứ ông ta có đưa tiền cho lính của ông ta đâu. Tuy vậy, lính của ông ta cũng cứ ra phố, vào hàng chọn gỗ và định mang đi, cố nhiên là không trả tiền. Người bán gỗ không cho. Lính trở về báo cáo với quan Tây yêu sách quái gở của nhà buôn ấy.
Điên tiết lên, ông cẩm phái ba người lính mang súng đến bắt người bán gỗ to gan đó. Người này đang bị cảm không chịu đi. Lính về báo lại với ông cẩm. Tức giận đến cực độ, ông liền phái thêm ba người lính nữa nhập với tốp trước, và hạ lệnh cho họ phải bắt bằng được tên cứng đầu cứng cổ kia đem về dù sống hay chết.
Toán lính vũ trang đến bao vây cửa hiệu bán gỗ và sắp sửa thi hành mệnh lệnh.
Lúc ấy, một nhà buôn người Âu can thiệp bênh người bán gỗ bản xứ và viết thư cho ông cẩm. Nhưng người cộng sự đầy nghị lực của ông Môrixơ Lông, vẫn không chịu thu hồi "trát đòi" người bán gỗ và cho biết rằng nếu anh ta không chịu đến thì sẽ gặp nhiều chuyện rắc rối.
Nhà buôn người bản xứ ấy đành phải bỏ công việc làm ăn, bỏ cả quê hương để lẩn tránh cơn tức giận "khai hoá" của vị quan da trắng.
*
* *
Bảy người An Nam đáng thương đang bơi một chiếc xuồng dài mỏng mảnh; đã xuôi dòng nước, lại có đến bảy tay chèo nên chiếc xuồng đi vùn vụt như một chiếc xuồng máy. Bỗng thuyền của một nhân viên Nhà đoan khuất sau đám cây đước trong lạch hiện ra, với quốc kỳ Pháp cắm sau lái. Một thuỷ thủ trên thuyền Nhà đoan gọi, bảo xuồng kia dừng lại; người trên xuồng vẫn chèo. Thuyền của viên tây đoan đi chậm không đuổi kịp. Viên đoan liền cầm súng oanhsitơ bắn theo. Đoàng! Đoàng! Một người đang chèo thét lên rồi ngã gục. Đoàng! Lại một người nữa ngã gục. Lúc ấy, một người Âu khác, làm nghề gạch ngói, vừa đi xuồng tới, cũng tham gia đột kích "bọn cướp" kia ở một khúc ngoẹo. Đoàng! Đoàng! Đoàng! Quả là tay súng cừ! Ba viên đạn, ba nạn nhân. Chiếc xuồng cùng hai người sống sót mất hút trong lạch ...
Một hôm khác, cũng viên đoan ấy đi với sáu thuỷ thủ vũ trang, phát hiện được một người khốn khổ đang trốn dưới ao, ngâm mình dưới bùn, thở bằng một cái ống, một đầu ngậm ở miệng, một đầu để ló ra khỏi mặt nước; trên mặt nước lá sen che phủ một cách rất khéo. Viên tây đoan liền bắt và chặt đầu "tên cướp" ấy đem về toà sứ. Thật ra, đó chỉ là một nông dân bình thường khiếp sợ vì thấy có nhiều người lạ đến làng, mặt mày hung tợn, mang đầy súng lục, túi đạn, lăm lăm súng oanhsitơ trên tay. Số là bọn Nhà đoan vào các túp lều trong làng đã tìm thấy ba chiếc vỏ đạn, mấy cái bánh tàu và một cái búa đi rừng. Vậy đích thị là một làng làm giặc và tiếp tế cho giặc rồi còn nghi ngờ gì nữa!
Một sĩ quan trẻ tuổi vừa ở Pháp sang, đến một làng nọ, thấy nhà cửa vắng vẻ, còn dân chúng thì tụ tập lại một chỗ. Tưởng đâu đã lọt vào ổ phục kích, hắn bắn xả vào đám đông vô tội. Thật ra thì dân chúng đương họp để cúng tế. Bị bắn, họ kinh hoảng bỏ chạy tán loạn. Tên sĩ quan đuổi theo và tàn sát họ.
Một người Pháp đã từng ở Bắc Kỳ lâu năm kể: Khi từ chiếc tàu của một nhà kinh doanh lớn, tôi đặt chân lên Bắc Kỳ, anh có biết mạng của một người An Nam đáng giá bao nhiêu không ? Không đáng một trinh! Thật đấy.
- Này nhé, tôi còn nhớ, khi chúng tôi ngược sông Hồng, người ta đã đem rượu ra đánh cuộc xem ai ngồi dưới tàu, bắn mười phát mà "hạ sát" được nhiều người An Nam nhất ở trên bờ.
Một đôi kẻ súng cầm tay đi lùng bắt dân làng, thuyền bè để đòi tiền chuộc.
Một Đại đội Thuỷ quân Lục chiến hành quân đến Vĩnh Thượng. Theo phép lịch sự, viên quan địa phương dàn lính (bọn lính lệ) nghênh tiếp. Tên chỉ huy toán lính đi dò đường của đại đội thấy thế đã ra lệnh bắn vào họ, làm nhiều người chết.
Khi người ta không trừ nổi một nghĩa quân thì người ta đốt cả làng người ấy. Người ta đã triệt hạ cả một vùng chung quanh Hưng Hoá như vậy.
Một người An Nam đang đi lảo đảo trên một con đường nhỏ hẻo lánh, vai gánh hai thúng to đầy lạc. Chúng tôi tới gần, hắn ta không kịp tránh. Tức thời người ta bắt hắn và bắn chết.
Suốt ngày, người ta vác gậy hoặc sống gươm nện vào người An Nam để bắt họ làm việc.
Người An Nam rất hiền lành, rất ngoan ngoãn, nhưng người ta lại nói chuyện với họ chỉ bằng những cái đá đít thôi.
Chúng ta coi những người An Nam yêu nước là những tên cướp. Chẳng hạn như Đội Văn, một người yêu nước đã từng chiến đấu mấy năm trời chống lại sự thống trị của người nước ngoài, bị chém tại Hà Nội, bêu đầu ở Bắc Ninh, ném xác xuống sông Hồng.
Tống Duy Tân, sau mười năm ròng rã chiến đấu tuyệt vọng, đã bị bắt và bị chém.
Phan Đình Phùng, một vị quan to, kháng chiến trong mười năm trời rồi chết trong rừng sâu. Ông ta chết rồi mà chúng ta vẫn không tha; người ta vào rừng quật mộ ông lên, ném thi hài ông mỗi nơi một mảnh. Người ta báo thù ông ngay sau khi ông đã nằm sâu dưới mộ.
Ở tỉnh Quảng Trị, một viên cai lục lộ người Pháp say rượu đã "hạ" một người bản xứ ngồi trên lưng voi, chỉ vì tội không nghe rõ hay là không hiểu lệnh của hắn.
Một viên tây đoan ở Bà Rịa (Nam Kỳ) cũng say rượu, phang một gậy trúng lá lách một thuỷ thủ An Nam thuộc quyền hắn, làm cho anh ta chết tươi.
Một viên thầu khoán người Pháp giết một lính khố xanh ở Đà Lạt. Cũng ở đấy, một nhà khai hoá khác đã đánh một người thợ mộc bản xứ đến chết.
Một viên thầu khoán bắt thợ làm việc ngày đêm dưới nước để đào một đường hầm. Một số đông thợ chết, những người còn sống sót bãi công. Viên thầu khoán đã tự tay đốt nhà những người bãi công để buộc họ phải đi làm trở lại. Cả một làng cháy rực giữa đêm tối.
Một viên Chánh quản pháo binh nửa đêm vào nhà một bà vắng chồng. Bà ta không chịu tiếp hắn. Thế là hắn nổi lửa đốt nhà bà. Dĩ nhiên, người đàn bà đau khổ kia hết sức sợ hãi.
Một viên quan hai nhiều vợ, đã quật ngã một thiếu phụ, dùng gậy song đánh chị đến chết chỉ vì chị không chịu ăn ở với hắn.
Một viên chức ở xưởng đóng tàu của hải quân giết một nhân viên hoả xa người An Nam bằng cách xô anh vào một đống than hồng sau khi đánh đập anh hết sức tàn nhẫn.
*
* *
Ông Vinhê Đốctông viết: "Trên thế giới không có dân tộc chiến bại nào bị đàn áp và hành hạ như người dân thuộc địa".
Một nhà du lịch khác viết: "Đời sống ở thuộc địa chỉ làm cho tật xấu của cá nhân phát triển: Những kẻ đã nếm mùi chiến tranh thì càng mất hết ý thức đạo đức, càng trụy lạc, bất lương và độc ác; những bọn con buôn và bọn phiêu lưu khác thì càng quen mùi trộm cắp, cướp giật. Ở bên Pháp ít có dịp để làm những việc đó, và người ta sợ cảnh sát hơn! Ở đây, bọn nói trên, đôi khi chỉ có một mình với vài người bản xứ, trên một con thuyền hoặc trong một thôn xóm; vì vậy chúng cướp bóc trắng trợn hơn là người Âu trên thị trường, và đối xử tàn nhẫn hơn với những nông dân nào phản đối chúng".
Một nhà du lịch thứ ba viết: Khi đặt chân đến đây, tất cả những người Pháp đều nghĩ rằng người An Nam là hạng người thấp kém và phải làm nô lệ cho họ. Họ coi người An Nam như những súc vật phải điều khiển bằng roi vọt. Tất cả đều quen tự coi mình thuộc một đẳng cấp quý tộc mới, có đặc quyền đặc lợi. Binh sĩ hay là thực dân, họ đều cho rằng giữa họ và người bản xứ không có cách đối xử nào khác hơn là sự đối xử giữa chủ và tớ. Hình như đối với họ, người bồi là tiêu biểu của cả chủng tộc da vàng. Phải nghe một người Pháp ở Đông Dương nói về người da vàng mới thấy hết cái ngu xuẩn trong lối nói ngạo mạn của hắn. Phải nhìn một người Âu đối xử với người bản xứ mới thấy hết cái cục cằn thô lỗ của hắn.
Kẻ đi chinh phục rất quan tâm đến thái độ phục tùng và cung kính của người bị chinh phục. Người An Nam ở thành thị cũng như ở nông thôn đều bắt buộc phải ngả nón trước mặt người Âu.
Một tên mật thám Pháp đánh đập tàn nhẫn những người An Nam nào quên không gọi hắn ta bằng quan lớn. Một tên Tham tá Nhà đoan buộc những người bản xứ khi đi qua nhà hắn phải ngả mũ hoặc xuống xe, xuống ngựa. Một hôm, nhà khai hoá này đánh đập tàn nhẫn một chị người An Nam đang có mang, chỉ vì tuy chị có chào hắn, nhưng lại quên gọi hắn là quan lớn. Hắn đá một cái rất mạnh vào bụng chị làm chị truỵ thai, ít lâu sau thì người đàn bà khốn khổ ấy chết.
Các quan bảo hộ của chúng ta buộc người An Nam phải khúm núm, ngoan ngoãn, dễ bảo và lễ phép, nhưng ngược lại, về phía các quan, thì như một nhà văn sang thăm Đông Dương đã viết: "Hình như họ chỉ làm những điều khiến cho sự có mặt của chúng ta trở thành một điều xấu xa bỉ ổi không ai chịu được". Nhà văn ấy còn viết tiếp: "Ở châu Âu người ta coi giống người da vàng chứa đựng tất cả những thói điêu ngoa, xảo trá. Ấy thế mà, chính chúng ta thì lại rất ít chú ý tỏ ra là mình ngay thẳng, thành thật".
Có những sĩ quan đã giật râu thầy cúng ngay trong lúc họ làm lễ. Một cậu ấm người Pháp đã đánh nhừ đòn một viên chức người An Nam, vì ông này đã ngồi trước trên một chiếc xe hàng mà không chịu nhường chỗ cho cậu.
Một viên Toàn quyền vừa về tới Mácxây, người ta thết tiệc ông ta và đề nghị cho mấy viên quan Nam triều đang có mặt ở cảng đến cùng dự. Viên Toàn quyền Đông Dương đáp: "Nếu các ông mời các tên quan lại ấy, thì tôi cũng sẽ đưa tên bồi của tôi đến".
*
* *
Chúng tôi xin trích trong nhật ký đi đường của một anh lính thuộc địa, sự việc sau đây:
- Trong khi "những người từng ở Bắc Kỳ" đang vui chơi nhởn nhơ trên tàu, thì dưới mạn tàu phía bên phải, có mấy chiếc xuồng bán hoa quả, ốc hến. Để đưa hàng đến tận tay chúng tôi, những người An Nam buộc giỏ đựng hàng vào đầu ngọn sào, rồi giơ lên. Chúng tôi chỉ có mất công chọn. Nhưng đáng lẽ trả tiền, thì người ta lại có nhã ý bỏ vào giỏ đủ thứ như sau: ống điếu, khuy quần, mẩu tàn thuốc (có lẽ họ làm như thế để giáo dục tính ngay thật trong việc mua bán cho người bản xứ chăng!). Đôi khi để đùa vui, một anh sốp phơ hắt một thùng nước sôi xuống lưng những người bán hàng khốn khổ. Thế là, những tiếng kêu rú lên, mái chèo vung lên loạn xạ để bơi tránh, làm cho xuồng va chạm vào nhau lộc cộc.
"Ngay bên dưới tôi, một người An Nam bị giội nước sôi, bỏng từ đầu đến chân, phát điên lên muốn nhảy xuống biển. Người anh của anh ta, quên cả nguy hiểm, bỏ chèo, ôm lấy anh, bắt anh nằm xuống lòng thuyền. Cuộc vật lộn chớp nhoáng vừa chấm dứt thì một thùng nước sôi khác do một bàn tay thành thạo lại giội xuống; thế là đến lượt chính người đi cứu, bị luộc chín. Tôi trông thấy anh ta giẫy giụa trong thuyền, da bị lột ra tròi thịt đỏ rói gào rống lên như một con vật. Thế nhưng cảnh đó lại làm cho chúng tôi cười, chúng tôi cho là rất ngộ nghĩnh. Quả thật chúng tôi đã có tâm hồn thực dân!".
Ở một trang khác, anh lính viết:
- Trong thời kỳ tôi ở đây (ở Bắc Kỳ), không có tuần nào là tôi không thấy vài cái đầu rụng.
Trong những cảnh ấy, tôi chỉ còn ghi nhớ được một điều là chúng ta còn độc ác, còn dã man hơn cả bọn kẻ cướp nhà nghề. Tại sao lại có những hành vi quái ác đến thế đối với một con người tù sắp phải chết ? Tại sao lại dùng nhục hình, tại sao phải giải từng đoàn tù đi bêu khắp xóm làng ?
*
* *
Ông Đume, cựu toàn quyền Đông Dương, đã trịnh trọng phát biểu tại Hạ nghị viện như sau: "Tôi hiểu rõ những cảnh binh ở thuộc địa. Tôi đã từng cho tăng số đội cảnh binh lên, vì tôi đã nhận thấy rằng lực lượng cảnh binh bảo đảm cho người bản xứ tránh được những sự hà lạm có thể do một số tên thực dân gây ra. Cảnh binh rất được lòng người bản xứ".
Chúng ta hãy xem các ông cảnh binh đã làm thế nào để "được lòng dân". Phải nói ngay rằng, nhìn chung, các ông rất hiền từ đối với bọn côn đồ, đó là điều chắc chắn rồi. Nhưng đối với dân hiền lành thì lại là chuyện khác. Chúng ta chưa cần nói đến chuyện thương tâm xảy ra tại Khám lớn Sài Gòn năm 1916, năm mà các ngài cảnh binh, do "nhiệt tình yêu nước", đã bắt người bừa bãi, và những người vô tội bị bắt ấy đã bị kết án và hành hình. Dù máu người An Nam nhuộm đỏ "đồng Mả ngụy" có phai đi với thời gian chăng nữa, thì vết thương lòng của những bà mẹ già, những người vợ goá, những đứa con côi không bao giờ hàn gắn được. Bọn thủ phạm gây ra vụ đó, mà cảnh binh là công cụ hèn mạt của chúng, không hề bị trừng trị, chúng cũng chưa hề bị truy tố. Bây giờ, chỉ xin nêu một vài trường hợp đặc biệt:
Một viên cẩm ở Bắc Kỳ suốt ngày đi dọc các cống rãnh, bảo là để giữ gìn vệ sinh. Hễ bắt gặp được dù chỉ một cuộng cỏ trên dòng nước, là tức khắc hắn trừng trị và phạt tiền những người dân nghèo khổ ở quanh đấy.
Ở miền Tây Nam Kỳ, nhằm tránh tai nạn trong các kênh có thuyền bè đi lại, mỗi con kênh đều có một trạm cảnh binh làm nhiệm vụ kiểm soát không cho thuyền bè đi quá nhanh hoặc làm trở ngại giao thông. Nhưng với sự có mặt của bọn cảnh binh, thì đó là một cái "cửa cống" tuôn ra không biết bao nhiêu vụ phạt tiền, phạt vi cảnh. Hầu hết thuyền bè qua lại trên các kênh lạch có trạm cảnh binh ấy đều bị phạt từ một đến hai đồng. Như thế là ngoài các khoản thuế của nhà nước chồng chất lên ngập đầu, còn thêm thuế sông nước do các ngài cảnh binh "được lòng dân" đặt ra nữa; nên người dân An Nam thật là sung sướng, sung sướng lắm!
Ngoài việc thăng thưởng dành cho những người đắc lực nhất, nghe đâu các ngài cảnh binh còn được hưởng món hoa hồng bằng 20% số tiền phạt nữa thì phải! Chế độ tốt đẹp thay!
Một tờ báo bản xứ viết: "Dân bản xứ không muốn có cảnh binh Pháp nữa vì đó thường là mối tai hoạ cho người lương thiện".
Một gã Puốcxinhông nào đó thấy một người An Nam dám tò mò và cả gan nhìn vào nhà hắn trong vài giây, hắn đã nhảy xổ ra đánh và giết anh ta bằng một phát súng lục vào đầu.
Một nhân viên hoả xa người Pháp ở Bắc Kỳ, lấy roi mây quất một người Lý trưởng, rồi bắt nhốt vào cũi chó.
Ông Bếc đấm vỡ sọ người lái xe cho ông ta.
Ông Brét thầu khoán, trói một người An Nam cho chó cắn, rồi đá anh ta cho đến chết.
Ông Đépphi, chủ sự thuế quan, đá vào hông người đày tớ một cái rất mạnh làm anh này chết tươi.
Ông Hăngri, thợ máy, nghe có tiếng ồn ào ngoài phố; cửa nhà ông vừa mở; một chị người An Nam chạy xộc vào, có một người đàn ông bản xứ đuổi theo. Hăngri tưởng người đàn ông kia ghẹo "con gái"(4) của mình, liền vớ ngay khẩu súng săn, bắn một phát, người kia ngã gục.
Một người Pháp đem ngựa của hắn buộc vào một tàu ngựa trong đó đã có con ngựa cái của một người dân bản xứ. Con ngựa đực lồng lên làm cho người Pháp tức điên đầu. Hắn liền đánh người bản xứ ấy hộc máu mồm máu mũi, rồi trói anh ta lại, treo lên cầu thang.
Một nhà truyền giáo (vâng, một tông đồ hiền lành của Chúa!) nghi cho một học sinh Chủng viện bản xứ lấy cắp một nghìn đồng; hắn trói anh ta lại rút lên xà nhà mà đánh. Người học sinh tội nghiệp kia ngất đi. Hắn hạ anh ta xuống. Anh hồi tỉnh, hắn lại rút anh lên, tra khảo. Người bản xứ đó dở sống dở chết. Có lẽ hôm nay thì đã chết thật.
Vân vân và vân vân.
Toà án có trừng phạt những kẻ ấy, những nhà khai hoá ấy không?
Một số đã được tha bổng, còn một số thì chẳng hề bị động tới lông chân.
Một tên thực dân Pháp thấy ba người bản xứ thả cừu vào vườn ôliu của hắn. Hắn bảo vợ đem súng đạn ra; nấp vào bụi rậm, hắn bắn ba phát, làm bị thương nặng cả ba người.
Một tên thực dân Pháp khác có hai công nhân người bản xứ giúp việc là Amđuni và Ben Benkhia. Hai người này hình như có hái trộm vài chùm nho. Tên thực dân liền cho gọi họ đến, lấy roi gân bò quất xối xả vào họ cho đến chết ngất. Khi họ tỉnh lại thì quan lớn bảo hộ sai trói giật cánh khuỷu lại và treo lên. Mặc dù hai người khốn khổ kia đã mê man bất tỉnh, cuộc hành hạ ghê tởm đó vẫn cứ kéo dài suốt bốn tiếng đồng hồ cho đến khi có người láng giềng phản đối mới thôi.
Khiêng vào bệnh viện, mỗi người bị cưa mất một bàn tay. Còn bàn tay kia cũng không chắc gì cứu khỏi.
*
* *
Một người An Nam, 50 tuổi, từng làm việc 25 năm ở Sở Xe lửa Nam Kỳ, đã bị một viên chức da trắng giết chết. Đầu đuôi như sau:
Ông Lê Văn Tài có bốn người An Nam khác giúp việc dưới quyền mình. Phận sự của họ là đóng cầu mỗi khi có xe lửa đi qua và mở cầu cho thuyền bè qua lại. Theo lệ thì phải đóng cầu mười phút trước khi xe lửa đi qua.
Ngày 2 tháng 4, hồi 16 giờ 30 phút, một người trong bọn họ vừa mới đóng cầu và treo tín hiệu xong thì một xuồng máy công đi đến; trên xuồng có một viên chức người Pháp của xưởng đóng tàu hải quân đi săn về. Chiếc xuồng kéo còi. Nhân viên bản xứ liền ra giữa cầu phất cờ đỏ báo cho những người trên xuồng biết xe lửa sắp chạy qua. Thế là chiếc xuồng cập vào một trụ cầu. Người viên chức Pháp nhảy lên bờ, hầm hầm đi về phía người An Nam. Anh này khôn ý chạy về phía nhà ông Tài là "xếp" của mình. Người Pháp đuổi bắt, lấy đá ném theo. Nghe tiếng ồn ào, ông Tài chạy ra, đón viên đại diện của văn minh, thì viên này sừng sộ mắng vào mặt ông: "Đồ súc sinh! Tại sao mày không mở cầu ra?". Vốn không biết nói tiếng Pháp, ông Tài chỉ còn biết trả lời hắn bằng cách trỏ tay vào cái tín hiệu màu đỏ. Cử chỉ đơn giản ấy làm cho vị cộng sự của ngài toàn quyền Lông phát khùng lên. Không phân phải trái, hắn ta nhảy xổ vào ông Tài và sau khi đánh ông nhừ tử, hắn xô ông vào một đống than hồng gần đó.
Người An Nam gác cầu ấy bị bỏng một cách rùng rợn, phải chở đến nhà thương, và sau sáu ngày giãy giụa, ông đã chết.
Người viên chức kia vẫn được vô sự, không bị đòi hỏi gì cả. Trong lúc ở Mácxây người ta trưng bày sự phồn vinh giả tạo của xứ Đông Dương, thì ở Trung Kỳ dân đang chết đói. Ở đây, người ta ca ngợi lòng trung thành, thì ở bên kia, người ta đang giết người!
Trong khi tính mạng một con người An Nam bị rẻ rúng không đáng giá một trinh, thì ngài Tổng Thanh tra Rêna chỉ bị sướt một chút da ở cánh tay lại được lĩnh đến 120.000 phrăng tiền bồi thường.
*
* *
Công cuộc khai hoá người Marốc bằng đại bác vẫn tiếp diễn.
Một viên chỉ huy bộ binh Duavơ(5) đóng ở Xéttát, đã nói với binh sĩ như thế này: "Chúng ta phải diệt cho xong lũ man rợ này. Đất Marốc giàu khoáng sản và nông sản. Chúng ta, những người Pháp, những người văn minh, chúng ta đến đây với hai mục đích: Khai hoá và làm giàu cho chúng ta".
Viên chỉ huy ấy nói đúng đấy. Nhất là ông ta đã thành thật thú nhận rằng người ta sang thuộc địa là để cướp bóc người bản xứ. Bởi vì chỉ sau 10 năm đặt dưới chế độ bảo hộ, xứ Marốc đã bị người châu Âu cướp mất 379.000 hécta đất trồng trọt, trong đó 368.000 hécta đã lọt vào tay những người Pháp khai hoá. Diện tích Marốc có 815.000 kilômét vuông; nếu công cuộc khai hoá cứ tiếp tục với đà ấy thì chẳng mấy năm nữa, người dân Marốc khốn khổ sẽ không còn lấy một tấc đất tự do nào để trồng trọt và sinh sống trên Tổ quốc mình mà không phải chịu cái ách bóc lột và nô dịch của chủ nghĩa thực dân.
Chú thích
1) Bản tiếng Pháp: Sous brigadier européen (Phó Cảnh binh người Âu).
2) Bản tiếng Pháp: f... l Annamite à la porte... (đuổi người An Nam ra khỏi nhà).
3) Bản tiếng Pháp: Cochinchine (Nam Kỳ).
4) Hồi Pháp thống trị nước ta, người Pháp thường nuôi những người thiếu nữ Việt Nam vừa làm người hầu hạ, may vá, vừa làm trò chơi; chúng gọi những người ấy là "con gái". Khi một người Pháp nói "ma con gái" (đứa con gái của tôi) cũng như nói "mon boy" (người bồi của tôi) vậy.
5) Zouaves. Danh từ dùng để chỉ những binh lính thuộc những đơn vị quân đội thực dân Pháp lúc mới thành lập chỉ gồm những người bản xứ Angiêri ở vùng Zouagha, một địa phương thuộc miền núi nước Angiêri, giáp Tuynidi.
(Còn nữa)