Chỉ mục bài viết

 

Chương VII: Bóc lột người bản xứ

"Sau khi cướp hết những ruộng đất màu mỡ, bọn cá mập Pháp đánh vào những ruộng đất cằn cỗi những thứ thuế vô lý gấp trăm lần thuế đất thời phong kiến". 

Vinhê Đốctông  

Trước khi Pháp chiếm cứ xứ này, trong bộ thuế điền thổ các làng, người ta xếp đất ruộng, công cũng như tư, thành nhiều hạng dựa theo các loại cây trồng. Thuế suất ruộng từ 5 hào đến l đồng một mẫu, còn đất từ một hào hai đến một đồng tư một mẫu. Mẫu là đơn vị diện tích hình vuông mỗi cạnh 150 thước. Thước thì dài, ngắn không chừng, tuỳ từng tỉnh, có thước 42, 47, hoặc 64 xăngtimét. Vì thế, diện tích mẫu rộng hẹp khác nhau, có nơi bằng 3.970 mét vuông, nơi 4.900, nơi 6.200 mét vuông. 

Để tăng thu nhập cho nhà nước, người ta đã định một thước thống nhất là 40 xăngtimét, non hơn tất cả các thứ thước thông dụng, do đó mỗi mẫu chỉ bằng 3.600 mét vuông. Với cách này, thuế điền thổ tăng lên theo tỷ lệ khác nhau tuỳ từng tỉnh: Có nơi tăng một phần mười hai, có nơi một phần ba, nơi không may nhất tăng đến hai phần ba. 

Từ năm 1890 đến năm 1896, thuế trực thu tăng gấp đôi; từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên gấp rưỡi. Làng nào bị tăng thuế cũng cắn răng mà chịu; hỏi còn biết kêu vào đâu? Được thể các ngài công sứ càng làm già. Nhiều người Pháp coi việc các làng ngoan ngoãn đóng thuế như vậy là một bằng chứng rõ ràng rằng mức thuế không có gì là quá đáng! 

*

*       *

Thuế thân tăng từ một hào tư lên hai đồng rưỡi. Những thanh niên chưa vào sổ đinh, nghĩa là còn dưới 18 tuổi, trước kia không phải nộp gì cả, nay phải nộp ba hào mỗi người, tức là hơn gấp đôi một suất đinh trước kia. 

Theo nghị định ngày 11 tháng 12 năm 1919 của thống sứ Bắc Kỳ, thì tất cả người bản xứ, từ 18 đến 60 tuổi đều phải đóng một suất thuế thân đồng loạt là hai đồng rưỡi. 

Mỗi người An Nam lúc nào cũng phải mang theo mình thẻ thuế thân, khi hỏi phải xuất trình; ai quên hoặc đánh mất sẽ bị bỏ tù. 

Để bù vào chỗ đồng bạc bị sụt giá, Toàn quyền Đume chỉ cần làm một việc đơn giản là tăng số đinh lên! 

Mỗi năm người ta phân bổ cho mỗi làng một số nhất định về đinh và điền thuộc các hạng. Nhưng khi cần tăng thêm nguồn thu thì thế nào? Thì cứ việc chữa lại các con số của tài khoá rồi bắt các làng phải đóng thuế cho số đinh và điền cao hơn con số đã phân bổ đầu năm. Vì thế, tỉnh Nam Định (Bắc Kỳ) tổng diện tích chưa đến 120.000 hécta nhưng thống kê đã ghi đến 122.000 hécta ruộng, và người dân An Nam buộc phải nộp thuế cho những ruộng không có trên thực tế! Có kêu cũng chả ai thèm nghe! 

Thuế má không những nặng oằn lưng, mà còn luôn luôn thay đổi. 

Một số thuế lưu thông hàng hoá cũng giống như thế. Vả lại, đánh thuế như cách sau đây thì làm sao mà công bằng được: Người ta cấp giấy phép lưu thông cho 150 kilôgam thuốc lá, sau đó lại bố trí để đánh thuế được nhiều lần cũng món hàng đó mỗi khi nó chuyển sang tay chủ khác, mỗi khi số 150 kilôgam ấy được phân phối cho ba, bốn khách mua? Chẳng còn luật lệ nào khác ngoài sự tuỳ tiện của bọn Nhà đoan. Bởi vậy, người An Nam rất sợ bọn Nhà đoan, cứ thoáng thấy chúng là họ vứt ngay giữa đường những thúng muối, thúng cau, hoặc thuốc lá của họ: Thà vứt của đi còn hơn là phải đóng thuế hết khoản này đến khoản khác mãi mãi không thôi. Ở một số vùng, nhân dân buộc lòng phải nhổ thuốc, chặt cau, để tránh những phiền nhiễu vì thuế mới. 

Ở Luông Prabăng, nhiều phụ nữ nghèo khổ thảm thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không nộp nổi thuế. 

Tỉnh Bắc Ninh (Bắc Kỳ) bị lũ lụt tàn phá, thế mà cũng phải nộp 500.000 đồng tiền thuế. 

*

 *       *

Các bạn đã nghe ông Môrixơ Lông, Toàn quyền Đông Dương, ông Anbe Xarô, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, và báo chí của họ - một thứ báo chí vô tư - khua chiêng gõ trống về thành công của công trái Đông Dương. Nhưng họ lại giữ kín không nói là đã dùng biện pháp gì để đi đến thành công đó. Họ sợ lộ bí quyết nhà nghề. Kể cũng phải. Và bí quyết ấy là như thế này: Trước hết, họ đem khoản lợi tức công trái ra để câu những kẻ ngây thơ. Nhưng ngón ấy không ăn thua mấy, họ bèn bắt các xã phải bán công sản đi để mua công trái. Cũng vẫn không đủ, họ liền đòi những người có máu mặt đến, ấn cho mỗi người một biên lai trước, thế là những người này chỉ còn có việc chạy vạy nộp cho đủ khoản tiền đã ghi sẵn trong biên lai. Vì ruột két của Chính phủ thì rộng thênh thang, mà số những nhà công thương bản xứ thì không nhiều, cho nên số công trái ấn vào cho họ không đủ để nhét đầy cái ruột két không đáy kia. Thế là cái nhà nước quen gõ cứ gõ mãi vào đám đông đã bị gõ nhiều nhất: Người ta bắt hai, ba, bốn người dân nghèo, hoặc nhiều hơn nữa, phải mua chung một cổ phiếu! 

Dưới đây là một thí dụ về cái ngón mà các quan cai trị của chúng ta thường dùng để móc tiền trong túi người bản xứ. 

Ở một tỉnh thuộc miền Tây Nam Kỳ, trước ngày mở công trái mấy tuần, viên tỉnh trưởng họp tất cả các Chánh tổng trong tỉnh lại để hiểu dụ về thể thức mua công trái. Sau khi những lời hiểu dụ của ông ta được người thông ngôn dịch xong, viên tỉnh trưởng kết luận: 

- Thế đấy. Nhiệm vụ của tôi là giải thích cho các ông hiểu. Bây giờ thì mua đi! Rồi "quan lớn" quay lại hỏi viên Chánh tổng đứng bên cạnh: 

- Thế tổng ông nhận mua bao nhiêu nào? 

Viên Chánh tổng thảm hại kia bị hỏi đột ngột, ấp úng trả lời rằng, vì chưa gặp được dân để tìm hiểu khả năng của họ, nên chưa thể nói ngay được con số sẽ mua là bao nhiêu. 

Quan lớn liền thét: 

- Câm cái mõm lại, anh không xứng đáng là Chánh tổng! Tôi cách chức anh! 

................... 

Công trái đã mở. Viên Thống đốc Nam Kỳ đi kinh lý, ghé lại tỉnh lỵ hỏi xem từ một tuần nay số công trái bán được là bao nhiêu. 

Nghe báo cáo là 73.000 đồng, quan lớn tỏ vẻ không hài lòng, vì tỉnh này có tiếng giàu nhất miền Tây Nam Kỳ, vả lại trong những đợt công trái trước, tỉnh này đã mua được nhiều hơn thế kia mà. 

Viên Thống đốc đi rồi, viên chủ tỉnh quyết định đi một vòng để cổ động trong toàn hạt. Ông ta đến thăm tất cả các nhà giàu bản xứ có súng và ấn cho mỗi người một số công trái. Để cho họ hiểu rằng đây không phải là chuyện đùa, quan lớn tịch thu súng của họ và bảo: 

- Phải biết, nếu cứ ỳ ra thì đừng có hòng được trả lại súng! 

Thế là ai nấy đều phải cúi đầu chịu mua cả. 

Nhân đây cũng nên nói, chính ông quan lớn này đã chi 30.000 đồng để đắp một con đường dài 9 kilômét hiện nay nó đang sụt lở xuống dòng kênh bên cạnh. Mong rằng con đường sắt xuyên Đông Dương sẽ tốt số hơn. 

*

*         *

Người ta xây một ngôi chùa. Nhân công làm chùa toàn là người nhà pha, do một thân hào hướng dẫn. Sổ chấm công thợ hằng ngày ghi rõ ràng đều đặn và thầu khoán cũng trả tiền sòng phẳng. Thế nhưng tiền thì lại chính quan lớn Công sứ bỏ túi. 

Quan lớn Công sứ vừa được thưởng mề đay. Để mừng ngài, người ta mở một cuộc lạc quyên. Mức đóng góp bắt buộc đối với các quan lại, viên chức, hào lý, tối thiểu phải là 6 đồng. Tất cả thu được l0.000 đồng. Chiếc mề đay ấy quý đấy chứ nhỉ! 

Việc cho bao thầu vật liệu để bắc mấy chiếc cầu gỗ và dựng mấy trường làng, đã mang lại cho quan Công sứ thanh liêm nhà ta một món quà nhỏ gần 2.000 đồng. 

Việc đăng ký trâu bò không mất tiền, nhưng quan lớn Công sứ cứ cho phép những kẻ thừa hành thu mỗi con từ 5 hào đến 5 đồng. 

Để đáp lại, bọn này cứ đóng cho ngài mỗi tháng 200 đồng. 

Việc xếp hạng ruộng đất một cách gian dối còn đem thêm 4.000 đồng cho ông quan vừa mới được gắn mề đay ấy. 

Việc nhượng trưng bất hợp pháp mấy hécta đất lại cho chui thêm vào túi ngài 2.000 đồng nữa. 

Là nhà khai hoá, là nhà ái quốc, và cũng là môn đồ của chủ nghĩa cực đoan, quan lớn Công sứ đã biết lợi dụng rất có kết quả những đợt "công trái Chiến thắng" - xin nhớ rằng cứ mỗi lần chiến thắng là một lần mở công trái, và cứ mỗi năm lại có một lần chiến thắng. Trong lần mở công trái năm 1920, có mấy làng đã mua 55.900 phrăng, theo hối suất một đồng ăn 10 phrăng 25, tức là họ đã bỏ ra 5.466 đồng. Năm 1921, đồng bạc sụt giá chỉ còn 6 phrăng, cụ sứ bèn hào hiệp thu về cho cụ các cổ phiếu đó và bỏ ra 5.466 đồng hoàn lại cho các làng. Về sau, do giá đồng bạc Đông Dương lên, cụ đã vớ gọn 9.325 đồng. 

Tin sau đây chúng tôi trích ở Tờ Công báo, nói về buổi họp thứ nhất, ngày 22 tháng 12 năm 1922: "Trong thời kỳ chiến tranh, nhiều lính Phi gửi ngân phiếu cho gia đình, với những số tiền nhiều khi rất lớn. Nhưng các ngân phiếu ấy không bao giờ đến tay người nhận cả". 

Một bạn đồng nghiệp lại vừa cho chúng tôi biết một "hiện tượng" tương tự như thế. Lần này, thì sự việc xảy ra ở đảo Rêuyniông. Đã nhiều tháng nay nhân dân trên đảo không hề nhận được một bưu kiện nào gửi đến cho họ cả. Tờ báo viết: 

"Hiện tượng ấy làm cho cả người gửi hàng lẫn người không nhận được hàng đều phải lấy làm lạ. 

“Nhiều người khiếu nại. Cuộc điều tra mới mở đã rọi ngay được ánh sáng vào điều bí mật nói trên, và phát hiện ra một loạt vụ đánh cắp được tiến hành một cách chu đáo và kiên trì lạ thường. 

"Người ta bắt một nhân viên, rồi một nhân viên nữa, rồi đến lượt ông "xếp", và cuối cùng, khi tất cả nhân viên đã bị còng tay thì đến phiên ông Giám đốc ngành bưu điện cũng theo họ vào tù nốt. 

"Mỗi ngày cuộc điều tra lại đưa ra ánh sáng vài sự việc mới. Số bưu kiện bị đánh cắp trị giá trên 125.500 phrăng. Giấy tờ kế toán đều làm gian cả. Sổ sách gian lận rối beng đến nỗi phải mất hơn 6 tháng mới gỡ ra được. 

Ở trong một ngành nào đó đôi khi có thể có một vài viên chức gian tham, song rất ít khi lại có cả một ngành suốt từ trên xuống dưới nhiễm phải bệnh ăn cắp đến như vậy; điều lạ kỳ hơn nữa là tại sao tất cả bọn ăn cắp ấy lại có thể hoành hành được trong mấy năm ròng mà vẫn được bình yên vô sự". 

*

*        *

Trong dịp nghị viện thảo luận dự luật về kinh phí hàng không quân sự, trong đó có khoản kinh phí mà các thuộc địa, nghĩa là người bản xứ, buộc phải nhả tiền ra đóng (Đông Dương 375.000 phrăng, Tây Phi 100.000 phrăng), ông Môrinô, nghị viên Angiêri, có nói về việc này: 

"Thưa các bạn thân mến, trong dịp này, các bạn hãy cho phép tôi tiếp theo những lời ca tụng những người Pháp dũng cảm đã lập được một chiến công đẹp đẽ như thế, chiến công mà Tờ Times đánh giá là kỳ diệu, được nói lên tấm lòng cảm phục của tất cả chúng ta đối với họ; sự cảm phục đó ông Xitrôen, nhà công nghiệp "chí công vô tư" cũng xứng đáng được dự phần, vì ông đã không ngần ngại giúp đỡ phương tiện tài chính và kỹ thuật cho họ. (Vỗ tay). 

"Việc gì đã xảy ra sau sự kiện vĩ đại ấy? Ấy là việc các đồn đóng ở miền Nam Angiêri lập tức đặt mua thứ phương tiện vận tải vô song ấy cho sa mạc Xahara mà người ta gọi là ôtô dây xích. 

"Đồn Túcguốc và đồn Uácgla vừa đặt mua hai chiếc - tin này gần đây quan Toàn quyền Angiêri vừa cho tôi biết. 

"Tất cả các đồn bốt khác của ta tất nhiên rồi cũng sẽ mau chóng được trang bị bằng những thứ đó. 

"Trong một thời gian ngắn, chúng ta cần phải thiết lập thêm bốn, năm đồn mới nữa, để cho có một tuyến đồn bốt nối tiếp nhau, cứ khoảng 200 kilômét có một đồn. "Đồn mới sẽ được thiết lập, rồi sẽ đặt mua ôtô dây xích. Thế là tất cả các đồn bốt ở Xahara sẽ liên lạc được với nhau không khó khăn gì. Việc chuyển vận quân nhu, lương thực từ đồn này sang đồn khác sẽ hết sức dễ dàng. Thư từ sẽ nhận đều đặn (Vỗ tay)". 

(Trích Công báo ngày 22 tháng 1 năm 1923) 

*

*       *

Người dân đi tạp dịch không phải chỉ có dọn dẹp, sửa sang những lối đi quanh toà sứ để cho vui bước chân nhàn hạ của một vài người Âu đâu, mà họ còn phải luôn luôn làm những việc nặng nhọc hơn nhiều tuỳ theo ý thích của các quan Công sứ. 

Mới được tin ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa sang thăm Đông Dương, thế là người ta bắt ngay l0.000 dân đi làm cho xong con đường V.L.(1), để kịp cho ngài Bộ trưởng làm Lễ Khánh thành. 

Mùa hè năm 18..., một thời gian ngắn trước khi nạn đói tàn phá miền Trung Trung Kỳ, người ta đã bắt một vạn dân, có Lý trưởng từng làng áp giải, đi nạo vét bùn một con sông. Đến nơi một số lớn trong đoàn nhân công khổng lồ ấy không có việc làm. Thế nhưng người ta vẫn giữ họ lại hàng tháng trong lúc đồng ruộng đang cần đến những cánh tay nhàn rỗi ấy. Phải chú ý một điều là chưa bao giờ người ta huy động một lực lượng đông đến như thế, khi cần ngăn ngừa một tai hoạ chung cho nhân dân. Cuối năm 18..., nếu người ta tổ chức từ Đà Nẵng trở đi một đường dây vận chuyển để tiếp tế cho các địa phương bị đói thì đại đa số những người chết đói ở miền Trung đã khỏi bị chết oan; l0.000 dân phục dịch ở sông nói trên, rất có thể đủ sức phân phối trong vòng một tháng 2.000 tấn gạo cho các nơi bị đói trong các tỉnh của họ. 

Công việc làm các con đường đi Đà Nẵng, đi Trấn Ninh và đi Lào còn để lại cho mọi người biết bao kỷ niệm đau đớn. Dân phu phải đi bộ hàng trăm kilômét mới đến công trường. Đến nơi, họ phải chui rúc trong những túp lều tranh thảm hại. Không có mảy may vệ sinh; không có tổ chức y tế. Trên đường không trạm nghỉ chân, không nhà tạm trú. Họ chỉ được một suất cơm ăn không đủ no với một chút cá khô và phải uống nước bẩn, thứ nước khe núi mà họ rất sợ. Bệnh hoạn, cực nhọc, hành hạ tàn tệ đã gây nên chết chóc khủng khiếp. 

Nếu không bắt dân đi tạp dịch thì người ta trưng tập họ đi phu, giữa hai cách đó chỉ có một điểm khác nhau là đi tạp dịch thì có thời hạn, còn đi phu thì không. Cả hai cách đều dùng để giải quyết mọi nhu cầu: Nhà đoan muốn chở muối chăng? thì trưng dụng thuyền; muốn làm kho chăng? thì trưng tập thợ và trưng dụng luôn cả vật liệu xây dựng. 

Trưng tập đi phu thì quả là một sự phát lưu trá hình vụng về. Người ta xua cả từng làng đến công trường, bất chấp công việc đồng áng, bất chấp cả những ngày hội tôn giáo. Số người được trở về rất ít. Vả lại, người ta có làm gì để giúp cho người dân phu trở về quê quán đâu! 

Trên đường đi lên cao nguyên Lang Biên, đi lên rừng xanh núi đỏ, nơi mà thần chết đang đợi chờ, từng đoàn người dân đi tạp dịch hoặc đi phu trưng tập, lương thực thiếu thốn, có ngày không có lấy một hột cơm vào bụng, họ đã bỏ trốn từng đoàn, hoặc nổi dậy chống lại, và mỗi khi như thế là bị bọn lính áp giải đàn áp ghê rợn, xác họ rải khắp dọc đường. 

Nhà cầm quyền Quảng Châu Loan(2) được lệnh bắt phu. Thế là người ta bắt giữ tất cả những người bản xứ đang làm việc ở bến cảng, trói gô lại ném xuống tàu. 

Nhân dân Lào, những thổ dân khốn khổ, sống trong cảnh luôn luôn nơm nớp sợ đi phu. Mỗi khi bọn sĩ quan phụ trách bắt phu đến làng, bản là chỉ thấy nhà hoang cửa trống, vì dân đã trốn biệt. 

Ở tỉnh Thủ Dầu Một, một viên quan cai trị cần một chiếc xe lu. Làm thế nào? Hắn thương lượng với một công ty đấu thầu đang cần nhân công rẻ tiền. Công ty bỏ tiền ra mua xe lu với giá 13.500 phrăng. Còn quan thì bắt dân đi tạp dịch cho công ty với giá ngày công 0,50 phrăng. Ba năm liền, dân Thủ Dầu Một phải đặt dưới quyền sử dụng của công ty kia, làm xâu để trả tiền chiếc xe lu mà quan lớn cai trị thích mua để dùng trong vườn của ngài. 

Ở một tỉnh khác, người dân đi tạp dịch làm hết ngày, còn phải gánh đá không công trên đường dài một kilômét để xây tường quanh dinh của viên quan cai trị chủ tỉnh. 

Như thế là bất cứ lúc nào, người dân An Nam cũng có thể bị bắt đi, bị ép làm những công việc cực nhọc, mà cơm ăn không no, tiền công rẻ mạt; bị trưng tập không thời hạn, rồi bị vứt bỏ xa quê hương hàng trăm kilômét. 

*

 *       *

Nói chung, người An Nam đều phải è ra mà chịu công ơn bảo hộ của nước Pháp. Riêng người nông dân An Nam lại càng phải è ra mà chịu sự bảo hộ ấy một cách nhục nhã hơn: Là người An Nam, họ bị áp bức, là người nông dân, họ bị tước đoạt. Chính họ là những người lao khổ, làm để nuôi lũ người ăn bám, bọn đi khai hoá và những bọn khác. Chính họ phải sống cùng khổ, trong khi bọn đao phủ của họ lại sống phè phỡn; hễ mất mùa là họ chết đói. Họ bị cướp giật từ mọi phía, bằng mọi cách, bởi nhà nước, bởi bọn phong kiến tân thời, bởi giáo hội Thiên chúa. Xưa kia, dưới chế độ phong kiến An Nam, ruộng đất xếp thành đẳng hạng theo tốt xấu. Thuế đánh theo sự phân hạng ấy. Dưới chế độ thuộc địa hiện nay, những điều đó đã thay đổi. Khi cần tiền, nhà nước bảo hộ Pháp chỉ có việc thay đổi hạng ruộng. Chỉ một nét bút thần kỳ là họ biến một đám ruộng xấu thành ruộng tốt. 

Như thế cũng vẫn chưa hết. Người ta còn tăng diện tích ruộng đất lên một cách giả tạo bằng thủ đoạn rút bớt đơn vị đo đạc. Bằng cách đó, thuế lập tức tăng lên, nơi thì một phần ba, nơi thì hai phần ba. Thế mà vẫn chưa đủ thoả lòng tham không đáy của nhà nước bảo hộ và hằng năm thuế cứ tăng lên mãi. Thí dụ, từ năm 1890 đến năm 1896, thuế đã tăng gấp đôi. Từ năm 1896 đến năm 1898 lại tăng lên gấp rưỡi và cứ như thế mà tiếp tục. Người An Nam cứ chịu để cho người ta róc thịt mãi, thì các quan lớn bảo hộ nhà ta quen ăn bén mùi lại càng tiếp tục bóc lột thêm. 

Năm 1895, viên Công sứ một tỉnh ở Bắc Kỳ đã tước mất của một làng nọ nhiều hécta ruộng đất để cấp cho một làng khác theo đạo Thiên chúa. Những người mất ruộng khiếu nại. Người ta bắt họ bỏ tù. Các bạn đừng tưởng chế độ cai trị vô liêm sỉ ấy chỉ dừng lại ở đó thôi. Người ta còn bắt những kẻ xấu số bị mất ruộng phải tiếp tục nộp cho đến năm 1910, tiền thuế của những ruộng đất đã bị tước đoạt từ năm 1895! 

Thêm vào nạn ăn cướp của chính quyền, là nạn ăn cướp của bọn chủ đồn điền. Người ta cấp cho những người Âu chỉ có cái bụng phệ và màu da trắng những đồn điền có khi rộng trên 20.000 hécta.

Phần lớn những đồn điền này đều được lập ra bằng lối cướp giật được hợp pháp hoá. Trong thời kỳ chiến tranh xâm lược, dân cày An Nam - cũng như người Andátxơ năm 1870, - đã bỏ ruộng đất của mình lánh sang những vùng còn tự do. Khi trở về thì ruộng vườn của họ đã "thành đồn điền" mất rồi. Hàng bao nhiêu làng đã bị tước đoạt theo kiểu đó, và người bản xứ lâm vào cảnh phải lao động cho bọn chúa đất tân thời, bọn này chiếm đoạt có khi đến 90% thu hoạch. 

Lấy cớ khuyến khích khai thác thuộc địa, người ta miễn thuế điền thổ cho số lớn chủ đồn điền kếch sù. 

Sau khi đã được cấp không ruộng đất, bọn chủ đồn điền còn được cấp không hoặc gần như không, cả nhân công nữa. Nhà nước cung cấp cho chúng một số tù khổ sai làm không công, hoặc dùng uy quyền để mộ nhân công cho chúng với một đồng lương chết đói. Nếu dân phu đến không đủ số hoặc tỏ ra bất mãn, thì người ta dùng vũ lực; bọn chủ đồn điền tóm cổ hào lý, đánh đập, tra tấn họ cho đến khi họ chịu ký giao kèo hẹn nộp đủ số nhân công mà chúng đòi hỏi. 

*

*       *

Bên cạnh uy lực phần đời ấy, còn có những đấng cứu thế phần hồn nữa. Các đấng này, trong khi thuyết giáo "đức nghèo" cho người An Nam, cũng không quên làm giàu trên mồ hôi và máu của họ. Chỉ riêng ở Nam Kỳ, Hội Thánh truyền đạo cũng đã độc chiếm đến l/5 ruộng đất trong vùng. Kinh thánh tuy không dạy, song thủ đoạn chiếm đất rất giản đơn: Cho vay nặng lãi và hối lộ. Nhà chung lợi dụng lúc mất mùa để cho nông dân vay và buộc phải có ruộng đất để làm bảo đảm. Vì lãi suất tính cắt cổ, nên người An Nam không thể trả nợ đúng hạn; thế là ruộng đất cầm cố vĩnh viễn rơi vào tay Nhà chung (Hội thánh). 

Các viên Toàn quyền lớn, Toàn quyền bé được nước mẹ ký thác vận mệnh xứ Đông Dương, nói chung đều là bọn ngu xuẩn, bọn đểu cáng. Nhà chung chỉ cần nắm được một vài giấy tờ bí mật, thuộc đời tư, có tính chất nguy hại đối với thanh danh, địa vị của chúng, là có thể làm cho chúng hoảng sợ và phải thoả mãn mọi yêu cầu của Nhà chung. Chính vì thế mà một viên Toàn quyền đã nhường cho Nhà chung 7.000 hécta đất bãi bồi của người bản xứ, khiến họ phải đi ăn xin. 

Phác qua như thế, cũng đủ thấy dưới chiêu bài dân chủ, đế quốc Pháp đã cắm vào đất An Nam chế độ đáng nguyền rủa của thời trung cổ; người nông dân An Nam bị hành hình vừa bằng lưỡi lê của nền văn minh tư bản chủ nghĩa, vừa bằng cây thánh giá của giáo hội sa đoạ làm ô danh Chúa. 

* 

*       *

Angiêri đau khổ vì nạn đói. Tuynidi cũng bị tàn phá vì nạn đói. Để giải quyết tình trạng ấy, Chính phủ bắt giam một số đông người đói. Để cho bọn "người đói" đừng coi nhà tù là nơi cứu tế, người ta không cho họ ăn gì hết. Cho nên nhiều người đã chết đói trong lúc bị giam cầm. Trong những hang động En Ghiria, nhiều người đói lả phải gặm xác một con lừa chết thối lâu ngày. 

Ở Bêgia, người Cammê(3) giành giật xác thú vật với quạ. Ở Xúc en Acba, ở Ghiđa, Uét Mơlidơ, mỗi ngày hàng chục người chết đói. 

Đi đôi với nạn đói, nạn dịch tễ phát sinh ở nhiều nơi và có nguy cơ lan rộng. 

* 

*       *

Để che đậy sự xấu xa của chế độ bóc lột đầy tội ác, chủ nghĩa tư bản thực dân luôn luôn trang điểm cho cái huy chương mục nát của nó bằng những châm ngôn lý tưởng: Bác ái, bình đẳng, v.v.. 

Cùng làm một việc trong cùng một xưởng, người thợ da trắng được trả lương cao hơn nhiều so với bạn đồng nghiệp khác màu da. 

Trong các công sở, những người bản xứ dù đã làm việc lâu năm và dù rất thành thạo công việc, cũng chỉ được lĩnh một khoản tiền lương chết đói; trái lại một người da trắng mới được đưa vào, làm việc ít hơn, thì lại lĩnh lương cao hơn. 

Có những thanh niên bản xứ đã học các trường đại học của chính quốc, đỗ bác sĩ Y khoa hay Tiến sĩ Luật khoa thế mà vẫn không được làm nghề nghiệp của mình trong nước mình, nếu không vào quốc tịch Pháp. Mà ai cũng đã biết, một người bản xứ muốn được nhập quốc tịch Pháp như vậy thì phải vượt qua bao nhiêu khó khăn và tốn bao nhiêu công chạy vạy nhục nhã. 

Còn những người bản xứ bắt buộc phải lìa bỏ ruộng nương, gia đình đi "lính tình nguyện" thì đều sớm được nếm hương vị tuyệt vời của món "bình đẳng". 

Cùng một cấp bậc, nhưng người da trắng hầu như bao giờ cũng được coi là cấp trên của người bản xứ. Cái chế độ đẳng cấp có tính chất "nhân chủng - quân sự" ấy lại càng rõ rệt hơn khi những quân nhân da trắng và quân nhân khác màu da cùng đi trên một chuyến xe lửa hoặc tầu thuỷ. 

* 

*        *

Một người bản xứ làm thế nào để có thể nhập quốc tịch Pháp? Đạo luật ngày 25 tháng 3 năm 1915 về việc dân thuộc địa Pháp nhập quốc tịch Pháp quy định: 

Điều 1. - Những người dân thuộc địa Pháp hoặc dân được Pháp bảo hộ, trên 21 tuổi, không phải là quê hương ở Angiêri, Tuynidi hoặc Marốc, đã cư trú ở Pháp, Angiêri hoặc trên đất bảo hộ của Pháp và có được một trong những điều kiện sau đây thì có thể được thừa nhận cho hưởng quyền lợi công dân Pháp: 

1. Đã được thưởng Bắc đẩu bội tinh hoặc đã tốt nghiệp một trong những trường đại học hay là chuyên nghiệp mà danh sách sẽ do sắc lệnh ấn định. 

2. Đã có công lớn trong việc khai thác thuộc địa hoặc phục vụ quyền lợi của nước Pháp. 

3. Đã phục vụ trong quân đội Pháp và được giữ chức sĩ quan hay hạ sĩ quan, hoặc được thưởng Huân chương, Quân công. 

4. Đã lấy vợ Pháp và có chỗ ở tương đối ổn định trên đất Pháp được một năm. 

5. Đã cư trú hơn mười năm tại các xứ kể trên, và biết tiếng Pháp đến một trình độ khá. 

Tuy đạo luật còn có thiếu sót, song cứ trung thực thi hành thì cũng còn khá; nhưng không, các ngài viên chức có kể gì luật pháp và, như những tên ngu xuẩn tò mò ưa xoi mói, chúng buộc những người xin nhập quốc tịch Pháp phải trả lời trên giấy các câu hỏi sau đây: 

A- Vợ con có nói tiếng Pháp không ? 

B- Họ có mặc Âu phục không ? 

C- Nhà có đồ đạc như giường, nệm, bàn, tủ, v.v. không ? 

D- Và ghế dựa nữa ? 

E- Ăn trên bàn hay trên chiếu ?

P- Ăn gì ? 

G- Ăn cơm hay bánh mì ? 

H- Anh có tài sản không ? 

I- Vợ có tài sản không ? 

J- Thu hoạch đồng niên của anh bao nhiêu ? 

K- Anh theo tôn giáo gì ? 

L- Anh vào những hội nào ? 

M- Trong các hội ấy, anh giữ chức vụ gì ? 

N- Chế độ bản xứ tốt và nhân từ, thế vì cớ gì anh lại xin nhập quốc tịch Pháp ? Có phải để làm viên chức không ? Hay để có địa vị cao? Hay để đi tìm mỏ vàng, mỏ ngọc? 

O- Bạn bè thân thiết nhất là những ai? 

Chỉ còn thiếu điều mà các ngài ấy chưa hỏi: Vợ anh có cắm S... lên đầu anh không! 

Chú thích

1) Có lẽ là con đường từ Vinh sang Lào 

2) Một phần lãnh thổ Trung Quốc ở phía Đông Nam thành phố Quảng Châu, bấy giờ là thuộc địa của Pháp. 

3) Khammès. Danh từ người Bắc Phi thường dùng để gọi những người lính canh ruộng chỉ được hưởng một phần năm hoa lợi trong các vụ thu hoạch (tiếng Arập là Khams, có nghĩa là một phần năm).

(Còn nữa)

Bài viết khác: