Chỉ mục bài viết

 

Chương VIII: Công lý

Có phải vì quá thừa tình nhân đạo, như ông Xarô đã nhiều lần tuyên bố, mà người ta bắt các phạm nhân ở Nhà lao Nha Trang (Trung Kỳ) phải ăn khan, nghĩa là ăn cơm mà không được uống nước, không ? Có phải người ta đã quệt tanhtuya điốt lên mũi phạm nhân để dễ nhận ra họ khi họ vượt ngục không? 

 

Báo L Indépendant ở Mađagátxca số ra ngày 13 tháng 7 năm 1921 có đăng một bài tường thuật về cách phòng bệnh "dịch hạch", chúng tôi xin trích đoạn sau đây: 

 

“Vô số nhà bị đốt, trong đó, có cái nhà khá đẹp của Racôtômanga ở phố Galiêni cùng bị đốt hôm thứ hai vừa qua. Nhưng nhà của ông Đêrô thì lại thoát khỏi số phận chung ấy, tính ra cái nhà ấy, với tất cả đồ đạc đắt tiền quá (50.000 phrăng), vì thế nhà chức trách quyết định không đốt mà chỉ tẩy uế và cấm ở một thời gian khá dài, có lẽ là sáu tháng". 

 

Chúng tôi xin nói thêm rằng, ông Đêrô là công dân Pháp, còn Racôtômanga chỉ là dân lệ thuộc vì là người bản xứ. Nhân đây xin nhắc để bạn đọc nhớ lại rằng, đạo luật năm 1841 được biểu quyết là để áp dụng cho tất cả nông dân Pháp. 

 

Cũng ở Mađagátxca, sáu người bản xứ bị bắt trong đồn điền của một thực dân người Pháp về tội trốn thuế. Trước toà, các bị can khai rằng, ông chủ đồn điền Đơla Rôsơ đã cam kết với họ: 1. Sẽ đóng thuế cho họ; 2. Sẽ xin miễn sai dịch cho họ; 3. Trả tiền công cho họ cứ ba mươi ngày công là l0 quan. Cần chú ý là nhà thực dân kia chỉ thuê họ mỗi tuần làm có một ngày thôi. Muốn đủ sống họ phải đi làm thuê cho người Mangát ở gần đồn điền. Mặt khác, ông Đơla Rôsơ chẳng những không đóng thuế cho họ như đã hứa, mà hình như còn lờ luôn số tiền họ đã gửi ông để đóng thuế nữa. 

Quý hoá làm sao, lần này Chính phủ đã mở một cuộc điều tra. Nhưng rồi các bạn xem... 

Khi được biết vụ này, nghiệp đoàn nông nghiệp Mahanôrô, mà chắc hẳn ông Đơla Rôsơ là đoàn viên, liền điện cho quan Toàn quyền phản kháng việc cảnh binh đã đến xét hỏi không đúng lúc tại đồn điền ông Đơla Rôsơ và yêu cầu trừng trị viên Trưởng đồn về tội cả gan phát hiện sự nhũng lạm của một người Pháp đối với người bản xứ. 

 

Vì không muốn "mua việc" vào mình, quan Toàn quyền đã cho xếp ngay vụ rắc rối ấy lại. 

*

 *        *

Toà án binh Linlơ vừa kết án 20 năm khổ sai tên Phôn Seven, sĩ quan Đức, về tội dùng roi da đánh đập những người bản xứ ở Rôngcơ(1) trong thời gian quân Đức chiếm đóng. 

Thế thì tại sao ở Đông Dương, ông người Pháp nọ bắn vỡ sọ một người Trung Kỳ bằng súng lục; ông viên chức Pháp kia nhốt một người Bắc Kỳ vào cũi chó sau khi đánh đập tàn nhẫn anh ta; ông thầu khoán Pháp này trói tay một người Nam Kỳ cho chó cắn, rồi đem giết đi; ông thợ máy Pháp kia "hạ sát" một người An Nam bằng súng săn; ông nhân viên hàng hải Pháp khác xô người gác cầu bản xứ vào đống than hồng cho chết, v.v. và v.v. lại không bị trừng trị? 

Tại sao mấy ông thanh niên Pháp ở Angiê đấm đá một em bé người bản xứ 13 tuổi, rồi xóc em lên đầu một trong những ngọn giáo ở giữa hàng giáo cắm quanh "cây chiến thắng", chỉ bị phạt có 8 ngày tù án treo? 

Và tại sao tên hạ sĩ quan đã đánh anh Nahông cũng như tên sĩ quan đã giết chết anh, không bị trừng phạt gì cả ? 

Phải rồi, An Nam và Angiêri đều là những xứ bị chiếm - cũng như Rôngcơ đã có lúc bị chiếm, - nhưng vì những người Pháp ở các thuộc địa ấy không phải là lũ "bôsơ", cho nên cũng cùng một hành động, nếu là của lũ "bôsơ" thì là tội ác, nhưng nếu là của người Pháp thì lại là văn minh! Mà Annamít và Angiêriêng đâu phải là người! Đó là bọn "nhà quê" bẩn thỉu, bầy "bicốt"(2) bẩn thỉu. Cần quái gì phải có công lý đối với những giống ấy. 

Cái ông Vinhê Đốctông châm biếm kia quả là không lầm khi ông viết: "Pháp luật, công lý đối với người bản xứ ư ? Thôi đi! Chỉ có ba toong, súng ngắn, súng dài, đấy mới là thứ xứng đáng với lũ ròi bọ ấy!". 

*

*         *

Trong cái kho đầy ắp những hình phạt để giáng vào đầu người bản xứ, có những khoản phạt tiền từ 200 đến 3.000 đồng. 

Không phải ông Đume không biết rằng người An Nam không bao giờ đóng nổi những khoản tiền to đến thế. Nhưng ông ta cứ muốn xoay tiền bằng bất cứ giá nào; nên con người khôn ngoan ấy đã dự kiến rằng có thể bắt làng xã phải chịu trách nhiệm. (Điều 4). 

Bạn sẽ bảo, muốn kết án cả một làng thì phải xác định làng ấy là đồng loã chứ. 

Không, với điều 4, việc ấy không cần thiết. Làng nào không biết ngăn ngừa một tội phạm, thì phải chịu trách nhiệm về tội phạm ấy. 

Cái điều 4 này quả là một mánh khoé ác nghiệt, bởi vì chỉ cần những tay chân của bọn chủ bao thầu thuế - những tay chân đó được thuê tiền để phát giác càng nhiều vụ vi phạm càng hay - khai rằng làng sở tại chẳng hề làm gì để ngăn chặn vụ vi phạm, là đủ.

Tiết 3 quy định cách thức kiểm chứng những vụ vi phạm mà bọn tay sai của chủ bao thầu thuế có quyền làm. 

Ở đây có một trở ngại. Thường thường bọn tay chân ấy đều dốt nát, làm biên bản không hợp thức. Người ta khắc phục trở ngại ấy bằng cách uỷ cho viên chức Nhà đoan ở tỉnh lỵ hoặc phủ lỵ, huyện lỵ làm biên bản theo báo cáo của bọn tay chân của chủ bao thầu. 

* 

*       *

Đông Dương là cô gái cưng, rất xứng đáng với nước mẹ Pháp. Mẹ có gì, con có nấy: Đông Dương có Chính phủ của nó, những bảo đảm của nó, công lý của nó và cũng có âm mưu phiến loạn nho nhỏ của nó nữa. Dưới đây chúng tôi chỉ nhắc lại hai vấn đề sau thôi.

Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội. 

Còn âm mưu phiến loạn thì lại là một chuyện khác. 

Chúng tôi sẽ không nhắc lại những vụ phiến loạn nổi tiếng năm 1908 hoặc năm 1916, những vụ mà nhờ đó rất nhiều người dân được nước Pháp bảo hộ đã có thể nếm mùi công ơn khai hoá trên máy chém, trong nhà tù hoặc ở nơi đầy ải. Những vụ phiến loạn ấy đã cũ rồi, chỉ còn để lại dấu vết trong trí nhớ của người bản xứ nữa thôi. 

Chúng tôi chỉ nói đến vụ vừa xảy ra gần đây nhất. Vì ở chính quốc có vụ phiến loạn bônsêvích chấn động dư luận, nên các ngài thực dân ở Đông Dương - y như con nhái trong truyện ngụ ngôn(3)- cũng muốn có một vụ phiến loạn, bèn cố phình bụng lên và cuối cùng cũng đẻ ra được một vụ. 

Chúng đã làm như thế này. 

Một quan lớn Tây (quan Công sứ Đại Pháp kia đấy ạ!), một quan huyện và một ông lý trưởng đã đảm nhiệm việc chế tạo ra vụ đó. 

 

Bộ ba quan lại này phao tin là có một bọn phiến loạn chôn giấu hai trăm rưởi quả bom âm mưu làm nổ tung cả xứ Bắc Kỳ. 

 

Nhưng ngày 16 tháng 2, toà đại hình Hà Nội công nhận rằng chẳng những không có bằng chứng nào để kết luận có một tổ chức cách mạng có vũ khí phá hoại, mà cả cái vụ mưu phản kia chẳng qua cũng chỉ là một thủ đoạn khiêu khích do một số nhân viên Chính phủ muốn được thăng thưởng tạo ra mà thôi. 

 

Chắc các bạn tưởng rằng sau khi toà đã phán quyết như thế rồi thì những người An Nam bị giam giữ sẽ được thả ra. Không đâu! Bằng bất cứ giá nào, nhất thiết phải giữ uy tín cho kẻ đi chinh phục! Muốn thế, lẽ ra chỉ gắn Huân chương cho bọn đã khéo phịa ra vụ án là đủ rồi; đằng này người ta lại còn phạt tù 12 người An Nam từ 2 đến 5 năm, mà phần lớn là nhà nho. Và trên cửa nhà lao giam giữ họ, nổi lên mấy chữ: Tự do, Bình đẳng, Bác ái - dĩ nhiên là bằng tiếng Pháp hẳn hoi. 

 

Thế rồi những tờ báo gọi là thân người bản xứ vội vã ca tụng tính công bằng, không thiên vị của cái trò hề công lý ấy! 

 

Nhưng hãy đọc Tờ La Dépêche Coloniale, Tờ báo giữ giải vô địch về chủ nghĩa bài An Nam: 

 

"Toà án Pháp vừa tuyên án xong. Một nửa can phạm được tha bổng, còn một nửa được kết án nhẹ. Những người bị án là những nhà nho can tội làm thơ cảm hứng lăng nhăng để ca tụng ân huệ của tự do". 

 

Các bạn thấy không, đối với người An Nam, ca tụng tự do là một tội nặng, chỉ vì thế thôi, người ta cũng phết cho họ 5 năm tù! 

Tờ báo viết tiếp: "Chúng ta phải nhiệt liệt hoan nghênh bản phán quyết hết sức công bằng ấy của các quan toà và các vị bồi thẩm của chúng ta, v.v.". 

Và cũng lại Tờ La Dépêche Coloniale ấy đã vui mừng ghi nhận bản phán quyết rất mực vô tư của toà án Pháp về vụ mưu loạn nổi tiếng ở Vĩnh Yên. Tờ báo ấy viết: "Những người An Nam ở Pari, cũng như đồng bào của họ ở bên quê nhà xa xôi, đều tỏ lòng tin tưởng ở các quan toà của chúng ta và tuyên bố rằng toà án đã xử đúng, vụ án kết thúc như thế làm cho họ hoàn toàn thoả mãn". Không đâu! ông Puvuốcvin ạ, ông bịp đời vừa chứ! 

*

*      *

Tờ Le Journal France-Indochine có đăng việc sau đây: Cách đây mấy hôm, hãng Xôvagiơ báo với sở mật thám là xưởng họ bị mất trộm một số sắt khá nhiều, độ một tấn. Nhận được đơn khiếu nại, sở mật thám lập tức mở cuộc điều tra để tìm cho ra bọn trộm và chúng tôi vui mừng được tin rằng một viên thanh tra mật thám người Âu cùng với mấy nhân viên người An Nam giúp sức đã tóm được bọn trộm và cả tên đồng loã của chúng nữa.

"Ông S..., Quản lý hãng Xôvagiơ, cùng với những tên Trần Văn Lộc, thợ máy học việc và Trần Văn Xa đã bị bắt và đưa ra toà về tội ăn trộm và đồng loã...". 

Các bạn có để ý thấy bạn đồng nghiệp của chúng tôi hết sức tế nhị không nào ? Khi nói về ông ăn trộm người Pháp, Quản lý hãng Xôvagiơ, thì người ta không nói tên, mà thay vào bằng mấy dấu chấm. Chả là dù sao thì trước hết cũng phải bảo vệ uy tín của chủng tộc thượng đẳng. Nhưng khi nói đến bọn kẻ trộm thông thường người An Nam thì lại kê cả tên lẫn họ, và không gọi là ông mà gọi là những "tên". 

* 

*       *

Ngày l0 tháng l0 năm 1922, Chính phủ vừa ra Sắc lệnh quyết định một cuộc thuyên chuyển quan trọng trong ngạch quan toà thuộc địa. Trên danh sách, đáng chú ý có tên hai ông Luyxơ và Oabrăng. 

Cần nhắc lại sơ lược lai lịch của hai vị quan toà này. 

Ông Luycaxơ lúc làm Phó Chưởng lý ở Tây Phi thuộc Pháp, đã từng dính dáng vào các vụ làm xôn xao dư luận xứ Tôgô. Trong một bản thông báo cho báo chí, ông Bộ trưởng Bộ Thuộc địa đã bắt buộc phải thừa nhận rằng, "cuộc điều tra cũng đã phát giác ra là sự tham gia của ông Luycaxơ vào các vụ phạm pháp có thể làm cho ông ta phải gánh phần TRÁCH NHIỆM NẶNG NỀ NHẤT". 

Chắc là để thưởng cho phần trách nhiệm nặng nề ấy mà ngày nay người ta cất nhắc ông lên chức Chánh án Toà Thượng thẩm xứ Phi Châu xích đạo thuộc Pháp. 

Còn về Oabrăng thì câu chuyện của hắn đơn giản hơn và ít người biết đến. Năm 1920, một người Pháp tên là Đuyếchgri, nhân viên hãng buôn Pêrítxác ở Căngcăng (Ghinê), đi săn. Hắn bắn một con chim rơi xuống sông. Lúc ấy có một em bé người bản xứ đi ngang qua. Đuyếchgri tóm cổ em bé ném xuống sông, bắt phải tìm vớt con chim. Nước sâu, sóng lớn, lại không biết bơi, em chết đuối. Cha mẹ em đi kiện. Đuyếchgri được lệnh viên Quan Tư chỉ huy quận đòi đến, và nhận bồi thường cho gia đình đau xót kia một trăm phrăng. 

Cha mẹ em bé không nhận cách dàn xếp bỉ ổi như vậy. Viên Quan Tư nổi giận, đứng về phía người đồng bào của ông, tức là tên sát nhân, doạ bỏ tù cha mẹ em bé nếu tiếp tục kháng cáo, rồi ông ta "xếp" vụ án lại. 

Nhưng, một bức thư nặc danh đã phát giác việc này với ông Chưởng lý ở Đaca. Ông Chưởng lý liền phái ông Biện lý Oabrăng đi điều tra. Ông Oabrăng đến Căngcăng, ngủ lại nhà viên xếp ga, rồi ngày hôm sau đến nhà ông Cudanh đờ Lavalie là phó của viên quan tư quận, ở lại cả ngày. Rồi sáng hôm sau, chưa hề bắt tay vào công việc điều tra gì cả, ông đã lên đường trở về. Tuy thế ông Oabrăng vẫn cứ kết luận rằng lá thư nặc danh kia là vu khống. Hội Liên hiệp Thuộc địa đã báo vụ này với Hội Nhân quyền (ngày 22 tháng 12 năm 1921). Nhưng có lẽ Hội Nhân quyền cho sự việc không lấy gì làm giật gân lắm nên chẳng thèm quan tâm đến. 

Từ khi đi chơi Căngcăng về, ông Oabrăng vẫn ngồi yên ở địa vị cũ để thỉnh thoảng nhận gà và những túi khoai tây do ông bạn Cudanh đờ Lavalie gửi đến biếu, và chờ được thăng quan. Các bạn thấy chưa, ông Oabrăng quả thật xứng đáng với... phần thưởng công minh mà Chính phủ vừa tặng ông bằng cách bổ nhiệm làm Biện lý Đaca(?). 

Nền văn minh thượng đẳng mà được giao phó vào tay những bọn Đáclơ, bọn Bôđoăng, bọn Oabrang và bọn Luycaxơ thì thật là tuyệt, và số phận dân bản xứ cũng tuyệt! 

*

*       *

Toà tiểu hình vừa xử phạt Phécnăng Etxơlanh và mụ goá Gierơ, mỗi người 13 tháng tù; Gióocgiơ Coócđiê l0 tháng, về tội tàng trữ, chuyên chở và bán một kilôgam thuốc phiện. 

Tốt lắm! Tính sơ qua cũng thấy một kilôgam thuốc phiện đáng ba mươi sáu tháng tù! 

Giá mà mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, như người ta thường nói, thì tuổi thọ của ông Xarô, toàn quyền Đông Dương, phải dài ghê lắm mới đủ để cho ông ngồi hết hạn tù. Vì rằng mỗi năm ông sẽ bị phạt ít ra là một triệu ba mươi lăm vạn (1.350.000) tháng tù về tội mỗi năm bán cho người An Nam trên mười lăm vạn kilôgam thuốc phiện. 

Bất lực trong việc trừ khử ông Đề Thám trứ danh, vì mọi âm mưu bắn giết ông, thủ tiêu ông bằng thuốc độc hoặc bằng mìn, đều thất bại, người ta bèn đào mả cha mẹ ông lên, đem hài cốt đổ xuống sông. 

Sau những vụ biểu tình ở miền Nam Trung Kỳ, nhiều văn thân bị xử tử hoặc bị đầy biệt xứ. Trong số ấy có ông Tiến sĩ Trần Quý Cáp, một nhà nho thanh cao ai cũng kính phục. Ông bị bắt trong lúc đang giữ chức giáo thụ và chỉ hai mươi bốn tiếng đồng hồ sau, là bị đem chém, không được xét hỏi gì cả. Chính phủ cũng không chịu giao trả thi hài ông cho gia đình ông. 

Ở Hải Dương, một vụ nổi dậy chưa làm chết một ai, thế mà người ta đã làm rụng hết sáu mươi tư cái đầu, không cần xét xử gì cả. 

Khi hành hình những người lính khố đỏ ở Hà Nội, Chính phủ đã cho áp giải cha, mẹ, vợ con họ đến pháp trường để bắt họ phải mục kích cảnh tàn sát long trọng những người thân yêu của mình. Để gây một ấn tượng khủng khiếp lâu dài, và để "dạy cho dân chúng một bài học", người ta làm lại cái việc đã làm ở nước Anh hồi thế kỷ thứ XVIII, tức là xóc đầu lâu những người Giacôbít(4) bại trận lên mũi giáo đem bêu ở các đường phố khu Xiti và dọc theo cầu Luân Đôn. Hàng tuần lễ, dọc các đường lớn ở Hà Nội, người ta nhìn thấy nhiều đầu lâu của những nạn nhân bị người Pháp hạ sát, đang cau mày, nhăn mặt trên những chiếc cọc tre. 

Năm 1908, nhân dân miền Trung không chịu nổi sưu cao thuế nặng và bao nhiêu sự hà lạm áp bức, đã phải biểu tình. Các cuộc biểu tình ấy mặc dù diễn ra hết sức ôn hoà, nhưng đều bị đàn áp thẳng tay. Hàng trăm đầu rơi, vô số người bị đi đầy. 

Người ta làm đủ mọi cách để vũ trang cho người An Nam chống lại đồng bào họ và gây nên những vụ phản bội. 

Người ta tuyên bố các làng phải chịu trách nhiệm về những vụ hỗn loạn xảy ra trên địa phận mình. Làng nào cho một người yêu nước trú ngụ thì bị kết án. Để khai thác tin tức, người ta dùng một phương pháp đơn giản - bao giờ cũng vậy - là tra khảo lý hào, ai không nói thì bị xử tử tức khắc. Cứ như thế, trong vòng hai tuần lễ một viên giám binh đã xử tử bảy mươi lăm lý hào!

Không bao giờ người ta nghĩ đến chuyện phân biệt những người yêu nước đang chiến đấu tuyệt vọng với bọn côn đồ ở các thành thị. 

Muốn dập tắt sự kháng cự, người ta không thấy có cách nào khác hơn là phó thác việc "bình định" cho lũ phản bội bán nước. Và người ta duy trì ở vùng đồng bằng Bắc Kỳ, ở Bình Thuận, ở Nghệ Tĩnh những đội quân càn quét hung hãn mà hình ảnh ghê tởm sẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ. 
Chú thích

1) Roncp. Tên một làng miền Bắc nước Pháp. 

2) Bicot. Nghĩa đen là con dê con, nghĩa bóng dùng để gọi một cách khinh bỉ những người Arập nói chung. 

3) Truyện ngụ ngôn của La Fontaine, kể rằng: Có một con ếch thấy một con bò to hơn mình, liền cố phình bụng ra cho bằng con bò, cuối cùng vỡ bụng chết. 

4) Jacobites. Tên gọi những đồ đảng của Vua Anh Giáccơ II bị dòng Orănggiơ đánh bại sau cuộc chiến tranh năm 1688. 

(Còn nữa)

Bài viết khác: