BBT: Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải toàn văn tham luận “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chỉ đạo hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị ở Trường Sĩ quan Chính trị của Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị tại Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".

 

doan chu tich
Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là những hiện vật, tài liệu, không gian,… gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người. Mỗi di tích là một trường học trực quan sinh động, thiết chế văn hóa đặc thù để khẳng định những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lan tỏa và làm sâu sắc giá trị tốt đẹp về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có ý nghĩa hết sức quan trọng. Viện sĩ Xôn - xép, Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô đã từng khẳng định: “Trong thế giới đầy năng động của chúng ta ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lý tưởng xã hội chủ nghĩa, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời mình cho những lý tưởng đó”.

Trường Sĩ quan Chính trị là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn quân sự, với sứ mạng và tầm nhìn của một trường Đảng, trường Đoàn trong Quân đội, những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng, tiến hành đồng bộ các hình thức, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, gắn với bồi dưỡng kỹ năng cho học viên theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Trong đó, đã chú trọng phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xác định nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; giáo dục lịch sử, truyền thống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thông qua các hoạt động như: Báo công, tuyên thệ, tôn vinh điển hình tiên tiến, hành quân về nguồn,.... Hướng các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị vào xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí quyết tâm khắc phục khó khăn, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Năm 2011, Nhà trường ký kết chương trình phối hợp tổ chức hoạt động giáo dục lý luận chính trị, lịch sử, truyền thống với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi Nhà trường tái lập (2008) đến nay đã có hơn 30 đợt tuyên thệ, báo công cho học viên các khóa; tôn vinh các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức tại các điểm di tích như: Lăng Bác, Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Khu Di tích lịch sử Đá Chông - K9, Khu Di tích Kim Liên, Khu Di tích lịch sử Pác Bó - Cao Bằng…

Bên cạnh đó, Nhà trường đã chú trọng gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học; thống nhất nội dung, chương trình giảng dạy về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho các đối tượng; phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo khoa học góp phần lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người như: “Thư gửi Hội nghị Chính trị viên năm 1948-giá trị lịch sử và hiện thực”, “Sức sống Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới”, “Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”…

Mặt khác, Nhà trường cũng coi trọng phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong tuyên truyền, giáo dục, làm lan tỏa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Chủ động tổ chức tốt các hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp, tạo sân chơi bổ ích, môi trường thuận lợi để các lực lượng, nhất là học viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, rèn luyện, trau dồi, nâng cao trình độ, kỹ năng tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị.

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông dự báo diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội ngày càng quyết liệt, công khai, trực diện hơn, nhất là về tư tưởng, chính trị. Nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội ngày càng có sự phát triển mới. Toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Việc điều chỉnh tổ chức, lực lượng Quân đội và tác động mặt trái của xã hội ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý của cán bộ, chiến sĩ... Tình hình đó, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nói chung, ở Trường Sĩ quan Chính trị nói riêng, tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.

Để phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào chỉ đạo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở Trường Sĩ quan Chính trị, cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng để xác định nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Theo đó, toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị hướng vào thực hiện mục tiêu giáo dục, tuyên truyền sâu rộng và làm sâu sắc những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội. Hình thành thế giới quan khoa học, cách mạng, có quan điểm, phương pháp xem xét và giải quyết đúng các sự kiện, hiện tượng trong đời sống xã hội và trong hoạt động giáo dục, đào tạo cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ; đồng thời, kiên định với mục tiêu, lý tưởng: “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tăng cường giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặt khác, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, cần bám sát sự vận động, phát triển của thực tiễn để đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Theo đó, từ mục tiêu, tầm nhìn và sứ mạng của Nhà trường, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị tập trung giữ vững ổn định chính trị, định hướng, cổ vũ, động viên các lực lượng phát huy những nhân tố tích cực, đấu tranh ngăn chặn, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Đồng thời, nội dung, hình thức, biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị tiếp tục được đổi mới theo hướng mô phạm, đa dạng sát với cuộc sống huấn luyện, học tập, công tác và sinh hoạt của đơn vị cơ sở, là bài học thực tiễn sinh động để bồi đắp, làm giàu thêm kiến thức, kỹ năng tay nghề cho học viên, góp phần thực hiện tốt phương châm “Chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Hai là, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn tư liệu hết sức giá trị, là “bằng chứng sống” có sức lan tỏa và thuyết phục trong tiến hành công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường. Do đó, trên cơ sở nội dung, chương trình ký kết với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường các hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống gắn với nội dung giảng dạy của các khoa giáo viên, hoạt động ngoại khóa của các đơn vị quản lý học viên bằng các hình thức phong phú, đa dạng như: Tham quan các điểm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức diễn đàn, tọa đàm, thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh; kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nói chuyện truyền thống,… góp phần bồi đắp niềm tin, nâng cao niềm tự hào, tinh thần yêu nước và xây dựng ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Mặt khác, thông qua thực tiễn trải nghiệm từng địa danh, từng khu di tích là điều kiện để mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng chiêm nghiệm, tự soi, tự sửa, nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu để xứng đáng với những đóng góp và sự hi sinh to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. 

Ba là, quan tâm bồi dưỡng năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chính trị, làm nòng cốt để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả tiến hành công tác đảng, công tác chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cán bộ là gốc của mọi công việc” và “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chính trị nói riêng có bản lĩnh vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, có kiến thức, khả năng vận dụng tổng hợp các hình thức, phương pháp, phương tiện tiến hành công tác đảng, công tác chính trị sát với thực tiễn của Nhà trường và đơn vị, tạo hiệu ứng tích cực để khơi dậy khát vọng cống hiến và ý thức vươn lên trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ. Cùng với công tác bồi dưỡng của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp, coi trọng phát huy tính tự giác, tích cực, chủ động của đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị trong tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, nhất là kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị gắn với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường.

Bốn là, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung xây dựng Đảng bộ Nhà trường trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người mà nhiều di tích, hiện vật phản ánh sâu sắc, đậm nét quá trình Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đây là những cẩm nang vô giá, là bài học thực tiễn sinh động cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở các tổ chức đảng nói chung và ở Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị nói riêng. Do đó, cần quan tâm chăm lo, xây dựng Đảng bộ Nhà trường tiên phong về chính trị; các cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên tuyệt đối trung thành, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Kết hợp chặt chẽ giữa trang bị lý luận với truyền thụ kinh nghiệm tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu và hoạt động thực tiễn. Tích cực nghiên cứu đổi mới hình thức, biện pháp nắm, quản lý và định hướng tư tưởng cho các đối tượng.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”. Mỗi địa danh, di tích, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh là một câu chuyện ý nghĩa về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Phát huy giá trị các di tích là cơ sở quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh để mỗi di tích sẽ trở thành bài học trong giáo dục đạo đức cách mạng, trở thành phương tiện để truyền tải những thông điệp ý nghĩa về cuộc đời và tư tưởng của Người đến với từng cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Nhà trường. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng bày tỏ: “Thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1954-1969, chúng ta càng nhớ Bác Hồ. Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với cuộc sống đời thường vô cùng giản dị, thanh khiết của Người không chỉ là tấm gương sáng cho mọi người Việt Nam học tập, mà còn thôi thúc những ai trên thế giới này muốn đấu tranh vì độc lập, tự do và hạnh phúc của con người… Thời gian càng lùi xa, tư tưởng của Bác Hồ càng vĩ đại, tấm gương đạo đức của Bác Hồ càng tỏa sáng”.

Bên cạnh đó, cần quan tâm phát huy vai trò tiên phong trong tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để xuyên tạc thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Bác. Phát huy trách nhiệm chính trị của các tổ chức, lực lượng, nhất là Ban Chỉ đạo 35, Lực lượng 47, Câu lạc bộ Lý luận trẻ đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trên không gian mạng, vạch trần thủ đoạn xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bôi nhọ cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tập trung tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, tấm gương tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin, hình ảnh tiêu cực, góp phần “phủ xanh” không gian mạng, bảo đảm dòng chảy chủ đạo của thông tin chính thống, bảo vệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Sáu là, tiếp tục phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Ðảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Theo đó, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị phải kịp thời phát hiện, tuyên truyền, tôn vinh, nhân rộng tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong giảng dạy, học tập, rèn luyện, chú trọng nhân tố mới, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả gắn với các hoạt động hành quân về nguồn, dâng hương, báo công… tại các điểm di tích, lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ, diễn đàn, tọa đàm để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những kết quả, thành tích, kinh nghiệm, cách làm hay của điển hình./.

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn

Bài viết khác: