Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hệ thống các địa danh, địa vật, nơi lưu giữ những tư liệu, tài liệu, vật phẩm vô cùng quý giá, gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Trong những năm qua, Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đối với các thế hệ người dân Việt Nam, bạn bè quốc tế nói chung và cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ ở các nhà trường Quân đội, trong đó có học viên Trường Sĩ quan Chính trị.Thông qua nghiên cứu, học tập, tìm hiểu về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, giảng viên, học viên sẽ hiểu sâu sắc hơn cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, hi sinh, cùng với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; từ đó tin tưởng, tích cực, chủ động trong học tập và làm theo Bác với tất cả sự kính trọng, tình cảm, trách nhiệmvà niềm tin vào con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minhvà nhân dân ta đã lựa chọn.

Nhận thức rõ vấn đề này, trong những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ huy nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng, nhất là Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Chỉ thị 87-CT/QUTW ngày 8/7/2016 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân”vào đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn nói chung và môn Tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, việc giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở Nhà trường hiện nay vẫn còn một số hạn chế, như: nghiên cứu, quán triệt, cập nhật các nghị quyết của Đảng vào đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy có lúc chưa kịp thời và có chiều sâu; một số bài giảng còn nặng về kiến thức lý thuyết, ít sử dụng các di tích để dẫn chứng minh họa; việc kết hợp giữa truyền thụ kiến thức với tổ chức các hoạt động làm theo Bác ở một số giảng viên còn hạn chế. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác giáo dục, đào tạo, xây dựngđội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội của Quân đội trong giai đoạn mới.

Đảng ta đã khẳng định: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”(1). Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nâng cao chất lượng giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Sĩ quan Chính trị hiện nay phải tiến hành tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng về phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nâng cao chất lượng giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Sĩ quan Chính trị.

Các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có vai trò rất quan trọng trong trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học, bồi dưỡng lập trường, quan điểm, thái độ chính trị và tình cảm của học viên đối với nền tảng tư tưởng, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đặc biệt, tư tưởng Hồ Chí Minh là hệ thống các quan điểm toàn diện, sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Việc phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạy sẽ cung cấp thêm những minh chứng, tư liệu quý giá, sinh động cho giảng viên và học viên hiểu rõ hơn tính khoa học, cách mạng và giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; đồng thời nâng cao lòng tự hào, kính yêu lãnh tụ, tạo động lực mạnh mẽ hơn để đẩy mạnh học tập và làm theo Bác trong thực tiễn. Thông qua việc phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bồi dưỡng cho học viên lòng tự hào về truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc; đồng thời giúp họ thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong giữ gìn, bảo vệ thành quả cách mạng, tích lũy thêm những tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng để tiến hành tốt các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Do vậy, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, nhất là các khoa giáo viên một mặt phải chủ động, tích cực trong nghiên cứu, quán triệt và cập nhật nội dung các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng vào đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, đào tạo; mặt khác phải phát huy tốt giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập và làm theo Bác. Đặc biệt, các cơ quan và khoa giáo viên phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan để tổ chức tốt các hoạt động hành quân về nguồn, báo công với Bác, tham quan, nghiên cứu thực tế, trao đổi, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về các di tích, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quan tâm bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục luôn có lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp trồng người và ngày càng đạt chuẩn các chức danh theo quy định; luôn gương mẫu trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, gắn với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, nâng cao vị thế của Nhà trường trong hệ thống giáo dục, đào tạo của Quân đội và quốc gia.

Hai là, đề cao vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của cán bộ, giảng viên trong phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nâng cao chất lượng giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Sĩ quan Chính trị.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên luôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc trang bị cho học viên hệ thống kiến thức, kỹ năngtheo yêu cầu của bậc học và trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: Nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.Do đó, việc phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giảng dạylà không ngừng làm gia tăng tính thuyết phục, tính thực tiễn hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã nhấn mạnh: “Đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng đối tượng, cấp học; chú trọng rèn luyện bản lĩnh, phương pháp, tác phong chỉ huy, quản lý đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo cho học viên”(2). Điều đó đòi hỏi trong giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh, đội ngũ giảng viên không những phải sử dụng giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để làmtư liệu, minh chứng cho học viên hiểu rõ hơn tính khoa học, cách mạng và giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người,mà còn phải vận dụng vào lý giải các mâu thuẫn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn hiện nay. Đây là vấn đề không đơn giản, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang gặp phải sựchống phá quyết liệt của các thế lực thù địch. Đất nước đang trong quá trình phát triển, chứa đựng cả thời cơ, lẫn những khó khăn, thách thức, do tác động của quá trình toàn cầu hóa, cùng với những nguy cơ và tiêu cực nảy sinh trong quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với lực cản chủ yếu là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một cán bộ, đảng viên và trong xã hội chưa được khắc phục triệt để.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cần quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho cán bộ, giảng viên được tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế, tham quan, khảo sát việc thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị ở các đơn vị cơ sở và các di tích, khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; tăng cường phối hợp với các cơ quan trong và ngoài Quân đội để mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giảng viên nâng cao kiến thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, trao đổi, thảo luận chuyên sâu về phát huy giá trị các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với thân thế, sự nghiệp cách mạng và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải tăng cường tìm kiếm những mô hình liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo, cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội để phát huy có hiệu quả giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên truyền, giảng dạy; đồng thời bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên những kiến thức, kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề mới trong công tác giáo dục, đào tạo ở Nhà trường hiện nay.

Ba là, gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng giảng dạy với tổ chức có hiệu quả các hình thức nghiên cứu thực tế, thăm quan, tìm hiểu về giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học phải đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế”(3), Đảng ta đã xác định, phải chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Môi trường giáo dục, đào tạo trongQuân đội không những đòi hỏiphảitrang bị cho học viên hệ thống kiến thức, kỹ năngcủa bậc học mà cònphải truyền thụ và rèn luyện cho họ về bản lĩnh chính trị, phương pháp, tác phong trong lãnh đạo, quản lý, chỉ huy bộ đội và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Do vậy, mỗi giảng viên phải chủ động tìm hiểu, nghiên cứu giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để sưu tầm những tư liệu, bức ảnh quý giá về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của Người; từ đó vận dụng sáng tạo vào các hoạt động giảng dạy để làm tăng tính thuyết phục trong luận giải tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác; đồng thời làm cơ sở cho việc đẩy mạnh học tập và làm theo Bác có hiệu quả trong thực tiễn.

Các cấp ủy đảng, chỉ huy ở cơ quan và khoa giáo viên cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương để tổ chức tốt các hoạt động hành quân về nguồn, dâng hương, báo công với Bác, thăm quan, nghiên cứu thực tế tại các di tích, khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Phủ Chủ tịch, Khu Di tích Đá Chông - K9,Khu Di tích Pác Bó-Cao Bằng. Đây là những khu di tích lịch sử quốc gia đặt biệt, có rất nhiều tư liệu, tài liệu, hiện vật gốc có giá trị về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người để cán bộ, học viên học tập, nghiên cứu và làm theo Bác.

Thông qua việc nghiên cứu giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, học viên được trực tiếp quan sát, nghe giới thiệu và hướng dẫn tìm hiểu về những địa danh, những vật dụng sinh hoạt đơn giản, như bộ bàn, ghế, chiếc giường đơn, quạt lá cọ, máy chữ, giá sách,…. Điều đó sẽ giúp cho các thế hệ cán bộ, học viên cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Anh hùng giải phóng dân tộc, một chiến sĩ cộng sản kiên cường, tiêu biểu trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một lãnh tụ vĩ đại đã giành cả cuộc đời đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới. Bên cạnh đó, phải gắn kết chặt chẽ giữa việc trang bị kiến thức về tư tưởng Hồ Chí Minh với hướng dẫn, tạo điều kiện cho học viên được tiếp cận và khai thác có hiệu quả trang tin điện tử về di tích của Người, nhất là địa chỉ: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác, góp phần nâng cao chất lượng học tập và làm theo Bác trong thực tiễn hiện nay.

Bốn là, nâng cao hiệu quả đẩy mạnh học tậplàm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các hoạt động thực tiễn ở Trường Sĩ quan Chính trị.

Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: Để việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian tới đạt hiệu quả thiết thực, cần phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên. Để phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minhtrong nâng cao chất lượng giảng dạy tư tưởng của Người cần phải kết hợp chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo Bác trong thực tiễn.

Cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp phải xác định rõ những nội dung trọng tâm, khâu đột phá và những mô hình hay, biện pháp chủ yếu trong việc học tập và làm theo Bác ở cơ quan, khoa, đơn vị mình, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc lồng ghép giữa các yêu cầu trang bị cho học viên các kiến thức, kỹ năng của môn học với các yêu cầu trong thực hiện Kết luận số 01-KL/TWcủa Bộ Chính trị, gắn với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảngsát với nhiệm vụ của đơn vị. Đặc biệt, phải phát huy tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu trong học tập và làm theo Bác. Bởi, mọi hành động của các cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, khoa, đơn vị dù nhỏ cũng đều có tác động, ảnh hưởng lớn đến học viên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(4). Học viên không chỉ là đối tượng chịu sự tác động của các chủ thể mà còn là chủ thể trực tiếp tìm kiếm, lĩnh hội và vận dụng kiến thức, nhất là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các hoạt động thực tiễn. Do vậy, đội ngũ giảng viên và lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải luôn nắm chắc trình độ nhận thức, động cơ, thái độ và khả năng của mỗi học viên để có biện pháp phù hợp tác động, hướng dẫn quá trình học tập và các hoạt động làm theo Bác trong thực tiễn.Bên cạnh đó, phải tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi để học viên được tham gia nhiều hơn nữa các hình thức nghiên cứu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp cận với các tư liệu, tài liệu quý về cuộc đời và hoạt động cách mạng của Người; kịp thời động viên, khen thưởng nhằm phát huy vai trò tích cực, tự giác của họ trong học tập và làm theo Bác, nhằm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Giữ gìn, phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minhlà nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, là vinh dự, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng giảng dạy tư tưởng Hồ Chí Minh ở Trường Sĩ quan Chính trị không những trực tiếp nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo mà còn tạo động lực to lớn để cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ hiện thực hóa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong các hoạt động thực tiễn, góp phầnxây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Chú thích:

 (1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2021, tr. 136.

(2) Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2020, tr. 57.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Sđd, tr. 647.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Sđd, tr. 208.

Đại tá, TS Vũ Đình Bắc

Chủ nhiệm Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh

Trường Sĩ quan Chính trị

Bài viết khác: