1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, đào tạo của đất nước. Bằng hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú cũng như trong các bài nói, bài viết Người để lại một hệ thống quan điểm toàn diện, tầm lý luận cao; có ý nghĩa lịch sử và hiện thực sâu sắc về công tác giáo dục, đào tạo. Theo Người, giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là chiến lược cơ bản lâu dài của cách mạng Việt Nam; bởi giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao dân trí, cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, “Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế  - văn hóa”(1) và “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(2). Để có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, Đảng phải xây dựng một chiến lược cán bộ một cách khoa học, phải đầu tư trí tuệ, công sức và tiến hành huấn luyện cán bộ một cách “công phu”, “chu đáo” như người làm vườn chăm sóc những cây quý của mình; vì vậy “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Về nội dung giáo dục phải toàn diện cả về chuyên môn, nghề nghiệp; về chính trị, văn hóa, lý luận; về đạo đức cách mạng. Trong đó, về chuyên môn, nghề nghiệp “phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy”; về chính trị, Người đề cập đến hai nội dung quan trọng là thời sự và chính sách; về văn hóa, theo Người là phải dạy cho người học những kiến thức: lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, quyền lợi và nghĩa vụ công dân,…; về lý luận, Người cho rằng, phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu cụ thể của cách mạng mà bố trí, sắp xếp nội dung giáo dục lý luận chính trị cho phù hợp với từng đối tượng. Nguyên tắc cơ bản nhất nhằm định hướng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục là đảm bảo tính thực tiễn; học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Theo đó, phương thức giáo dục phải cụ thể, thiết thực, căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để tiến hành. Về lực lượng giáo dục là toàn dân với nòng cốt là đội ngũ nhà giáo. Phải xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu hợp lý; đồng thời phải hết sức quan tâm đến công tác quản lý giáo dục.

Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở nền tảng, định hướng cho các quan điểm, đường lối phát triển giáo dục, đào tạo của Đảng, Nhà nước ta. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu” và nêu rõ mục tiêu của giáo dục, đào tạo trong giai đoạn tới nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức trách nhiệm cao với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc; trong đó “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(3); vàGắn kết chặt chẽ giáo dục, đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới; hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh”(4). Đây là tư duy mới, quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng đối với vai trò của giáo dục, đào tạo gắn với phát triển khoa học - công nghệ trong tiến trình phát triển đất nước. Đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, tư duy và tầm nhìn đó lại càng có ý nghĩa quan trọng, nhằm thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(5). Mục tiêu đó đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực phải phát triển tương ứng, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác giáo dục, đào tạo, bởi việc xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại phải quán triệt và thực hiện tốt quan điểm “người trước, súng sau”; ưu tiên xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố có ý nghĩa quyết định.

2. Học viện Kỹ thuật Quân sự là một trung tâm đào tạo kỹ sư quân sự, cán bộ chỉ huy tham mưu kỹ thuật đa ngành của quân đội, phục vụ cho việc xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quán triệt và thực hiện những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo, trải qua hơn 56 năm qua, Học viện đã không ngừng lớn mạnh, đáp ứng tốt nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Về đội ngũ, luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, các nhà quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.Cùng với kế hoạch nâng cao trình độ và từng bước chuẩn hóa đội ngũ, Học viện đã thường xuyên cử giảng viên đi thực tế tại các đơn vị cơ sở trong toàn quân để học hỏi kinh nghiệm từ thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với thực tiễn đơn vị. Đến nay, 100% cán bộ, giảng viên của Học viện có trình độ đại học; trong đó có 02 Nhà giáo nhân dân, 08 Nhà giáo ưu tú, 07 Giáo sư, 78 Phó Giáo sư và hơn 450 Tiến sĩ; với 16 ngành đào tạo trình độ đại học với 43 chuyên ngành, 19 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ với 29 chuyên ngành, 15 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.

Về nội dung giáo dục, đào tạo, không ngừng đổi mới, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hành, thực tế cho học viên. Để đảm bảo kỹ sư tốt nghiệp có thể đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, Học viện đã ban hành 5 chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo kỹ sư quân sự gồm: (1) chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên môn, (2) chuẩn đầu ra về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, (3) chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, (4) chuẩn đầu ra về thể lực, (5) chuẩn đầu ra về năng lực chỉ huy, tác phong quân nhân. Trên cơ sở chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, triển khai xây dựng chuẩn đầu ra của từng môn học và tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình đào tạo theo hướng nâng cao khả năng sáng tạo, năng lực thực hành, thực tế cho học viên, bám sát sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự phát triển của vũ khí trang bị kỹ thuật.

Gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho đội ngũ giảng viên và học viên; xem đây là “hai chân” trong công tác giáo dục, đào tạo. Hoạt động nghiên cứu khoa học của học viên luôn được khuyến khích và phát triển mạnh, số học viên và số lượng đề tài nghiên cứu khoa học của học viên các năm đều tăng. Tuần lễ tuổi trẻ sáng tạo khoa học của học viên được tổ chức vào dịp 19/5 hàng năm đi vào nền nếp và ngày càng có chất lượng cao hơn. Tích cực tham dự các giải thưởng, cuộc thi về khoa học công nghệ, thi Olympic của quân đội và Nhà nước đạt nhiều thành tích cao,.....

Từ thực tiễn công tác giáo dục, đào tạo, đến nay Học viện đã đào tạo cho quân đội nguồn cán bộ kỹ thuật chất lượng cao với hàng vạn kỹ sư quân sự, gần 5.000 Thạc sĩ, trên 400 Tiến sĩ và thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyển loại ngắn hạn đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội. Đồng thời, từ năm 2002, Học viện Kỹ thuật Quân sự được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo hệ kỹ sư dân sự, với 17 khóa đã tuyển sinh, đến nay đã có hơn 7000 kỹ sư dân sự tốt nghiệp và gần 5000 sinh viên đang học tập các ngành trọng điểm như Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Tự động hóa, Chế tạo máy, Xây dựng,.. cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Hiện nay, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu trong xây dựng quân đội hiện đại, Học viện đã chủ động xây dựng đề án “Quy hoạch phát triển Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, và được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 448/QĐ-BQP ngày 09/02/2021. Học viện phấn đấu đến năm 2025 đạt các tiêu chí của trường đại học nghiên cứu về đào tạo sau đại học và nghiên cứu khoa học, đến năm 2030 trở thành trường đại học nghiên cứu nằm trong tốp đầu về khoa học kỹ thuật và công nghệ của đất nước, có những lĩnh vực tương đương với các trường đại học lớn trong khu vực và hội nhập quốc tế, nằm trong tốp 700 các trường đại học tiên tiến, hàng đầu trên thế giới. Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp trong tâm cần tiếp tục đẩy mạnh là:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu kỹ và triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về đào tạo cán bộ kỹ thuật và nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Đề án đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ kỹ thuật các cấp trong Quân đội của Bộ Quốc phòng; Kế hoạch số 619/KH-TM ngày 09/4/2021 của Bộ Tổng Tham mưu về thực hiện chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Hai là, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa. Tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ tiêu về xây dựng đội ngũ nhà giáo cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu theo Nghị quyết số 109-NQ/QUTW ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong quân đội đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo trong quân đội giai đoạn 2021 - 2030”. Chủ động tạo nguồn giảng viên, thực hiện nghiêm quy trình bồi dưỡng giảng viên trẻ, kết hợp đào tạo với bồi dưỡng và đào tạo lại; đồng thời, xác định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng đối tượng giảng viên về chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin; chú trọng cử cán bộ, giảng viên đi thực tế, tham quan tìm hiểu vũ khí, trang bị được biên chế tại các đơn vị, đặc biệt là vũ khí, trang bị mới, hiện đại làm cơ sở để đề xuất điều chỉnh nội dung, chương trình đào tạo phù hợp, sát với thực tiễn, gắn giáo dục, đào tạo với đơn vị,....

Ba là,tiếp tục điều chỉnh, cập nhật bổ sung kịp thời các chương trình đào tạo, bảo đảm phù hợp với sự phát triển của vũ khí trang bị và sự phát triển của quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị và nghệ thuật quân sự trong tình hình mới. Chương trình đào tạo là xương sống của một nhà trường, có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm đào tạo. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, sự phát triển của vũ khí trang bị kỹ thuật, chương trình đào tạo cần thường xuyên được điều chỉnh nội dung sát với thực tế, theo hướng: cơ bản, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, thực hiện tốt các quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp và nâng cao năng lực thực hành bản lĩnh, tác phong chỉ huy của người sĩ quan.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giáo dục, đào tạo với nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ, tích cực, chủ động tham gia hiệu quả vào các chương trình, đề án khoa học công nghệ của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, nhất là các hướng hiện đại hóa quân đội, các hướng ưu tiên phát triển của Nhà nước, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ định hướng sản phẩm, gắn với đơn vị, phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm kỹ thuật, hiện đại hóa công tác chỉ huy, quản lý điều hành. Tăng cường hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong và ngoài Quân đội. Đối với hợp tác quốc tế, chủ động đẩy mạnh hợp tác giữa các nhóm nghiên cứu mạnh với các nhóm nghiên cứu và chuyên gia quốc tế, tích cực khai thác có hiệu quả các nguồn kinh phí, học bổng, các đề án để đưa cán bộ, giảng viên, học viên đi đào tạo, thực tập ở nước ngoài. Đối với các đơn vị kỹ thuật trong toàn quân, hợp tác và gắn kết chặt chẽ để vừa cùng với các đơn vị thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ kỹ thuật, vừa tăng cường khả năng thực tế của cán bộ, giảng viên và học viên.

Năm là, nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào; đồng thời, định hướng đào tạo theo hướng phát triển toàn diện cho người học;gắn kết chặt chẽ giữa “học và rèn”; thực  hiện mục tiêu “3 trong 1”, mỗi học viên ra trường phải là người sĩ quan, người kỹ sư, người đảng viên. Tập trung lãnh đạo tốt việc xây dựng động cơ học tập, phấn đấu cho cán bộ, giáo viên, học viên; chủ động ngăn ngừa và khắc phục các biểu hiện chuyên môn thuần túy, hoặc chạy theo động cơ vật chất, vụ lợi cá nhân…; thường xuyên coi trọng việc bồi dưỡng về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ  Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Hiện nay, nhiệm vụ của Quân đội tiếp tục đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng và trình độ đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chỉ thị, nghị quyết của Đảng về giáo dục, đào tạo là một trong những yêu cầu tiên quyết để Học viện Kỹ thuật Quân sự hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, phát triển ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Sđd, tr. 345.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Sđd, tr. 528.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 136 - 137.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, tr. 138.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Sđd, tr. 157 - 158

Đại tá Trần Văn Duy

Phó Chính ủy Học viện Kỹ thuật Quân sự

Bài viết khác: