Hệ thống Trợ năng

Thứ bảy, 18/01/2025

 BBT: Ban Biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải toàn văn bài tham luận “Lan tỏa giá trị Di tích Hồ Chí Minh trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hiện nay” của GS,TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương tại Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".

doan vao lang 3
Đoàn đại biểu tham dự Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam" vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1. Di tích Hồ Chí Minh - nơi hội tụ những giá trị cao quý, vĩnh hằng

Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời và sự nghiệp của người anh hùng dân tộc vĩ đại và danh nhân văn hóa thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời tranh đấu vô cùng gian lao và anh dũng, vô cùng phong phú, cao thượng và đẹp đẽ. Sự nghiệp của Người là một sự nghiệp vĩ đại, gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc và của Đảng ta. Người đã chiến đấu, hi sinh, dấn thân và dâng hiến toàn vẹn, trọn vẹn cả đời hoạt động hơn 6 thập kỷ cho Dân, cho Nước, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc ta khỏi ách thống trị của đế quốc thực dân, phong kiến, đưa dân tộc ta từ nô lệ tới tự do, nhân dân trở thành người chủ của xã hội, đưa nước ta đi tới chủ nghĩa xã hội. Cuộc đời và sự nghiệp của Người đã để lại những dấu ấn không thể mờ phai trong lịch sử. Tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ di sản của Người đã để lại cho dân tộc và nhân dân ta tài sản tinh thần vô giá, có giá trị và ý nghĩa vô cùng to lớn, thiêng liêng đối với mọi thế hệ người Việt Nam, cho muôn đời sau. Đó là nguồn sáng bất diệt soi đường cho toàn Đảng, toàn dân đi tới tương lai, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn với hệ giá trị cốt lõi Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Di sản mà Người để lại cho dân tộc ta là THỜI ĐẠI HỒ CHÍ MINH, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Là nhà tư tưởng mác-xít sáng tạo, đầy bản lĩnh, Người đã có những cống hiến to lớn đối với sự phát triển của lịch sử thế giới hiện đại, làm phong phú và sâu sắc thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đặc biệt là lý luận cách mạng Giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân (cũ và mới) của các dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc.

Người còn nổi bật trong phương pháp tiếp cận khoa học về chủ nghĩa xã hội, tiếp cận đạo đức học đồng thời đem lại những kiến giải đặc sắc về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, kết hợp nhuần nhuyễn tính phổ biến với tính đặc thù để làm sáng tỏ những đặc điểm xây dựng chủ nghĩa xã hội từ thực tiễn Việt Nam, quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, từng bước đi tới chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng - phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh là chủ nghĩa xã hội khoa học, đổi mới và phát triển, thông qua tiếp biến văn hóa bằng hội nhập quốc tế. Đó là chủ nghĩa xã hội thấm nhuần sâu sắc bản chất giai cấp công nhân và tinh thần thời đại đồng thời thể hiện tính dân tộc và tính nhân dân, vừa truyền thống, vừa hiện đại, một chủ nghĩa xã hội nhân văn và văn hóa, con người là mục tiêu, động lực và chủ thể của phát triển. Con người Tự do và Hạnh phúc là mối quan tâm thường trực, suốt đời và nhất quán của Người.

Lãnh đạo toàn dân tiến hành sự nghiệp vĩ đại ấy là Đảng Cộng sản tiêu biểu cho đạo đức và văn minh. Quản lý mọi lĩnh vực hoạt động sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp vĩ đại ấy là Nhà nước dân chủ - pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Nhân dân là người chủ xã hội, có năng lực làm chủ, có quyền làm chủ đồng thời tự giác thực hiện nghĩa vụ của người chủ.

Khát vọng, hoài bão, trở thành ham muốn, ham muốn tột bậc của Người là Tổ quốc phải độc lập, hòa bình và thống nhất. Dân tộc phải tự do và nhân dân có hạnh phúc.

Phải phát hiện và khai thác đúng động lực, hệ động lực của phát triển, trong đó “Dân chủ là của quý báu nhất trên đời của dân”, “Thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi nhiệm vụ, vượt qua mọi khó khăn”.

Và, “Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học sẽ là nguồn sức mạnh vô tận”.

Chỉ có đoàn kết, đại đoàn kết mới dẫn tới thành công, đại thành công.

Với Hồ Chí Minh, điều căn bản sâu xa để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội là phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân.

Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì dân tộc phải trở thành một dân tộc thông thái. Xã hội xã hội chủ nghĩa là một xã hội văn hóa cao.

Phát triển xã hội Xã hội chủ nghĩa phải làm sao cho đời sống vật chất ngày một tăng, đời sống tinh thần ngày một tốt, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ.

Đó là tư duy phát triển, phát triển bền vững mà Hồ Chí Minh luôn chú trọng trong định hướng và thúc đẩy sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không tách rời mà liên hệ mật thiết với quốc tế và thế giới. Với Hồ Chí Minh, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải tuân thủ các yêu cầu: “Đúng quy luật, thuận lòng dân và hợp thời đại”.

Những luận đề tư tưởng đó của Người trở thành kim chỉ nam hành động của Đảng và Nhân dân ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó là những giá trị bền vững mãi mãi có tính thời sự, mới mẻ và hiện đại. Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng thấm nhuần sâu sắc quan điểm thực tiễn, quan điểm phát triển và đổi mới sáng tạo. Người là con người hành động với phương pháp tư duy biện chứng đặc sắc. Người là nhà biện chứng thực hành:

“Thực hành sinh ra hiểu biết

Hiểu biết tiến lên lý luận

Lý luận lãnh đạo thực hành”(1).

Người luôn căn dặn chúng ta, lý luận phải liên hệ với thực tiễn, phải chú trọng nâng cao trình độ hiểu biết lý luận, trọng lý luận, chống bệnh coi khinh lý luận, phải khắc phục thói lý luận suông, chủ nghĩa kinh nghiệm, bệnh hình thức và giáo điều. Phải có tinh thần đổi mới sáng tạo, ham học, ham làm, ham tiến bộ, ham chuộng các công việc thực tế, luôn liên hệ mật thiết với quần chúng. Phải ra sức thực hành Dân chủ - Dân vận và Đoàn kết. Có quyết tâm, tín tâm và đồng tâm, làm cho dân giác ngộ, dân tin tưởng, dân yêu mến, dân giúp đỡ, dân ủng hộ và dân bảo vệ thì cách mạng mới thành công. Muốn được như vậy thì phải ra sức làm điều lợi cho dân, tránh điều hại tới dân, không làm điều gì trái ý dân. Phải gương mẫu, tận tụy, hi sinh, “Dĩ công vi thượng”, gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất, hợp lòng dân nhất, “một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Quan trọng nhất là phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, tẩy sạch quan liêu, đầy lùi tham nhũng, nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, làm cho Đảng cầm quyền phải thật trong sạch để thật vững mạnh, là đạo đức, là văn minh để dân tin, dân theo. Phải có bản lĩnh không màng danh lợi, suốt đời ở ngoài vòng danh lợi để toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, làm đầy tớ trung thành và công bộc tận tụy của dân.

“Giữ chủ nghĩa cho vững”, “ít lòng ham muốn về vật chất” là lẽ sống của người cách mạng(2). Có một Đảng chân chính cách mạng như vậy, có một đội ngũ cán bộ đảng viên như vậy thì mới có đủ uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trong nhân dân, mới quy tụ được lòng dân, mới phát huy được sức mạnh đoàn kết, sáng tạo vô tận của nhân dân. Nhờ đó, cách mạng mới phát triển và thắng lợi. Đảng lãnh đạo và cầm quyền bằng khoa học, bằng Dân chủ và Đoàn kết, bằng đạo đức và văn hóa… là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, mà “cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(3). Đảng không có lợi ích riêng, chỉ một lòng một dạ vì Tổ quốc và nhân dân, làm tất cả chỉ vì hạnh phúc của nhân dân. Đây là chỉ số quan trọng bậc nhất của phát triển. Tư tưởng cao quý đó của Hồ Chí Minh luôn nhất quán và được chứng thực bằng hành động phấn đấu không mệt mỏi của Người bởi Người đã hiến dâng cả đời mình, không một chút riêng tư cho hạnh phúc của nhân dân.

Ngày 14/7/969, gần hai tháng trước khi qua đời, trả lời nhà báo Cuba - nữ đồng chí Mác ta Rô hát, Người đã nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho nhân dân tôi”(4).

Toàn bộ Di tích Hồ Chí Minh trên đất nước ta, ở mọi nơi, mọi miền, cũng như ở nước ngoài, nơi in dấu ấn hoạt động của Người, nơi lưu giữ những kỷ vật và kỷ niệm về Người, cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể là sự thể hiện sinh động toàn bộ tư tưởng - đạo đức - phong cách của Hồ Chí Minh - Người yêu nước 100% và người cộng sản 100%, như đánh giá của bạn bè quốc tế và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhắc lại(5). Ông còn nhấn mạnh rằng, “đời Hồ Chí Minh trong như ánh sáng”(6).

Di tích Hồ Chí Minh, đúng hơn là quần thể Di tích Hồ Chí Minh, chỉ nói riêng ở thủ đô Hà Nội đã hết sức phong phú và đặc sắc. Đó là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người, đó là Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi thể hiện qua hệ thống hiện vật, bút tích, tái hiện các chặng đường lịch sử hơn 6 thập kỷ hoạt động của Người với muôn vàn sự kiện sống động, kể cả trưng bày các mẫu chữ ký của Người qua từng thời kỳ của một cuộc đời, một con người Huyền thoại, cả sự tái hiện “Không gian Di chúc” của Người. Đó còn là Nhà sàn - nơi Người ở và làm việc, vườn cây, ao cá Bác Hồ - một minh chứng sinh động về đời sống giản dị, tâm hồn, tư tưởng thanh cao của Hồ Chí Minh. Cách thủ đô Hà Nội 60km là Đá Chông (Ba Vì) gắn với biệt danh K9, K84 - nơi gìn giữ thi hài của Người từ khi Người mất đến khi đưa Người vào Lăng ở quảng trường Ba Đình. Nhà 67 là nơi Người ở những ngày lâm bệnh và trút hơi thở cuối cùng vào 9 giờ sáng ngày 02/9/1969. Còn biết bao địa điểm, sự kiện, hình ảnh, tái hiện cuộc sống và hoạt động của Người tại Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Quần thể Di tích Hồ Chí Minh ở khắp mọi nơi được nói đến như Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, từ làng Sen (quê nội), làng Hoàng Trù (làng Chùa, quê ngoại) trên đất kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An cho đến Huế, Dục Thanh - Phan Thiết, Bình Khê - Bình Định cho đến bến Nhà Rồng, Sài Gòn, Người ra đi tìm đường cứu nước ngày 05/6/1911 khi Nguyễn Tất Thành - Văn Ba mới 21 tuổi. Và, cuộc hành trình tìm đường đi cho dân tộc kéo dài 30 năm (1911-1941), Người đã đi qua các đại dương, các châu lục, đặt chân tới trên 30 nước và vùng lãnh thổ khác nhau. Hình dung Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh ở nước ngoài là vẽ lại bản đồ lịch sử của cuộc hành trình của lãnh tụ, vĩ nhân đã đi qua Á - Âu - Phi - Mỹ, đã làm thay đổi bước ngoặt số phận dân tộc Việt Nam với ngọn cờ dẫn đường Hồ Chí Minh. Từ Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc đến Hồ Chí Minh, các dấu ấn của Người từ cuộc đời làm thợ, “vô sản hóa”, từ cuộc đấu tranh chống đế quốc thực dân đến khi trở thành nguyên thủ quốc gia. Ở các nước Người đã đi qua, đã đến… đều định hình Không gian Văn hóa về Người với bảo tàng, tượng đài, vườn hoa, trường học, công viên, đường phố mang tên Người trong tình cảm ngưỡng mộ của toàn thế giới. Và, tất cả các địa phương ở miền Bắc - nơi Người đã đến thăm hoặc có thư từ cho đồng bào với sự chu đáo, ân cần, thương yêu của Người là những nơi còn lưu giữ mãi hơi ấm của Người. Với miền Nam, đồng bào miền Nam luôn ở trong trái tim Người. “Di tích Hồ Chí Minh”, “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” - dù ở nơi đâu, dù nhắc đến vào lúc nào, với ai, người dân trong nước và bạn bè quốc tế đều vô cùng xúc động và thiêng liêng với những sắc thái, cung bậc tình cảm khác nhau. Đó sẽ là nguồn trữ năng tinh thần vô giá và vô tậnlắng sâu trong ký ức lịch sử Việt Nam và thế giới nhân loại, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị vĩnh hằng của tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh, nuôi dưỡng sự sống, giữ vững niềm tin, thúc đẩy hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, cho ngày nay, cho ngày mai và cho muôn đời sau.

  1. Làm gì và làm như thế nào để lan tỏa giá trị Di tích Hồ Chí Minh trong giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta hiện nay

Lan tỏa giá trị Di tích Hồ Chí Minh càng rộng rãi và sâu sắc bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu cho việc giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ - thiếu niên, nhi đồng, thanh niên, học sinh, sinh viên hiện nay. Đây là một trong những phương hướng, giải pháp trọng yếu để truyền bá và phát huy ảnh hưởng những giá trị của Tư tưởng và Di sản Hồ Chí Minh ở trong nước và ngoài nước.

Từ gần 2 thập kỷ nay, Đảng ta đã nỗ lực đẩy mạnh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, tiến đến nhận thức mới đầy đủ và sâu sắc hơn, học tập và làm theo Tư tưởng - Đạo đức - Phong cách Hồ Chí Minh. Gần đây, từ sáng kiến của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đang chú trọng xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, tạo ra môi trường văn hóa để giáo dục cho đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong các nhà trường học tập và làm theo Tư tưởng -Đạo đức - Phong cách của Người. Giải pháp này có tầm chiến lược lâu dài, tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ để thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách và lối sống, trong Đảng và hệ thống chính trị thì ra sức xây dựng và chỉnh đốn để thực sự trong sạch và vững mạnh, để củng cố và phát huy niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ, quyết tâm thực hiện khát vọng phát triển, thực hiện bằng được tâm nguyện của Người, tạo nên những kỳ tích phát triển của Việt Nam trong Thời đại Hồ Chí Minh.

Vậy, phải làm lan tỏa những gì thuộc về giá trị Di tích Hồ Chí Minh và làm lan tỏa những giá trị đó như thế nào? Đó chính là sự thống nhất hữu cơ chỉnh thể giữa nội dung và phương pháp giáo dục, giữa khoa học và nghệ thuật giáo dục.

Kể từ khi Hồ Chí Minh qua đời đến nay đã được 54 năm. Bản Di chúc của Người đã có lịch sử 58 năm. Thế hệ những người sinh ra khi đất nước đổi mới, đến nay đã gần 40 tuổi. Thanh thiếu niên, nhi đồng sinh ra vào đầu thế kỷ XXI nay cũng đang là học sinh, sinh viên đang trưởng thành, vào đời lập thân, lập nghiệp, lại đang hàng ngày chịu tác động sâu sắc của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với cả mặt tích cực lẫn tiêu cực, những mặt trái và hệ lụy xã hội của nó. Thời cơ, vận hội phát triển là to lớn mà thách thức, nguy cơ cũng vô cùng nghiệt ngã. Phải đổi mới sáng tạo để phát triển bền vững và chủ động phòng tránh nguy cơ rơi vào phản phát triển. Phải thích ứng với môi trường quốc tế, thành công dân toàn cầu nhưng không tự đánh mất mình cũng như hội nhập mà không đánh mất văn hóa dân tộc và bản sắc dân tộc mình. Muốn vậy phải đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng, mục đích, động cơ sống, bồi dưỡng tình cảm, giữ vững niềm tin và bản lĩnh.

Giáo dục giá trị trong tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh, lan tỏa giá trị Di tích Hồ Chí Minh là câu trả lời cho vấn đề đặt ra hết sức quan trọng và hệ trọng cần phải nhận thức đúng và thực hành sáng tạo.

Cần chú trọng vào những việc làm thiết thực sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu trên hai bình diện lý luận và lịch sử về tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh, liên quan trực tiếp đến Di tích Hồ Chí Minh. Có nghiên cứu tốt mới có thể làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá rộng rãi trong xã hội những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, về tư tưởng - đạo đức -phong cách của Người, về những hoạt động đa dạng, phong phú của Người, tạo sự thống nhất nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về công lao vĩ đại của Người đối với dân tộc và nhân loại, bồi dưỡng tình cảm và nâng cao niềm tin đối với lý tưởng, mục tiêu và con đường mà Hồ Chí Minh lựa chọn. Các thế hệ người Việt Nam sinh ra từ khi Người qua đời, nhất là lớp trẻ hiện nay chỉ có thể hiểu biết về Người một cách gián tiếp qua các tư liệu lịch sử thông qua giáo dục, tuyên truyền. Nếu không coi trọng và không làm tốt công tác này thì sẽ dẫn đến tình trạng hẫng hụt sự tiếp nối, kế thừa giữa các thế hệ. Cần làm sống động việc tuyên truyền về vĩ nhân, danh nhân Hồ Chí Minh, làm cho mọi người cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết của Bác Hồ đối với mọi người Việt Nam, với bạn bè thế giới. Thời gian càng lùi xa, hình tượng Hồ Chí Minh, huyền thoại Hồ Chí Minh dường như trở thành cổ tích nếu ta không làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về Người một cách có hiệu quả. Giới lý luận và đội ngũ các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp về Hồ Chí Minh phải làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ này. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tàng và thư viện, nhất là các cán bộ thuyết minh tại các điểm di tích Hồ Chí Minh phải thường xuyên học tập, nghiên cứu, phải được đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để có thể giới thiệu, thuyết minh có sức truyền cảm nhất, gây xúc động lòng người khi được nghe, được xem trực tiếp những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Người trong mỗi chặng đường cách mạng.

Những hoạt động này còn góp phần vào cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định và phát huy các giá trị tư tưởng, các bài học đạo đức từ cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đảng ta đã có chủ trương đưa vào trong tất cả các nhà trường ở mọi cấp học, từ mầm non đến tiểu học, trung học, đại học và sau đại học của hệ thống giáo dục quốc dân nội dung, chương trình giảng dạy về Hồ Chí Minh. Điều quan trọng là xác định nội dung và các phương pháp, hình thức giảng dạy phù hợp với từng đối tượng, đồng thời có đội ngũ giáo viên thực sự gương mẫu về đạo đức, có trình độ chuyên môn vững vàng, có nhiệt tình và tâm huyết, có phương pháp sư phạm tinh tế để có thểtruyền cảm hứng, gieo niềm tin, nuôi dưỡng cảm xúcđối với người học, người nghe. Lao động bền bỉ và sáng tạo của đội ngũ các nhà giáo dục, nhà tuyên truyền sẽ làm tốt tính lan tỏa giá trị, ý nghĩa, sức sống của Di tích Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ hai, đầu tư nguồn lực, nhân tài vật lực vào việc tôn tạo, bảo tồn, phục chế (tài liệu, hiện vật) các di tích Hồ Chí Minh, từ trung ương tới các địa phương và cơ sở, làm cho từng di tích đến quần thể và hệ thống di tích Hồ Chí Minh trong cả nước phát huy được tác dụng, hiệu quả giáo dục tuyên truyền. Tác dụng này không chỉ đến với người Việt Nam mà còn với bạn bè quốc tế, khách du lịch tới Việt Nam khi họ được tiếp xúc, được có cơ hội hiểu biết và cảm xúc cùng chúng ta về Hồ Chí Minh. Đối với các di tích Hồ Chí Minh ở nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô cũ và nước Nga hiện nay, Pháp, Anh, Mỹ, Cuba, Venezuela, Mỹ Latinh, gần hơn là Thái Lan, Lào, Campuchia) cần có sự hợp tác của Việt Nam với các nước để phát huy ảnh hưởng các di tích này trong cộng đồng quốc tế.

Thứ ba, đặc biệt phát huy tác dụng truyền cảm của các loại hình nghệ thuật, sáng tác và biểu diễn về hình tượng Hồ Chí Minh: âm nhạc, sân khấu, kịch nói, điện ảnh, hội họa, triển lãm, lễ hội… để nhân lên sức mạnh tinh thần, sức cộng hưởng mạnh mẽ các nguồn cảm xúc của mọi lớp người, mọi đối tượng công chúng thuộc mọi thế hệ đối với Bác Hồ kính yêu.

Với lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình cần tận dụng lợi thế riêng của các loại hình này, kết hợp truyền tin (truyền tải thông tin) với truyền cảm xúc, truyền cảm hứng về Hồ Chí Minh. Đặc biệt khai thác theo chủ đề: Tình cảm của Bác với các giới đồng bào, với thanh thiếu niên, nhi đồng, với miền Nam, với quê hương, với đồng bào dân tộc thiểu số tại các căn cứ địa cách mạng - nơi in dấu ấn lịch sử của Người. Cần đẩy mạnh việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong cả nước, ở tất cả các địa phương có điều kiện, tái hiện những kỷ niệm sâu sắc của Bác Hồ với các chiến sĩ bộ đội, công an, thanh niên xung phong trong hai cuộc kháng chiến. Tận dụng, phát huy tác dụng giáo dục từ các không gian văn hóa này ở những địa bàn trọng điểm. Nghệ An (quê hương Bác), thành phố Hồ Chí Minh -nơi có Bến cảng Nhà Rồng, Bác đi tìm đường cứu nước, Huế - nơi tuổi thơ Bác Hồ đã chứng kiến nỗi đau mất mẹ, Hà Nội - nơi Người đọc Tuyên ngôn độc lập, nơi diễn ra tang lễ vĩnh biệt Người, các ATK từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn,… với biết bao kỉ niệm về Người, nơi gắn bó tình nghĩa sâu nặng của Người với Đảng, với dân…

Thứ tư, tổ chức thật công phu, khoa học và đạt kết quả cao, có tác dụng tạo động lực thúc đẩy sự quan tâm to lớn, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân đối với Bác Hồ từ các cuộc thi kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các giảng viên lý luận, các sinh viên, học sinh trong nghiên cứu, quảng bá thông tin về Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện các tài năng, nhất là lớp trẻ trong sứ mệnh lan tỏa giá trị Di tích Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh văn hóa đọc nói chung, nhất là đọc và truyền bá các tác phẩm của Hồ Chí Minh từ chính luận đến các thể loại khác: báo chí, thơ văn, thư từ, trả lời phỏng vấn của Người, học tập Người về phong cách, nhất là phong cách ứng xử, thể hiện đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh.

Thứ năm, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và các bài học từ 20 năm nay về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người từ trung ương tới địa phương và cơ sở. Nâng cao chất lượng, tác dụng, hiệu quả từ việc triển khai nhiệm vụ quan trọng này, đồng thời điều chỉnh các biện pháp, cách làm trong công tác chỉ đạo của Trung ương, của cấp ủy các cấp, các ngành sao cho phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu mới, hoàn cảnh mới, với trình độ, đặc điểm, tâm lý, nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng khác nhau trong học tập và làm theo Bác.

Đó là 5 biện pháp chủ yếu, thiết thực cần chú trọng trong triển khai các hoạt động nhằm lan tỏa giá trị Di tích Hồ Chí Minh trong giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng môi trường văn hóa, tâm lý đạo đức lành mạnh, góp phần chấn hưng đạo đức, chấn hưng văn hóa Việt Nam theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 120.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Sđd, tr. 280.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Sđd, tr. 284.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Sđd, tr. 674.

(5) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 374 - 375.

(6) Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh - Tinh hoa và khí phách của dân tộc, Sđd, tr. 89.

GS, TS Hoàng Chí Bảo

Bài viết khác: