BBT: Ban biên tập Trang tin điện tử Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng đăng tải bài tham luận “Tổng quan những giá trị cơ bản của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh của TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hội thảo khoa học: "Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào giáo dục chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam".
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là nơi lưu lại dấu ấn về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực, mà còn là những bằng chứng lịch sử thể hiện tầm tư tưởng của Người trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Hơn thế nữa, Người còn khao khát hướng đến giải phóng giới cần lao trên toàn thế giới. Do đó, không chỉ nhân dân Việt Nam tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn trước công lao to lớn của Người mà bạn bè yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới cũng dành cho Người những tình cảm hết sức tốt đẹp.
Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là những chỉ báo cụ thể và là cầu nối để phát huy giá trị di sản của Người đối với hậu thế. Đồng thời, các di tích, lưu niệm là những điểm đến đáp ứng nhu cầu tâm linh, tỏ lòng kính trọng, biết ơn của nhân dân trong nước và bạn bè trên thế giới tưởng nhớ Người.
Để tưởng nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước, các cơ quan ngoại giao đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đối với hàng trăm di tích về Người trong cả nước và nhiều di tích ở nước ngoài.
1. Tổng quan về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
a) Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong nước
Năm 2009, Bảo tàngHồ Chí Minh đã xuất bản cuốn sách “Di tích và địa điểm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam”. Cuốn sách đã tổng hợp được 658 di tích và địa điểm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh phân bố ở 34 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cho đến nay, số lượng di tích đã tăng lên 900 di tích và địa điểm di tích. Tính riêng Thủ đô Hà Nội, số lượng di tích và địa điểm di tích về Người là 338(1).
Những di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam, là nơi Người sống, làm việc, trực tiếp đưa ra những chỉ đạo quan trọng tiến tới thành công của cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chiến thắng Điện Biên Phủ - chấn động địa cầu…
900 di tích và địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khắc ghi những dấu ấn về thân thế và sự nghiệp của vị lãnh tụ thiên tài mà nhân dân Việt Nam hết mực kính trọng. Đây là những điểm đón tiếp nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến chiêm bái, tưởng nhớ và tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với Người.
b) Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài
Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung, là biểu tượng của đấu tranh chống áp bức, bất công, là sứ giả của hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc. Với những đóng góp to lớn và quan trọng trên nhiều lĩnh vực cho Việt Nam và trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra nghị quyết tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”. Người đã được nhiều quốc gia trên thế giới vinh danh, tưởng nhớ thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Các hình thức, công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới chủ yếu bao gồm: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đài kỷ niệm và bia biển lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ngoài trời; Các công trình nhà máy, trường học, xí nghiệp, đường phố, công viên,… mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thờ phối Chủ tịch Hồ Chí Minh ở các đình, chùa, đền, miếu.
Bên cạnh các di tích, nhiều nước đặt tên Người cho các Đại lộ lớn như Algeria, Angola, Mozambique, Liên bang Nga… Hiện nay, có tới 35 công trình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng tại hơn 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia khác biệt về hệ chính trị, cho thấy tình cảm của chính quyền, nhân dân thế giới với Người.
Chúng ta có thể kể được các di tích, lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới nhưng không thể kể hết được tình cảm và lòng ngưỡng mộ của bạn bè năm châu dành cho Người. Đúng như lời phát biểu của Tiến sĩ Modagat Ahmed, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương: “…Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hi vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này…”(2).
2. Những giá trị cơ bản về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh dù ở trong nước hay ngoài nước đều là những chỉ báo cụ thể và là cầu nối để phát huy giá trị di sản của Người đối với hậu thế. Do đó, việc tìm hiểu vai trò, giá trị của Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đưa chúng ta tới chỗ tìm hiểu về giá trị di sản về Người.
a) Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị “cầu nối” với di sản về Người
Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là “cầu nối” để chúng ta đi sâu nghiên cứu, học tập và làm theo tư tưởng của Người. Nó dẫn đường cho chúng ta đến gần hơn với Người thầy vĩ đại. Để từ đó, chúng ta tiếp cận được ánh sáng của khoa học, của tri thức, của chân lý cách mạng. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Những ông thầy của chúng ta là bậc thầy ở chỗ những nhà khoa học lỗi lạc đó để lại cho chúng ta những nguyên lý, những luận điểm, những phương pháp, giúp chúng ta đi sâu tìm tòi, nghiên cứu và phát hiện những bài toán nảy sinh từ cuộc sống và tìm ra câu giải đáp. Di sản đó có giá trị to lớn, sâu xa và lâu dài ở chỗ nó không qua đi với thời gian, trái lại càng phát huy tác dụng, càng sinh hoa kết trái với diễn biến của lịch sử, của thời đại”(3).
Thông qua Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã nhận được di sản mà Người để lại là vô cùng vĩ đại với thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám lịch sử, tiến tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945) đến thành công thống nhất đất nước (1975). Nhưng không dừng lại ở đó, di sản Hồ Chí Minh vẫn luôn phát huy giá trị cho đến tận ngày nay và mãi mai sau như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: “Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi(4).
Khi viết Lời giới thiệu cho cuốn sách tổng hợp các bài tham luận của Hội thảo khoa học nhân dịp Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (tái bản lần thứ nhất), PGS, TS Bùi Đình Phong đã nhấn mạnh: “Đọc lại toàn bộ di sản Hồ Chí Minh, trước hết chúng ta cần khẳng định di sản đó mang bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn. Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị khái quát như một chân lý khoa học…”(5).
Trên thực tế, các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang lại những giá trị lớn lao trong việc xây dựng “cầu nối” cho việc tìm tòi, nghiên cứu, học tập và vận dụng vào thực tế đối với di sản mà Người để lại. Di sản đó, đã, đang và mãi mãi soi đường cho chúng ta đi đến tương lai tươi sáng của quốc gia, dân tộc và nhân loại.
b) Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị “chứng tích” lịch sử
Mỗi di tích, điểm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gắn liền với sự nghiệp cách mạng đấu tranh, giải phóng dân tộc, kiến thiết nước nhà và hơn thế nữa là giải phóng giới cần lao trên thế giới khỏi ách áp bức, bóc lột. Do đó, các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là những “chứng tích” đánh dấu những thời khắc lịch sử, những bước tiến của cách mạng Việt Nam do Người lãnh đạo trong sự nghiệp chung của cách mạng thế giới. Những “chứng tích” đó càng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng suốt, là khoa học và đúng đắn.
Nếu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên là những “chứng tích” về tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung thì Bến Cảng Nhà Rồng là một “chứng tích” ghi dấu thời khắc Nguyễn Tất Thành xuống tàu đi tìm đường cứu nước với cái tên “Văn Ba”.
Đến Đại hội Tua (Pháp) năm 1920 với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, là đại biểu duy nhất của Đông Dương được cử đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ 18, Đảng xã hội Pháp tại thành phố Tua. Tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc kịch liệt tố cáo bọn đế quốc đã gây ra những tội ác tày trời đối với nhân dân Đông Dương.
Tại Xiêm (Thái Lan), Thầu Chín đã trực tiếp xây dựng và chỉ đạo xây dựng nhiều cơ sở cách mạng những năm (1928 - 1929) và đã để lại các di tích ở Phì Chịt, Nakhon Phanom, Uđon Thani… Ngày 04/02/2017, lễ khai trương và gắn biển cho con đường mang tên Thầu Chín đã được tổ chức trọng thể tại bản Nọng Ổn, huyện Mương, tỉnh Udon Thani(6). Đây không chỉ là “chứng tích” cho thời kỳ hoạt động cách mạng của người trên đất Xiêm mà còn là “chứng tích” cho tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan.
Đến hoạt động ở Nga, Trung Quốc và các nước khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng để lại nhiều dấu ấn lịch sử và hàng loạt các di tích ra đời sau này. Cho đến mùa Xuân năm 1941, Hồ Chí Minh trở về nước xây dựng căn cứ địa cách mạng ở Pác Bó (Cao Bằng), đến nay đã thống kê được 72 di tích và địa điểm di tích về Người. Từ đây, Người đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng sự kiện Người đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đây là “chứng tích” quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, giặc Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cùng Trung ương Đảng và toàn quân, toàn dân trải qua 9 năm kháng chiến tiến tới Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Thời kỳ này, Người đã để lại nhiều “chứng tích” ở Thái Nguyên, Bắc Kạn và đặc biệt tại Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) với Khu Di tích Chủ tịch phủ; Thủ tướng phủ (thời kỳ 1947-1954)...
Kháng chiến 9 năm thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở về thủ đô Hà Nội. Từ đây, Người sống và làm việc tại Nhà sàn ở khu vực Phủ Chủ tịch. Cho đến cuối đời, Người đã đến thăm và làm việc tại 292 địa chỉ ở Thủ đô Hà Nội, nay trở thành 292 di tích và địa điểm di tích về Người. Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đi thăm và làm việc tại 34 tỉnh, thành phố trong cả nước, đã để lại hàng trăm di tích, điểm di tích. Đặc biệt nhất, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi Người an nghỉ để ngày ngày, con cháu từ khắp mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến với Người.
Mỗi di tích, địa điểm di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh đều ghi đậm dấu ấn về Người như một “chứng tích” lịch sử. Những “chứng tích” này không chỉ đánh dấu bước tiến của cách mạng Việt Nam do Người lãnh đạo mà còn là bằng chứng khẳng định sự sáng suốt, khoa học và đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh khi được áp dụng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất và kiến thiết nước nhà.
c) Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị biểu tượng cho tư tưởng của Người
Các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trong và ngoài nước đã trở thành những “biểu tượng” cho học thuyết chính trị của Người. Khi đến chiêm bái các di tích, chúng ta không những tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Người mà còn kính phục Người bởi những lý luận đã được Người áp dụng thành công trong thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam và giới cần lao trên toàn thế giới.
Lịch sử đã chứng minh, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, thuộc địa là đúng đắn và sáng suốt. Trong đó, nổi bật có luận điểm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã được thực tiễn minh chứng về tính khoa học và thực tiễn bởi những thành tựu cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do đó, những di tích lưu giữ những dấu ấn về vị“Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất” Hồ Chí Minhđã trở thành những “tượng đài” mang giá trị biểu trưng cho di sản về Người. Đúng như Đại tướng Phùng Quang Thanh đã khẳng định: “Trong hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là một luận điểm mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là một giá trị to lớn trong học thuyết cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(7).
Trước làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế ngày một mạnh mẽ, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” lại càng trở nên có giá trị. Trên con đường xây dựng và kiến thiết nước nhà, chúng ta phải đảm bảo vừa giữ vững độc lập, tự chủ cả về chính trị và kinh tế, không bị phụ thuộc, lệ thuộc vào bên ngoài, vừa từng bước tham gia vào tiến trình hội nhập, giao lưu và hợp tác quốc tế, trong “sân chơi” của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Để làm được điều đó, chúng ta phải kiên định chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” làm kim chỉ nam cho hành động. Và chính Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là những “biểu tượng” luôn nhắc nhở chúng ta phải kiên định với chân lý đó.
d)Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị phát huy di sản văn hóa Việt Nam và tinh hoa nhân loại
Mỗi Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản văn hóa vật thể, hàm chứa và khơi gợi kho tàng di sản văn hóa phi vật thể về Người. Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người là một cặp “phạm trù” không thể tách rời về di sản Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; là sự kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong suốt hành trình bôn ba khắp năm châu, bốn biển, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nhiều nghề, thông thạo nhiều ngôn ngữ, tiếp xúc nhiều nền văn hóa. “Tất cả những ảnh hưởng quốc tế đó đã hòa quyện vào cái gốc văn hóa truyền thống dân tộc không gì lay chuyển được ở Người, để trở thành một nhân cách lớn, một lối sống bình dị, rất Việt Nam, rất phương Đông, nhưng cũng rất mới, rất hiện đại. Người là tượng trưng cho sự kết hợp hài hòa giữa các nền văn hóa để “tỏa ra một nền văn hóa của tương lai”(8).
Việc bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ góp phần phát huy giá trị di sản về Người. Vốn di sản văn hóa Việt Nam và tinh hoa nhân loại đã được Người lựa chọn, tiếp thu và phát triển cũng vì thế mà được phát huy.
3. Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
a) Rà soát, lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng các di tích
Xếp hạng di tích là một trong những căn cứ pháp lý để xây dựng các quy hoạch, kế hoạch triển khai thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị các di tích. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 2009, cả nước có 658 Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong 14 năm trở lại đây đã có những di tích và điểm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh được nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng. Trên thực tế, vẫn còn những di tích và địa điểm di tích chưa được xếp hạng.
Đây là một trong những trở ngại pháp lý trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di tích. Đã có một số điểm di tích bị xuống cấp hoặc chỉ còn lại những dấu vết nền móng do không được bảo vệ.
Việc rà soát, xây dựng hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền xếp hạng phù hợp với từng loại hình các cụm di tích, điểm di tích còn lại là việc cần phải làm ngay.
b) Xây dựng quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với cácDi tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Nếu xếp hạng di tích là cơ sở pháp lý đầu tiên xác định di tích, điểm di tích thì quy hoạch là căn cứ pháp lý về khoanh vùng bảo vệ và định hướng cho các hoạt động bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích.
Cho đến nay, vẫn còn một số Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh có quyết định xếp hạng nhưng chưa có quyết định phê duyệt quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi, ngay cả đối với di tích quốc gia đặc biệt. Hơn thế nữa, công tác tham mưu xây dựng quy hoạch di tích cần phải tính đến sự khả thi và đồng bộ. Quy hoạch di tích phải phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng, không đi ngược với các quy hoạch, chiến lược quốc gia.
Để khai thác và phát huy giá trị các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu quả, việc xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch di tích và địa điểm Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước là điều cần thiết và cấp bách.
c) Xây dựng cơ sở dữ liệu số tiến tới số hóa di sản Hồ Chí Minh tại các di tích
Số hóa đang là xu hướng tất yếu của tất cả các ngành trong quá trình vận động và phát triển. Việc phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không thể nằm ngoài quy luật đó. Việc số hóa di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các di tích về Người nhằm phục vụ nhu cầu khai thác của du khách là điều cần thiết và cấp bách hiện nay.
Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin nhằm lan tỏa nhanh nhất, nhiều nhất di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các di tích, địa điểm di tích về Người tới công chúng.
Tăng cường hoạt động sưu tầm bổ sung tài liệu, hiện vật, lời kể nhân chứng đối với các di tích, đặc biệt đối với các di tích chưa được xếp hạng làm cơ sở khoa học cho việc phát huy giá trị di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Xây dựng cơ sở dữ liệu số tiến tới số hóa di sản Hồ Chí Minh tại các di tích không chỉ tạo thuận lợi trong việc tiếp cận của du khách quốc tế trong bối cảnh hiện nay mà còn góp phần bảo vệ và phát huy di sản về Người trong cả tương lai.
d) Liên kết tuyến, điểm du lịch nhằm phát huyDi tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Có thể nói, hầu hết khách thăm quan Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là khách du lịch. Họ không thuần túy đi du lịch để tìm hiểu riêng về di tích. Do đó, việc liên kết đáp ứng nhu cầu kép của các du khách là điều cần thiết. Muốn làm được việc này, chúng ta cần xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch, hoạt động liên kết cụ thể sau:
Xây dựng, liên kết các tuyến, điểm du lịch để du khách có cơ hội tiếp cận với Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thiết chế văn hóa khác.
Gắn phát triển du lịch với phát huy giá trị di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua việc quy hoạch du lịch dựa trên sự khai thác hiệu quả di tích và địa điểm di tích vể Người.
e) Tổ chức các sự kiện lồng ghép phát huy Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Du khách thăm quan Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều đối tượng khác nhau. Trong đó, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn là lực lượng có đóng góp lớn cho việc quảng bá di sản về Người. Chúng ta cần tạo ra môi trường để họ có thể nghiên cứu, sáng tác dựa trên sự tiếp xúc, tìm hiểu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, sáng tác nghệ thuật dựa trên vốn kiến thức hiểu biết về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biện pháp khả thi và hiệu quả. Việc tạo môi trường, cơ hội tiếp cận Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tạo nguồn cảm hứng sáng tác, nghiên cứu của các học giả, các nghệ sĩ và người đam mê.
Phối hợp với các đại sứ quán, lãnh sự quán ở nước ngoài, tổ chức các chương trình, sự kiện nhân các dịp kỷ niệm lớn của Việt Nam và quốc tế kết hợp giới thiệu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại các di tích và địa điểm di tích về Người ở nước ngoài.
f) Nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan tại các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
Việc xâu chuỗi các hoạt động thăm quan, trải nghiệm với điểm nhấn là Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần thiết phải kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thường xuyên nâng cao chất lượng phục vụ của các di tích lưu niệm, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh của du khách trong và ngoài nước tại các di tích về Người.
Phát huy giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống. Kết hợp tham quan Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với các công trình văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc tiêu biểu, bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam…
Thay lời kết
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Các di tích về Người trên đất nước Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung ngày càng chứng minh được giá trị của mình, giới thiệu về Hồ Chí Minh đến khắp năm châu với tư cách một vị “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam” một cách chân thực, sống động nhất đến công chúng. Chính vì vậy, cần nhận thức đúng đắn giá trị Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh để có cách khai thác hiệu quả, góp phần phát huy tốt nhất di sản văn hóa Hồ Chí Minh đến với khách thăm quan trong và ngoài nước./.
Chú thích:
(1) Phòng Hướng dẫn nghiệp vụ - Bảo tàng Hồ Chí Minh, Số liệu thống kê di tích và địa điểm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Hà Nội, 2022.
(2) Modagat Ahmed, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh - trích tham luận của các đại biểu quốc tế, UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.34-37.
(3) Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.110.
(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thế giới còn đổi thay, nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.
(5) PGS, TS Bùi Đình Phong, Giá trị di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay, Nxb Thanh niên, Tái bản lần thứ nhất, Hà Nội, 2017, tr.8.
(6) Quang Trung - Xuân Hùng: Bí danh “Thầu Chín” của Bác Hồ được gắn tên cho con đường ở Thái Lan,VOV-Bangkok, https://vov.vn, 05/02/2017.
(7) Đại tướng Phùng Quang Thanh, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ý nghĩa lịch sử và giá trị hiện thực,theo http://dangcongsan.vn.
(8) Vũ Kim Yến, Chủ tịchHồ Chí Minh và hành trình tiếp biến văn hóa nhân loại, In trong “Hồ Chí Minh với con đường giải phóng dân tộc”,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.150.
TS Vũ Mạnh Hà